Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

So sánh sự thể hiện của nỗi nhớ trong tình yêu ở hai bài thơ “Tương tư” (Nguyễn Bính) và Sóng (Xuân Quỳnh)

Thứ sáu - 03/01/2020 09:40
Hướng dẫn làm bài:
1. Giới thiệu
- Tình yêu vẫn là đề tài muôn thuở của văn chương mọi thời đại) bởi đề cập đến nó là đề cập đến phần riêng tư mà cũng phong phú thẳm sâu nhất của đời sống tinh thần, tâm hồn của con người. Khi viết về tình yêu cũng là khi cái tôi nhà thơ bộc lộ mình trọn vẹn nhất.
- Như một lẽ tự nhiên, tình yêu bao giờ cũng gắn liền với nỗi nhớ, bởi thứ cảm xúc đặc biệt này nuôi dưỡng và làm nên sự sống của tình yêu. Cũng thể hiện nỗi nhớ trong tình yêu song Nguyễn Bính trong bài thơ Tương tư và Xuân Quỳnh trong bài thơ Sóng lại có những khám phá và thể hiện riêng để tự bộc lộ mình và chia sẻ niềm đồng cảm với những trái tim yêu.
2. Phân tích
a. Điểm chung
- Đều đặt nhân vật trữ tình trong mối quan hệ với không gian và thời gian để thể hiện trọn vẹn nỗi nhớ ở mức độ lắng sâu, da diết nhất:
+ Nguyễn Bính: nỗi nhớ triền miên làm mòn héo cả thể chất và tinh thần “Ngày qua ngày lại qua ngày! Lá xanh nhuộm đã thành cây lá vàng”. Khi trái tim yêu đã tương tư thì nỗi tương tư cũng tràn ra khiến cả không gian xung quanh nhuộm màu nhung nhớ “Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông”.
+ Xuân Quỳnh: nỗi nhớ ắp đầy trong tâm hồn cả ngày và đêm, cả khi thức cũng như trong giấc ngủ. Mang trong trái tim tình yêu mãnh liệt, mọi khoảng cách không gian không còn là trở lực, không thể làm phai nhạt: dù “xuôi về phương bắc” hay “ngược về phương nam” thì em vẫn luôn hướng về anh.
- Đều cảm nhận được sự tác động mạnh mẽ của cảm xúc nhớ nhung đến mức con người dường như mất đi sự tự chủ:
+ Nguyễn Bính: “Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng” và là “bệnh” nên tạo ra sự yếu đuối đến bất thường của chàng trai - đã không thể chủ động bày tỏ tình yêu lại còn hờn trách vì cô gái chàng yêu không tự mình tìm đến thăm chàng.
+ Xuân Quỳnh: nỗi nhớ choán ngợp cả tâm hồn, nó hiện diện cả khi thức cũng như trong giấc ngủ, nó chiếm trọn cả phần ý thức và phần vô thức “Lòng em nhớ đến anh /Cả trong mơ còn thức” bởi không phải em làm chủ tình yêu mà chính là tình yêu đã làm chủ trái tim em “Em cũng không biết nữa /Khi nào ta yêu nhau”.
b. Điểm riêng
- Dung lượng dành cho việc biểu hiện nỗi nhớ: Nguyễn Bính dành cả bài thơ để nói về nỗi tương tư, Xuân Quỳnh chỉ dành một khổ thơ “Con sóng dưới lòng sâu / Con sóng trên mặt nước/ Ôi con sóng nhớ bờ/ Ngày đêm không ngủ được / Lòng em nhớ đến anh / Cả trong mơ còn thức”
- Đối tượng và mức độ:
+ “Tương tư” là bài thơ về nỗi nhớ trong tình yêu. Từ sự thể hiện nỗi nhớ, Nguyễn Bính đã bộc lộ gương mặt tình yêu của chàng trai nơi thôn dã: vừa e dè, kín đáo lại vừa sâu sắc, mãnh liệt, chân thành
+ Sóng là bài thơ về tình yêu trong tâm hồn người con gái - một tình yêu vừa dạt dào sôi nổi, vừa đằm thắm lắng sâu như con sóng giữa biển khơi. Trong quá trình biểu hiện gương mặt tình yêu, Xuân Quỳnh đã dãi bày nỗi nhớ - một cảm xúc dặc trưng của tình yêu.
- Cách thức biểu hiện:
+ Nguyễn Bính đã xây dựng hình tượng chàng trai nơi thôn dã với nỗi tương tư giăng mắc trong không gian, trải ra trong thời gian và vò xé tâm hồn. De làm bật nét riêng của nỗi tương tư trong tâm hồn chàng trai quê, nhà thơ đã dựng lên cả một thế giới thôn quê với thôn Đoài, thôn Đông, đò giang, đầu đình, hàng cau, giàn trầu... Trong không gian quê kiểng ấy, con người hiện lên như một kẻ đồng bệnh với giời để nỗi tương tư mang tầm vóc vũ trụ. Tương tư là nhớ. Nếu nỗi nhớ được giải tỏa (hai người gặp nhau để tình cảm được bộc lộ) thì hạnh phúc sẽ đến. Song vì không giải tỏa được nên nó tạo nên một sự giày vò làm nảy sinh bao nhiêu trạng thái cảm xúc phức tạp khác: giận hờn, lo âu, mong mỏi... Qua nỗi tương tư, chàng trai hiện lên là kẻ rất rụt rè, nhút nhát trong hành vi song lại mạnh mẽ vô cùng trong cảm xúc. Đó chính là điểm thú vị nhất của bức chân dung tình yêu thôn dã.
+ Xuân Quỳnh xây dựng cặp hình tượng sóng - em vừa song hành, sóng đôi lại vừa hòa nhập, thống nhất. Trong sự thể hiện nỗi nhớ, Xuân Quỳnh đã đi từ quy luật của tự nhiên để khẳng định quy luật của tâm hồn: sóng dưới lòng sâu là con sóng ngầm, sóng trên mặt nước là con sóng đã tự bộc lộ mình trọn vẹn, song dù ở dạng tồn tại nào thì sóng vẫn luôn hướng về phía bờ - cũng như em dù trong biểu hiện bên ngoài hay những điều ẩn kín của tâm tư vẫn luôn hướng về anh. Sóng nhớ bờ cả ngày lẫn đêm, em nhớ anh cả khi thức cũng như trong giấc ngủ. Con sóng thức là con sóng đang tồn tại. Nỗi nhớ anh và tình yêu với anh làm nên ý nghĩa tồn tại của em. Cái sâu sắc, mãnh liệt của nỗi nhớ cũng chính là độ sâu sắc, mãnh liệt của tình yêu.
3. Kết luận
- Tình yêu là tình cảm rất nhân văn của con người và nỗi nhớ là trạng thái cảm xúc đặc trưng của tình yêu, làm nên sắc thái của tình yêu đôi lứa. Thể hiện được điều này, các nhà thơ đã thể hiện được chất nhân văn, màu sắc văn hóa trong đời sống tâm hồn của con người.
- Những đóng góp khám phá riêng của mỗi nhà thơ góp phần làm phong phú thêm mảng đề tài tình yêu trong thơ ca, cũng góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của con người.

Bản quyền thuộc về Sách Thư Viện. Ghi nguồn sachthuvien.com khi đăng lại bài viết này.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây