Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Suy nghĩ về vấn đề cố tìm mà hiểu trong truyện ngắn Lão Hạc

Thứ hai - 15/02/2021 10:49
Trong truyện ngắn Lão Hạc, Nam Cao viết:
Chao ôi! Đối với những người ở quanh ta, nếu ta không cố tìm mà hiểu thì ta chỉ thấy họ gàn dở, ngu ngốc, bần tiện, xấu xa, bỉ ổi,... toàn những cớ để ta tàn nhẫn; không bao giờ ta thấy họ là những người đáng thương; không bao giờ ta thương...
Từ ý kiến trên, anh/chị có suy nghĩ gì về vấn đề cố tìm mà hiểu.

BÀI LÀM

Nếu có một tờ giấy trắng, trên đó có một chấm đen nhỏ và một tờ giấy đen, trên đó có một chấm trắng cũng với kích thước tương tự, chúng ta sẽ nhìn thấy gì trên hai tờ giấy đó? Một điều chắc chắn là cái nhìn của mọi người sẽ bị hút vào màu đen dù đó chỉ là một chấm nhỏ trên nền giấy trắng mà không hề để ý đến cả tờ giấy trắng dù chấm đen trên nó nhỏ thôi. Trong truyện ngắn Lão Hạc, Nam Cao viết rằng: Chao ôi! Đối với những người ở quanh ta, nếu ta không cổ tìm mà hiểu thì ta chỉ thấy họ gàn dở, ngu ngốc, bần tiện, xấu xa, bỉ ổi... toàn những cớ để ta tàn nhẫn; không bao giờ ta thấy họ là những người đáng thương; không bao giờ ta thương... Câu chuyện cái nhìn, cách nhìn, câu chuyện “đôi mắt” đã không còn là vấn đề mới mẻ nhưng chúng ta vẫn cần nhắc nhở về nó thường xuyên. Và nếu phải tìm cách giải quyết cho vấn đề “đôi mắt”, có lẽ chúng ta phải nhớ tới phương án mà Nam Cao đã đề xuất: cố tìm mà hiểu. 

Khổng Tử nói: Nhân chi sơ tính bản thiện. Vậy nên những kẻ gàn dở, ngu ngốc, bần tiện, xấu xa, bỉ ổi... chẳng qua chỉ là cái hình thức bề ngoài đáng ghét. Nhưng chúng ta vẫn hay căn cứ trên cái hình thức bề ngoài ấy để phán xét người khác. Điều đó có phần xác đáng bởi chẳng ai có thể yêu mến những thói xấu cả. Và hệ quả kéo theo nó tất nhiên sẽ là sự tàn nhẫn, thờ ơ, lạnh lùng. Nhưng nếu cố tìm mà hiểu tức là nếu biết nhìn nhận, soi xét, thấu hiểu, cảm thông, chúng ta sẽ thấy những người gàn dở, ngu ngốc, bần tiện, xấu xa, bỉ ổi đó thật hết sức đáng thương. Bằng tình cảm nhân đạo của một nhà văn, bằng lòng yêu thương con người sâu sắc, Nam Cao đã gửi gắm đến tất cả chúng ta lời khuyên về thái độ sống, về cách đối xử với con người: Hãy mở lòng để thấu hiểu, hãy cố gắng nhìn nhận con người một cách sâu sắc hơn, ta sẽ thấy chẳng ai xấu xa, đáng ghét cả.

Nếu phải công bằng nhìn nhận chính bản thân, có mấy người tự tin cho rằng mình là người toàn thiện, toàn mĩ ? Có mấy người không từng gàn dở, ngu ngốc, bần tiện, xấu xa, bỉ ổi? Chính chúng ta cũng có lúc như thế vậy thì tại sao ta lại không thể thấu hiểu, đồng cảm với mọi người xung quanh? Thêm nữa, cần thấy rằng sự gàn dở, ngu ngốc, bần tiện, xấu xa không phải là thứ trang sức đẹp đẽ tô điểm cho con người mà đúng như Nam Cao nói, nó chỉ khiến con người tội nghiệp, đáng thương hơn. Tội nghiệp, đáng thương vì họ không thể sống bình thường như những người khác, vì không phải ai cũng mở lòng đón nhận họ. Nam Cao cũng từng nói, đại ý rằng: Lúc người ta mạnh nhất, tàn ác nhất cũng là lúc người ta yếu đuối nhất. Xét đến cùng, sự bần tiện, xấu xa kia cũng chỉ là cách phản ứng (tiêu cực) trước cuộc đời của họ mà thôi. Một lí do khác khiến chúng ta nên cố tìm mà hiểu những người xung quanh, đó chính là bởi thực tế những phẩm chất tốt đẹp của con người không phải lúc nào cũng có cơ hội bộc lộ. Có khi do hoàn cảnh sống, có khi do cá tính mà bản chất thực của con người không được thể hiện ra bên ngoài. Có những người tính tình trầm lặng nhưng tâm hồn lại rất phong phú. Có những người bề ngoài luôn tỏ ra mạnh mẽ nhưng thực chất bên trong lại rất yếu đuối... Bởi những lí do trên đây nên với những người sống xung quanh mình, chúng ta nên cố gắng tìm hiểu, để cảm thông, chia sẻ, để tha thứ cho những lỗi lầm họ gây ra. Có như thế, những người làm các công tác xã hội như hoà giải, vận động các con nghiện từ bỏ con đường ma tuý mới có thể thành công. Có như thế mỗi thành viên trong gia đình mới hiểu nhau. Có như thế xã hội mới bình yên, hạnh phúc...

Nhưng cố tìm mà hiểu không đồng nghĩa với bới lông tìm vết. Chúng ta thấu hiểu để đồng cảm, yêu thương, sẻ chia chứ không phải để soi mói, dồn nhau đến chân tường, về hình thức, có vẻ hai hành động đó giống nhau nhưng bản chất thực của chúng khác nhau hoàn toàn. Sự tò mò, soi mói chỉ khiến người khác khó chịu, đau đớn hơn. 

Một cái nhìn, một cách nhìn cho thấy lập trường, quan điểm của chúng ta với các sự vật, hiện tượng trong cuộc sống. Nhưng nếu giữ cái nhìn, cách nhìn hời hợt, nông cạn, sẽ chẳng bao giờ chúng ta nhận chân được vấn đề. Hãy cố tìm mà hiểu dự làm được điều đó không phải dễ dàng.

Trần Văn Tư
Trường THPT chuyên Chu Văn An, Lạng Sơn
Bài đạt giải Nhất kì thi Học sinh giỏi cấp Tỉnh năm 2014

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây