BÀI LÀM:
Trong thế giới của những người cầm bút, đôi khi mỗi người có một lối đi riêng, một con đường riêng. Nghệ thuật là thứ độc đáo trong thế giới độc đáo của nhà văn mà không ai lặp lại trong cảm hứng sáng tạo của người khác. Tuy nhiên, đôi lúc họ lại gặp nhau, đồng điệu với nhau đến ngỡ ngàng về điểm nhìn về niềm cảm thông nhưng tác phẩm vẫn là của riêng không trộn lẫn. Hộ trong “Đời thừa” và Vũ Như Tô trong “Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài” là sự “gặp gỡ và khám phá riêng về người nghệ sĩ” của hai nhà văn Nam Cao và Nguyễn Huy Tưởng.
Nam Cao được biết đến với tư cách là nhà văn của chủ nghĩa hiện thực phê phán trước năm 1945 với rất nhiều tác phẩm xoay quanh nỗi khổ đau, cùng cực, không lối thoát của con người. “Trăng sáng”, “Đời thừa”, “Sống mòn” là những tác phẩm về tiếng kêu cứu của người trí thức nghèo. Còn tác phẩm “Chí Phèo” là tiếng kêu cứu đầy tuyệt vọng của người nông dân lương thiện bị đẩy vào con đường cùng. Nguyễn Huy Tưởng lại được biết đến với tư cách là một nhà văn, nhà viết kịch hiện đại với những tác phẩm tên tuổi mang tầm lịch sử như “Bắc Sơn”, “Vũ Như Tô”. Trong đó, “Vũ Như Tô” là một vở bi kịch lịch sử có quy mô hoành tráng nhất. Giữa Vũ Như Tô và Hộ, là khoảng thời gian cách xa hàng thế kỷ nhưng ở họ vẫn có những điểm tương đồng khiến khi tìm hiểu ta không khỏi ngạc nhiên.
Trước hết ta thấy, sự gặp gỡ giữa Nguyễn Huy Tưởng và Nam Cao chính là ở chỗ, họ đều xây dựng nhân vật trí thức ở cái tài hoa, nghệ sĩ. Trong mắt của hai nhà văn, những người nghệ sĩ là những người có khát vọng lớn, muốn đem cái tài để phục vụ cho cuộc đời. Hộ và Vũ Như Tô là hai người nghệ sĩ như thế.
Hộ là một nhà văn nghèo nhưng đam mê văn chương. Anh yêu văn chương như hơi thở của mình. Với Hộ “đói rét không có nghĩa gì với một kẻ trẻ tuổi say mê lý tưởng”. Anh sống với giấc mộng văn chương đẹp nhất trên đời với ước mơ thật lớn lao. Anh hi vọng sẽ viết được một tác phẩm văn chương sẽ “làm lu mờ tất cả các tác phẩm ra cùng một thời”. Đó sẽ là tác phẩm “vượt qua mọi bờ cõi và giới hạn, làm người gần người hơn… nó ca tụng lòng thương, sự bác ái công bình”. Và tác phẩm đó, Hộ mơ ước sẽ được nhận giải Nobel. Đó là một ước mơ rất chính đáng của người nghệ sĩ khao khát được cống hiến cho đời những trang văn đẹp. Khát khao ấy phát xuất từ một tâm hồn đẹp, coi “nghệ thuật là tất cả”. Đó là một khát khao đẹp đẽ, trong sáng và chính đáng, một hoài bão lớn lao nó bảo cho ta biết đó là một nhà văn chân chính, có chí hướng.
Với Vũ Như Tô, ông là người nghệ sĩ có tài, có tâm, đam mê nghệ thuật, khao khát sáng tạo, sẵn sàng hi sinh tất cả cho cái đẹp. Cũng như nhà văn Hộ, Vũ Như Tô muốn đem tài năng kiến trúc của mình dựng xây cho đất nước, tô điểm cho non sông một kỳ quan vĩ đại, một cảnh bồng lai giữa cõi trần lao lực để mai này cháu con “ngàn thu hãnh diện”. Đó là đài Cửu Trùng “nóc vờn mây”, đồ sộ, nguy nga. Công trình kiến trúc ấy là tâm huyết cả cuộc đời ông. Nó không phải là công trình tầm thường nữa mà để “tranh tinh xảo với hóa công”. Có ai đó từng nói rằng: “Thiên chức của người nghệ sĩ là hái sao trên trời điểm tô cho cái đẹp của hạ giới”. Như vậy, cả tác phẩm mơ có ngày được giải Nobel của Hộ và Đài Cửu Trùng hãnh diện với ngàn thu của Vũ Như Tô đều là những khát vọng lớn của những người nghệ sĩ chân chính muốn “điểm tô cho hạ giới” những vì sao sáng.
Điểm chung nữa giữa Vũ Như Tô và Hộ đó là, cả hai người nghệ sĩ đều đam mê sáng tạo cái đẹp, trau chuốt cho cái đẹp, sống chết vì cái đẹp: Vũ Như Tô rất tự tin và ý thức sâu sắc về tài năng, giá trị của bản thân. Ông đã dũng cảm, khôn khéo chống trả những đợt tấn công gay gắt, quyết liệt buộc Tương Dực phải đi từ nhân nhượng này đến nhân nhượng khác và cuối cùng phải chấp nhận thực hiện hai điều kiện mà người thợ cả nêu ra: “thứ nhất, đài phải xây theo đúng kiểu bản đồ này, không thay đổi một li nào. Thứ hai: Hoàng thượng và triều đình phải trọng đãi công ngang sĩ”. Những lời đanh thép, gan ruột của ông đã hé lộ bao nhiêu suy cảm tinh tế, sâu xa về chân tài và sự khổ luyện để đạt được chân tài; về vai trò, trách nhiệm của nhân tài đối với nước non và những điều phải làm để phát hiện, bồi dưỡng nhân tài – nguyên khí của quốc gia; về mối quan hệ gắn bó và bình đẳng lẽ ra nên có giữa công và sĩ (đặt trong thang bậc phong kiến: sĩ, nông, công, thương)…Những điều mà dường như đến tận thời điểm này không thể nói là không còn nóng bỏng thời sự. Xây Cửu Trùng Đài, với ông còn chính là thi thố tài năng với trời đất, tranh tinh xảo với hóa công. Như vậy, rõ ràng, khát vọng cao đẹp gắn liền với ý thức về tài năng đã mang đến một Vũ Như Tô thật hoàn hảo giữa đời.
Nhà văn Hộ cũng thế, ước mơ cao đẹp luôn gắn liền với ý thức tài năng. Hộ ghét cay ghét đắng cái thứ văn chương “vô vị, nhạt nhẽo, quấy loãng trong một thứ văn chương bằng phẳng, dễ dãi”. Ý thức của người cầm bút mách bảo hộ phải có lòng tự trọng với nghề nghiệp bởi “văn chương không cần đến những người thợ khéo tay làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho, văn chương chỉ biết dung nạp những người biết đào sâu tìm tòi, sáng tạo, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những gì chưa có”. Hộ chăm chút cho cái tài của mình ngày một thêm nảy nở, anh đọc “chăm chú quá…Cái mặt hốc hác ấy, nghiêng nghiêng bên trên quyển sách, trông khắc khổ đến thành dữ tợn”. Hộ say mê đọc sách, và đọc sách theo anh là một cách để chăm chút tài năng: “Hắn đọc, ngẫm nghĩ, tìm tòi, nhận xét và suy tưởng không biết chán”. Với anh khi “gặp được một đoạn hay lắm nên ngừng đọc, ngẫm nghĩ và để cho cái khoái cảm ngân ra trong lòng”. Anh coi văn chương như một thứ đạo lành để ngưỡng vọng, để nguyện ngắm và đi theo. Tâm hồn anh thật sáng trong biết bao. Không chỉ thế, Hộ còn rất coi trọng tình thương. Tình thương với anh là một thứ đạo cao đẹp nhất. Anh đã từng nhủ lòng rằng mình “có thể hi sinh tình yêu chứ không thể hi sinh tình thương” bởi anh muốn làm “người” đúng nghĩa. Mất tình thương con người thành sỏi đá cao hơn sẽ trở thành dã thú. Mất tình thương, con người sẽ bị sai khiến bởi lòng ích kỷ. Như vậy, Hộ là con người đáng được kính trọng, một nhà văn đáng được tôn thờ.
