I. Dàn ý
1. Mở bài
– Giới thiệu nhà văn Nam Cao với đề tài người nông dân.
– Giới thiệu nhân vật lão Hạc: nghèo khổ, bất hạnh nhưng tâm hồn đẹp, nhân cách cao thượng.
2. Thân bài:
a. Nhân vật lão Hạc
– Lão Hạc là người nông dân nghèo khổ, cùng quẫn, nhưng không bị tha hóa, mà trái lại có một tâm hồn đẹp, một nhân cách cao thượng.
– Lão sống một thân một mình trong tuổi già cô đơn, vất vả. Lão chỉ có đứa con trai duy nhất để nương tựa, vì đói khổ nên tình duyên trắc trở, đau buồn mà đi phu đồn điền cao su.
– Tuổi già còm cõi vẫn phải lủi thủi làm thuê làm mướn kiếm ăn lần hồi. Nhưng rồi cuộc sống càng lúc càng khó khăn, lão rơi vào bế tắc.
– Thực ra hoàn cảnh lão Hạc đã làm gì bế tắc đến thế. Lão còn mảnh vườn để đó, con Vàng đó, có thể bán đi mà tiêu. Nhưng lão sống vì con chứ đâu phải vì mình.
Hiếm có người cha nào thương yêu con như lão Hạc.
b. Phân tích.
– Nghèo khổ nhưng lúc nào cũng nghĩ đến bổn phận làm cha trước, lão lo làm trọn bổn phận ấy, dẫu có phải chịu đói, chịu rét và phải chết bi thảm.
– Hình ảnh đứa con trai, nỗi lo chu tất cho con luôn luôn ám ảnh, dằn vặt tâm trí lão.
– Hồi anh ta còn ở nhà, lão không cho anh bán mảnh vườn để cưới vợ cũng là xuất phát từ nỗi lo cuộc sống lâu dài cho con trai. Lão đau lòng vì chưa lo cho con một người vợ, một căn nhà, một tổ ấm gia đình.
– Lão thà ăn củ chuối, củ ráy chứ không ăn tiêu vào tiền của con, không bán mảnh vườn của con. Bao nhiêu tiền nhặt nhạnh được từ mảnh vườn, cùng văn tự mảnh vườn lão gửi tất cả nhờ ông giáo giữ hộ con trai. Rồi lão chọn cái chết để không bao giờ phải đụng đến.
– Lão Hạc, bên ngoài thì có vẻ tiều tụy và gàn dở như vậy mà thật giàu tình nặng nghĩa.
– Không chỉ đối với con, tấm lòng nhân hậu ở lão còn thể hiện ở cái tình rất nặng đối với con Vàng của lão mà lão gọi là “cậu Vàng”.
– Chân thật, chất phác, đôn hậu, tràn đầy tình thương và trách nhiệm, lão Hạc cũng thật giàu lòng tự trọng.
– Đối với ông giáo, người lão tin tưởng và quý trọng đến thế, lão cũng vẫn giữ ý để người ta nhìn vào không thể coi thường. Lão đói, không còn gì để ăn, nhưng vẫn dứt khoát “từ chối tất cả” thậm chí từ chối “một cách gần như hách dịch” những gì ông giáo giấu vợ thỉnh thoảng ngấm ngầm giúp lão.
– Lão tự trọng đến mức gửi tiền cho ông giáo để “lỡ có chết đem ra nói với làng xóm” lo ma chay cho mình. Khi sống thì “đói cho sạch, rách cho thơm”, sau khi chết cũng không muốn có mảy may một tiếng xì xào.
– Cuối cùng thì lão Hạc chết. Chủ động tìm đến cái chết, một cái chết bi thảm, khốc liệt nhưng là cái chết của một con người cao quý. Bởi qua cái chết này, tất cả những phẩm giá cao đẹp của lão ánh lên, chiếu sáng lòng người.
c. Đánh giá và suy ngẫm.
– Nhà văn Kim Lân từng nói: “Lão Hạc không chỉ là một người nghèo, đó còn là một con người có nhân cách, tự trọng và bất khuất”. Chúng ta hoàn toàn đồng ý với Kim Lân. Nhất là cái chết của lão Hạc để lại cho chúng ta, cùng với nỗi xót thương vô hạn, nhiều bài học quý .
– Bài học sâu sắc nhất là giữa người với người phải có trách nhiệm với nhau hơn, phải tìm hiểu để đánh giá đúng và cảm thông với người khác hơn, phải tin tưởng ở con người và cuộc đời, và phải biết căm ghét xã hội bất công, những thế lực độc ác đã vùi dập, đầy đọa những người như lão Hạc.
3. Kết bài
Nam Cao đã để lại cho đời một nhân vật bất hủ và cũng để lại cho đời một cách ứng xử mang tính nhân đạo sâu sắc.
II. Bài làm
Bài làm 1: Suy nghĩ của em về số phận và tính cách nhân vật lão Hạc trong truyện ngắn Lão Hạc của Nam Cao
Văn học hiện thực phê phán 1930 – 1945 là nơi hội tụ của nhiều cây bút văn xuôi xuất sắc. Mỗi người một đề tài, một phong cách sáng tác riêng song đều tập trung phản ánh tính cách và số phận của nhiều tầng lớp người dân thời kì đó. Khi nhân dân ta rơi vào cảnh nước mất, nhà tan, bản thân là kiếp nô lệ thì cuộc sống không thể khác là sự đoạ đày và khổ đau. Điều đó đã được thể hiện sâu sắc qua truyện ngắn Lão Hạc của nhà văn Nam Cao.
Trước hết ông là một người nông dân gặp nhiều nỗi khổ tâm và bất hạnh, vì nghèo đói nhưng rất chất phác đôn hậu và giàu lòng yêu thương con. Trong cảnh làng mất nghề, người nghèo khắp nơi thì những người già nghèo như lão Hạc là khổ hơn cả. Lão sức yếu mà không có người đỡ đần, chăm sóc khi tuổi già. Đau khổ hơn cho lão Hạc là người con trai đi bặt vô âm tín mấy năm liền. Bản thân lão ốm yếu luôn mà không có tiền chữa bệnh, lão Hạc sống nốt những năm cuối đời trong cảnh cô đơn. Mòn mỏi về bệnh tật và chờ đợi đứa con ngày cũng như đêm, đó là nỗi bất hạnh và khổ tâm rất lớn của lão Hạc. Cô đơn về tinh thần, về vật chất lão Hạc cũng chẳng sung sướng gì. Đói khổ, bàn đầu lão Hạc còn ăn củ khoai, củ sắn, sau thì ăn thức ăn tự tạo lấy : “hôm thì ăn củ chuối, hôm thì ăn sung luộc, hôm thì ăn rau má, với thỉnh thoảng một vài củ ráy, củ khoai hay bữa trai, bữa ốc”. Lão đã quỵ ngã vì bệnh tật, vì nhớ mong khắc khoải. Tuổi lão đã cao, lại thêm sự lo toan cho cuộc sống, thời gian cứ đánh gục dần lão. Chính cái chế độ thực dân phong kiến ấy đã bần cùng hoá lão, dồn lão đến trước con đường của Binh Tự : con đường bất lương, trộm cắp, đánh bả chó. Mặc dù đã bị dồn đến bức tường cuối cùng ấy nhưng lão Hạc vẫn không chịu cúi đầu chui qua cái lỗ nhỏ mà số phận chỉ cho, lão không chịu bán đi hai chữ “lương thiện” mà chấp nhận kết thúc cuộc đời, kết thúc một kiếp người như kiếp chó của mình. Cái chết của lão Hạc thảm thương quá : Lão “vật vã ở trên giường, đầu tóc rũ rượi, quần áo xộc xệch, hai mắt long sòng sọc.”. Như vậy đấy, cuộc đời người nông dân trước Cách mạng khổ từ khi sinh ra cho đến tận lúc chết, mà hình ảnh điển hình là lão Hạc đã được đưa vào văn học.
Mặc dù đời sống bị bần cùng hoá đến cùng cực như vậy nhưng lão Hạc vẫn không mất đi những phẩm chất vốn có của người nông dân Việt Nam. Từ lời nói đến việc làm, suy nghĩ của lão Hạc đều toát lên vẻ thực thà, chất phác. Lão nói với ông giáo : “Tôi cắn rơm, cắn cổ lạy ông giáo ! Ông giáo có nghĩ cái tình tôi già nua tuổi tác mà thương thì cho tôi gửi.”. Nghe lão nói thật hiền từ mà chất phác quá ! Nhỡ sang tên cho ông giáo rồi, ông ta nghèo quá mà bán đì thì sao ? Ấy là cái tình của người nông dân “chọn mặt gửi vàng”, tin tưởng vào những người có học. Cao hơn cả chất phác, lão Hạc là người có tấm lòng đôn hậu. Ông lão rất thương con, nhất định không dùng đến tiền bán vườn của con. Yêu con nên thấy con không cưới được vợ, lão Hạc rất đau khổ. Sống cô đơn, nghèo khổ, nhưng ngày cũng như đêm, lão đều nghĩ, đều thương đến con. Vì thương con và bất lực trước cuộc sống, lão mới kết thúc cuộc đời để khỏi xâm phạm đến mảnh vườn của con. Tình yêu con của lăo cũng thể hiện ở sự thương yêu, trân trọng kỉ vật của con để lại : một con chó “lão gọi nó là cậu Vàng như một bà hiếm hoi gọi đứa con cầu tự”.
Những lúc rỗi rãi, lão tắm cho nó, bắt rận cho nó đầy yêu thương. Lão còn cho nó, ăn trong một cái bát, lúc nào cũng tâm sự với nó. Khi bán nó, lão không thể nén được dòng nước mắt như cái lần lão tạm biệt con trai. Có thể hiểu rằng bán con chó vàng là lão vĩnh viễn không thấy được hình ảnh người con trai.
Qua hình ảnh của lão Hạc, ta có thể nhận thấy rằng, dưới chế độ thực dân phong kiến, thân phận người nông dân tuy đầy đau khổ nhưng tâm hồn họ vô cùng chất phác và đôn hậu.
Bài 2: Suy nghĩ của em về số phận và tính cách nhân vật lão Hạc trong truyện ngắn Lão Hạc của Nam Cao
Từ xưa đến nay, nói đến Nam Cao là người ta nói ngay đến Lão Hạc. Tác phẩm này được coi là một truyện ngắn xuất sắc trong văn học hiện thực phê phán thời kì 1930 – 1945. Đó là một truyện ngắn chứa chan tình người, lay động bao nỗi xót thương khi tác giả kể về cuộc đời cô đơn, bất hạnh và cái chết đau đớn của một lão nông nghèo khổ. Nhân vật lão Hạc đã khắc vào lòng người đọc một cách sâu đậm về hình ảnh một lão nông đáng kính với phẩm chất của con người đôn hậu, giàu lòng tự trọng và rất mực thương con.
Cuộc đời lão Hạc là một chuỗi những đau khổ, bất hạnh, một kiếp đời chua chát và đắng cay từ khi sinh ra cho đến khi ra đi về cõi vĩnh hằng. Goá vợ từ khi còn trẻ, một mình lão gà trống nuôi con trong cảnh đói nghèo, lam lũ, những mong con khôn lớn, trưởng thành làm chỗ nương tựa lúc ốm đau, khi tuổi già. Nhưng hạnh phúc nhổ nhoi ấy đã không đến với lão. Vì không đủ tiền cưới vợ, anh con trai phẫn chí đăng tên đi làm phu đồn điền cao su, cảnh chia li của cha con lão Hạc không hẹn ngày sum họp. Lão Hạc đã mất vợ nay lại thêm nỗi mất con.
Cảnh khốn khó về vật chất hoà trong nỗi đau tinh thần thành dòng lệ chảy trong trái tim chờ đợi khắc khoải của người cha. Nhưng cuộc đời dường như vẫn chưa buông tha lão. Bất hạnh rồi lại bất hạnh cứ liên tiếp giáng xuống đầu người cha già khốn khổ. Kiệt sức vì lam lũ, lẩm than, vì mòn mỏi đợi chờ, lão ốm nặng. Sau trận đó, lão yếu đi nhiều, không thể làm được những việc nặng. Làng mất nghề sợi, đàn bà rỗi rãi nhiều, có việc gì nhẹ họ đều tranh hết. Lão Hạc rơi vào cảnh bần cùng hoá hoàn toàn. Lão sống vật vờ với con ốc, con trai, củ khoai, củ ráy, sung luộc,… Những thứ ấy cũng chẳng dễ gì kiếm được với một lão già đã cạn kiệt sức lực.
Cùng đường sống, lão Hạc tìm đến cái chết, lấy cái chết để tự giải thoát cho mình. Lão đã ăn bả chó để tự tử. Lão chết đau đớn thê thảm “đầu tóc rũ rượi, mắt long sòng sọc, mồm tru tréo, bọt mép sùi ra,… vật vã đến hai giờ đồng hồ rồi mới chết”. Cái chết thật dữ dội ! Số phận một con người, một kiếp sống như lão thật đáng thương.
Với ngòi bút nhân đạo tha thiết, Nam Cao đã nói lên bao tỉnh thương nỗi xót đối với những con người đau khổ, bế tắc phải tìm đến cái chết như lão Hạc. Chí Phèo tự sát bằng lưỡi dao, Lang Rận thắt cổ chết, và lão Hạc cũng quyên sinh bằng cái bả chó ! Lão Hạc từng hỏi ông giáo : “Nếu kiếp người cũng khổ nốt thì ta nên làm kiếp gì cho thật sướng ?”. Câu hỏi ấy thể hiện nỗi đau khổ tột cùng của một con người.
Lão Hạc sống nghèo khổ về vật chất nhưng rất giàu tình cảm. Tình yêu thương con nồng nàn sâu sắc của lão là câu chuyện cảm động về tình cha con. Nhìn con đau khổ vì không có tiền để cưới vợ, lão Hạc khổ tâm vô cùng. Lão thấy mình như có lỗi với con và lão day dứt mãi. Khi con phẫn chí đăng tên đi làm phu đồn điền cao su, trái tim người cha thực sự tan nát. Nỗi thương nhớ thường trực trong người cha đã biến thành sự khắc khoải ngóng trông : “Thằng cháu nhà tôi dễ đến hơn một năm nay chẳng có giấy má gì ông giáo ạ”. Ta đọc được trong câu nói ấy cái tình cảm ấm áp của người cha. Thương nhớ con, lão dồn tình cảm âu yếm vào “cậu Vàng” – kỉ vật của người con để lại. Cái tên cậu Vàng đã chứa đựng tất cả tình quý mến và thân thiết đối với một con vật – một kỉ vật. Không phải bất cứ người nào cũng có thể yêu thương con vật như vậy. Vậy lão không đôn hậu, yêu con đó sao ? Những cơn mưa bão liên miên, hoa màu trong vườn đều bị phá sạch, việc làm chẳng còn, nếu cứ tiếp tục như vậy thì sẽ ăn vào số tiền chắt chiu dành dụm cho con. Đặt lên bàn cân mà tính, suất ăn của con chó cũng bằng lão, vậy thì tốn quá. Giữa số tiền dành dụm cho con và con chó – người bạn tâm tình, lão sẽ chọn ai đây ! Để đi đến quyết định, lão đã phải dằn vặt, đau khổ, lão suy nghĩ nhiều, nhiều lắm mới dũng cảm bán con chó. Cuộc lựa chọn khó khăn, tàn khốc diễn ra trong nước mắt. Nhưng nếu không bán con chó, lão sẽ chết và số tiền dành dụm cho con cũng chẳng còn. Lão bán chó đâu phải để ăn mà để lo cho tương lai của đứa con. Hình ảnh lão Hạc “miệng méo xệch”, “khóc hu hu” khi nghĩ rằng mình đã đánh lừa một con chó là hiện thân của tấm lòng nhân ái cao cả.
Bao nhiêu tình thương yêu con lão dồn cả vào việc quyết giữ bằng được mảnh vườn cho con. Khi đã hết đường sinh nhai, lão Hạc có thể bán vườn đi, nhưng lão không làm thế, lão thà chết chứ không chịu bán đi một sào. Thậm chí trước khi chết, lão còn tìm nơi nhờ cậy gửi gắm mảnh vườn ấy… Cuộc đời lão Hạc thật bi thương. Nhưng giữa cuộc đời khốn khó, lão Hạc vẫn ý thức được nhân phẩm của mình. Lòng tự trọng của một người không cho phép lão nhận sự giúp đỡ của ông giáo mà lão biết cũng chẳng sung sướng hơn gì lão, càng không cho phép lão phiền luỵ đến bà con lối xóm. Ý thức được điều đó một cách sâu sắc, lão Hạc đã nhịn ăn để dành tiền làm ma cho mình. Ta nhận thấy ở lão Hạc một triết lí sống cao đẹp biết nhường nào…
Dưới một xã hội đen tối, ngột ngạt, không ít người đã đánh mất nhân phẩm, hoặc tha hoá, biến chất. Ta cũng dễ dàng tìm thấy họ trong một loạt những, sáng tác của Nam Cao. Nhưng khác với họ, dù nghèo đến đâu, lão Hạc vẫn sống trong sạch và lương thiện. Chính nhân vật ông giáo đã nhận xét về lão : “Binh Tư là một người láng giềng khác của tôi. Hắn làm nghề ăn trộm nên vốn không ưa gì lão Hạc bởi vì lão lương thiện quá.”. Hết kế sinh nhai lão có thể chọn con đường theo Binh Tư, nhưng lão Hạc không làm như thế. Lão thà chết chứ nhất định không bán linh hồn cho quỷ dữ. Một cách sống và xử thế thật đáng trân trọng, phù hợp với đạo lí “thác trong hơn sống đục” của nhân dân ta.
Cuộc đời lão Hạc đầy nước mắt, nhiều đau khổ và bất lực. Sống thì âm thầm, nghèo đói cô đơn ; chết thì quằn quại đau đớn. Tuy thế, lão Hạc lại có phẩm chất tốt đẹp như hiền lành, chất phác, vị tha, nhân hậu, trong sạch và tự trọng,… Lão Hạc là một điển hình về người nông dân Việt Nam trong xã hội cũ, được Nam Cao miêu tả chân thực với bao nhiêu trân trọng, xót thương, thấm đượm một tinh thần nhân đạo thống thiết.