Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Anh (chị) bày trình bày những cảm nhận cúa mình về đoạn văn tả cảnh gặp gỡ đầu tiên giữa bà cụ Tứ và người con dâu trong truyện ngắn Vợ nhặt (Kim Lân)

Thứ bảy - 01/02/2020 09:15
Hướng dẫn làm bài:
1. Giới thiệu
- Nhận xét về Kim Lân, nhà văn Nguyên Hồng cho rằng Kim Lân là nhà văn “Một lòng đi về với đất, với người, với thuần hậu và nguyên thuỷ của cuộc sống”. Trong từng trang viết của Kim Lân người đọc có thể thấy được sự thận trọng và tấm lòng giàu yêu thương, sự hiểu biết và tài năng mô tả tâm lí, tình cảm con người, đặc biệt là người nông dân nghèo vốn hồn hậu chất phác mà rất nặng tình, nặng nghĩa.
- Truyện ngắn Vợ nhặt viết về nạn đói năm 1945. Song ngòi bút Kim Lân không dừng lại ở cái đói mà khám phá những vẻ đẹp rất con người trong nạn đói. Đoạn văn miêu tả cảnh gặp gỡ đầu tiên giữa mẹ Tràng và người con dâu mới tiêu biểu cho hướng khai thác đó của Kim Lân.
2. Phân tích
a. Vị trí, ý nghĩa của đoạn trích trong toàn truyện
- Đoạn trích nằm ở phần giữa của truyện ngắn, sau khi Kim Lân đã mô tả cảnh Tràng đưa vợ về xóm ngụ cư, đã dẫn dắt gợi mở cảnh Tràng và người vợ nhặt gặp gỡ làm quen và quyết định sẽ cùng nhau nên vợ nên chồng.
- Đây là cảnh then chốt của toàn bộ truyện ngắn: Cái quyết định đưa nhau về của vợ chồng Tràng có quá nông nổi hay không? Cuộc hôn nhân của họ có suôn sẻ không hay cũng chỉ là một trò đùa oái oăm của số phận? Trong cảnh túng đói quay quắt hiện tại, nhu cầu hạnh phúc và khát khao vun đắp cho cuộc sống gia đình liệu có còn tồn tại hay bị vùi dập một cách tàn nhẫn trong cơn lốc xoáy của nạn đói? Trả lời những câu hỏi đó đâu chỉ cần sự hiểu biết mà còn cần cả tấm lòng đồng cảm, nhân hậu và giàu yêu thương. Thể hiện toàn bộ những vấn đề đó đòi hỏi nhà văn phải hết sức thận trọng và tinh tế. Bởi xử lí vấn đề theo hướng nào sẽ quyết định bước phát triển tiếp theo của câu truyện, quyết định sự thành công hay thất bại của nhà văn trong tác phẩm.
b. Nội dung đoạn trích
- Trong phần đầu của đoạn trích, Kim Lân đã cho thấy: người mẹ đã không hiểu tiếng chào của người đàn bà lạ mặt. Bà cụ đã để Tràng phải nhắc đến hai lần “Kìa, nhà tôi nó chào u”, “Nhà tôi nó mới về làm bạn với tôi đây”. Không phải vì bà lão đã già cả, điếc lác như người con dâu lầm tưởng mà vì nhà nghèo, đã quá lâu bà không nghĩ đến chuyện cưới vợ cho con, nhất là lại vào lúc đói kém này.
- Từ lúc nghe Tràng nhắc, bà cụ Tứ “cúi đầu im lặng”, sau đó “khẽ thở dài”, “đăm đăm nhìn người đàn bà”. Bà lo trước rồi mới nói “u mừng lòng”, sau đó động viên con “Rồi may ra...” trong khi lòng bà ngổn ngang bao hồi ức xót xa cay đắng về chồng, về đứa con gái út, về cuộc đời cực khổ dằng dặc của mình. Rõ ràng là, trong lòng bà cụ chất chồng những buồn tủi đắng cay song trước cảnh người con dâu đã về rồi, đang đứng ở đấy mà vân vê tà áo đã rách bợt, bà vẫn gắng gượng mà bảo ban, nhắc nhở động viên con, gắng trở thành chỗ dựa tinh thần cho các con trong tình thế vốn éo le và khó xử này. Đây không phải là thái độ xã giao, khách sáo, cũng không hẳn chỉ là vấn đề trách nhiệm làm mẹ. Cái làm cho người đọc cảm động chính là nỗ lực của một tấm lòng người mẹ, một nỗ lực bằng tình thương đối với những đứa con - dù là đứa con dâu mới gặp gỡ lần đầu.
- Bên cạnh những diễn biến tâm lí của bà cụ Tứ, Kim Lân còn chú ý miêu tả tâm lí của anh Tràng. Là người trong cuộc, lại trực tiếp tạo nên sự kiện, Tràng tỏ ra rất chủ động trong việc tạo nên một không khí thuận lợi nhất cho cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa mẹ và vợ: Trong khi chạy ra đón mẹ, Tràng cũng gọi với trong nhà để nhắc vợ. Khi vợ đã chào đến 2 lần mà mẹ chưa hiểu ra, Tràng đã giải thích để mẹ có thể hiểu và thông cảm cho người vợ của anh bằng câu chuyện về duyên phận, số kiếp. Nỗ lực ấy của anh ít nhiều đã khiến người mẹ, trong khi hiểu ra tình thế éo le của cuộc hôn nhân thì cũng hiểu ra ý nghĩa của cuộc hôn nhân ấy với con trai mình. Sự ngầm hiểu ấy của tấm lòng người mẹ đã khiến bà cụ nói ra sự đồng tình của mình, khiến cho Tràng như trút được gánh nặng trong lòng để mà “thở đánh phào một cái”, “bước từng bước dài ra sân”.
- Trong đoạn trích, lời đối thoại của nhân vật luôn được nhà văn chú ý: nó vừa phù hợp với địa vị, tâm lí nhân vật, vừa phải thể hiện được nội tâm, tính cách nhân vật theo đúng ý đồ của nhà văn. Đáng chú ý nhất là những câu nói của bà cụ Tứ: nó giản dị, mộc mạc mà đầm ấm tình người và luôn thấm thía cái hiểu biết, cái triết lí sâu xa của người lao dộng. Giọng nói của bà cụ khi thì nhẹ nhàng, khi thì thân mật, song quan trọng là đầy yêu thương: bà mừng cho con, bà hi vọng đời con khấm khá, bà áy náy vì quá nghèo mà chưa phải với nàng dâu khi chưa lo nổi dăm ba mâm cổ mời làng xóm, họ hàng...
c. Đánh giá về tài năng và tấm lòng của nhà văn
- Kim Lân đã miêu tả một cách sinh dộng, chân thực và đầy cảm động tâm lí con người trong một tình huống có thể nói là éo le, trớ trêu: mọi hành động, cử chỉ và suy nghĩ của nhân vật đều hiện lên rất tự nhiên, không hề gượng ép. Nhà văn đã kết hợp một cách khéo léo hai thao tác dựng đối thoại và đặc tả dòng ý nghĩ của nhân vật. Kiểu ngôn ngữ nửa trực tiếp mà Kim Lân sử dụng trong miêu tả nội tâm nhân vật tỏ ra rất có tác dụng. Người đọc dễ dàng có cảm giác nhà văn như đang nhập thân vào giọng nói bên trong của nhân vật để biểu hiện đến tận cùng những nỗi niềm đau xót và yêu thương của nhân vật.
- Trong quá trình miêu tả nhân vật và dẫn dắt câu chuyện, nhà văn luôn thể hiện một thái độ trân trọng, cảm thông đối với con người. Vì thế nên trong đoạn văn, tình thế thật thê thảm, đắng cay thậm chí có thể bẽ bàng nữa nhưng cái người đọc nhận thấy trong biểu hiện của nhân vật và không khí của đoạn văn lại là cảm giác ấm áp lạ lùng do tình người mang lại.
- Ngôn ngữ dược sử dụng góp phần không nhỏ để tạo nên không khí ấy, ý vị ấy: mộc mạc, giản dị, gần với khẩu ngữ nhưng có sự chắt lọc kĩ lưỡng nên rất giàu sức gợi. Đặc biệt có những câu văn rất gần vói thơ, thấm thía cái chất thơ của đời thường dung dị...
3. Kết luận
Trong chưa đầy 3 trang sách, Kim Lân đã thể hiện thấu đáo và tài tình cả cảnh ngộ, nỗi lòng của nhân vật và khát vọng khẳng định, ngợi ca con người của mình. Đoạn văn vừa có cái đẹp của một nội dung nhân đạo đặc sắc, vừa có cái đẹp của nghệ thuật miêu tả con người, nó góp phần quan trọng trong việc tạo nên sự thành công xuất sắc của truyện ngắn Vợ nhặt.

Bản quyền thuộc về Sách Thư Viện. Ghi nguồn sachthuvien.com khi đăng lại bài viết này.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây