BÀI LÀM
Nguyên mẫu lịch sử từ lâu đã là một nguồn cảm hứng nghệ thuật bất tận của biết bao nhiêu nhà văn nhà thơ. Một Lorca cùng tiếng đàn phiêu du lãng tử trong thơ của Thanh Thảo, một Nguyễn Trãi trong “Cuộc cờ lều Ngộ Vân” của Trần Hạ Tháp, một Huấn Cao lồng lộng uy nghi trong dáng “cổ đeo gông chân vướng xiềng đang dậm tô từng nét chữ”, một Vũ Như Tô “hái sao trời điểm tô cho hạ giới”. Tất cả đều sống động, dư ba dưới ngòi bút của những nhà văn, nhà thơ suốt đời để trái tim mình đập trong trang sách. Trong số nhũng nguyên mẫu lịch sử được nhà văn tái hiện, có lẽ Huấn Cao trong “Chữ người tử tù” - Nguyễn Tuân và Vũ Như Tô trong “Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài” – Nguyễn Huy Tưởng được biết đến không chỉ là những người nghệ sĩ thiên tài mà còn bởi vì cái đẹp toát lên từ nhân cách như sao sáng trên trời.
“Vũ Như Tô” là một vở kịch năm hồi được viết năm 1941, Nguyễn Huy Tưởng đã tạo nên một bi kịch lịch sử diễn ra ở kinh thành Thăng Long thế kỷ XV- XVI dưới thời vua Lê Tương Dực. Vở bi kịch lịch sử ấy đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về vấn đề nghệ thuật và vai trò của người nghệ sĩ trong sáng tạo. “Chữ người tử tù” in trong tập “Vang bóng một thời” của Nguyễn Tuân lại để lại dấu ấn về tài hoa, khí phách, thiên lương của người anh hùng Huấn Cao. Cả hai nhân vật Huấn Cao và Vũ Như Tô đều là những hình tượng nghệ thuật độc đáo được xây dựng từ những nhân vật có thật trong lịch sử.
Điểm chung ở họ chính là những con người có khí phách, căm ghét cường quyền bạo ngược. Họ là những con người luôn ý thức tài năng, coi trọng giá trị thực sụ của nghệ thuật. Vũ Như Tô thà chết theo cả gia đình hoặc là bỏ trốn còn hơn là mang cái tài của mình ra để phụng sụ cho hôn quân bạo chúa (Hồi I). Đến lúc bị ép cùng đường buộc đưa ra thỏa hiệp, Vũ Như Tô vẫn thể hiện được bản lĩnh của mình. Ông dũng cảm, khôn khéo chống trả những đợt tấn công gay gắt, quyết liệt buộc Tương Dực phải đi từ nhân nhượng này đến nhân nhượng khác và cuối cùng phải chấp nhận thực hiện hai điều kiện mà người thợ cả nêu ra: “thứ nhất, đài phải xây theo đúng kiểu bản đồ này, không thay đổi một li nào. Thứ hai: Hoàng thượng và triều đình phải trọng đãi công ngang sĩ”. Như vậy, Vũ Như Tô cũng không phải là kẻ hám danh, hám lợi, ông biết phân biệt đúng sai, phải trái, đáng để khâm phục, ở Huấn Cao của Nguyễn Tuân ta lại thấy nét ngang tàng, kiêu bạc, sẵn sàng xua đuổi quản ngục mà không sợ những trò “tiểu nhân thị oai”. Người nghệ sĩ ấy “nhất sinh không vì vàng ngọc mà ép mình viết câu đối bao giờ”. Bởi vậy, quản ngục có Huấn Cao trong tay mà lại không có cách nào có được chữ của Huấn Cao.
Điểm chung nữa ở hai nhân vật ấy đó là tài năng trời phú: Nhân vật Vũ Như Tô là người ý thức được thiên mệnh của mình là nhà kiến trúc sư tài năng, biết “trời phú cho ta cái tài” nhưng chưa bao giờ ngạo mạn bởi tài năng. Ông có thể “sai khiến viên gạch như viên tướng cầm quân”, có thể “tranh tinh xảo với hóa công”, xây lâu đài nóc vờn mây mà không tính sai một viên gạch nhỏ. Ông muốn dùng cái tài năng thực sự của mình để điểm tô cho non sông đất nước một công trình kiến trúc đồ sộ có thể sánh ngang với Trung Quốc, Ấn Độ và để cho dân ta “ngàn thu hãnh diện”. Ông dồn hết cả cuộc đời, công sức và tâm huyết của mình để phụng sự cho cái đẹp, quyết mang cái đẹp cái tài dựng cho bằng được “một kỳ công muôn thuở”. Đó là khao khát của một nhân cách đẹp đẽ cần ủng hộ và tôn trọng. Huấn Cao là người đã làm sống lại cả một quá vãng tươi đẹp của nghệ thuật thư pháp với những nét chữ vuông tươi tắn nói lên hoài bão của đời người. Người ta khao khát nét chữ của ông Huấn, xem nó như là báu vật “Chữ ông đẹp lắm, vuông lắm, có được chữ ông Huấn mà treo ở trong nhà thì đó là một báu vật trên đời”. Tài năng của hai con người ấy đáng nhẽ ra phải được phát huy và để cho họ mãi mãi điểm tô cho đời những công trình tuyệt mỹ.
Cả hai nhân vật này còn gặp nhau ở một điểm kết, đó là: kết thúc tác phẩm thì cả hai nhân vật đều phải ra pháp trường chịu án tử hình và cả hai đều sẵn sàng chấp nhận nó. Cái kết đầy tính chất bi kịch ấy của nguyên mẫu lịch sử và nhân vật là có thật nhưng được nhà văn hư cấu thêm tạo nên chất dư ba riêng khiến mỗi lần gấp trang sách lại ta không thể nào quên.
Tuy có sự gặp gỡ ở những điểm chung ấy nhưng dưới ngòi bút của mỗi nhà văn, hình tượng nhân vật hiện lên với những vẻ đẹp rất riêng.
Ở “Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài”, Vũ Như Tô là một nghệ sĩ đầy tài năng và giàu sáng tạo, Vũ Như Tô muốn khẳng định tài năng của mình, muốn tô điểm cho đất nước, muốn làm đẹp cho đời, nhưng khát vọng nghệ thuật và đam mê sáng tạo của ông đã đặt lầm nơi lạc chốn, lạc điệu với thời thế, xa rời thực tế, nên đã phải trả giá bằng chính sinh mệnh của bản thân và của cả công trình thấm đẫm mồ hôi tâm não của mình. Người đọc, người xem thương người nghệ sĩ có tài có tâm, đam mê nghệ thuật, khao khát sáng tạo, sẵn sàng hi sinh tất cả cho cái đẹp nhưng xa rời thực tế, mà phải trả giá đắt bằng cả sinh mệnh và cả công trình nghệ thuật đầy tâm huyết sáng tạo của mình.
Tài năng cùng với nhân cách cao đẹp của ông đã đưa ông đến với Cửu Trùng Đài. Trong tầm nghĩ suy của Vũ Như Tô, chỉ cần Cửu Trùng Đài có mặt “giữa cõi trần lao lực có một cảnh Bồng Lai” là ông đã mãn nguyện nhưng ông không ý thúc được rằng: bản thân ông đang phải dựa vào Lê Tương Dực để thực hiện khát vọng ấy. Bản thân ông không thấy được Cửu Trùng Đài là hiện thân của quyền lực, của ăn chơi sa đọa mà tập đoàn phong kiến Lê Tương Dực đã và đang hướng lạc trên mồ hôi nước mắt của nhân dân. Cửu Trùng Đài với Vũ Như Tô là hiện thân của tài năng. Với Lê Tương Dực là ăn chơi. Nhưng với nhân dân thì Cửu Trùng Đài là nợ máu, nợ nước mắt nên phải phá bỏ. Từ đó dẫn đến mâu thuẫn được đấy lên đỉnh cao. Mâu thuẫn giữa nhân dân và tập đoàn Lê Tương Dục, mâu thuẫn giữa Vũ Như Tô và nhân dân, thợ thuyền. Đỉnh điểm của mâu thuẫn đó là Trịnh Duy Sản cầm đầu phiến quân cùng nhân dân, thợ thuyền nổi lên. Lê Tương Dực bị giết, Cửu Trùng Đài bị đốt cháy nhưng oái ăm thay, cho đến cả khi nguy khốn nhất Vũ Như Tô lại không thể lý giải nỗi những việc mình làm là vì ai. Trái tim ông vẫn đập vì công trình kiến trúc của mình, vẫn cho rằng “Tôi làm gì có tội”. Nhân vật bi kịch thường mang trong mình không chỉ những say mê khát vọng lớn lao mà còn mang cả những lầm lạc trong hành động và tư duy của chính nó. Nhưng, không bao giờ khuất phục hoàn cảnh, nhân vật bi kịch bướng bỉnh vùng lên chống lại và thách thức số phận.
Khi nhắc đến bi kịch, từ điển văn học Việt Nam khái luận rằng: đó là sự mâu thuẫn giữa khát vọng cá nhân và hiện thực đời sống. Hiện thực đời sống không đủ điều kiện cho cá nhân thực hiện những khát vọng ấy, đẩy cá nhân vào bi kịch tinh thần đau đớn có thể dẫn đến cái chết thương tâm. Xét theo khái niệm ấy ta thấy, bi kịch là nỗi đau về tinh thần. Tính cách của người nghệ sĩ tài ba, hiện thân cho niềm khát khao và đam mê sáng tạo Cái Đẹp. Nhưng trong một hoàn cảnh cụ thể cái đẹp ấy thành ra phù phiếm, nó sang trọng, siêu đẳng, thậm chí, “cao cả và đầm máu” như một “bông hoa ác”. Thậm chí tầm vóc của Cửu Trùng Đài không phải là tầm thường mà phải hình dung bằng chính tầm vóc ý tưởng, khát vọng đầy ngạo nghễ của người sẽ tạo ra nó. Vì thế, đi tận cùng niềm đam mê khao khát ấy Vũ Như Tô tất phải đối mặt với bi kịch đau đớn của đời mình. Chàng trở thành kẻ thù của dân chúng, thợ thuyền mà không hay biết.
Khi Đan Thiềm nhận ra được sự thất bại to lớn của Cửu Trùng Đài, nhận ra được “giấc mộng lớn” đã tan tành. Vũ Như Tô, trái lại, vẫn không thể thoát ra khỏi trạng thái mơ màng, ảo vọng của chính mình. Chàng không thể tin rằng cái việc cao cả mình làm lại có thể bị xem là tội ác, cũng như không thể tin sự quang minh chính đại của mình lại bị rẻ rúng, nghi ngờ. Sự “vỡ mộng” của Vũ vì thế đau đớn, kinh hoàng gấp bội so với Đan Thiềm. Nỗi đau ấy bộc lộ thành tiếng kêu bi thiết mà âm điệu não nùng, khắc khoải của nó thành âm hưởng chủ đạo bao trùm đọan kết đã đành mà còn thành một thứ chủ âm dội ngược lên toàn bộ những phần trước của vở bi kịch. “Ôi mộng lớn! Ôi Đan Thiềm! Ôi Cửu Trùng Đài!”. Đó cũng là những tiếng kêu cuối cùng của Vũ Như Tô khi ngọn lửa oan nghiệt đang bùng bùng thiêu trụi Cửu Trùng Đài, trước khi tác giả của nó bị dẫn ra pháp trường. Trong tiếng kêu ấy “mộng lớn”, “Đan Thiềm”, “Cửu Trùng Đài” đã được Vũ đặt liên kế với nhau, nỗi đau mất mát như nhập hòa làm một, thành một nỗi đau bi tráng tột cùng.
Nhưng Vũ không trả lời được thỏa đáng câu hỏi đó bởi chàng chỉ đứng trên lập trường của người nghệ sĩ mà không đứng trên lập trường của nhân dân, trên lập trường cái Đẹp mà không đứng trên lập trường cái Thiện. Hành động của chàng không hướng đến sự hòa giải mà thách thức và chấp nhận sự hủy diệt. Vũ đã từng tranh tình xảo với hóa công, giờ lại bướng bỉnh tranh phải- trái với số phận và với cuộc đời.
Đoạn trích nói riêng và vở kịch nói chung đã để lại giá trị nhân văn sâu sắc rằng: “Không có cái đẹp tách rời cái chân cái thiện. Tác phẩm nghệ thuật không thể chỉ mang cái đẹp thuần tuý, nó phải có mục đích chân chính là phục vụ nhân dân, phục vụ cuộc đời. Người nghệ sĩ phải có hoài bão lớn, có khát vọng sáng tạo những công trình vĩ đại cho muôn đời, nhưng cũng biết xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa khát vọng đó với điều kiện thực tế cuộc sống vơi đòi hỏi của muôn dân”.
Qua tấn bi kịch của người nghệ sĩ thiên tài Vũ Như Tô, Nguyễn Huy Tưởng gợi những suy nghĩ sâu sắc về mối quan hệ giữa người nghệ sĩ với hoạt động sáng tạo nghệ thuật và thực tế đời sống nhân dân. Vì vậy vấn đề tác giả đặt ra ngày ấy, giờ đây bước sang thiên niên kỉ mới, nó vẫn còn nguyên giá trị.
Huấn Cao của Nguyễn Tuân cũng là một người nghệ sĩ - nghệ sĩ thư pháp nhưng ở ông lại có tốt chất của con nhà võ. Nên khi xây dụng hình ảnh này Nguyễn Tuân đã nhấn mạnh cả hai yếu tố: văn võ kiêm toàn.
Nhân vật Huấn Cao hiện lên với ba phẩm chất là một con người: Tài Hoa, Khí Phách và có Thiên Lương trong sáng, là một người anh hùng có Trí có Dũng có Tâm. Qua đó, nhà văn muốn gửi gắm quan niệm về cái đẹp thông qua nhân vật này, đó là: con người lí tưởng trước hết là con người có tài có tầm cao văn hóa và biết làm đẹp cho đời bằng cái tài của mình. Cái tài phải đi song song với bản lĩnh khí phách. Thế nhưng con người có tài có khí phách chưa đủ mà còn phải có cái tâm trong sáng. Nhà văn Nguyễn Tuân rất coi trọng chữ “tâm” coi trọng thiên lương của mỗi con người. Đúng như nhà văn Nguyễn Du đã viết:
“Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”
Cho nên với nhân vật Huấn Cao - một con “Nhất sinh đê thủ bái mai hoa” (cả đời chỉ biết cúi đầu trước vẻ đẹp của hoa mai) đã như sao Khuê vằng vặc phủ bóng xuống cái đẹp của cảnh cho chữ đầy thiêng liêng bi tráng.
Nếu như Vũ Như Tô có thể điều khiển được gạch đá như viên tướng cầm quân thì Huấn Cao lại có thể vẩy bút như rồng bay phượng múa. Trong một cảnh cho chữ mà Nguyễn Tuân gọi là “chưa từng có” đã làm hiện lên tài hoa, khí phách của Huấn Cao - một anh hùng sa cơ thất thế nhưng vẫn hiên ngang. Cảnh cho chữ đã làm sụp đổ cả bóng tối, cả lao tù bởi cái đẹp tỏa sáng ở từng nét chữ, từng cử chỉ, động tác, cả lời nói và cả tâm thế của người tù lồng lộng uy nghi. Cảnh cho chữ là một trong những thành công bậc nhất của Nguyễn Tuân về nghệ thuật dựng cảnh. Ở đây chất điện ảnh và hội họa kết hợp với bút pháp miêu tả, năng lực quan sát lọc lõi và trí tưởng tượng mạnh mẽ bay bổng đã mang đến cảnh cho chữ lấp lánh những bụi vàng, ở đấy, ngục thất vừa tăm tối vừa ảm đạm nhưng cũng lại rất đỗi hào hùng khiến cả ba nhân vật Huấn Cao - Quản ngục - Thơ lại bỗng thăng hoa thành những hình tượng kỳ vĩ phi thường.
Cảnh cho chữ có sự đối lập tương phản gay gắt giữa bóng tối - ánh sáng; cao cả - thấp hèn. Tất cả đều làm nên cho một cảnh tượng cho chữ chưa từng có.
Huấn Cao thật đẹp, thật lộng lẫy biết bao trong cái cảnh “cổ đeo gông, chân vướng xiềng đang dậm tô từng nét chữ”. Cảnh ấy thật bi tráng. Và cảnh ấy đã đưa Huấn Cao vào cõi bất tử. Có ngờ đâu, nhà ngục, nơi hiện thân của tội ác và sự dơ bẩn đã trở thành nơi để sáng tạo cái đẹp , nơi những nét chữ “vuông tươi tắn” mang “hoài bão của đời người” được lên ngôi, Cái đẹp là địa hạt của sự sống, cái đẹp đã lên ngôi thay thế cho cái xấu xa, thấp hèn, cái đẹp nâng đỡ con người. Chính vì vậy mà ở đó, ta không còn thấy nhà tù nữa, cũng như không còn thấy người tù và quản ngục, thơ lại nửa. Ở đó chỉ thấy cái đẹp của “Chữ” và nghệ thuật thư pháp đang thăng hoa. Nghệ thuật xóa nhòa mọi bờ cõi và giới hạn, đưa con người đến với nhau cùng thưởng lãm cái đẹp. Đoạn văn chứa đầy mơ ước thiết tha của Nguyễn sở dĩ gọi thức tâm linh người đọc, cũng bởi cả ba nhân vật, tuy ở các vị trí xã hội xa cách nhau nhưng lại có khả năng bổ sung phẩm tính cho nhau ấy, đều là những mãnh hồn của tác giả say đắm hóa thân : tam vị nhân vật, nhất thể Nguyễn Tuân, Bút pháp đoàn thiên tiểu thuyết phong cách điêu khắc của Nguyễn dựng nên nhóm tượng đài Thiên lương - Tam vị nhất thể sáng láng này dường như muốn tạo tác một biểu hiện làm đối chứng với cái hiện thực xã hội thực dân nửa phong kiến tồi tệ hiện hữu trước mắt tác giả.
Không nhũng thế Huấn Cao còn dành cho viên quản ngục những lời khuyên rất chân thành: “thầy Quản nên tìm về nhà quê mà ở, thầy hãy thoát khỏi cái nghề này đi đã, rồi hãy nghĩ đến chuyện chơi chữ. Ở đây, khó giữ thiên lương cho lành vững và rồi cũng đều nhem nhuốc mất cái đời lương thiện đi”. Đó chính là lời di huấn của Huấn Cao (cũng là của nhà văn) nhắn tới quản ngục và tất cả mọi người: Muốn chơi chữ phải giữ lấy thiên lương; trong môi trường của cái ác, cái đẹp khó tồn tại vững bền; Chữ nghĩa, thiên lương không thể sống chung với tội ác và nơi ngục tù đen tối. Hành động bái lĩnh của ngục quan chính là sức mạnh cảm hóa con người. Bằng con đường của trái tim, sức mạnh ấy càng được nhân lên gấp bội. Ngày mai, Huấn Cao đã ra pháp trường để chịu án tử hình nhưng chắc chắn một điều rằng cái kết thúc này là một kết thúc đẹp. Khác với Vũ Như Tô, ra pháp trường còn ai oán, day dứt, bao tâm huyết, công sức và khát vọng cuối cùng chỉ còn là tro bụi. Vũ Như Tô chết đi và còn lại là tiếng xấu để đời (với dân chúng) và niềm tiếc thương một tài trời uổng phí (những người hiểu ông). Còn Huấn Cao, một hảo hớn “đỉnh thiên lập địa” đã hiên ngang ra giữa pháp trường chịu chém. Có thể là không có kiếp sau để còn một Huấn Cao nữa, nhưng chắc chắn “dòng chữ cuối cùng” mà ông để lại sẽ mãi mãi bất tử và vĩnh hằng vượt bao gió bụi thời gian.
Đặc sắc về nghệ thuật xây dựng Huấn Cao của Nguyễn Tuân trước hết là thư pháp tương phản : đối lập giữa ánh sáng và bóng tối; giữa cái hỗn độn xô bô của nhà giam với cái thanh khiết, cao cả của nền lụa trắng, nét chữ đẹp và thỏi mực thơm; giữa kẻ tử tù đang ban phát cái đẹp, cái thiện với viên quan coi ngục “khúm núm”, “lĩnh hội” đã làm nổi bật tư thế của Huấn Cao với sự vươn lên, thắng thế của ánh sáng vói bóng tối, cái đẹp với cái xấu xa dơ bẩn; cái thiện với cái ác... Nhịp điệu chậm rãi, câu văn giàu hình ảnh, sử dụng nhiều từ Hán Việt gợi lên không khí thiêng liêng, trang trọng của cảnh cho chữ “chưa từng có” trong lịch sử văn chương Việt Nam và thế giới.
Như vậy, Huấn Cao và Vũ Như Tô, họ đều là những người nghệ sĩ sáng tạo cái đẹp. Xây dựng hai nhân vật này, cả hai nhà văn Nguyễn Tuân và Nguyễn Huy Tưởng đều làm sống lại trong tâm tưởng ta hai nguyên mau lịch sử của thời đại phong kiến đầy phong ba bão táp. Ở họ đều toát lên cái tài hoa, thiên lương trong sáng, nguyện hi sinh cho cái đẹp cái tài. Tuy nhiên do thời đại khác nhau, hoàn cảnh sống khác nhau, tài năng khác nhau nên cả hai có những ứng xử khác nhau. Vũ Như Tô lầm đường lạc lối trong sự mù quáng nên để uống phỉ tài trời và công trình tâm huyết của ông cũng thành tro bụi. Huấn Cao là người ý thức được vai trò lịch sử của mình, tài năng phẩm giá của mình. Nên Huấn Cao mãi mãi là đài sen vĩnh hằng để hiện hữu tỏa hương. Nghệ thuật thư pháp có thể đã “vang bóng một thời” nay không còn nữa nhưng dòng chữ của ông thì vượt lên mọi giá trị để mãi mãi vững bền và thách thức thời gian.
Nguyễn Văn Siêu từng nói: “Văn chương có loại đáng thờ và loại không đáng thờ. Loại không đáng thờ là loại chỉ chuyên chủ ở văn chương, loại đáng thờ là loại chuyên chủ ở con người”. Nghệ thuật nói chung cũng vậy, cái bất tử luôn thuộc về những điều chứa đựng tầm vóc nhân sinh. Cái sẽ chết không lòi kêu cứu sẽ thuộc về những cái chỉ sống cho riêng nó. Qua hai nhân vật Vũ Như Tô và Huấn Cao cùng với tài năng thiên phú của họ ta càng thấm thía triết lý trên.