Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Phân tích nhân vật Hồng ở đoạn trích Trong lòng mẹ trích Những ngày thơ ấu của Nguyên Hồng

Thứ năm - 25/03/2021 04:18
Hướng dẫn lập dàn bài chi tiết và làm bài văn mẫu, đề bài: Phân tích đặc điểm nhân vật Hồng ở đoạn trích Trong lòng mẹ trích Những ngày thơ ấu của Nguyên Hồng

I. Dàn ý

1. Mở bài
Giới thiệu tác phẩm Những ngày thơ ấu của Nguyên Hồng và Hồng, nhân vật chính trong tác phẩm.
Nêu nhận xét về nhân vật Hồng trong đoạn trích Trong lòng mẹ: Một cậu bé có lòng yêu thương mẹ sâu sắc.

2. Thân bài
a. Tình yêu mẹ biểu hiện trong những ngày xa mẹ:
Hồng khá già dặn trong suy nghĩ về hoàn cảnh éo le của mẹ. Cậu kiên quyết chống lại những lời nói xấu mẹ của bà cô độc ác, hòng làm Hồng khinh ghét mẹ.
Người cô có thể làm em đau lòng nhưng không thể làm em xa mẹ.
Từ tình yêu thương mãnh liệt, Hồng quyết bảo vệ mẹ, giữ tròn tình cảm em dành cho mẹ, không oán trách, luôn tin rằng mẹ sẽ về.
b. Lòng yêu thương mẹ biểu hiện khi được gặp mẹ:
Hồng luôn khao khát được gặp mẹ, nên khi được nằm trong lòng mẹ, cậu bé ngây ngất trong cảm giác hạnh phúc vô biên.
Hạnh phúc được ở bên mẹ khiến cậu bé quên hết mọi đắng cay, tủi hờn trong những ngày phải xa mẹ.
c. Đánh giá nhân vật
Cậu bé Hồng là tuổi thơ của chính nhà văn, một tuổi thơ cay đắng, nhưng trong gian khổ vẫn giữ một tình cảm thiêng liêng trong sáng: tình mẫu tử.
Cách biểu hiện của nhà văn vô cùng chân thực, nhân vật có cá tính rõ nét, miêu tả tâm lí sắc sảo, nhất là tâm lí trẻ em thật tinh tế “với những rung động đến cực điểm” (Thạch Lam).
3. Kết bài
Nhân vật Hồng là một nhân vật nhỏ tuổi có cá tính, ghi được dấu ấn trong bạn đọc.
Lòng yêu thương mẹ của Hồng gây được xúc động không chỉ với bạn đọc nhỏ tuổi mà còn cả với những ai giàu lòng thương cảm đối với số phận bất hạnh của kiếp người.

II. Bài văn mẫu: Phân tích nhân vật Hồng ở đoạn trích Trong lòng mẹ trích Những ngày thơ ấu của Nguyên Hồng

Tình yêu thương là một trong những tình cảm không thể thiếu trong đời sống tâm tư tình cảm của con người. Nó thể hiện một quan hệ tốt đẹp giữa con người với con người. Có yêu thương nhau ta mới hiểu được nhau và cảm thông cho nhau trước những khắc nghiệt của cuộc đời và nhất là mối quan hệ gia đình, tình thương yêu càng thể hiện rõ nét. Một trong những hình ảnh tiêu biểu gây ấn tượng sâu đậm cho người đọc là hình ảnh bé Hồng trong tập hồi kí “Những ngày thơ ấu” của Nguyên Hồng. Đọc truyện ta thấy em có tình yêu thương mẹ tha thiết tình cảm ấy đã được miêu tả rất xúc động ở chương IV - “Trong lòng mẹ”.

Không may mắn như những đứa trẻ khác, bé Hồng phải trải qua một thời thơ ấu đầy cay đắng và ít niềm vui. Bé Hồng ra đời là kết quả của một cuộc hôn nhân gượng ép và lớn lên trong không khí gia đình thiếu hạnh phúc. Người cha sống u uất bên bàn đèn thuốc phiện, còn người mẹ đành chôn vùi tuổi xuân bên người chồng nghiện hút. Sau khi chồng chết, mẹ bé Hồng cùng quẫn quá phải bỏ đi tha hương cầu thực. Bé Hồng mồ côi cha, xa mẹ, sống bơ vơ giữa sự ghẻ lạnh và cay nghiệt của họ hàng giàu sang. Chỉ từng ấy những chi tiết cũng đủ cho ta thấy được sự mất mát quá lớn của bé Hồng phải trải qua so với những đứa bạn cùng tuổi. Có lẽ vì vậy mà bao nhiêu tình cảm của một đứa trẻ, bé Hồng đều dành hết cho mẹ, người mà em yêu quí nhất và cũng là người thân duy nhất của em. Lẽ ra là một đứa trẻ thì bé Hồng phải sống trong tuổi thơ, được họ hàng thương yêu, chăm sóc, tạo điều kiện để em luôn có một cuộc sống hạnh phúc trong sáng. Đằng nay, bà cô Hồng lại luôn gieo rắc vào đầu óc Hồng những ý nghĩ xấu xa để bé khinh ghét, ruồng bỏ mẹ. Có thể đối với một số đứa trẻ khác, khi gặp hoàn cảnh như Hồng có lẽ Hồng sẽ ghét bỏ mẹ mình. Nhưng ở bé Hồng lại khác, em tuy nhỏ nhưng đã sớm hiểu biết về chế độ, về xã hội, đã nhận ra ý nghĩa cay độc trong từng lời nói của người cô. Chính vì vây mà bé Hồng luôn giữ cho tình thương mẹ yêu mẹ của mình không bị vấy bẩn. Tình thương yêu ấy được bộc lộ rõ trong những lần bé Hồng nói chuyện với người đó.

Gần đến ngày giỗ bố, bà cô gọi Hồng lại nói chuyện. Trong câu chuyện bà đã bộc lộ rõ ác ý với bé Hồng. Khi cô hỏi muốn vào Thanh Hóa gặp mẹ không? Hồng đã suýt trả lời “có” vì em nghĩ tới cánh thiếu thốn tình cảm của mẹ, cảnh phải xa cách mẹ bấy lâu đã khiến Hồng bao phen khóc thầm. Nhưng khi nhận ra ác ý của người cô, Hồng đã kìm lại được và Hồng chỉ cúi đầu không đáp. Hồng đã hình dung được cái gì sẽ xảy ra nếu em trả lời có. Khi ấy chắc người cô sẽ cười thương hại em, sẽ càng được thể nói xấu mẹ em. Chính vì vậy mà cử chỉ cúi đầu không đáp của Hồng là rất đúng. Nó khẳng định một điều mặc dù còn nhỏ tuổi nhưng Hồng có cách nhìn nhận rất già dặn trước những lời bóng gió của người cô.

Tuy đã lâu không nhận được thư và quà của mẹ nhưng Hồng vẫn không tỏ ra giận mẹ. Hồng hiểu được hoàn cảnh của mẹ khi phải đi tha hương cầu thực cũng khổ cực nhiều. Vì vậy mà Hồng càng yêu mẹ, quý và thương mẹ hơn, Hồng nhất định không để ai xúi bẩy làm mất đi tình cảm yêu mến, gắn bó giữa hai mẹ con. Nghĩ vậy mà Hồng từ chối lời khuyên của cô khi người cô muốn em vào Thanh Hóa chơi và chăm sóc em bé. Mặc dù trả lời “không” nhưng Hồng đã không cầm được nước mắt khi người cô kéo dài hai tiếng “em bé”. Hồng khóc vì thương mẹ phải rời bỏ quê hương sinh em một cách dấu diếm. Khóc vì căm tức những hủ tục, những thành kiến của xã hội đối với phụ nữ mà mẹ em là người phải gánh chịu hậu quả. Và lúc đó “nếu những hủ tục ấy là hòn đá, cục thủy tinh hay đầu mẩu gỗ" thì Hồng “quyết vồ lấy mà cắn, mà nhai, mà nghiến cho kì nát vụn mới thôi”.

Trước những lời nói mỉa mai cay độc của người cô đối với mẹ, Hồng cảm thông, thương mẹ vô cùng. Tình yêu thương ấy đã giúp Hồng nhận ra đâu là lẽ phải đâu là những hủ tục cần lên án. Và tình cảm sâu nặng ấy đã gíup Hồng đứng vững trước những tác động của người cô. Nó giúp Hồng bảo vệ được tình cảm của mình đối với mẹ. Tình yêu thương mẹ của Hồng còn được thể hiện sâu sắc và vô cùng xúc động khi Hổng được gặp mẹ, nằm trong lòng mẹ mà được hưởng tình yêu vỗ về của mẹ.

Lần ấy khi tan học về, Hồng thấy mẹ ngồi trên chiếc xe kéo. Mới đầu Hồng định gọi nhưng Hồng lại nghĩ nhỡ ra không phải là mẹ thì chắc lũ bạn sẽ cười chê nên em đã thôi không gọi. Nhưng dường như linh tính hay tình yêu thương mẹ đã mách bảo Hồng đó chính là mẹ. Và Hồng đã chạy theo gọi “Mợ ơi! Mợ ơi!...”. Mấy tiếng ấy được bật ra từ lòng thương mẹ và khao khát được gặp mẹ của Hồng. Và khi biết chắc là mẹ rồi, Hồng mừng quá đến nỗi chạy ríu cả chân lại. Và Hồng òa khóc rồi sà vào lòng mẹ. Được mẹ vuốt ve Hồng như sống lại những cảm giác bấy lâu nay đã mất đi trong mình "hơi quần áo, hơi thở thơm của mẹ...”, tất cả, tất cả đã sống dậy trong Hồng. Mừng vui quá Hồng không còn để ý gì đến xung quanh, ngay cả những lời mẹ hỏi. Quanh Hồng lúc đó chỉ còn một niềm vui duy nhất là gặp lại mẹ, được ở trong vòng tay của mẹ. Đối với Hồng, đó là phút giây hạnh phúc lớn lao khôn tả. Càng đọc ta càng thấy tình yêu thương mẹ của Hồng thật nồng thắm, sâu nặng.

Tình yêu thương mẹ là một nét nổi bật trong tâm hồn bé Hồng, cho em thấy Hồng là một em bé thiếu thốn nhiều về tình cảm gia đình nhưng lại rất giàu tình yêu thương mẹ. Đọc truyện em càng hiểu và cảm thông với hoàn cảnh của Hồng càng thêm quý Hồng. Hồng quả là một đứa con ngoan, một tâm gương sáng về tình thương yêu.

Bản quyền thuộc về Sách Thư Viện. Ghi nguồn sachthuvien.com khi đăng lại bài viết này.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây