Nguyên tiêu là bài thơ được sáng tác vào đầu năm 1948 sau chiến thắng Việt Bắc, Hai câu đầu của bài thơ là một bức tranh tuyệt đẹp trong đêm rằm tháng giêng:
Kim dạ nguyên tiểu nguyệt chính viên,
(Đêm nay, đêm rằm tháng giêng, trăng đúng lúc tròn nhất)
Xuân giang xuân thuỷ tiếp xuân thiên.
(Sông xuân, nước xuân tiếp giáp với trời xuân)
Một đêm trăng cực sáng - trăng nguyên tiêu - khiến cho mặt nước và bầu trời đầy sức xuân: “sông xuân, nước xuân tiếp giáp với trời xuân”. Trong khung cảnh ấy, đáng lẽ người nghệ sĩ phải có cảm hứng về cảnh đẹp của đêm rằm. Nhưng không, tứ thơ đột ngột chuyển sang một hướng khác: “Yên ba thâm xứ đàm quân sự”! (Nơi sâu thẳm mịt mù khói sóng bàn việc quân). Rõ ràng, Bác vừa là người nghệ sĩ vừa là người chiến sĩ. Con người chiến sĩ trong Bác luôn luôn được đặt trước con người nghệ sĩ. Khi việc quân việc nước đã bàn xong thì con người nghệ sĩ và con người chiến sĩ ở Bác đã hoà làm một: “Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền” (Nửa đêm quay về trăng đầy thuyền). Hình ảnh trăng đầy thuyền thật là lãng mạn và nên thơ. Bài thơ thể hiện phong thái ung dung, lạc quan, luôn làm chủ hoàn cảnh của Bác Hồ.
Cấu trúc bài thơ chặt chẽ theo đúng niêm luật của thể thơ thất ngôn tứ tuyệt Đường luật. Bài thơ được sáng tác bằng chữ Hán, sử dụng nhiều từ ngữ ước lệ, cách sử dụng điệp ngữ kết hợp với sự chuyển hướng đột ngột của tứ thơ làm cho bài thơ vừa có nét cổ kính vừa có nét hiện đại, tô đậm thêm phong cách độc đáo của thơ Bác.