Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Phân tích vẻ đẹp của hình tượng nhân vật Tnú (truyện ngắn Rừng xà nu - Nguyễn Trung Thành)

Thứ năm - 23/01/2020 10:26
Hướng dẫn làm bài:
l. Giới thiệu
- Nguyễn Trung Thành là một nhà văn của miền đất Tây Nguyên. Tác phẩrm của ông luỏn thể hiện sự gắn bó, hiểu biết đến tận cùng không chỉ thiên nhiên, con người mà còn là cội nguồn văn hoá Tây Nguyên kết tinh ở thiên nhiên ấy, con người ấy. Trong số những tác phẩm cùng viết về đề tài Tây Nguyên, Rừng xà nu nổi bật lên là một bản anh hùng ca về chủ nghĩa anh hùng; cách mạng và cuộc đấu tranh của người Tây Nguyên để bảo vệ sự sống của mình.
- Được viết năm 1965 trong không khí sôi sục của thời kì chống Mĩ, Rừng xà nu kết tinh trong đó tinh thần bất khuất của thời đại cách mạng, khi mỗi người dân đều nhận rõ bộ mặt kẻ thù và quyết tâm đứng lên chiến đấu. Viết trong một không khí như thế, viết với tinh thần của những bài “Hịch tướng sĩ” thời chống Mĩ nên mỗi hình tượng được xây dựng trong tác phẩm đều kết tinh trong nó vẻ đẹp Tây nguyên, tinh thần thời đại. Trong số những nhân vật được xây dựng, Tnú là một nhân vật trung tâm, ở anh có sự tổng hoà của các vẻ đẹp chung và riêng, quá khứ và hiện tại để trở thành một mẫu anh hùng lí tưởng của con người Tây Nguyên thời chống Mĩ.
2. Phân tích
a. Nét chung: Qua lời kể của cụ Mết, Tnú hiện lên như một hình tượng tiêu biểu cho tính cách và số phận của con người Tây Nguyên thời chống Mĩ. Tnú chính là người anh hùng của làng Xô Man.
a.1. Giàu tình cảm: Tnú là một đứa trẻ mồ côi, lớn lên được là nhờ sự cưu mang, nuôi dưỡng của cụ Mết và dân làng. Lớn lên từ tình thương yêu của làng, Tnú mang trong lòng mình một tình cảm sâu đậm với làng, với nước, ở làng Xô Man, mọi người đều có cái vẻ ngoài ít nói song thực rất giàu tình yêu thương (cụ Mết khi ưng bụng lắm mới nói “Được”. Cô bé Dít lầm lì, mắt ráo hoảnh khi mọi người đều khóc vì cái chết của chị gái cô, bao nhiêu tình cảm đều dồn vào trong cái vẻ lặng lẽ giã gạo, gằn gạo cho Tnú mang đi đường. Khi trở thành bí thư chi bộ, dù rất vui mừng khi Tnú trở về song vẫn rất nghiêm khắc hỏi giấy phép của anh, cả làng Xô Man đã đón Tnú sau 3 năm đi lực lượng...). Sống giữa những con người như thế, Tnú trở thành con người giàu tình nghĩa. Xa quê hương 3 năm, khi trở về, Tnú nhận ra cái mà anh nhớ nhất ở làng, nỗi nhớ day dứt lòng anh suốt 3 năm liền là tiếng chày giã gạo chuyên cần và rộn rã của những người đàn bà và những cô gái người Strá vì trong tiếng chày ấy dường như có những khát vọng bình yên no ấm cũng thật sâu sắc, mãnh liệt. Khi phải chứng kiến lũ giặc tra tấn Mai và đứa con nhỏ, tay anh “bứt hàng chục trái vả”, mắt anh là “hai cục lửa lớn” nỗi căm thù uất giận không thể kiềm chế đã lấn át lí trí tỉnh táo. Chính tình yêu thương tha thiết, lòng căm thù mãnh liệt đã khiến Tnú quên cả mạng sống của mình để liều lĩnh xông vào giữa kẻ thù đầy vũ khí.
a.2. Sớm giác ngộ cách mạng: ở làng Xô Man, suốt 5 năm chưa hề có một người cán bộ nào bị giặc giết, bài học thấm vào trong xương tuỷ của mọi người dân Xô Man là “Đảng còn thì núi nước này còn”, dù đã có nhiều người bị giặc giết, làng Xô Man vẫn nuôi giấu cán bộ. Trong môi trường ấy, Tnú nổi bật lên là một đứa trẻ gan dạ và hăng hái nhất. Khi anh Quyết hỏi “không sợ giặc bắt à?”, Tnú đang nằm trong lòng anh Quyết ngồi bật dậy mà trả lời rành rọt “Cụ Mết nói: “Cán bộ là Đảng, Đảng còn, núi nước này còn“. Đây không phải là câu học vẹt của một đứa trẻ con mà là những suy nghĩ đã ăn sâu vào trong tiềm thức của Tnú. Rõ ràng, ngay từ khi còn thơ bé, Tnú đã sớm nhận thức về mối quan hệ gắn bó giữa bản làng mình với những người cộng sản như anh Quyết.
a.3. Sự thông minh nhanh nhẹn: Tnú học chữ thì chậm nhưng đi liên lạc thì “đầu nó sáng lạ lùng”. Tnú quen đi rừng, không đi vào đường mòn vì biết có thể bị phục kích. Khi bị giặc vây bắt, Tnú trèo lên một ngọn cây cao quan sát rồi cắt rừng băng đi. Khi qua sông, Tnú không thích lội chỗ nước êm mà thường chọn quãng nước dữ nơi bọn Mĩ Diệm không ngờ. Một lần đi liên lạc bị bắt, Tnú đã kịp nuốt thư vào bụng để giữ bí mật cách mạng. Tất cả những biểu hiện ấy không phải của một bản năng thông thường mà là kết quả sự mách bảo từ một tình yêu lớn: yêu làng, yêu nước, yêu cách mạng.
a. 4. Gan dạ, bất khuất, tuyệt đối trung thành với cách mạng:
- Tnú đã tận mắt chứng kiên cái chết của anh Xút, bà Nhan nhưng không hề sờn lòng. Đến lượt Tnú bị giặc bắt và tra tấn dã man song vẫn một mực im lặng. Giặc dẫn Tnú về làng, trước mặt tất cả dân làng chúng chỉ hỏi một câu “Thằng nào là cộng sản?” Nếu trả lời câu hỏi ấy, Tnú sẽ tự cứu được mình. Song trước mũi súng đang chĩa vào mình, Tnú đã trả lời bọn giặc bằng một hành động ngang tàng: đặt tay lên bụng mình và nói “Cộng sản ở đây này”. Trả giá cho hành động đó, lưng Tnú ngang dọc vết dao chém. Song rõ ràng Tnú đã thắng: Câu trả lời ngang tàng ấy vừa là sự thách thức kẻ thù vừa chan chứa tình cảm yêu thương sâu nặng dành cho Đảng, cho cách mạng. Người dân Tây Nguyên coi số phận, sinh mạng của người cộng sản còn quý giá hơn cả mạng sống của chính mình. Thái độ bất khuất của Tnú bắt nguồn chính từ những tình cảm thiêng liêng đó và trở thành một trong những phẩm chất tuyệt vời nhất của anh.
- Khi tay không xông ra cứu vợ con, Tnú bị bắt. Kẻ thù đã dùng giẻ tẩm xà nu quấn lên 10 dầu ngón tay Tnú và đốt đau đớn đến mức Tnú thấy như lửa cháy trong lồng ngực, thấy máu mặn chát ở đầu lưỡi nhưng Tnú không thèm kêu rên. Lí trí và sức mạnh tinh thần giúp Tnú chiến thắng mọi đau đớn của thân xác. Sự gan góc của Tnú vừa là nét dặc trưng tính cách Tây Nguyên vừa khiến hình ảnh Tnú toả sáng những vẻ dẹp độc đáo.
b. Cá tính và dấu ấn riêng:
b.1. Nóng nảy: ở Tnú, mọi tính cách đều được đẩy đến độ mãnh liệt, sự nóng nảy của Tnú bộc lộ từ thuở còn là một cậu bé. Khi học chữ thua Mai, Tnú bực tức đập bể cái bảng trước mặt Mai và anh Quyết bỏ ra suối ngồi suốt một ngày. Khi Mai ra dỗ, nó đòi đánh Mai rồi cầm hòn đá tự đập vào đầu chảy máu ròng ròng. Hành động này vừa thể hiện sự ngây thơ trong ý nghĩ (Tnú tưởng đập đầu có thể nhét được chữ vào trong) vừa là sự nghiêm túc trong ý thức tự trừng phạt. Sự nóng nảy còn đẩy Tnú đến những hành động nông nổi bồng bột: Khi chứng kiến cảnh vợ con bị tra tấn, dù chỉ có tay không Tnú vẫn một mình xông vào lũ giặc. Đặt bên cạnh những hành động của cụ Mết càng thấy rõ tính chất nông nổi trong hành động của Tnú: Chứng kiến kẻ thù đánh Mai, trói Tnú, cụ Mết đã không nhảy ra cứu vì cụ hiểu rằng chỉ có hai bàn tay trắng thì không thể tự vệ, càng không thể cứu người khác. Tuy nhiên sự nóng nảy của Tnú rất đáng cảm thông bởi nó xuất phát từ tình yêu sâu sắc, mãnh liệt của anh.
b.2. Dấu ấn riêng ở Tnú là hình ảnh đôi bàn tay vì nó thể hiện rõ nhất tính cách, số phận của Tnú. Nhà văn đã xây dựng hình ảnh một đôi bàn tay rất giàu sức ám ảnh. Khi còn lành lặn, đôi bàn tay ấy đã tiếp tế cho cán bộ, đã chỉ vào bụng mình mà khẳng khái nói “Cộng sản ở đây này”. Cũng đôi bàn tay ấy khi Tnú vượt ngục trở về đã nắm lấy tay Mai đầy thương yêu. Kí ức về lần tay Tnú nắm tay Mai ấy mãi sau này mỗi khi nhớ lại vẫn cắt vào lòng anh một vết dao nứa. Khi kẻ thù đã cầm lấy súng mà đôi tay Tnú chưa kịp cầm giáo thì nó lại trở thành đôi bàn tay bất lực và đau thương. Hai cánh tay rộng lớn của Tnú đã ôm chặt lấy vợ con nhưng không thể nào cứu nổi Mai và đứa bé. Cả 10 đầu ngón tay Tnú, cái phần tươi xanh tinh hoa nhất của cơ thể con người đã bị giặc đốt cụt. Hình ảnh 10 ngón tay Tnú thành 10 ngọn đuốc mang tính bi tráng bởi nó vừa là biểu hiện của đau thương cùng cực lại vừa là biểu hiện của tinh thần bất khuất. Như vậy, khi chỉ có đôi bàn tay không Tnú cũng như người dân làng Xô Man phải chịu nhiều đau thương mất mát, không bảo vệ được những gì mình yêu thương nhất. Ngay cả nhựa xà nu - cái chất thơm ngào ngạt và đọng nắng quê hương cũng trở thành ngọn lửa thiêu đốt đôi bàn tay Tnú. Song đôi bàn tay tưởng đã tàn phế ấy khi cầm vũ khí lại chứa đựng một sức mạnh không ngờ: tiêu diệt được thằng chỉ huy ngay tại hầm cố thủ của nó - không phải bằng súng, bằng dao mà bằng chính 10 ngón tay cụt. Đây là đôi bàn tay anh hùng, biểu trưng cho sức mạnh quật cường của người Tây Nguyên dưới ách áp bức tàn bạo của kẻ thù.
3. Tổng kết, đánh giá
- Dưới ngòi bút Nguyễn Trung Thành, Tnú là kết tinh vẻ đẹp và sức mạnh của cả Tây Nguyên: ào ạt, sôi sục như thác lũ, vững chãi như đá núi, khoẻ khoắn và kiên cường như một cây xà nu đã trưởng thành mà không một thứ đại bác nào của kẻ thù có thể giết nổi. Song vẻ đẹp tuyệt vời nhất của Tnú chính là tình yêu cháy bỏng đối với quê hương; làng xóm và những gì thân yêu gắn bó với anh. Tình yêu ấy chính là cội nguồn sức mạnh, là động cơ thúc đẩy hành động, là ngọn lửa soi sáng con đường đến với cách mạng của Tnú.
- Thông qua hình tượng nhân vật Tnú, Nguyễn Trung Thành đã làm bật lên vẻ đẹp của con người Xô Man, con người Tây Nguyên trong những năm chống Mĩ. Đó cũng là cách để nhà văn khẳng định và ngợi ca vẻ dẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng.

Bản quyền thuộc về Sách Thư Viện. Ghi nguồn sachthuvien.com khi đăng lại bài viết này.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây