Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Bài thơ cảnh khuya của Hồ Chí Minh đã đọng lại trong tâm hổn yêu Văn của em những suy nghĩ và cảm xúc gì?

Thứ ba - 17/09/2019 10:39
Thu Đông năm 1947, bộ đội ta thắng lớn trên chiến trường Việt Bắc, Sông Lô, Đoan Hùng,... đã đi vào lịch sử dân tộc bằng những nét vàng chói lọi đầu tiên của quân và dân trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1946 - 1954). Mùa thu năm 1947, khi chiến dịch Việt Bắc đang diễn ra vô cùng ác liệt Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài thơ Cảnh khuya thể hiện cảm hứng yêu nước mãnh liệt bằng thể thơ thất ngôn tứ tuyệt Đường luật. Cả bài thơ dào dạt ánh sáng và âm thanh để lại trong lòng chúng ta ấn tượng vô cùng sâu sắc:
Tiếng suối trong như tiếng hát xa,
Trăng lồng cổ thụ, bóng lồng hoa.
Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ,
Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà.
(Cảnh khuya - 1947 - Hồ Chí Minh)

Cùng với bài thơ Cảnh rừng Việt Bắc (1946), Đi thuyền trên sông Đáy (1949), bài Cảnh khuya đã thể hiện tình yêu nước thiết tha của lãnh tụ Hồ Chí Minh. Bài thơ Cảnh khuya tả cảnh suối rừng chiến khu Việt Bắc một đêm thu đẹp và nói lên nỗi thao thức của Bác Hồ kính yêu.

Hai câu thơ đầu tả cảnh khuya núi rừng chiến khu Việt Bắc. Tiếng suối chảy êm đềm, nghe rất “trong” từ xa vọng đến “như tiếng hát xa”. Đêm khuya thanh vắng mới có thể nghe rõ tiếng suối chảy như vậy. Đó là nghệ thuật lấy động để tả tĩnh, lấy tiếng suối đặc tả đêm chiến khu thiêng liêng, thanh vắng. Ví tiếng suối với tiếng hát là một nét vẽ tinh tế gợi tả núi rừng chiến khu thời máu lửa mang sức sống và hơi ấm con người:

Tiếng suối trong như tiếng hát xa

Sáu trăm năm về trước, Nguyễn Trãi đã tả suối Côn Sơn:

Côn Sơn suối chảy rì rầm,
Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai

Đầu thế kỉ XX, Nguyễn Khuyến có viết:

Cũng có lúc chơi nơi đất khách.
Tiếng suối nghe róc rách lưng đèo...

Đây là tuyệt bút tả tiếng suối trong nền thơ ca dân tộc.

Câu thứ hai Bác Hồ tả trăng chiến khu. Câu thơ có ba nét vẽ: tầng cao là trăng, tầng giữa là cổ thụ, tầng thấp là hoa - hoa rừng. Câu thơ đầy ánh sáng trăng rất đẹp. Phải là đêm thanh, trăng tròn mới có ánh sáng chan hòa như vậy:

Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa.

Chữ “lồng” điệp lại hai lần, đã nhân hóa trăng, cổ thụ và họa, làm cho vần thơ dào dạt trữ tình, thi vị. Chữ “lồng” trong câu thơ này gợi nhớ đến vần thơ cổ cũng tả trăng, hoa:

Hoa giãi nguyệt, nguyệt in một tấm
Nguyệt lồng hoa, hoa thắm từng bông.
Nguyệt hoa hoa nguyệt trùng trùng...
(Chinh phụ ngâm)

Hai vế tiểu đối: “Trăng lồng cổ thụ // bóng lồng hoa" tạo nên bức tranh tạo vật cân xứng, hài hòa, ngôn ngữ thơ trang trọng, điêu luyện. Có thể nói 2 câu đầu tả cảnh thiên nhiên rất đẹp đầy chất thơ: cảnh khuya trong sáng, lung linh huyền ảo, thơ nên họa nên nhạc. Thi sĩ với tâm hồn thanh cao đang sống những giây phút thần tiên giữa cảnh khuya chiến khu Việt Bắc.

Hai câu cuối diễn tả tâm tình thi sĩ. Câu 3 gọi là câu chuyển trong bài tứ tuyệt như cái bản lề, nửa trên là khái quát “cảnh khuya như vẽ” có suối, có trăng, có cổ thụ và hoa ngàn, nửa dưới là tâm trạng “chưa ngủ” của “người”, của thi sĩ, của lãnh tụ. Câu 4 nói rõ tâm trạng đó, không chỉ xúc động trước cảnh thiên nhiên đẹp mà còn bởi lẽ “Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà”. Hai tiếng “chưa ngủ” ở cuối câu 3 được điệp lại đầu câu 4, biện pháp nghệ thuật liên hoàn ấy đã làm cho âm điệu vần thơ nhịp nhàng, triền miên như dòng suối chảy của cảm xúc, của tâm tình. Tình yêu nước của Bác rất sâu sắc, mãnh liệt:

Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ
Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà.

Cảnh khuya là bài thất ngôn tứ tuyệt kiệt tác. Là một trong những bài thơ trăng đẹp nhất của Bác Hồ. Người xưa đến với chốn lâm tuyền để lánh đục tìm trong, để được an nhàn. Còn Hồ Chí Minh đến với suối rừng Việt Bắc là để lập chiến khu đánh Pháp. Giữa cảnh khuya, có suối trăng... đẹp như vẽ, nhưng Người vẫn thao thức, vẫn “Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà”. Tâm hồn thi sĩ lồng vào cốt cách chiến sĩ. Màu sắc cổ điển hòa hợp với màu sắc thời đại - cảnh khuya trong kháng chiến. Đó là nét đẹp riêng trong bài thơ này của Bác. Cảm hứng thiên nhiên chan hòa với cảm hứng yêu nước được diễn tả một cách hàm súc nhuần nhị, trong sáng và đầy chất thơ.

Bác Hồ yêu nước, thương dân. Bác yêu thiên nhiên, Bác yêu trăng. Cảnh khuya như dẫn hồn ta vào những giấc mộng đẹp. Sức mạnh của thơ ca đích thực là vậy. Đọc thơ Bác, ta càng thêm yêu kính và biết ơn Bác Hồ Chí Minh.

Bức tranh thiên nhiên cảnh khuya mang vẻ đẹp màu sắc cố điển. Nó gợi nhớ trong lòng ta những vần cổ thi về suối, về, hoa, về trăng:

Côn Sơn suối chảy rì rầm,
Ta nghe như tiếng đàn cầm bền tai...
(Côn Sơn ca - Nguyễn Trãi)

Hoa giãi nguyệt, nguyệt in một tấm,
Nguyệt lồng hoa, hoa thắm từng bông...
(Chinh phụ ngâm)

Hai câu cuối bài thơ nói lên tâm trạng của Bác.

Cảnh khuya rất đẹp, Bác lặng ngắm rồi khẽ thốt lên: “Cảnh khuya như vẽ”. Ba chữ “người chưa ngủ” thể hiện niềm thao thức, nỗi xúc động của nhà thơ: yêu thiên nhiên, yêu non nước hữu tình. Câu cuối bài thơ, cánh cửa tâm hồn của Bác như được mở rộng. Bác không chỉ thao thức vì xúc động trước vẻ đẹp cảnh khuya núi rừng chiến khu Việt Bắc mà còn vì một lí do sâu xa hơn nữa:

Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà.

Bác thao thức, lo lắng vì công cuộc kháng chiến của quân và dân ta, vì độc lập tự do của Tổ quốc. Lúc bấy giờ, cuộc kháng chiến chống Pháp đang diễn ra ác liệt khó khăn. Câu cuối bài thơ diễn tả tình yêu nước sâu nặng, thiết tha của Bác. Hai chữ “chưa ngủ” được điệp lại 2 lần đã làm cho thơ liền mạch, tô đậm tâm trạng thao thức, vì nỗi nước nhà của lãnh tụ kính yêu.

Bài thơ Đi thuyền trên sông Đáy, Bác cũng nói lên tâm trạng ấy:

Lòng riêng riêng những bàn hoàn,
Lo sao khôi phục giang san Tiên Rồng.

Cảnh khuya là bài thơ kiệt tác của Hồ Chí Minh, vừa mang vẻ đẹp cổ điển vừa mang tính thời đại, tính lịch sử. Cốt cách thi sĩ lồng trong tâm thế chiến sĩ. Ngôn ngữ thơ trong sắng, hình tượng thơ mĩ lệ, cảm xúc thơ nồng hậu. Tình yêu thiên nhiên, tình yêu nước tỏa sáng trong những vần thơ đẹp mà em nhớ mãi.

Bản quyền thuộc về Sách Thư Viện. Ghi nguồn sachthuvien.com khi đăng lại bài viết này.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây