Làm sao không nhớ, không yêu một bài thơ như thế này:
Lá đỏ
Gặp em trên cao lộng gió
Rừng lạ ào ào lá đỏ
Em đứng bên đường như quê hương
Vui áo bạc, quàng súng trường
Đoàn quân vẫn đi vội vã
Bụi Trường Sơn nhòa trời lửa
Chào em, em gái tiền phương
Hẹn gặp nhé, giữa Sài Gòn
Em vẫy cười đôi mắt trong
12-1974
Nguyễn Đình Thi
(Trường Sơn 1959 - 1979; NXB Văn học, H., 1979)
Bài thơ ngắn, thoáng như một hình ảnh chợt gặp, một ấn tượng chợt đến, nhưng để lại những rung cảm thật sâu lắng.
Hiện lên trong bài thơ là một khung cảnh rất thực, rất điển hình của con đường chiến lược Trường Sơn trong những ngày sôi động chuẩn bị cho một cơn bão lửa, trận đánh quyết liệt cuối cùng mà khoảng cách đến đích đang được rút ngắn dần với một tốc độ chưa từng thấy trong lịch sử ba mươi năm chiến đấu vì độc lập tự do. Những đoàn quân đi vội vã trong cảnh “Bụi Trường Sơn nhoà trời lửa” và “Rừng lạ ào ào lá đỏ” - dường như thiên nhiên cũng chuyển biến gấp gáp theo nhịp điệu khẩn trương, cuốn hút của những cuộc hành binh thần tốc. Rừng đại ngàn Trường Sơn vào mùa trở gió, theo bước tuần hoàn của tự nhiên, có những biến đổi thật kì vĩ. Ở những nơi rất cao, lộng gió, cây cối đồng loạt trút xuống lớp áo đỏ rực trời, ngàn vạn chiếc lá đã cuộn đi trong những cơn gió xoáy mãnh liệt. Cảnh tượng ấy rất dễ gợi những cảm giác lạ lùng, xao xuyến trong lòng người đi xa.
Gặp em trên cao lộng gió
Rừng lạ ào ào lá đỏ.
Cô gái - nhân vật trung tâm của bài thơ - được giới thiệu trong một cảnh ngộ đặc biệt như thế. Một thoáng gặp gỡ bất ngờ giữa một khung cảnh lồng lộng, hùng vĩ. Cô gái ấy đứng đấy, mộc mạc, thân thương, “Vai áo bạc quàng súng trường”, như một điểm tựa, trụ vững vàng, thanh thản giữa quang cảnh vẫn xoay ào ạt của thiên nhiên, làm ấm lòng người - nhất là ở chốn rừng lạ hoang sơ này. Em là ai? Là cô giao liên, hay cô gái, “ba sẵn sàng xanh áo”? Dù là ai, chỗ đứng tự nguyện của em ở nơi gian khổ ác liệt này, trong tư thế rắn rỏi của người lính, đã gợi lên bao mến thương, cảm phục.
Vai áo bạc, quàng súng trường
Một nét khắc hoạ đẹp, vẻ đẹp giản dị, thầm lặng với bao trìu mến dồn chứa bên trong từng chữ, từng lời. Văn chương hướng tới vẻ đẹp tinh thần đồng nghĩa với vẻ đẹp đạo đức, chính là trong những trường hợp như thế này đây. Dáng mảnh mai của cô gái hiện lên giữa khung cảnh thiên nhiên dữ dội, thư thái thanh thản của cô bên dòng quân đi gấp gáp, vội vã, màu áo bạc giản dị của người con gái tiền phương như nét chấm phá bất ngờ trên cái nền rực rỡ của rừng lá đỏ Trường Sơn, khẩu súng trường rắn chắc trên vai tròn mềm mại - tất cả dựng lên những tương phản sâu sắc làm rung động tâm hồn người đọc. Vai áo bạc và khẩu súng trường, những chi tiết giàu sức gợi tả biết mấy! Ta bồi hồi nhớ đến vẻ đẹp giản dị, thầm lặng của cái “thời con gái bay qua cánh rừng” (Nguyễn Duy), vẻ đẹp của những chùm hoa phong lan trong rừng già sâu thẳm. Giản dị, thầm lặng mà anh hùng, dịu dàng mà kiên nghị, em còn là sự hiện diện của quê hương ta đó. Hình ảnh của em gắn với một hậu phương vững vàng trong lửa đạn, vất vả, khó khăn, chắt chiu từng hạt gạo, từng viên đạn cho tiền tuyến, luôn luôn là chỗ dựa tin cậy của những đoàn quân trùng trùng ra trận.
Phải chăng ý nghĩa ấy được tác giả bài thơ nhấn mạnh khi anh tách mấy chữ “như quê hương” thành hẳn một dòng thơ và đặt nó trong thể so sánh, hoà hợp với “em đứng ở bên đường” và “vai áo bạc quàng súng trường”?
Thơ là tình, là tình cảm. Thơ không lấy việc tả làm chính, không cạnh tranh với văn xuôi về lượng chi tiết, nhưng thơ không thê không cần đến chi tiết. Có điều chi tiết trong thơ phải là những chi tiết chọn lọc ở mức nghiệt ngã nhất nó cần cái tính chất của sự sống. Sự chọn lọc này chủ yếu là sự chọn lọc của trái tim; chi tiết trong thơ phải là những chi tiết giàu sức biểu hiện nhất, có khả năng rung động được lòng người, gợi được những liên tưởng sâu xa, “Vai áo bạc quàng súng trường” là thuộc loại những chi tiết như thế.
Đoàn quân vẫn đi vội vã
Bụi Trường Sơn nhoà trời lửa.
Lời thơ thôi thúc, giục nhã. Trận đánh cuối cùng có tầm vóc lịch sử đang chờ ở phía trước. Hình ảnh thơ toát lên một không khí khẩn trương hào hùng và quyết liệt. Tất cả cho tiền tuyến; tất cả cho chiến thắng! Em đứng ở bên đường và dòng quân ào ạt ra trận. Cái tĩnh đặt bên cái động. Nhưng chỗ đứng của em không phải là chỗ đứng của người chứng kiến sự chuyển động lịch sử, mà trong tư cách người lính. Với vũ khí trên vai, em, những cô gái như em, chính là đang tham gia vào sự chuyển động ấy. Em vừa là sự hiện diện của hậu phương dang dồn sức cho tiền tuyến, vừa đóng vai trò của người lính ở tiền phương. Em là đồng đội trực tiếp của những người lính ở chiến trường. Những người ra trận “Chào em, em gái tiền phương” là chào với tư cách ấy của em. Một lời chào ý nghĩa như thế, tất nhiên là lời hẹn gặp phải là:
Hẹn gặp nhé, giữa Sài Gòn
Sài Gòn - thành phố mang tên Bác, cái đích cuối cùng của cuộc trường chinh dài ba mươi năm. Chiến dịch cuối cùng của cuộc trường chinh ấy sẽ mang tên Bác. Gặp nhau giữa Sài Gòn là gặp nhau trong ngày toàn thắng. Náo nức lòng người biết bao một lời hẹn như thế! Lời hẹn cũng là lời hứa, là ý chí, là quyết tâm, cũng là niềm tin - Niềm tin lớn lao của những người nắm chắc phần thắng.
Tứ thơ bừng nở trong câu thơ cuối bài với nụ cười rất tự tin của cô gái tiền phương, của tuổi trẻ đang lên đường.
Em vẫy cười đôi mất trong
Bài thơ đọng lại ở nụ cười ấy và đôi mắt ấy - nụ cười làm phấn chấn lòng người và ánh mắt trong sáng, điềm tĩnh, tự tin. Gửi trong ánh mắt và nụ cười ấy là lời khích lệ và lòng tin của quê hương đối với những người ra trận.
Hiển nhiên, cô gái là nhân vật trung tâm của hình tượng thơ. Lần đầu ra mắt người đọc, bài thơ được đặt tên là Em gái Trường Sơn không phải không có lí. Mấy năm sau ngày toàn thắng, bài thơ được đưa vào tập thơ Trường Sơn 1959 - 1979 với cái tin khác: Lá đỏ. Cùng với sự đổi tên, bài thơ được tác giả sắp xếp lại cấu trúc nội bộ.