Nam Cao và Nguyễn Huy Tưởng còn khám phá ra ở những con người như Hộ và Vũ Như Tô không chỉ là tài năng thật sự mà còn có lòng tự trọng về nghề nghiệp: Vũ sẵn sàng từ chối mọi bạc vàng châu báu của Tương Dực, sẵn sàng đưa cả gia đình bỏ trốn vì không muốn đưa cái tài năng của mình để phụng sự cho tập đoàn phong kiến ăn chơi sa đọa ấy. Chỉ khi Đan Thiềm khuyên can, Vũ Như Tô mới mới bắt đầu thỏa hiệp nhưng luôn đưa ra những yêu cầu đối với Tương Dực để vừa thực hiện được khát vọng của mình vừa tránh nguy biến cho gia đình. Nhà văn Hộ cũng thế, anh luôn coi trọng nghề nghiệp, xem nghề viết văn là tất cả “nghệ thuật là tất cả; ngoài nghệ thuật không còn gì đáng quan tâm nữa”. Đặc biệt, Hộ đã khẳng định cái lòng tự trọng ấy của mình khi anh cho rằng “mà tuy khổ thì khổ thật, nhưng thử có người giàu bạc vạn nào thuận đổi lấy cái địa vị của tôi, chưa chắc tôi đã đổi”. Như vậy Hộ có thể khổ, vợ con anh có thể nheo nhóc nhưng lương tâm nghề nghiệp và lòng tự trọng về cái nghề cầm bút cao quý ấy đã làm giá trị nhà văn trong anh cao lên một tầm mới. Thật đáng khâm phục biết bao.
Điểm gặp gỡ của Nam Cao và Nguyễn Huy Tưởng còn là việc cả hai nhà văn đều thể hiện bi kịch của những người nghệ sĩ trong một xã hội nhiều khổ đau. Đó là bi kịch giữa khát vọng, hoài bão lớn lao mâu thuẫn không lối thoát với thực tế đời sống. Nam Cao đã đứng về người nghệ sĩ trong thời buổi “mưa âu gió mỹ” để cảm thương cho nỗi khổ đau của những con người “muốn nâng cao giá trị cuộc đời” nhưng cuối cùng lại bị nợ áo cơm ghì cho sát đất. Hộ phát “điên lên”. Bởi vì anh phải lao vào cuộc sống đời thường với biết bao bon chen, xô bồ. Đau đớn nhất là anh phải tàn phá nghề văn mà anh nâng niu, gìn giữ rất thiêng liêng. Điều anh có thể làm lúc này đó là viết ẩu, viết cẩu thả, viết để có tiền. Anh phải viết như một con rối cái thứ văn “rất nhẹ, rất nông” quấy loãng trong những tình cảm hời hợt, phải viết những bài báo mà người ta đọc là quên ngay, phải “đỏ mặt” vò nát sách khi thấy tên mình ở đó. Điều đó cắt vào tâm trí Hộ những nỗi đớn đau, bế tắc, không lối thoát. Một kẻ coi văn chương là lẽ sống, coi nghệ thuật là tất cả, ngoài nghệ thuật ra không còn gì đáng quan tâm, kể cả đói rét cũng không thể tàn phá được tình yêu và nỗi say mê ấy. Một kẻ đã luôn miệng nói về một tác phẩm tầm cỡ, phá vỡ mọi giới hạn để đưa con người đến với yêu thương, bác ái công bằng. Một kẻ luôn khao khát giải văn chương cao quý để nâng tầm giá trị. Kẻ đó nay đâu còn. Hắn là một kẻ khốn nạn, đê tiện. Một kẻ đáng khinh. Bởi hắn không mang lại một giá trị gì cho văn chương cả ngoài những thứ vô vị. Bi kịch của Hộ là ở đó. Khổ đau của Hộ cũng từ đó mà ra.
Bi kịch vỡ mộng văn chương lại đẩy Hộ vào vòng xoáy của bi kịch thứ hai. Rượu – màu trắng nhưng đã làm Hộ đỏ mặt và đen danh dự. Anh hành động như một kẻ vũ phu tàn ác, nhẫn tâm trước người vợ thảo hiền, yếu đuối với bàn tay da “xanh trong xanh lọc” đã yêu anh như cái tình “của con chó dành cho người chủ”. Bởi anh đổ lỗi cho hoàn cảnh là vì vợ con. Anh đã vi phạm vào nguyên tắc tình thương của chính mình đạp đỗ hết bao khuôn vàng thước ngọc mà anh đã đặt ra. Anh đã rơi vào biên giới của sự xấu xa, sa đọa. Phần “người” cao đẹp trong anh từng bước bị chính anh hủy hoại. Con người lúc này của anh bị đạp đổ đã giết chết “con người” anh lúc trước, anh tự giết mình để một lúc nào đó đau đớn bất lực thốt lên “Thôi ta đã hỏng thật rồi”.
Vũ Như Tô cũng rơi vào bi kịch như thế, bi kịch vỡ mộng. Người kiến trúc sư vĩ đại ấy đã rơi vào bi kịch của người nghệ sĩ có tài và có hoài bão lớn, nhưng không giải quyết được mối quan hệ phức tạp giữa nghệ thuật và đời sống, đặc biệt là không lý giải được một cách đúng đắn vấn đề sáng tạo nghệ thuật cho ai và để làm gì. Nghệ thuật xứng đáng được tôn vinh vì nó là sản phẩm cao quý trong sáng tạo. Nhưng vì nghệ thuật mà hy sinh và chà đạp lên những giá trị khác của cuộc sống thì cần phải xem xét lại. Xuất phát từ mục đích cao cả là sáng tạo nghệ thuật, nhưng Vũ Như Tô đã làm cho “dân lầm than, man di oán giận”, vì thế trở thành đối tượng cho dân chúng, thợ thuyền dồn nỗi căm hận. Vũ Như Tô là hiện thân của niềm say mê nghệ thuật . Khi gặp người “đồng bệnh” Đan Thiềm khuyên nên “tô điểm non sông” thì tài năng bung nở với một sức bật không gì có thể ngăn cản. Vũ Như Tô xây Cửu Trùng Đài với một quyết tâm lớn, mặc cho “dân gian lầm than”. Chà đạp lên tính mạng dân chúng không phải là tính cách của người thợ cả đôn hậu Vũ Như Tô. Vậy vì sao quyền sống của dân lại bị hy sinh một cách không thương xót? Bởi vì trong cuộc đấu tranh vì nghệ thuật thì con người nghệ sĩ đã chiến thắng con người đời thường. Với Vũ Như Tô, cuộc sống chỉ có ý nghĩa khi được sáng tạo nghệ thuật, Vũ Như Tô và niềm say mê không giới hạn là trạng thái gây ra bi kịch. Cuối cùng Cửu Trùng Đài thành tro bụi, Vũ Như Tô ra pháp trường.
Đó là những điểm gặp gỡ tương đồng giữa Nam Cao và Nguyễn Huy Tưởng khi viết về những con người tài hoa nhưng có số phận nghiệt ngã, nạn nhân của một xã hội đầy những trái ngang, bất công. Bên cạnh điểm giống nhau ấy, ta thấy giữa Hộ và Vũ Như Tô cũng có nhiều điểm khác biệt.
Vũ Như Tô chỉ có một bi kịch. Ông khát vọng nghệ thuật và đam mê sáng tạo nhưng những đam mê ấy của ông lại đặt lầm nơi lạc chốn, lạc điệu với thời thế, xa rời thực tế, nên đã phải trả giá bằng chính sinh mệnh của bản thân và của cả công trình thấm đẫm mồ hôi tâm não của mình. Thật đau đớn thay, bi kịch thay cho đến khi cuộc nổi loạn nổ ra, Đan Thiềm mặt cắt không còn hột máu, hốt hoảng đến báo cho Vũ Như Tô, nếu không chạy trốn thì ông sẽ bị giết, nhưng Vũ Như Tô vẫn không chịu đi và vẫn day dứt một câu hỏi: “Tôi có tội gì? Tôi làm gì nên tội? Làm gì phải trốn?”. Khi tất cả chỉ là ảo vọng. Đan Thiền và ông bị bắt, Cửu Trùng Đài bị thiêu huỷ thì ông mới bừng tỉnh, ngửa mặt lên trời mà cất lên tiếng than ai oán tuyệt vọng “Trời ơi! Phú cho ta cái tài để làm gì. Ôi mộng lớn! Ôi Đan Thiềm! Ôi Cửu Trùng Đài!”. Vậy đó, trong xây dựng nghệ thuật, không có cái đẹp tách rời cái chân cái thiện. Tác phẩm nghệ thuật không thể chỉ mang cái đẹp thuần tuý, nó phải có mục đích chân chính là phục vụ nhân dân, phục vụ cuộc đời. “Văn chương không chỉ là văn chương mà thực chất là cuộc đời, cuộc đời là nơi xuất phát và là nơi đi tới của văn chương”. Người nghệ sĩ phải có hoài bão lớn, có khát vọng sáng tạo những công trình vĩ đại cho muôn đời, nhưng cũng biết xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa khát vọng đó với điều kiện thực tế cuộc sống với đòi hỏi của muôn dân. Vũ Như Tô thì không như thế. Cho nên đến khi chết Vũ Như Tô mới tỉnh giấc mộng của mình.
Nhưng Hộ thì ngược lại, anh không phải là bị mù quáng như Vũ Như Tô đến nỗi không nhận ra đúng sai. Hộ đam mê nhưng không đến nỗi mù quáng. Hộ biết xấu hổ trước những hành động sai trái của mình. Tự biết phải mắng mình như một thằng khốn nạn bởi sự cẩu thả bất lương của mình đối với văn chương. Biết ân hận về những việc đã làm. Nam Cao có lẽ cũng đã rơi lệ khi miêu tả sự giằng xé, khổ tâm, sự ân hận của Hộ khi sau một cơn say dài anh tỉnh dậy và ôm lấy Từ mà khóc. Nước mắt anh như “quả chanh bị bóp mạnh”. Nước mắt ấy là nước mắt của con người có nhân cách có phẩm giá. Nước mắt của một tâm hồn khổ hạnh nhưng ấm áp tình người.
Leptonxtoi từng nói “Một tác phẩm nghệ thuật là kết quả của tình yêu. Tình yêu con người, ước mơ cháy bỏng vì một xã hội công bằng, bình đẳng bái ái luôn luôn thôi thúc các nhà văn sống và viết, vắt cạn kiệt những dòng suy nghĩ, hiến dâng bầu máu nóng của mình cho nhân loại”. Tác phẩm “Đời thừa” và “Vũ Như Tô” cùng ra đời một thời điểm. Và phải chăng hai nhà văn đều cùng chung một nỗi niềm với những người nghệ sĩ đã dành trọn cuộc đời cho nghệ thuật ? Hướng đến Vũ Như Tô – một kiến trúc sư tài năng, nhà văn còn gợi những suy nghĩ sâu sắc về mối quan hệ giữa người nghệ sĩ với hoạt động sáng tạo nghệ thuật và thực tế đời sống nhân dân. Với nhân vật Hộ - một nhà văn chân chính, Nam Cao cũng đã cất lên tiếng kêu cứu đối với con người. Xã hội phải biết tạo điều kiện sáng tạo cho các tài năng, vun đắp tài năng, quý trọng nâng niu những giá trị nghệ thuật đích thực. Hãy đạp đổ xã hội ấy đi, hãy cứu lấy người trí thức. Hai nhà văn cũng bất lực trong việc giải quyết bi kịch nhân vật. Có thể là do tầm nhìn hạn chế về “con người là nạn nhân của hoàn cảnh”.
Nhìn chung hai nhà văn đều có điểm tương đồng về người nghệ sĩ nhưng cách thể hiện lại khác nhau. Bi kịch của Vũ Như Tô là bi kịch mà chính người nghệ sĩ không thể lý giải được, bi kịch của Hộ là bi kịch ngấm ngầm, dai dẳng có lẽ vì bản thân Nam Cao từng phải sống như thế, cơ cực như thế. Bi kịch của Vũ Như Tô đẩy ông đến với cái chết đầy bi tráng. Bi kịch của Hộ đưa Hộ trở về với thiên chức nhà văn, sự tỉnh ngộ và nhận thức mang đến cái kết có hậu.
Có thể nói, xây dựng nhân vật Hộ và Vũ Như Tô, nhà văn Nam Cao và Nguyễn Huy Tưởng đã không hẹn mà cũng nhau tái hiện trên trang giấy của mình những nhân vật tư tưởng. Ở những nhân vật ấy vừa có những điểm chung thống nhất, hài hòa vừa có những điểm riêng tạo nên phong cách và cá tính sáng tạo ở mỗi nhà văn. Từ đó thông qua hai nhân vật, các nhà văn đã đặt ra vấn đề có ý nghĩa xã hội, lịch sử: Xã hội phải biết tạo điều kiện sáng tạo cho các tài năng, vun đắp tài năng, quý trọng nâng niu những giá trị nghệ thuật đích thực.