Khi tôi lên tám thì tôi có hàng xóm mới. Đó là gia đình Hương. Họ chuyển đến sống trong một căn nhà cấp bốn cũ nát, xập xệ, bên phải ngôi nhà ba tầng của gia đình tôi. Tôi nghe mọi người nói rằng bố Hương trước kia đã từng vào tù và có quá khứ không mấy tốt dẹp. Hương trong một lần bị tai nạn nên đã phải bỏ việc học hành, còn mẹ Hương ngày ngày đi thu mua sắt vụn, cứ tối về thì lại bị chồng mắng chửi. Ai cũng xa lánh Hương. Nhưng tôi lại khác. Tại tôi kiêu căng nên không có bạn đành “nhắm mắt" kết bạn bừa với Hương, dè đâu chúng tôi thân nhau thật. Vì Hương đều kém tôi mọi thứ nên khi thân nhau rồi tôi vẫn có chút hung hãng và tự kiêu gì đó trong cách đối xử với Hương.
Quả thật vậy, Hương kém tôi mọi thứ, đến mức ai nhìn thấy cũng phải ngạc nhiên sao tôi lại có người bạn thân như vậy. Dáng Hương nhỏ bé, đã vậy lại còn thấp hơn tôi hẳn một cái đầu. Mặt mũi, chân tay thì đen nhẻm nhèm nhem làm tôi đôi khi cứ trộm nghĩ: "Người châu Phi còn trắng hơn thế!”. Quần áo Hương lấm bẩn vì phải đi kiếm cái ăn nhưng lúc nào cũng gọn gàng hết mức có thể. Khuôn mặt Hương tuy đen nhưng lại rất có nét. Tôi chắc nếu Hương được sống sung sướng thì sẽ rất xinh. Môi Hương hồng hồng, thỉnh thoảng lại chu lên khi nói chuyện. Cái mũi Hương nhỏ, tuy không cao nhưng lại tạo ra một nét rất đáng yêu. Nhưng có lẽ, nét hoàn mĩ nhất trên khuôn mặt của Hương là đôi mắt. Đôi mắt to tròn cộng thêm hàng mi đen dài trông thật đẹp. Với tôi vậy là vẫn chưa đủ. Tôi còn cảm nhận đôi mắt nâu ấy như đã từng qua sương gió, bụi mờ, trong sâu thẳm toát lên một điều gì đó vừa buồn vừa vui mà không thể chia sẻ với ai. Đến giờ tôi mới nhận ra đôi mắt của Hương không giống với "những đôi mắt đẹp biết cười" mà người ta thường tả về hoa hậu, người mẫu; nhưng nó lại là đôi mắt đẹp nhất mà tôi từng chiêm ngưỡng. Tôi cũng thường so sánh mái tóc của Hương với mái tóc của tôi. Hương có mái tóc vàng khét nắng nhưng lại rất mượt, về phần tôi thì ngược lại - tóc đen nhưng lại xoăn tít và bù xù. Lúc nào tôi cũng ước có một mái tóc đẹp và mượt như của Hương, dù có khét vàng cũng được. Đôi khi, chỉ vì lí do vớ vẫn ấy mil lòi lại lấy cớ dỗi, chẳng thèm nhìn Hương nữa. Lúc ấy, Hương lại phải nhẫn nhịn nài nỉ tôi. Khi thì Hương nhịn ăn sáng để mua cho tôi cái kẹo, khi thì quả bóng bay cho tôi hết dỗi. Tính Hương là vậy đấy - Rất quý tôi dù biết tôi cũng chẳng quý Hương lắm. Thường thường, với người lạ, Hương rất lầm lì ít nói, có chăng cũng chỉ dạ dạ, thưa thưa. Nhưng với tôi thì khác. Hương cười đùa suốt ngày, hết kể chuyện này lại đến chuyện khác, toàn chuyện nhàm chán đến những chuyện bình thường nhất. Đó là vì Hương quý tôi nên mới làm như vậy. Còn tôi hồi ấy lại nghĩ tôi là chỗ để tính "dở dở ương ương” của Hương phát tán. Thế là tôi lại "ra mặt”. Những lúc ấy Hương lại im bặt, không dám cãi câu nào. Nghĩ lúc ấy, sao mà thương Hương quá...
Con người nào mà chẳng có lòng thương. Tôi cũng vậy. Nhiều lúc cũng thấy tội cho gia đình Hương nên tôi muốn dạy Hương học để mai sau Hương không phải vất vả nữa. Mẹ tôi cũng khen tôi và mua cho Hương cái bút và một quyển vở ô ly. Nhưng được vài ngày thì tôi lại bỏ. Không phải tại tôi không kiên nhẫn mà vì Hương học rất kém. Mỗi buổi đi thu lượm sắt vụn về thì tay Hương lại chai lên. đôi chân bị tật do biến cố như không đi vững nữa. Cái tay cầm bút của Hương run run vì mệt, viết nét chữ nguệch ngoạc trên quyển vở mới cứng. Chỉ có vậy thôi nhưng Hương vui lắm, ôm chầm lấy tôi, lắp bắp:
- Tớ...viết...viết được rồi!
Tôi lúc ấy bỗng nhiên vừa vui vừa buồn cho Hương. Hương vẫn chưa viết được bởi những nét mà Hương vừa viết chẳng ra chữ mà cũng chẳng thành nét. Mấy ngày sau, tôi không cho Hương đi lượm sắt vụn nữa mà ở nhà học. Kết quả cũng không khá hơn là bao. Hương vẫn còn run khi cầm bút và vẫn nhầm âm o và âm a với nhau. Học toán thì Hương có khá hơn chút nhưng nếu bảo viết phép tính ra vở thì lại nguệch ngoạc chẳng ra chữ gì. Thế là tôi nản và bỏ về. Nhưng tôi đâu có biết, Hương đã cố gắng và viết được những nét chữ nắn nót đầu tiên.
Hương rất yêu quý tôi và thương cho những người nghèo khó hơn mình. Từ khi dạy Hương học, tôi lại càng củng cố ý nghĩ sai của tôi về Hương: Hương là một người ngớ ngẩn sau tai nạn và tôi lại càng lạnh nhạt hơn. Hương thì vẫn thế, vẫân cố gắng trèo cây trên đôi chân bị tật để hái ổi cho tôi, vẫn im bặt khi tôi nhiếc móc. Vẻ mặt Hương buồn, lem nhem, cái môi cứ chu ra, rồi Hương lại khập khiểng đến gần tôi chìa ra quả ổi. Nhưng hôm nay thì khác. Có một bà cụ đi qua dãy nhà của tôi xin tiền. Bà cụ bị mù., dò dẫm bước khi hoàng hôn gần buông xuống. Tôi và mấy đứa trẻ khác nghĩ ra trò nghịch ngợm. Tôi cắt giấy ra làm tiền và giã vờ cho vào nón cụ. Bà cụ không biết vẫn gật đầu cám ơn. Thế là chúng tôi có trận cười ra trò. Nhưng Hương đã nhìn thấy và lần đầu tiên. Hương dũng cảm nói lại với chúng tôi:
- Ai dạy các cậu làm vậy? Có phải các cậu muốn bà ấy phải khổ sở khi bị đem ra làm trò vui cho các cậu? Các cậu rất quá đáng đấy!
Lần đầu Hương nói được rành mạch thế. Rồi Hương chẳng kịp nhìn cái há hốc ngạc nhiên của chúng tôi và vội chạy đến bên bà cụ, khập khiểng, khập khiểng. Cái tay gầy đen như que củi của Hương nhẹ nhàng bỏ những xấp giấy trắng ra và lục trong cái túi thủng lỗ chỗ một nhúm tiền hai trăm đồng nhàu nát bỏ vào nón bà cụ. Như mọi lần, bà cụ lại cảm ơn rồi lại tiếp tục đi trong cái bóng chiều mờ ảo. Bà cụ đi xa dần. Bọn trẻ con về hết. Chỉ còn lại mình tôi và Hương. Mắt Hương vẫn còn lấp lánh nhìn về chân trời xa, nơi mà cái bóng của bà cụ vẫn còn đó. Như sực nhớ ra, Hương quay lại nhìn tôi đang rất tức giận. Rồi bỗng nhiên Hương chìa ra cái túi đẩy ổi và một quyển vở, cười tươi rói với tôi. Nhưng tôi không biết nụ cười ấy ẩn chứa nỗi buồn. Hương lắp bắp:
- Tớ cho cậu vì tớ...
- Biết rồi! Tôi giật lấy cái túi đi thẳng về nhà.
Tôi bỗng giật mình quay lại và thấy Hương đang khóc. Giọt nước mắt trong veo lăn trên gò má sạm đen của Hương, dù đã tối nhưng vẫn nhìn thấy rất rõ. Cái bóng đen ấy khóc hòa lẫn với bóng tối làm tôi có cảm giác lo sợ vì không biết có chuyện gì mà Hương khóc dữ thế! Nhưng cái tính tự kiêu đã dẹp đi sự thương cảm và tò mò trong tôi, tôi vẫn bước thẳng về nhà...
Sáng dậy, tôi bỗng thấy một cái xe xích lô đỗ trước nhà. Tôi sững sờ khi thấy gia đình Hương đang chất đồ đạc lên xe. Thì ra do vỡ nợ nên gia đình Hương phải chuyển đến nơi khác sống. Tôi cố chạy theo xích lô nhưng không kịp. Tôi bật khóc. Từ xa, đôi mắt của Hương đượm buồn nhìn tôi lần cuối.
Túi ổi của Hương cho tôi đã ăn hết từ bốn năm trước nhưng quyển vở vẫn còn đến bốn năm sau. Tôi yêu quý nó vì nó đã viết nên tình yêu thương mà Hương dành cho tôi: “Tớ iêu cậu lắm". Tuy chữ i viết sai nhưng Hương đã làm bằng tất cả những gì có thể. Và tôi cũng nhận ra người bạn thân thực sự. Giờ đây, tôi chỉ muốn hét lên:
- Hương ơi! Cậu là người bạn thân mà tớ không thể có lại lần nữa. Tớ rất quý cậu! Hãy về với tớ nhé.
Chắc Hương giờ đây đang mỉm cười.