Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Hãy phân tích những nét đặc sắc trong nghệ thuật viết văn chính luận ở Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh

Thứ bảy - 01/02/2020 09:18
Hướng dẫn làm bài:
1. Giới thiệu
- Cách mạng tháng 8 thành công, đất nước ta giành được độc lập song ngay lập tức phải đối mặt với âm mưu xâm lược của kẻ thù. Ngày 2/9/1945, trên quảng trường Ba Đình, Hồ Chủ tịch đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập để khẳng định nền độc lập của dân tộc Việt Nam, nêu cao truyền thống yêu nước, tinh thần chiến đấu và bảo vệ tới cùng nền độc lập ấy đồng thời tố cáo tội ác và ngăn chặn âm mưu tái chiếm của kẻ thù.
- Với mục đích chính trị rất rõ ràng, bằng tài năng của một nhà chính trị, một nhà văn hoá lớn và một nhà văn đầy tâm huyết với nền tự do của dân tộc, với hạnh phúc của đồng bào, Hồ Chủ tịch đã xây dựng nên một Tuyên ngôn độc lập như một đỉnh cao của văn chính luận, với sự kết hợp hài hoà, nhuần nhuyễn giữa chính luận và văn chương.
2. Phân tích
a. Văn chính luận đòi hỏi những lí lẽ xác đáng, lập luận chặt chẽ, bằng chứng không ai có thể chối cãi được. Nếu có dùng đến hình ảnh, gợi đến tình cảm thì cũng chỉ là để hỗ trợ thêm cho sự thuyết phục bằng lí lẽ.
b. Tuyên ngôn độc lập “có sự sắc sảo, thống nhất của nhửng lí lẽ mang tầm tư tưởng, tầm văn hoá cao”.
- Toàn bộ Tuyên ngôn độc lập thống nhất khẳng định chân lí: Mọi dân tộc trên thế giới đều có quyền bình đảng, thực dân Pháp đi ngược lẽ phải ấy là trái đạo lí, trái pháp luật. Việt Nam giành độc lập là chân chính, đúng dạo lí, đúng pháp luật. Chân lí này được thể hiện thống nhất trong nội dung của toàn bộ bản tuyên ngôn.
- Chân lí mà Hồ Chủ Tịch khẳng định trong Tuyên ngôn độc lập thống nhất với chân lí của thời đại: Thế giới văn minh luôn tôn trọng quyền tự do của con người. Ý nghĩa lớn nhất của cuộc cách mạng tháng 8 là bảo vệ quyền tự do của dân Việt Nam, nền độc lập của nước Việt Nam mới. Đó không chỉ là đạo đức, văn minh mà còn là lẽ phải không ai chối cãi được.
- Nội dung tư tưởng ấy được thể hiện trong Tuyên ngôn độc lập bằng kết cấu 3 phần rất chặt chẽ: Phần mở đầu, tác giả nêu ra những nguyên lí chung, những chân lí không thể chối cãi làm chỗ dựa về mặt lí luận để triển khai những phần tiếp theo. Phần thứ 2 dựa trên cơ sở nguyên lí đã nêu ở phần đầu soi sáng vào thực tiễn để chỉ ra đâu là đúng nghĩa, đâu là phi nghĩa. Phần cuối rút ra kết luận trên cơ sở những chân lí đã nêu ở phần đầu và thực tiễn đã khẳng định ở phần 2. Ba phần của Tuyên ngôn độc lập bổ sung cho nhau, liên hệ với nhau bằng những quan hệ từ như những mắt xích chặt chẽ: Kết thúc phần đầu chuyển sang phần 2 tác giả dùng từ “thế mà” như để chỉ rõ những hành động của thực dân Pháp trái hẳn lẽ phải và nhân đạo, chính nghĩa, kết thúc phần 2 chuyển sang phần 3, tác giả dùng cụm từ “bởi thế cho nên” để chỉ rõ 2 phần trên là nguyên nhân, điều kiện để rút ra kết luận tất yếu ỏ phần cuối. Kết cấu 3 phần của Tuyên ngôn độc lập đạt tới mức điển hình cho kết cấu của một áng văn chính luận.
c. Lí lẽ của Tuyên ngôn độc lập được trình bày bằng cách lập luận chặt chẽ sắc sảo:
- Với tư tưởng “Mọi dân tộc trên thế giới đều có quyền bình đẳng”, đặc sắc nhất, thành công nhất của Hồ Chí Minh là đã lấy gậy ông đập lưng ông - dùng chính tư tưởng của kẻ thù để phản bác mưu đồ xâm lược của chúng. Bác không bắt đầu bằng chính tuyên bố của Việt Nam - vì tiếng nói của một nước nhỏ yếu sẽ kém trọng lượng - mà bắt đầu bằng trích dẫn 2 tuyên ngôn của Pháp và Mĩ. Đây là cách làm vừa khéo léo vì tỏ ra trân trọng những thành tựu văn hoá tư tưởng của Pháp, Mĩ, vừa sắc sảo khi đặt ngang hàng 3 cuộc cách mạng, 3 nền độc lập để nâng cao ý nghĩa nhân văn của cuộc Cách mạng Việt Nam và nâng tầm tư tưởng cho Tuyên ngôn độc lập, vừa kiên quyết trong hàm ý cảnh báo Pháp - Mĩ nếu tiến vào xâm lược Việt Nam là đi ngược lại những giá trị nhân văn mà chính dân tộc họ đã xác lập, gián tiếp khẳng định rằng cuộc xâm lược của họ là phản nhân văn. Bác cũng không sử dụng trích dẫn một cách giản đơn mà nâng tầm tư tưởng của nó bằng cách “suy rộng ra” để gắn nó với quyền độc lập của dân tộc Việt Nam một cách hợp lí. Đánh giá cao tư tưởng của người Pháp, người Mĩ là “lẽ phải không ai có thể chối cãi được” cũng là cách Bác cảnh cáo người Pháp, người Mĩ không được quyền không công nhận nền độc lập của dân tộc Việt Nam. Ở luận điểm này, đối tượng hướng tới của lời tuyên ngôn chính là người Pháp. Dùng tư tưởng của nước Pháp, cách mạng Pháp để bác bỏ mưu đồ của họ.
- Với tư tưởng Pháp đi ngược lẽ phải là trái đạo lí, trái pháp luật, Tuyên ngôn độc lập hướng tới một đối tượng rộng hơn là cả thế giới. Mục đích là cho cả thế giới thấy được bộ mặt thực của kẻ xâm lược để nhằm tách Pháp khỏi sự hậu thuẫn của dư luận thế giới trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Bác đã xác định đích danh tội trạng của Pháp: Trước hết, Pháp đã mượn cớ giả tạo để biện minh cho mưu đồ cướp nước, che đậy tội ác cướp nước. Tuyên ngôn độc lập đã chứng minh tính chất giả tạo của những luận điệu xâm lược bằng một bản cáo trạng hùng hồn. Thực dân Pháp khi sang Việt Nam đã rêu rao rằng để “khai hoá văn minh”. Tuyên ngôn độc lập đã vạch rõ thực chất của hành động “khai hoá” ấy là chiến tranh đàn áp và chính sách ngu dân. Kết quả của hành động “khai hoá” ấy chỉ làm cho nòi giống ta suy nhược vì thuốc phiện và rượu cồn, dân ta ngu tối vì không được học hành. Vậy là “văn minh” trên lí thuyết đã trở thành “dã man” trong hành động. Thực dân Pháp dùng chiêu bài “tự do - bình đẳng - bác ái”, Tuyên ngôn độc lập đã chứng minh rằng người dân Việt Nam đã phải sống trong một cuộc sống mất tự do (ngăn cản dư luận + chia rẽ 3 kì + nhà tù + trường học), mất bình đẳng (Pháp giữ độc quyền những ngành kinh tế mũi nhọn) và sự tàn ác của chế độ (tắm máu các phong trào khởi nghĩa - giết tù chính trị - khủng bố Việt Minh) chiêu bài “bảo hộ” cũng bộc lộ tính chất mỉa mai của nó khi kẻ đi “bảo hộ” lại “bỏ chạy” đầu hàng và tiếp tay cho tội ác xâm phạm quyền con người của chủ nghĩa phát xít. Còn với luận điệu Việt Nam là thuộc địa của Pháp, Hồ Chí Minh đã dùng chính chứng cứ lịch sử để phản bác: Từ mùa thu năm 1940 Việt Nam không còn là thuộc địa của Pháp vì trong 5 năm Pháp đã 2 lần bán Việt Nam cho Nhật. Cái thú vị của tính luận chiến trong văn chính luận ở Tuyên ngôn độc lập là tác giả đã lần lượt hạ bệ, bẻ gãy lý lẽ của đối phương. Bác đã bẻ gãy lí lẽ của Pháp bằng chính những sự thật không thể chối cãi, những bằng chứng đầy sức thuyết phục. Tội thứ hai của thực dân Pháp là trắng trợn phản bội cả người dân “bảo hộ” của chúng và các nước đồng minh. Bác đã chứng minh tội trạng của Pháp bằng các cứ liệu lịch sử được trình bày rõ ràng, thấu đáo chặt chẽ. Tuyên ngôn độc lập đã nêu rõ: trước sự kiện Nhật xâm lăng Đông Dương để mở thêm căn cứ đánh Đồng minh, Pháp đã có hành động mở cửa nước ta rước Nhật. Đầu hàng Nhật, bán Việt Nam cho Nhật chính là tiếp tay cho Nhật đánh Đồng minh, đẩy dân Việt Nam vào cảnh một cổ hai tròng. