Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Suy nghĩ của anh (chị) khi trúng tuyển (hoặc trượt) đại học

Chủ nhật - 13/10/2019 09:53
Sau nhiều năm cố gắng, tôi đã thi đậu tốt nghiệp, không bõ công cha mẹ kỳ vọng vào tôi, không bõ công thầy giáo tập rèn khó nhọc cho tôi. Nhưng sau cái vui mừng này tôi còn phải nghĩ đến việc sửa soạn thi vào Đại Học, Tôi chưa tính thi vào trường nào, nhưng việc thi thì đã nhất định rồi, vì đã được sự đồng ý của cha mẹ tôi.
Gia đình tôi vốn nghèo. Cha tôi làm thợ, suốt ngày cực nhọc mà lương chẳng được bao nhiêu. Mẹ tôi nay yếu mai đau, công việc buôn bán ngoài chợ cũng do đó mà chiu phần thiệt hại. Nhưng không vì thế mà cha mẹ tôi muốn tôi dốt nát. Cha mẹ chỉ mong cho tôi có một cái vốn học thức kha khá để sau này mở mặt với đời, đỡ cực nhọc tấm thân. Còn tôi, tôi cũng hiểu rằng “việc học là chìa khóa mở cửa hạnh phúc”, chỉ có học sau này mới được sung sướng, mới thành người hữu ích, ích quốc lợi dân, mới có thể đền ơn sinh thành dưỡng dục của cha, của mẹ đã một đời vì tôi vất vả, lặn lội phong sương. Cho nên, khi được cha mẹ cho phép tiếp tục sự học, tôi mừng đến chảy nước mắt, hết sức cảm động trước sự hy sinh lớn lao của cha mẹ tôi.

Trong óc tôi, những ý tưởng quay cuồng lộn xộn. Đầu tiên là ý nghĩ lạc quan. Với sức học của tôi, hằng tháng đứng đầu trong lớp, tôi có thể dễ dàng vượt qua kỳ thi tốt nghiệp. Tôi có nhiều hy vọng được ngồi vào ghế trường Đại Học, được gọi là sinh viên, sau khi đã vượt qua bậc Trung học phổ thông một cách oanh liệt. Những bài vở rồi đây cũng khó hơn, với nhiều môn học mới: nào là Triết học, Toán cao cấp, nào là Công nghệ thông tin, Công nghệ tự động,... toàn là những môn mới lạ đối với tên học trò trung học như tôi. Tôi sẽ phải mất nhiều thời gian và cố gắng mới mong theo kịp. Muốn vậy, tôi phải soạn sẵn một chương trình làm việc, xếp đặt thế nào để ngoài việc học còn có ít thời giờ giúp đỡ việc nhà. Theo thời khoa biểu riêng đó, tôi sẽ dậy sớm hơn, thức khuya hơn, thu xếp thế nào để giờ chơi, giờ học được quy củ, ra giờ ra giấc.

Sách vở của tôi không có nhiều. Tôi sẽ lên mạng tìm hiểu thông tin, thu thập tài liệu, tôi làm quen với một vài anh bạn tốt khóa trước để mượn họ sách. Tôi sẽ giữ gìn cẩn thận như chính của tôi để lấy tín nhiệm. Tôi sẽ đóng những tập vở riêng để chép những môn thiết yếu dùng làm tài liệu, vì tôi biết “thợ khéo mà không có đồ dùng tốt” cũng chẳng làm gì?

Nói về hạnh kiểm, tôi cũng phải tự sửa đổi thế nào để cho mỗi ngày một hay, mỗi ngày một khá. Lên Đại học, thành người lớn rồi phải đứng đắn hơn, những tính “trẻ con” như hờn dỗi, mách lẻo, ích kỷ, ... phải bỏ đi để thành cậu sinh viên Đại Học thực thụ. Vả lại có thể tự học mới tiến bộ, và để thu được nhiều kết quả, tôi quyết sẽ lấy phương châm “học thầy không tày học bạn” ý để học hỏi được nhiều hơn về học vấn cũng như về tính tình...

Nhưng còn như nếu không đỗ?... Cũng có thể được lắm, vì “học tài - thi phận” vẫn là trường hợp có thể xảy ra. Nghĩ đến hỏng thi, lòng tôi se lại. Hỏng thi ai mà không buồn, không chán? Nhưng tôi buồn cũng không lâu. Vì tôi nghĩ đến cảnh nhà nghèo khó, với cha mẹ già, với đàn em nhỏ. Mười bảy tuổi đầu như tôi cũng có thể giúp cha mẹ được nhiều công việc, chia sẻ với cha tôi nhiều nỗi nhọc nhằn. Tôi sẽ đóng vai “phó nhỏ” cho cha tôi và dưới sự chỉ dẫn tận tâm của người, tôi hy vọng chẳng bao lâu sẽ thành thợ khéo, nối nghiệp được cha. Tôi sẽ lấy làm hãnh diện được nghe thấy người ta xì xào, bàn tán: “Đấy, con ông Phó Lan ngày trước đấy!... Thật cha nào, con nấy, khéo tay có một ...” Tôi sẽ an phận để cố tâm trau dồi nghề nghiệp với cái hy vọng có thân mình vinh hiển nhờ có nghề tinh. Đã chẳng bao nhiêu thợ khéo trở nên giàu có, danh giá là gì? Ngoài ra, những buổi tối nhàn rỗi, tôi sẽ đọc sách hoặc đến trường học thêm để mở mang sự hiểu biết của mình. Tôi chỉ là một người thợ, những người thợ tri thức, để khỏi ai khinh mình và để khuếch trương nghề nghiệp của mình nữa.

Vậy thì dù đậu, dù trượt, tôi vẫn không buồn. Đậu thì hy vọng thành người tri thức, mang tài học giúp ích cho nước nhà. Trượt thì nuôi cái hy vọng thành thợ lành nghề, theo nghiệp của ông cha. Muốn thế, tôi quyết định sẽ lấy câu “kiên nhẫn là mẹ thành công” để làm phương châm trong mọi hành động sau này.

  Ý kiến bạn đọc

DANH MỤC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây