BÀI LÀM
Ở thời đại nào, số phận người phụ nữ cũng là đề tài khiến người cầm bút trăn trở nhiều nhất. Những trang viết về họ bao giờ cũng là những trang viết ám ảnh, để lại trong người đọc nhiều băn khoăn hơn cả. Đã qua lâu rồi thời của những cô Mị (Vợ chồng A Phủ - Tô Hoài), những người “vợ nhặt”, bà cụ Tứ (Vợ nhặt - Kim Lân), nhưng câu chuyện về cuộc đời họ vẫn làm ta khôn nguôi nghĩ về số phận người phụ nữ xưa và nay.
Văn học đã cho chúng ta chứng kiến bao nỗi cơ khổ, nhọc nhằn của người phụ nữ. Mỗi người một cảnh ngộ riêng nhưng bao phủ lên cuộc đời họ đều là màu đen hắc ám. Thống trị họ không chỉ là gông cùm, xiềng xích của chế độ mà có khi là sự bạo tàn của những người chồng. Làm dâu nhà thống lí Pá Tra, Mị phải sống cuộc đời nô lệ, bị cầm tù về thân xác và đóng băng tâm hồn. Những khát vọng yêu đương, hạnh phúc thời con gái dường như đã chết hẳn ở chị. Không bị cầm tù về thân xác, đày đoạ về tinh thần như Mị nhưng bà cụ Tứ và người “vợ nhặt” phải sống cuộc sống đói nghèo, khốn khổ. Hình hài con người biến dạng, phẩm hạnh lao đao và cả hạnh phúc cũng bị xô đẩy. Chưa khi nào thân phận con người rẻ rúng như trong Vợ nhặt.
Nhưng không vì thế mà người phụ nữ mãi yếm thế. Chính cuộc đời nhiều thăng trầm lại tiếp cho họ sức đề kháng mạnh mẽ. Trong nước mắt, tủi hờn, họ vẫn không ngừng hướng về sự sống, về tương lai tươi sáng. Sức sống tiềm tàng mãnh liệt trong Mị bừng dậy, giải thoát chị khỏi cuộc sống tù hãm, đưa chị đến bến bờ hạnh phúc. Còn với bà cụ Tứ và người “vợ nhặt”, lòng yêu thương chân thành đã đưa họ xích lại gần nhau, đưa đến mỗi người giấc mơ về một tương lai tươi sáng.
Đọc Vợ chồng A Phủ và Vợ nhặt, chúng ta đều được chứng kiến cuộc đời của người phụ nữ Việt Nam cách đây hơn nửa thế kỉ. Nếu để khái quát về số phận người phụ nữ xưa, chúng ta chỉ có thể nói rằng họ thật đáng thương. Tuy không yếu đuối nhưng sức phản kháng của họ chưa đủ chống lại các thế lực thống trị. Hơn nữa, tinh thần đấu tranh của những con người này chưa được vũ trang bởi sức mạnh tập thể nên chưa mang tính chất tự giác.
Đất nước sạch bóng quân thù, con người không phải đối mặt với các thế lực áp chế tàn tệ nữa. Dân tộc độc lập và người phụ nữ cũng đã được giải phóng. Tất nhiên, đâu đó trong kẽ ngách xa xôi nào của cuộc sông sẽ vẫn còn những cô gái như Mị. Nhiều phụ nữ vẫn bị người chồng vũ phu đánh đập tàn tệ, nhiều bé gái vẫn bị cha đẻ, cha dượng hành hạ, nhiều em gái đi ở vẫn bị nhà chủ đánh đập dã man. Chúng ta có thể tin điều đó khi đọc Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu, khi chứng kiến những thước phim mà các phóng viên quay được về tấm lưng đầy sẹo của em gái đi ở thuê...
Điều đó không tránh khỏi bởi tàn dư của chế độ phụ quyền vẫn còn, bởi những tư tưởng hủ lậu vẫn chưa hoàn toàn mất hẳn... Song tôi tin, những hoàn cảnh éo le như Mị, như “vợ nhặt”, như bà cụ Tứ không còn nhiều nữa.
Phụ nữ ngày nay không còn chịu ách áp bức của bất kì chế độ bất công nào. Họ được tự do hoàn toàn, tự do trong tình yêu, tự do trong công việc, tự do trong mọi hoạt động sống. Cuộc đời họ do chính họ làm chủ. Họ bình đẳng với nam giới. Họ được tôn vinh trong các ngày lễ của giới mình. Họ được học tập, làm việc, hưởng thụ những thành quả lao dộng do mình làm ra. Ngày càng có nhiều phụ nữ thành danh trong công việc của mình. Có nữ nhà văn nổi tiếng như Phạm Thị Hoài Thuận, Võ Thị Hảo... có nữ bác sĩ xuất sắc như Nguyễn Thị Minh Phượng, nữ chính trị gia tài giỏi như Nguyễn Thị Bình, Trương Mỹ Hoa, Nguyễn Thị Doan, Tòng Thị Phóng... Họ vẫn là người vợ, người mẹ hoàn hảo, vẫn làm trong trách nhiệm trong công việc của mình, vẻ đẹp của họ là vẻ đẹp của sự chủ động, năng động, của ý thức sâu sắc về giá trị và vị trí của mình trong xã hội. Phụ nữ thời nay may mắn hơn phụ nữ thời xưa bởi họ được sống trong xã hội văn minh, bình ổn. Cuộc đời họ có dịp nở hoa, đơm trái. Họ đã bước lên nấc thang cao hơn, xa hơn so với những người của thế hệ trước.
Làm thế nào để một nửa thế giới luôn được sống hạnh phúc và ngày càng được hạnh phúc hơn? Làm thế nào để tất cả phụ nữ Việt Nam luôn có cuộc sống ngập tràn tiếng cười?... Đó là những câu hỏi không dành riêng cho bất cứ ai, không dành riêng cho phái nam mà chính những người phụ nữ cũng phải trả lời.
Trần Phương Hùng
Trường THPT Trịnh Hoài Đức, Bình Dương
Bài đạt giải Nhất kì thi Học sinh giỏi cấp Tỉnh năm 2013