Sau đây là bài thơ ở dạng ban đầu:
Em gái Trường Sơn
Gặp em giữa rừng lộng gió
Quân đi ào ào lá đỏ
Em đứng bên đường như quê hương
Vai áo bạc quàng súng trường
Đồi núi ngút ngàn nắng lóa
Quân đi bụi mờ trời lửa.
- Chào em - Chiến sĩ Trường Sơn Hẹn gặp nhé, giữa Sài Gòn Em đứng vẫy cười đôi mắt trong.
Cảm hứng chủ đạo và tứ thơ căn bản không có gì khác. Nhưng giữa hai lần ra mắt bạn đọc, có một khoảng cách thời gian đủ để tạo ra một bước lùi cần thiết để bài thơ được tái sinh với một vóc dáng không hoàn toàn giông trước. Phải chăng, với bước lùi ấy, Nguyễn Đình Thi có điều kiện nhìn rõ hơn, sâu sắc hơn những gì đã làm mình rung động cách đây mấy năm?
Lá xanh rồi lá đỏ, quy luật ấy của thiên nhiên, sự tuần hoàn của thời tiết in dấu vết trên màu lá, có gì là khác lạ? Nhưng văn chương kì diệu ở chỗ phát hiện được cái khác lạ trong những cái vốn là bình thường, quen thuộc. Với tư duy nghệ thuật, màu xanh và màu đỏ của lá đâu còn mang ý nghĩa thuộc về thế giới tự nhiên nữa, những màu sắc ấy đã được chuyển hóa, sang một ý nghĩa khác.
Ám ảnh mãi trong trí tưởng tượng người đọc là cái rừng rực, náo động như lửa của một rừng, một trời, một không gian lá đỏ và bóng dáng khiêm nhường của người con gái ấy. Tuổi trẻ và chiến tranh! Không thể không xúc động khi nghĩ về sự đặt bên nhau hai khái niệm này. Trên từng chặng đường nhiều khi rất ngắn của con đường chiến lược xuyên qua Trường Sơn, ta rất dễ gặp những cái tên nghe rất lạ lùng: Ngã ba mồ cô Yên, đèo cô Nhạ... rất dễ gặp những nấm mồ vô danh của những người con gái trẻ sẽ không bao giờ được trở về với mẹ, với người yêu. Tuổi thanh xuân của họ gửi lại ở những cánh rừng, những đỉnh đèo, những ngã ba, những lèn đá đỏ. Tổ quốc mãi mãi thanh xuân. Màu xanh tuổi trẻ trở thành màu đỏ hào hùng của chiến đấu, chiến thắng. Màu đỏ thiêng liêng, màu của hi sinh cao cả, của vinh quang đời đời. Các em nằm lại bên đường Trường Sơn nhưng máu các em đổ ra đã thấm đẫm lá cờ Tổ quốc tung bay rạng rỡ trên thành phố mang tên Bác trong ý nghĩ vui toàn thắng!
Đưa bài thơ vào tập thơ Trường Sơn 1939 - 1979 một đài tưởng niệm bằng thơ, với cái tên Lá dỏ, phải chăng Nguyễn Đình Thi từ một thời điểm vô hạn thấm thía cái giá phải trả cho Độc Lập - Tự do, đã muốn tôn cao hơn vẻ đẹp của những hi sinh cao cả, vẻ đẹp của một thế hệ trẻ Việt Nam “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”.
Thơ hay là thứ thơ làm cho người ta nghĩ đến tình người, nghĩ đến sự sống. Thơ hay động thấu những niềm sâu xa nhất của trái tim con người. Nó giúp cho người đọc bàng hoàng nhận ra sự bừng sáng của tâm hồn mình trước cái đẹp thật sự của đời sống, khi đối diện với những vấn đề của cuộc sống. Nảy sinh trong ta cái khát vọng mãnh liệt muốn vươn tới sự hoàn thiện của nhân cách chính là từ những vần thơ như thế. Thơ nói riêng, cũng như văn học nói chung, trở thành cần thiết cho con người là vì vậy. Làm sao không nhớ, không yêu một bài thơ Lá đỏ ?
Ninh Thị Hoàng Anh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, Nam Định
Bài đạt giải Nhất kì thi Chọn học sinh giỏi cấp Tỉnh năm 2018.