Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Suy nghĩ của em về cảnh trăng ở chiến khu Việt Bắc trong hai bài thơ cảnh khuya và Nguyên tiêu.

Thứ ba - 17/09/2019 13:11
Cảnh khuya và Nguyên tiêu là hai bài thơ kiệt tác của Hồ Chí Minh. Cả hai bài đều viết theo thể thất ngôn tứ tuyệt Đường luật, nhưng ngôn từ khác nhau. Cảnh khuya viết bằng tiếng Việt; Nguyên tiêu viết bằng chữ Hán.
Không gian nghệ thuật của hai bài thơ là thiên nhiên núi rừng Việt Bắc, nhưng thời điểm sáng tác, thời gian nghệ thuật lại khác nhau. Cảnh khuya viết vào mùa thu 1947, khi giặc Pháp đang tấn công lên Việt Bắc. Còn Nguyên tiêu được viết vào đầu xuân 1948, khi chiến dịch Việt Bắc đã chiến thắng vang dội.

Cả hai bài đều nói đến trăng; cảnh trăng trong mỗi bài thơ lại có những nét đẹp riêng, sắc thái biểu cảm riêng.

Cảnh trăng trong bài Cảnh khuya là cảnh trăng thu. Có suối chảy trong rừng khuya từ xa vọng đến nghe rất “trong”, “như tiếng hát xa” êm đềm, ngọt ngào. Trăng sáng lung linh. Ánh trăng “lồng” vào cổ thụ và hoa ngàn. Cảnh trăng thơ mộng, huyền diệu mang vẻ đẹp cổ điển, rất hữu tình thi vị:

Tiếng suối trong như tiếng hát xa,
Trăng lồng cổ thụ, bóng lồng hoa.


Trăng đã làm đẹp thêm cảnh sắc núi rừng chiến khu, đem đến bao xúc động, khiến nhà thơ khẽ thốt len trong lòng: “Cảnh khuya như vẽ...”.

Cảnh trăng trong bài Nguyên tiêu là cảnh trăng xuân, trăng trong đêm rằm tháng giêng, trăng vừa tròn (nguyệt chính viên). Vũ Bằng trong Thương nhớ mười hai đã nói về trong tháng giêng Bắc Việt: “Trời sáng lung linh như ngọc”, “cái trăng tháng giêng, non như người con gái mơn mởn đào tơ”, “ánh trăng ấy không vàng mà trắng như sữa, trong như nước ôn tuyền”.

Trăng trong bài thơ của Bác làm cho sông xuân, nước xuân, trời xuân trở nên bát ngát bao la, vừa đẹp vừa dạt dào sức sống. Ba chữ “xuân” trong câu thơ thứ 2 làm cho cảnh trăng đất nước trở nên tráng lệ, tinh khôi:

Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên,
Xuân giang, xuân thủy, tiếp xuân thiên.


Câu thơ thứ 4, vầng trăng rằm tháng giêng lại được nói đến. Con thuyền của lãnh tụ để “bàn bạc việc quân” giữa nơi khói sóng đã trở thành con thuyền của thi nhân lúc trở về bến lúc nửa đêm. Con thuyền đã chở đầy ánh trăng:

Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền.

Trăng trong hai bài thơ của Bác là trăng sáng, trăng tròn. Cảnh trăng nào cũng hữu tình thơ mộng. Tuy có sắc thái biểu cảm khác nhau, nhưng tất cả đều nói lên tình yêu trăng, tình yêu thiên nhiên chan hòa với tình yêu quê hương đất nước. Cảnh trăng là một nét đẹp trong hồn thơ Hồ Chí Minh: ung dung, lạc quan, yêu đời.

Bản quyền thuộc về Sách Thư Viện. Ghi nguồn sachthuvien.com khi đăng lại bài viết này.

  Ý kiến bạn đọc

DANH MỤC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây