Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Cảm nhận của Anh/chị về hai chi tiết Nước mắt là một chi tiết nghệ thuật đặc sắc trong sáng tác của Nam Cao.

Thứ bảy - 18/04/2020 09:07
Nước mắt là một chi tiết nghệ thuật đặc sắc trong sáng tác của Nam Cao. Trong truyện ngắn Chí Phèo, Đời thừa nhà văn viết:
“Thằng này rất ngạc nhiên. Hết ngạc nhiên thì hắn thấy mắt hình như ươn ướt.”
“Hơi rượu không sặc sụa, hắn cứ thoang thoảng thấy hơi cháo hành. Hắn ôm mặt khóc rưng rức.”
(Trích Chí Phèo, Sách Ngữ văn 11 nâng cao, NXB GD 2010, tr 183 -186)
“Nước mắt hắn bật ra như nước một quả chanh mà người ta bóp mạnh. Và hắn khóc ... Ôi chao! Hắn khóc! Hắn khóc nức nở, khóc như thể không ra tiếng khóc. Hắn ôm chặt lấy cái bàn tay bé nhỏ của Từ vào ngực mình mà khóc.”
(Trích Đời thừa, Sách Ngữ văn 11 nâng cao, NXB GD 2010, tr 207)
Cảm nhận của Anh/chị về hai chi tiết trên?
BÀI LÀM:
Với Nam Cao, “nước mắt là miếng kính biến hình vũ trụ” và biến đổi ca tâm hồn con người. Nước mắt là thứ nước thánh diệu kỳ: có thể mang lại thánh thiện về cho một tâm hồn quỷ dữ, có thể tưới mát cho một tâm hồn cằn cỗi, khổ hạnh. Hộ trong “Đời thừa” và Chí trong “Chí Phèo”, may mắn thay, chính là hai trong vô vàn tâm hồn được thứ nước diệu kỳ này cứu rỗi.

Có lúc, người ta khóc vì đau đớn, nhưng cũng có lúc, nước mắt roi vì sung sướng tột cùng. Nhưng dù trong hoàn cảnh nào, thì giọt nước mắt cũng chỉ xuất hiện khi con người ở trạng thái mà mọi cảm xúc đều đẩy lên cao độ. Trong trang văn Nam Cao, dường như ta đều bắt gặp những giọt nước mắt đắng cay, những giọt nước mắt đong đầy đau đớn... Chí Phèo cũng thế! Chí sinh ra đã là người cô độc. Hắn sống nhờ hơi ấm của làng Vũ Đại từ thuở ấu thơ, từ thuở chưa biết thế nào là những vấn đục của cuộc đời. Chí Phèo lớn lên như cây có dại và cũng như đặc tính của cỏ dại, hắn hiền, Và “hiền như đất”. Nhưng hắn không hiền được lâu, bão đời nổi lên nhấn chìm hắn vào tận cùng sự tha hóa. Người ta xem hắn là “con quỷ dữ của làng Vũ Đại”. Và đã là quỷ, hắn có khóc bao giờ. Thứ nước yếu đuối ấy làm sao có thể bật ra từ một cõi lòng hoang lạnh, độc ác, bất nhân. Hắn trượt dài trên con đường tha hóa và có lẽ sẽ còn trượt dài mãi như thế nếu hắn không may mắn được gặp được người đàn bà ấy. Thị Nở - người đàn bà ấy thật là một trò đùa của hóa công, thị xấu xí, ngẩn ngơ, dòng giống mả hủi. Nhưng tôi thích gọi thị là “thiên sứ”. Ai bảo thiên sứ thì phải đẹp tuyệt trần, một kẻ xấu ma chê quỷ hờn cũng có thể mang trong mình một trái tim thiên sứ. Thị Nở đến với Chí nhẹ như cơn gió và nóng như ngọn lửa. Nếu là gió, Thị sẽ thổi bay lớp tro tàn tội lỗi quanh thân xác Chí. Nếu là lừa, thị sẽ đốt đi lớp quỷ để trả lại cho anh hình hài của một con người. Thị đã mang đến cho Chí nụ cười và quan trọng hơn là giọt nước mắt. Khi Thị Nở xuất hiện với bát cháo hành ấm nóng trên tay thì Chí Phèo rất “ngạc nhiên”, hết ngạc nhiên, hắn thấy mắt mình “hình như ươn ướt”. Sức ấm nóng của bát cháo hành hay chính cái ấm áp của tình người đã làm thúc dậy con người vốn đã bị lấp vùi trong Chí. Một thằng chỉ biết “rạch mặt ăn vạ” vì lẽ gì lại thấy “mắt mình ươn ướt”. Giọt nước mắt ấy có lẽ đã từ trong tâm hồn sỏi đá, khô cằn ấy rỉ ra. Đó là dấu hiệu của thiện lương, của chữ “người” bao ngày Chí đánh mất. Phải chăng bàn tay ân cần của Thị Nở đã đánh thức giọt nước mắt ấy, đánh thức cả trái tim hắn đã chằng chịt tội lỗi. Giọt nước mắt ấy là sứ giả tình yêu, một tình yêu chân thành vừa chớm nở. Dễ gì một người đàn ông, lại là người đàn ông lầm lạc như Chí, rơi lệ trước một người đàn bà, lại là một người đàn bà “ngờ nghệch” như Thị Nở. Chỉ có thể là nỗi niềm xúc động xen lẫn tủi thân của Chí. Giọt nước mắt ấy thật “người” biết bao!

Chí Phèo không chỉ rơi lệ một lần, hắn khóc đến hai lần. Lần đầu là vì tình yêu gõ cửa và lần thứ hai là vì tình yêu ra đi. Cái tình yêu ấy đã không thoát ra khỏi được định kiến của bà cô cũng là định kiến của xã hội. Nên thị đã xỉa xói vào mặt của Chí Phèo và cũng như lúc đến, thị đã ngúng nguẩy bỏ đi. Lúc đầu, hắn tức, hắn hờn giận, hắn toan cầm đá đập đầu để giở thói ăn vạ nhưng chợt nhớ “không có rượu lấy gì cho máu nó chảy” nên hắn lại tìm lại hơi men ngày trước. Nhưng kỳ lạ thay, hắn càng uống lại càng tỉnh. Một khi hơi rượu không đủ sức làm cho người ta lu mờ lý trí thì nó sẽ quay ngược lại làm cho cả con tim và lí trí được thức tỉnh. Đã từng thấy một Hồ Xuân Hương “Chén rượu hương đưa say lại tỉnh”, đã thấy một cô Mị uống ực từng bát rồi say nhưng lại tỉnh lại cả một ký ức đẹp tươi và trỗi dậy lòng khao khát tự do. Chí Phèo cũng vậy “Hắn ôm mặt khóc rưng rức”. Xót xa biết mấy khi hình dung cảnh Chí ngôi ôm mặt, ôm những vết chém trên khuôn mặt già nua, ôm quá khứ tội lỗi mà bật khóc. Giọt nước mắt ấy, giờ đây đối với tôi, là giọt thánh bởi sự “thiện” mà nó được gieo vào hồn Chí. Giọt nước mắt ấy hòa lần trong “thoang thoảng hơi cháo hành” ... giọt nước mắt đáng thương, bởi đó là những giọt nước mắt cuối cùng của cuộc đời Chí, bởi chỉ ít phút nữa thôi, Chí sẽ giãy chết, sẽ tuyệt vọng cất lên tiếng kêu cứu “Ai cho tao làm người lương thiện”?

Hòa chung dòng nước mắt đầy cay đắng của Chí, phải kể đến Hộ trong Đời thừa. Hộ là một trí thức nghèo. Với vốn viết lách có được cũng chỉ đủ cho một cuộc sống eo hẹp. Nhưng Hộ lại giàu có về mặt tình cảm, tâm hồn. Hộ mang trong mình khát vọng văn chương cuồng nhiệt, khát vọng mang đến cho văn chương một cái gì đó mới mẻ, nó sẽ vượt qua tất cả “mọi bờ cõi và giới hạn”. Anh ấp ủ giấc mộng văn chương “đoạt giải Nobel”, nhưng rồi dường như giấc mộng ấy từng ngày rạn vỡ khi Hộ giang rộng vòng tay đón lấy Từ - người đàn bà đã lở đò. Rồi cơm áo gạo tiền, rồi “Nỗi đời cơ cực đang giơ vuốt/ Cơm áo không đùa với khách thơ” (Xuân Diệu) đã đẩy Hộ vào bi kịch vỡ mộng văn chương. Hộ đớn đau khi nhìn thấy khát vọng của mình, giấc mộng của mình đang từng ngày bị nợ áo cơm ghì cho sát đất. Hộ phải kiếm tiền để nuôi một đàn con “đang xếp hàng dưới vú của Từ” (Lê Đạt), nuôi một đàn con mà “đứa này chưa kịp lớn lên, đứa khác đã vội chui ra”. Vì tiền, Hộ bất chấp tất cả để viết nhưng viết trong sự “cẩu thả”, hời hợt để rồi “người ta quên ngay sau khi đọc”. Hộ đã khóc một cách đầy cay đắng vì bất lực trước một thứ “văn chương bằng phẳng nhợt nhạt và quá ư dễ dãi”. Để rồi đôi mắt ấy “ầng ậng nước”, “giàn giụa nước”. Để rồi Hộ lên án cả bản thân mình và mắng mình như một thằng khốn nạn vì “sự cẩu thả trong bất cứ nghề gì cũng là một sự bất lương còn sự cẩu thả trong văn chương thật là đê tiện”. Còn gì đau đớn hơn khi một kẻ có ý thức về văn chương, lại biết dựng xây một giấc mộng đẹp nhưng rốt cuộc chẳng làm được gì. Đó là bi kịch lớn của Hộ.

Nhưng bi kịch tình thương trong anh mới là vấn đề cần phải bàn. Một kẻ luôn lấy tình thương là nguyên tắc ứng xử cao đẹp nhất giữa người với người lại là kẻ đã vi phạm vào nguyên tắc sống ấy. Ngạn ngữ phương Tây nói “Rượu là chất có màu trắng nhưng làm đỏ mặt và đen danh dự”. Quả đúng như vậy, Hộ mượn rượu đểê say quên bi kịch văn chương nhưng vì rượu anh lại rơi vào bi kịch tình thương. Hộ vũ phu, Hộ đánh đuổi vợ con mỗi lần say. Vì theo Hộ, Từ chính là nguyên nhân của nỗi khổ đau mà anh phải gánh chịu. Trong khi đó, Từ đã yêu Hộ và tôn thờ Hộ như “tình của một con chó đối với chủ”. Cho đến một buổi sáng tinh dậy sau một cơn say dài, Hộ với tay chạm phải ấm nước mà Từ để sẵn trên bàn “ấm nước hãy còn ấm và hãy còn đầy”. Đó là sự quan tâm hết sức giản dị, mộc mạc của Từ. Anh nhìn Từ và thấy thương Từ vô hạn, Hộ đến bên chiếc võng Từ nằm, lần đầu tiên anh nhìn Từ được kỹ như thế, Từ thật xanh xao, yếu đuối cần anh chở che. Và Hộ khóc: “nước mắt hắn bật ra như nước một quả chanh mà người ta bóp mạnh. Và hắn khóc ... Ôi chao! Hắn khóc! Hắn khóc nức nở, khóc như thế không ra tiếng khóc. Hắn ôm chặt lấy cái bàn tay bé nhỏ của Từ vào ngực mình mà khóc”. Giọt nước mắt ấy đầy những ân hận muộn màng nhưng vẫn đáng trân trọng biết bao. Hộ có thể vi phạm vào nguyên tắc tình thương nhưng tình yêu trong anh thì nguyên vẹn. Anh khóc, khóc cho những sai lầm hôm qua, khóc cho hôm nay, khóc cho một ngày mai. Nước mắt ấy là nỗi đau của một con người đã nhận ra được những bi kịch của mình, khổ đau của mình. Cho nên giọt nước mắt ấy thật thiêng liêng và cảm động. Hộ nói trong tiếng nấc “Anh... anh chỉ là một thằng khốn nạn!”. Nam Cao viết thế nhưng tôi biết ông không nghĩ thế, bởi chẳng một thằng khốn nạn nào biết rơi nước mắt vì người phụ nữ hắn yêu. Giá như ở đời này có được những thằng khốn nạn biết khóc ấy thì cuộc sống tốt đẹp biết bao!

Cả giọt nước mắt của Hộ và Chí Phèo đều là những giọt nước mắt hoàn lương, là khoảnh khắc họ nhìn vào lương tâm của mình, là giây phút gội rửa tâm hồn để đón chữ “người” trở lại. Họ đều khóc trong đau đớn nhưng trong nỗi đau ấy có cả sự thức tỉnh. Với Hộ đó là Từ, là con cái. Với Chí Phèo, đó là Thị Nở, là lương thiện. Nhưng trên hết, giọt nước mắt nào cũng đầy hơi ấm, đầy sức ám ảnh người đọc. Riêng tôi, phút Chí Phèo “rưng rức” cũng là lúc mắt tôi “ươn ướt”, bởi giọt lệ ấy thật quá, đau đớn quá. Còn gì thánh thiện và chân thật hơn giọt lệ cuối đời...?

Chi tiết là những sự việc lắm khi nhỏ nhặt, lắm khi bị che khuất sau những câu chữ của nhà văn, nhưng nếu vắng những chi tiết ấy, truyện ngắn sẽ không thành hình. Như Nguyễn Thanh Hùng nhận xét: “Đây là thể loại truyện đầy nội khí: một lời mà thiên cổ, một gợi mà trăm suy”. Cái sâu xa của truyện ngắn, cũng được làm nên từ những chi tiết nghệ thuật cô đúc mà lại có khả năng phát sáng, bao chứa nhiều vấn đề rộng mở, có sức nặng đáng phải nghĩ suy. Chi tiết giọt nước mắt của Chí Phèo và của Hộ, không chỉ làm bạn đọc rơi lệ mà còn thể hiện được sự quan sát tinh tế và nghệ thuật kể chuyện kiệm lời mà giàu ý của Nam Cao.

Nước mắt không chỉ giản đơn là thứ nước tinh khiết tràn ra từ khóe mắt. Đó đôi khi là cả một mảng đời, một mảng lòng, một mảng hồn tràn ra rồi ý thức, bật ra không kiềm chế. Nhưng lại nóng tình người và đậm tình đời biết bao.

Phạm Thúy Vy - Chuyên Văn Lương Thế Vinh, Đồng Nai.

Bản quyền thuộc về Sách Thư Viện. Ghi nguồn sachthuvien.com khi đăng lại bài viết này.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây