Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Trình bày cảm nhận của anh (chị) về đoạn thơ sau: Dốc lên khúc khuỷu dốc thảm thẳm ... Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi

Thứ sáu - 03/01/2020 09:36
Hướng dẫn làm bài:
1. Giới thiệu
- Quang Dũng là một nhà thơ trẻ đầy tài hoa với một hồn thơ trung hậu, giàu tình yêu quê hương đất nước, rất nhạy cảm với vẻ đẹp của thiên nhiên, đất nước cũng như con người. Xuất hiện và khẳng định mình từ những ngày đầu kháng chiến chống Pháp, Quang Dũng đã đóng góp cho nền thơ ca kháng chiến một thi phẩm xuất sắc về đề tài người lính: bài thơ Tây Tiến. Viết về người lính bằng những kỉ niệm, những trải nghiệm của chính mình nên Quang Dũng đã tái hiện được một cách sinh động hình ảnh người lính trên nền thiên nhiên của một miền đất có nhiều nét độc đáo của Tổ quốc Việt Nam – miền Tây Bắc. Và thành công của Quang Dũng ở bài thơ này không chỉ ở chỗ ông tái hiện được vẻ đẹp độc đáo của người lính Tây Tiến mà còn ở những đoạn thơ xuất sắc về thiên nhiên Tây Bắc - một vùng đất vừa hiểm trở lại cũng vô cùng lãng mạn.
- Đoạn thơ trích đã thể hiện một cách sinh động những nét đẹp của miền đất xa xôi, góp phần định hình những cảm nhận đầu tiên về miền đất ấy cho bạn đọc.
2. Cảm nhận về đoạn thơ
a. Về nghệ thuật
- Nét đặc sác đầu tiên về nghệ thuật của đoạn thơ là nghệ thuật tạo hình: từ cách cấu trúc câu thơ đến cách dùng từ đều có tác dụng làm nổi bật lên những chạm khắc tạo ấn tượng không gian (kiểu câu trùng điệp “Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm”, kiểu câu có kết cấu thành hai vế đối lập “Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống” có giá trị tạo hình rất rõ, nó chạm khắc ấn tượng về không gian núi đồi, đèo dốc với núi cao, vực sâu. Các từ “khúc khuỷu”, “thăm thẳm”, “heo hút” giàu ý nghĩa tạo hình biểu cảm).
- Cách kết hợp từ ngữ độc đáo và sự biến hóa của thanh điệu cũng góp phần không nhỏ trong việc tạo ấn tượng mạnh về không gian, nó bổ sung với ý nghĩa của ngôn từ làm gia tăng khả năng biểu đạt của từ ngữ.
b. Về nội dung
- Câu 1: Điệp hai lần từ “dốc” tạo ấn tượng về một nét đặc trưng của địa hình Tây Bắc với núi đồi, đèo dốc trập trùng. Chữ “khúc khuỷu” vừa gợi cái quanh co của con đường vòng qua núi đồi, đèo dốc vừa gợi cái khấp khểnh gập ghềnh của đường đi. Chữ “thăm thẳm” vừa gợi chiều cao, vừa gợi độ sâu, vừa mở ra một không gian xa mờ. Quang dũng không chỉ tạo hình bằng ngữ nghĩa, ngay vẻ trúc trắc của âm hưởng của câu thơ có mật độ thanh trắc lớn cũng có ý nghĩa tạo hình để gợi ra những đứt gãy của không gian.
- Câu 2: Hai vế câu đối xứng - một vế tả không gian, một vế tả con người trên nền không gian ấy. Từ “heo hút” vừa gợi cái lạnh, vừa gợi cái vắng của không gian ở trên cao - nơi gió dạt xô lớp lớp khiến mây bị dồn lại thành “con”. Hình ảnh “cồn mây” là một sáng tạo độc đáo của thơ Quang Dũng. Vế sau của câu thơ, Quang Dũng không trực tiếp miêu tả hình ảnh người lính mà tả qua, một vật dụng thuộc sở hữu của anh: cây súng. Nét độc đáo là ở chỗ: nơi cao nhất, nơi tưởng như không có dấu chân người lại bất ngờ xuất hiện một mũi súng hướng lên cái xa xanh vô tận của bầu trời gợi liên tưởng tới sức mạnh của tuổi trẻ chinh phục không gian. Hơn nữa, cây súng trong tay người lính không còn là một vật thể vô tri, một phương tiện để tàn sát, hủy diệt mà trở thành một sinh thể có hồn, cũng khát khao khám phá và rất tò mò về thế giới xung quanh. Chữ “ngửi” gợi nét hồn nhiên, tinh nghịch của cây súng trong tay người lính trẻ - nó phản ánh tâm hồn và tính cách của anh.
- Câu 3: Câu thơ ngắt làm hai vế trong tương quan đối lập - một vế gợi chiều cao, một vế gợi độ sâu, một vế gợi chiều không gian đi lên, một vế gợi chiều không gian đi xuống. cả hai chiều không gian này đều được gợi tả bằng những nét vẽ đầy phóng khoáng. Cụm từ “ngàn thước” mô phỏng độ dốc đầy ấn tượng. Câu thơ làm nổi bật ấn tượng về độ gấp khúc dữ dội của không gian.
- Câu 4: Hình ảnh thân quen, bình dị “nhà ai” trong không gian mịt mờ của mưa núi tạo cảm giác cân bằng về tâm lý và cảm xúc sau những căng thẳng khi đối diện với một không gian hiểm trở và dữ dội. Thanh điệu trong câu thơ cũng rất đặc biệt: một thanh huyền trầm lắng và sáu thanh ngang êm dịu tạo hơi thở man mác, bâng khuâng. Thanh điệu và ý nghĩa của hình ảnh là sự bổ sung cần thiết để làm bật nét đẹp rất riêng của miền Tây Bắc.
3. Kết luận
- Bốn câu thơ đã tái hiện lại nét đẹp độc đáo của thiên nhiên Tây Bắc: vừa hùng vĩ, vừa hiểm trở lại vừa gần gũi, bình dị, thân quen. Những tương phản trong đặc điểm của không gian khiến miền Tây Bắc trở nên đầy hấp dẫn, lôi cuốn và kích thích trí tưởng tượng của người đọc.
- Để thể hiện nét đẹp độc đáo này, ngòi bút Quang Dũng như cũng là huy động tất cả sự tài hoa, tinh tế và phóng khoáng, lãng mạn. Nhờ vậy, không gian Tây Bắc mới hiển hiện sinh động để tạo nên những cảm xúc, cảm giác mạnh mẽ như thể người đọc được tiếp xúc trực tiếp với nó.

Bản quyền thuộc về Sách Thư Viện. Ghi nguồn sachthuvien.com khi đăng lại bài viết này.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây