BÀI LÀM
Có một chiếc lá Diêu Bông chưa bao giờ phai màu xanh non của ước mơ, huyền thoại. Từ bao giờ, thơ ca đã theo con người đi suốt muôn nẻo đường đời kiếm tìm chiếc lá ấy. Cái đẹp của thơ, của chiếc lá khát vọng kia, có phải là điều mà nhà thơ Chế Lan Viên từng trăn trở:
Ta cần gì thơ làm cho ta mơ mộng hão
Ai hơi đâu truyền đuốc tắt mà chơi.
Thơ là tiếng hát của tâm hồn, của ước mơ, lý tưởng con người. Nhưng thơ cũng chính là cuộc sống, là hiện thân cho cuộc đấu tranh không ngừng của con người cho lẽ sống và chân lý của đời. Một mầm xanh thơ ca chỉ có thể vươn cao, đơm hoa kết trái khi rễ đâm sâu, bám chặt vào mành đất cuộc đời hút lấy tinh chất của đời vào thơ... Vì lẽ đó:
Ta cần gì thơ làm cho ta mơ mộng hão
Và khi ta cần thơ hồi sinh cho ta những máu.
Cái đẹp của đời hóa thân thành cái đẹp của thơ và biểu hiện là lý tưởng, là sự hy sinh, dâng hiến của con người trong cuộc đấu tranh vì hạnh phúc vì chân lý. Đó là sắc đỏ “máu” thấm đượm trong muôn vàn sắc màu của bức tranh - thơ. Thao thức vì ngọn lửa đấu tranh những ngày chống Mỹ, vì màu máu thấm đỏ trên trang thơ, Chế Lan Viên khái quát thành lý tưởng của thơ - đấu tranh vì sự sống, sự “hồi sinh”. “Cháy lên” từ những nỗi đau, khát vọng riêng mình, “tỏa sáng” lên những nỗi đau khát vọng con người. “Cháy lên mà tỏa sáng” (“Đaghextan của tôi” - Raxun Gamzatov).
Và Chế Lan Viên thiết tha kêu gọi:
Thì thơ ơi người tả cảnh làm chi
Nguyễn Du có nói về cô Kiều e lệ nép vào hoa buổi ấy
Thì cũng để cho tôi yêu người con gái đẹp thời nay
Và con bướm ta tả ngày nay cánh phấn trăm màu
Thì cũng để cho người sau yêu con bướm của thời họ sống.
Cho dù quá khứ đã khép lại một thời đau thương, “đêm trường dạ tối tăm trời đất” của Nguyễn Du nhưng Truyện Kiều vẫn mãi sáng ngời giá trị. Bởi lẽ lấp lánh trong viên ngọc ấy vẫn là hình dáng con người, hình dáng của khát vọng hạnh phúc muôn đời. Cái đẹp của thơ là thế. Tôi đã từng trào nước mắt vì một Chú lính chì tan chảy thành tro và một Cô bé bán diêm chết vùi trong tuyết nhưng đọng lại trong tôi vẫn là trái tim xinh xắn còn lại giữa tro tàn, là ngọn lửa lung linh ước mơ hạnh phúc không bao giờ tắt. Trang văn Anđecxen thầm thì những nỗi đau, những tình yêu ông đã sống và trải qua, để rồi hôm nay thầm thì trong tôi là tình yêu cuộc sống này, cuộc sống mà tôi đang sống. Chú lính chì và Cô bé bán diêm ngày xưa đã từ cuộc đời mà bước vào trang truyện, để rồi hôm nay lại từ trang truyện bước ra cuộc đời, sống mãi bên tôi. Đâu phải chỉ là thơ, mà cả truyện, cả nghệ thuật nói chung cũng là “sự truyền lửa qua muôn đời”, là cái đẹp của cuộc đời mà nhà nghệ sĩ kiếm tìm và gửi đến cho con người đương thời và hậu thế.
Cái đẹp không có tuổi. Và thơ cũng không có tuổi, khi nào con người biết yêu.
Cho nên Chế Lan Viên viết:
Câu thơ ư? Là cách truyền lửa qua muôn đời
Ai hơi đâu truyền đuốc tắt mà chơi.
Cuộc sống là một đại dương ẩn chứa trăm ngàn những đợt sóng ngầm, nhưng nhìn sâu, đằm sâu vào thơ ta tìm thấy cuộc sống trong một điểm sáng hội tụ. Một ngọn sóng mang sức nóng của tình người, chảy suốt chiều dài cuộc sống.
“Thế giới nứt làm đôi, vết nức xuyên qua con tim nhà thơ”. Những nỗi đau cháy lửa, những khát vọng cháy lửa trong trái tim nhà thơ, qua những lời thơ mà đốt lên đến muôn đời sau những nỗi đau, khát vọng con người. Mạch tình cảm căm thù lẫn yêu thương, hạnh phúc lẫn đau khổ đã chảy từ trái tim Nazim Hikmet đến tận trái tim Chế Lan Viên mà bùng lên những lời thơ cháy lửa tình đời:
Một người tù làm ta phá cửa các nhà giam
Một kẻ lưu vong gắn lòng ta vào đất nước
Một trái tim chia phần cho hạnh phúc
Một tiếng thét căm thù làm ta muốn yêu thương.
Để rồi, từ Chế Lan Viên ngọn đuốc thơ ấy lại truyền đến chúng ta những lời Nazim Hikmet thao thức trăn trở với đời, với người.
Những ngọn đuốc tắt, những tình cảm giả tạo không bắt nguồn từ trái tim, không thể nào truyền lại muôn đời. Bởi lẽ đó, nói như Điệp Tiếp, “điều gì trái với lòng mình mà ép buộc thành thơ thì chỉ có thể lừa dối một người, một thời chứ không thể lừa dối muôn đời sau”.
Những trang của tình cảm càng khô nỏ thì giây phút nào đó, ngọn lửa sáng tạo bừng lên thành ngọn đuốc để truyền lại cho muôn đời. Ngọn lửa ấy sẽ cháy mãi qua những trái tim đồng điệu, những trái tim tha thiết cảm thông. “Thơ là một điệu hồn nhiên đi tìm những tâm hồn đồng điệu” (Tố Hữu). Nhờ đó, ngọn đuốc thơ truyền đến muôn đời.
Có một lần, vượt lên trên hạn định không gian và hạn định thời gian. Nguyễn Du đã vọng đến nhân loại tương lai một câu nhức nhối:
Bất tri tam bách dư nhân hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?
Chưa đến ba trăm năm sau, mà có biết bao trái tim đồng điệu đã khóc Tố Như, “khóc cùng Tố Như’ (Tô Hữu) và khóc vì Tố Như những điều đáng khóc. Bây giờ đây không phải chỉ có người cô đơn hiểu kẻ cô đơn, người tài tình thương tiếc kẻ tài tình, người oan khiên đồng cảm kẻ oan khiên mà cả nhân loại đang đón lấy “ngọn đuốc thơ” đau đáu tình của ông, để cùng sống lại những nỗi đau thuở ấy. Đồng vọng với Nguyễn Du, đại thi hào Nhật Bản Matsuo Bashô từng xót xa tiên cảm:
Trên con đường này
Giữa chiều thu ấy
Đi về không ai.
Chính con đường thơ “hài cú” dạo ấy, mà Bashô đã đi, con đường có đóa hoa nazuna nhỏ bé bên hàng dậu, có những ngọn gió mang cơn mơ phiêu lãng trên đồng hoang, ba trăm năm sau, nhân loại vẫn còn hình tượng theo “ngọn đuốc” Bashô.
Đoạn thơ của Chế Lan Viên thao thức trăn trở qua những hình ảnh đầy sức gợi cảm về một định nghĩa - đúng hơn là một suy nghĩ, chiêm nghiệm về thơ. Đó là những tình cảm, lý tưởng trong trái tim thi sĩ, thăng hoa trong những lời thơ rồi để hòa điệu trong trái tim mọi người đến muôn đời sau. Đó là những “tấm lòng xứ điệp” (chữ của Nguyễn Tuân) cháy lửa suốt chiều dài cuộc sống con người còn không ít tăm tối, thương đau.
Vậy thì thi sĩ ơi, mở lòng với cuộc đời để đón nhận ánh sáng chân - thiện - mỹ, sống thật, viết thật với mình để cho thơ thật là thơ! Khi ấy, “đời lập phương” sẽ làm cho “thơ bình phương” có thêm chiều sâu của sự sống, để cho thơ có thể “nâng tầm vóc lên cao hơn” và “nâng chúng ta cao bằng cuộc sống” (Xích Điểu). Ngọn đuốc muốn truyền đến muôn đời sau, trước hết phải cháy lên từ trái tim nóng bỏng của nhà thơ.
Và cho dù thế gian có biến cải thế nào, thơ ca vẫn là ngọn đuốc thắp lên ánh sáng của lý tưởng, của khát vọng, của tình yêu cái đẹp, dẫn con người đi tìm hạnh phúc, như và cao hơn ngọn đuốc Đan-kô trong thiên truyện Gorki. Bao giờ con người còn biết yêu thương khi ấy thơ ca còn sức sống mãnh liệt và con người còn làm thơ, đọc thơ như một cách tiếc lửa. Bao giờ chiếc Lá Diêu Bông còn biêng biếc màu xanh của ước mơ hạnh phúc, khi ấy con người còn mải miết kiếm tìm trên vạn nẻo đường đời.
Phạm Ngọc Lan
Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, Thành phố Hồ Chí Minh
Bài đạt giải Nhất kì thi Học sinh giỏi Toàn quốc năm 2012