Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Điều đáng nói nhất là trong cái đói con người ... mà nghĩ đến sự Sống. Anh/chị có đồng ý như vậy không? Vì sao?

Thứ bảy - 18/04/2020 09:01
Kim Lân đã từng phát biểu: Vợ nhặt được một số anh em nghệ sĩ khen là “hảo” chuyện làng, cái chất nhân ái, tình thương của con người đối với con người trong hoàn cảnh khốn cùng. Điều đáng nói nhất là trong cái đói con người vẫn nghĩ đến sung sướng... những người đói họ không nghĩ đến các chết mà nghĩ đến sự Sống.
Anh (chị) có đồng ý như vậy không? Vì sao?
BÀI LÀM:
“Tác phẩm văn học như một tảng băng trôi, một phần nổi bảy phần chìm mà phần chìm mới là phần quan trọng nhất” (nguyên lý tảng băng trôi của Heminway). Vợ nhặt của Kim Lân cũng là một tảng băng trôi như thế, nỗi chìm nhiều lớp nhiều tầng mà cái phần tinh tuý nhất quan trọng nhất lại khuất trong lớp sâu câu chữ. Nói về Vợ nhặt - sản phẩm “hoài thai” của mình - Kim Lân đã từng khẳng định chiều sâu của nó: “Vợ nhặt” được một số anh em nghệ sĩ khen là hảo chuyện làng, cái chất nhân ái, tình thương của con người đối với con người trong hoàn cảnh khốn cùng. Điều đáng nói nhất là trong cái đói con người vẫn nghĩ đến sung sướng... những người đói họ không nghĩ đến các chết mà nghĩ đến sự sống.


Quả có vậy càng đi sâu vào đời sống “Vợ nhặt” khám phá tận chiều cao độ sâu, đỉnh điểm của nó ta càng thấy thấm thía chất người, chất đời đầy nhân ái trong câu chuyện “như không” này. Câu chuyên đơn giản về một cuộc “hôn nhân kì lạ”, một mối kì duyên mà thực chẳng giản đơn. Càng đọc nhiều càng ngẫm nghĩ ta càng thấm thía dư vị đặc biệt mà Kim Lân phả vào chuyện tạo nên không khí rất riêng không trộn lẫn vào đâu được.

Câu chuyện lấy nền từ nạn đói khủng khiếp năm 1945. Nạn đói khiến 1/10 dân số nước ta nằm xuống một cách thảm thương. Không khí mở ra nhuốm màu tang tóc thê lương. Trên con đường “khẳng khiu” qua chợ về xóm ngụ cư ta bắt gặp những cảnh “chọn” người, xót xa kinh hãi và đầy ám cảnh: “người chết như ngả dạ”, “những thây ma cong queo hai bên đường”. Người sống thì mờ dần mất dần chỉ là “những bóng người dật dờ như những bóng ma”. Không khí vẩn lên mùi gây của xác người, âm thanh bao trùm là tiếng quạ kêu thê thiết, tiếng hờ khóc tỉ tê. Liệu còn khoảng ranh giới giữa sự sống và cái chết? Mong manh! Cơ hồ chỉ chạm tay rất khẽ ranh giới ấy không còn mảy may hiển hiện. Sự sống con người trên hố đen ngòm của cái chết. Thần chết đi về ẩn hiện chỉ chực cướp đi mạng sống con người. Cái đói cái chết xô đẩy con người trong thế giới chông chênh giữa “bèo bọt”“kiếp người”, liệu con người có còn đủ để vượt qua cái thế chông chênh ấy mà đứng vững ở vị trí con người? Nhìn thị - cô “vợ nhặt” tương lai của Tràng mà xem cái đói đã tàn phá thể xác chị ghê gớm: “quần áo rách tơm”, “người gầy xọp hẳn đi”, “hai con mắt trũng xuống sâu”, “bộ ngực gầy lép”. Thậm chí cái vẻ dịu dàng nữ tính cũng bị cái đói bóp méo “thị ăn nói cong cớn” (hai lần cong cớn), “xưng xỉa”, “chạy lon ton”, “sầm sập”,... gợi ý đòi ăn, “ăn một chặp... bốn bát bánh đúc liền hơi không kịp thở”. Nhìn cảnh ấy sao tránh khỏi xót xa cơ cục cho kiếp người. Thị có khác gì thứ “bèo bọt” đâu. Chưa hết chỉ vì đói mà thị vin ngay lấy câu hò tầm phơ tầm phất của Tràng “muốn ăn cơm trắng mấy giò lại đây mà đẩy xe bò với anh”. Một lý do cơ hồ cũng mong manh, nhưng lúc ấy nó lấp lánh niềm tin và hơi ấm “thì đẩy” rồi cũng vun vào câu nói thị theo không anh về làm vợ hùa vào cũng trò đùa “này nói đùa chứ có về với tớ thì ra khuân hàng lên xe rồi cùng về”. Vậy đấy! Cái đói biết mấy ghê gớm! Nhân phẩm con người mà còn dần dẻ, mòn vẹt dần đi. Hoá ra cái đói có thể phủ lớp bụi lên trên tâm hồn trên nhân cách con người. Nhưng nếu có thể “Vợ nhặt” sẽ còn lại được gì? Không là gì cả!.

Trên cái nền tối sầm lại vì đói khát, vẻ đẹp ánh sáng của niềm tin của tình thương lại lung linh toả sáng làm ấm thêm đẹp thêm bức tranh tình. Dẫu hiện thực ngặt nghèo muốn đẩy con người đến hàng “bèo bọt” thì con người vẫn nhất quyết đấu tranh “kiên nhẫn làm người”. Họ thách đố với cái đói cái chết: họ lấy vợ lấy chồng. Hoàn cảnh có là gì đâu nếu họ muốn. Họ khao khát vượt lên. Ban đầu do tình cờ xui khiến Tràng - thị, hai thân phận “bèo bọt” trôi dạt vào nhau có ai ngờ họ đã chụm thành nên bếp mà nhóm lên hạnh phúc. Niềm tin sự sống xô đẩy khiến người đàn bà xa lạ nhận bốn bát bánh đúc rồi theo không Tràng về làm vợ. Bốn bát bánh đúc đẩy gọn lên quyết định tất cả, thay thế tất cả. Con người bị đặt xuống hàng cỏ rác thứ “đồ” vứt đi mà người ta có thể “nhặt” nơi đầu đường xó chợ. Hoá ra giá trị con người chỉ bé thế thôi sao? Một vài câu “tầm pho tầm phào”, bốn bát bánh đúc ngang bằng giá trị một con người! Xót xa cay cực biết chừng nào.

Nhưng có ai ngờ chính sự thật nghiệt ngã xót xa kia là bắt đầu của giá trị cuộc sống. Tràng dẫu có “trợn người” trước cảnh “thóc gạo thế này mà vẫn đèo bòng”, xong “chặc kệ”. Giản đơn thôi mà biết mấy nhân tình, biết mấy yêu thương. Tràng có thể chối từ lắm chứ, bởi Tràng chỉ đùa thôi. Sức mạnh nào đã soi sáng tương lai Tràng lúc ấy nếu không phải là tình thương. Quyết định có vẻ bất chấp liều lĩnh kia mà sâu trong nó bao hơi ấm tình người.

Tất cả biến đổi từ giây phút ấy. Tràng không còn “cúi xuống” đầy vất vả lo toan mà phớn phở lạ thường, mà “vênh vênh” ra điều. Trong chốc lát “Tràng dường như quên tất cả những tối tăm của đời sống trước mắt” với Tràng lúc này “chỉ còn tình nghĩa giữa hắn với người đàn bà đi bên”, “có cái gì lạ lắm mơn man trên da thịt Tràng”, nó như một bàn tay phụ nữ nhẹ nhàng vuốt ve ôm ấp. Kể cũng lạ đói là thế khổ là thế “cám cũng chẳng có mà ăn” vậy mà vẫn sung sướng vẫn hạnh phúc, niềm hạnh phúc nhỏ nhoi bình dị mà biết mấy thiêng liêng mà chứa biết bao trân trọng nâng niu. Trong cảnh khốn cùng tình thương đã tỏa sáng. Tình thương giúp Tràng vượt qua lo toan mà nhận thị về, tình thương giúp bà cụ Tứ vượt qua mọi nghi lễ, vượt qua mọi định kiến nhất là vượt qua cái nhìn ích kỷ, mà nhận người đàn bà theo không con mình là dâu con. Tấm lòng người mẹ tình thương yêu của người mẹ đã đưa họ đến với hạnh phúc gia đình sum vầy ấm áp. Hai tiếng “u - con” nặng nghĩa nặng tình. Những lời hỏi han cởi mở chân tình, những lời dặn dò động viên rồi những lo toan cho dâu cho con... Tình người là ngọn đuốc soi đường cho những hành động ấy. Phải chăng chính hoàn cảnh đã khiến những mảnh đời xô đập vào nhau, tạo nên những mảnh vỡ lấp lánh “chất vàng mười” của tình người nhân hậu. Câu chuyện về cái đói cái chết tuy vẫn khiến ta rợn người nhưng sao vẫn thấy ấm áp lạ, cái ấm áp của những trái tim nóng hổi khát khao hạnh phúc. Sự lựa chọn của mẹ con Tràng cũng giản đơn liều lĩnh, dám đặt sự cưu mang người khác lên trên sinh mạng của mình. Nhưng thật ra, lại biết bao ý vị thấm thía, bao triết lí nhân sinh có sức lắng, sức đọng, súc ngưng kết bền chặt, nó bám rễ rất sâu vào trái tim độc giả. Ngay cả khi việc thị không quay đi mà ở lại với mẹ con Tràng dù biết rằng Tràng không hẳn là người thị mong đợi, cùng nghèo khổ, cũng rách, cũng đói vất vương kém gì mình đâu, điều đó đã chứa đựng sụ yêu thương chứa đụng niềm tin hy vọng. Có thể nói buổi sáng hạnh phúc lên ngôi với lá cờ đỏ tung bay kết thúc thiên truyện ấm áp biết bao. Ta có thể tin nhiều, hy vọng nhiều vào tình thương của mỗi nhân vật cho nhau, tình thương của Kim Lân dành cho mỗi con người trên những trang văn vời vợi nỗi đau trĩu nặng suy tư.

Đặc biệt không chỉ sáng lên ấm lên bởi tình thương mà còn sáng lên ấm lên bởi niềm tin “những người đói họ không nghĩ đến cái chết mà nghĩ đến sự sống”. Bà cụ Tứ - mẹ Tràng - đã nói “ai giàu ba họ ai khó ba đời... còn như con như cháu chúng mày về sau may ra ông trời cho khá”. Niềm tin ấy lấp lánh nơi khóe mắt nụ cười ấm áp nơi bờ môi lan toả. Dẫu cảnh sống còn vất vả cùng cực nhưng nghe câu nói ấy từ bà cụ lấp ló miệng lỗ, sao ta lại không tin không hy vọng. Giữa cảnh đói khát tưởng chừng như con người ta không nghĩ được gì ngoài miếng ăn vậy mà bà cụ Tứ vẫn nghĩ đến việc “hôm nào nghĩ mua lấy ít nứa mà đan phên ngăn gian phòng lại mày ạ”. Căn phòng ngăn đôi tạo nên không gian hạnh phúc lứa đôi giữa lúc ấy quả là hiếm thấy, đó chẳng phải là xuất phát từ niềm tin hy vọng của bà cụ Tứ đó sao. Gạt bỏ mọi lo toan bà cụ Tứ sắng sở cho con nhất là bữa cơm ngày đói thiếu tất cả mà trở thành có tất cả, đầm ấm hạnh phúc mà có rất nhiều tin yêu “tao tính lúc nào có tiền mua lấy đôi gà về nuôi chả mấy mà có cả đàn gà”. Một niềm tin một sức mạnh không gì dập tắt được. Hoá ra có một chân lý dù bất luận trong hoàn cảnh nào niềm tin vần giúp con người vượt lên tất cả. Vì có niềm tin họ đà thu dọn quét tước nhà của cho quang quẻ hơn tươi sáng hơn. Niềm tin ấy lớn mãi lan mãi đê thôi bùng lên phấp phới hình ảnh “đoàn người đối với lá cờ đỏ sao vàng”. Họ đã tin, họ đã tìm thấy con đường biến niềm tin thành hiện thực.

Kim Lân đã khéo léo bao nhiêu khi đặt niềm tin vào bà cụ Tứ, một người “lọng khọng” lấp ló miệng lỗ, nhưng luôn triết lý về cuộc sống, luôn nói về tương lai, niềm tin ấy lớn lắm mạnh mẽ lắm huống hồ những người là thị, là Tràng họ không tin sao được. Câu chuyện như một cây cao tràn trề nhựa sống chan chứa niềm tin. Tình thương niềm tin lòng nhân ái đã góp lên sức sống của “Vợ nhặt” khiến ta không quên được câu chuyện đầy ám ảnh và thật sâu sắc. Cái ý tứ, cái dư ba của “Vợ nhặt” cứ mở rộng thấm thía vào tâm hồn ta.

Gấp trang sách Kim Lân, những ý tưởng thu được lan ra trong máu, chất ngất mê say thấm vào từng đường gân thớ thịt, chan hoà trong ý nghĩ độc giả. Phải chăng phần sắc sảo ngòi bút Kim Lân là thế, thu lượm từng chi tiết nhỏ của đời sống mà góp nên trang làm nên tên tuổi một đời văn. “Vợ nhặt” hơn “Làng” ở chỗ ấy đấy thôi, một câu chuyện về tình cảm với quê hương với cách mạng nặng sâu, một câu chuyện về tình người tha thiết đang kết lắng sâu. “Vợ nhặt” mãi mãi là tuyệt bút đi lên với tên tuổi Kim Lân.

Bản quyền thuộc về Sách Thư Viện. Ghi nguồn sachthuvien.com khi đăng lại bài viết này.

  Ý kiến bạn đọc

DANH MỤC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây