Cha tôi đã có ý định cho tôi học nghề thợ máy từ lâu. Người thường bảo tôi: “Nhà ta vốn dòng thanh bạch, nên cha muốn con có một nghề chắc chắn trong tay để tự đảm bảo sinh kế sau này. Mà một nghề có giá trị, cha xem ra không gì bằng nghề máy, con ạ”. Thoạt nghe cha nói tôi không khỏi ngậm ngùi cho sự học dở dang của mình. Trong khi các bạn đang xây mộng đẹp cho tương lai, thì tôi sẽ chỉ là một bác thợ xoàng. Cho nên, tôi thấy lòng hơi tủi; nhưng rồi nghĩ đến hoàn cảnh của mình, tôi lại thấy nức lòng theo sự hướng nghiệp của cha tôi. Gia đình tôi đã chẳng lấy gì làm sung túc, lại nhiều miệng ăn, nên thực tình lấy đâu lo liệu cho tôi tiếp tục học lên được mãi? Cha tôi tuổi ngày một lớn, công việc trong xưởng máy bắt đầu trở nên nặng nhọc. Và tất cả sinh kế trong gia đình đều trông vào hai bàn tay của người, trong khi mẹ tôi nay ốm, mai đau, muốn trong cậy vào con, thì còn thơ dại cả. Mỗi lần nhìn thấy cha tôi mệt nhọc từ xưởng thợ trở về, hoặc thấy mẹ tôi héo hắt trong tấm áo nâu đã bạc, le te chạy gạo, tôi thấy lòng trào lên một niềm thương xót, muốn bỏ học ngay để kiếm việc làm, mong cha mẹ được đôi chút thảnh thơi.
Hơn nữa, tôi tự xét mình cũng có đôi chút khả năng về máy móc, nên nghề ấy cha tôi chọn cho kể cũng là thích hợp. Ở nhà, bao nhiêu khóa hỏng đều một tay tôi sửa chữa; mỗi tháng một lần, tôi tháo xe đạp của cha tôi ra lau dầu lại. Thậm chí đến cả món đồ chơi đứt cót, chiếc máy khâu rối chỉ, hoặc chiếc đèn điện của nhà hàng xóm bị tắt, tôi cũng đều cần mẫn sửa lấy bằng được. Những việc đó, tôi làm một cách vui thích, nên tôi tin chắc, rồi đây học nghề máy, tôi sẽ thấy hứng thú và chóng thành nghề, đủ bảo đảm tương lai cho bản thân tôi và cho cả gia đình nữa. Vả lại cha tôi vốn là thợ máy lành nghề, nếu rồi đây được theo cha để vừa học, vừa đỡ tay chân cho người, thì thật còn gì vui thủ hơn nữa?
Cha tôi thường vẫn bảo: “Muốn tinh nghề thì phải học nghề từ sớm. Ta không được lên làm chủ, chỉ vì vào nghề quá muộn, đến khi biết thì đã già rồi. Nay con đang độ tinh anh, lại có đôi chút chữ nghĩa, chắc con sẽ hơn ta nhiều lắm”.
Nghe cha nói, tôi rất vui lòng mát dạ, chỉ còn ân hận rằng vốn chữ nghĩa của tôi còn ít quá. Nhưng ai cấm tôi, những lúc rỗi rãi, những buổi tối về, học thêm, đọc thêm để tự tạo lấy một, một căn bản văn hóa vững vàng. Tôi sẽ cố gắng học hỏi, nhất là về chuyên môn để cho nghề mình thêm tinh tiến.
Kỳ thi sắp tới. Ngày vĩnh biệt cuộc đời cắp sách không khỏi làm tôi ngậm ngùi. Nhưng nghĩ đến một cuộc sống mới đương đón chờ, tôi lại thấy phấn khởi, náo nức, như đã nghe thấy tiếng máy chạy rộn ràng trong khung cảnh tấp nập và đầy sinh lực của một xưởng máy tối tân.