Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Suy nghĩ về nghĩa hàm ẩn của bài thơ Bánh trôi nước của Hồ Xuân Hương.

Thứ ba - 17/09/2019 10:35
Bánh trôi nước là một bài thơ tứ tuyệt thể hiện rất đầy đủ những nét phong cách nghệ thuật riêng biệt và độc đáo của nữ sĩ Hồ Xuân Hương - Bà chúa thơ Nôm. Cũng như nhiều sáng tác khác, ở bài thơ này, Hồ Xuân Hương đã chọn một đề tài rất bình dị, mộc mạc (cái bánh trôi nước) để gửi gắm trong đó một chủ đề sâu sắc: phẩm chất và thân phận của người phụ nữ trong xã hội cũ. Đây cũng chính là tính đa nghĩa của tác phẩm.
Hình ảnh và ngôn ngữ trong bài thơ rất dân dã, nôm na, không dùng cách nói ước lệ cầu kì như trong nhiều bài thơ Đường luật của các tác giả khác. Có thể phát hiện nhiều dấu ấn đậm nét của ca dao Việt Nam ở bài thơ Bánh trôi nước. Đó là cụm từ Thân em mở đầu bài thơ - một cụm từ xuất hiện khá nhiều trong mảng ca dao than thân. Đó là thành ngữ bảy nổi ba chìm ỗ câu thứ hai, là những từ thuần Việt mới nghe qua có vẻ thô mộc mà lại rất giàu tính tạo hình ở câu thứ ba... Tất cả đều thể hiện được một phong cách thơ độc đáo, đầy cá tính của nữ sĩ Hồ Xuân Hương.

Viết về cái bánh trôi nước chỉ là cái cớ để Hồ Xuân Hương gửi gắm vào đó những tầng nghĩa hàm ẩn hết sức sâu sắc và thâm thuý. Qua bài thơ, tác giả Hồ Xuân Hương đã kiêu hãnh, tự hào khi ca ngợi vẻ đẹp hình thể (vừa trắng lại vừa tròn) và vẻ đẹp tâm hồn (tấm lòng son) của người phụ nữ; đồng thời bày tỏ sự cảm thông và bất bình trước số phận chìm nổi, bấp bênh, lệ thuộc của họ. Thực ra, viết về vẻ đẹp và số phận của người phụ nữ dưới chế độ phong kiến không phải là đề tài mới trong văn học trung đại Việt Nam. Trước Hồ Xuân Hương đã từng có Nguyễn Dữ với tập Truyền kì mạn lục (mà tiêu biểu là Chuyện ngươi con gái Nam Xương), Đặng Trần Côn với Chinh phụ ngâm khúc, Nguyễn Du với Truyện Kiều,... Tuy nhiên, nét độc đáo trong bài thơ Bánh trôi nước của Hồ Xuân Hương chính là ở chỗ người phụ nữ đã tự lên tiếng nói về chính mình. Và tiếng nói ấy không chỉ là lời than thân mà còn là sự khẳng định quyết liệt: khẳng định một vẻ đẹp hoàn mĩ (Thân em vừa trắng lại vừa tròn); khẳng định một bản lĩnh kiên cường, mạnh mẽ (có bảy nổi ba chìm thì cũng phải bảy nổi ba chìm với nước non); khẳng định một phẩm chất cao đẹp (giữ tấm lòng son). Nói một cách khác, lời than thân trong bài thơ đã làm ngời sáng một nhân cách cao đẹp, một bản lĩnh kiên cường, dám nhìn thẳng vào số phận, vượt lên trên số phận và thách thức với hoàn cảnh sống. Đẹp mà đầy bất hạnh, dịu dàng mà đầy bản lĩnh - đó là chân dung của người phụ nữ thời phong kiến được Hồ Xuân Hương khắc họa trong bài thơ.

Bản quyền thuộc về Sách Thư Viện. Ghi nguồn sachthuvien.com khi đăng lại bài viết này.

  Ý kiến bạn đọc

DANH MỤC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây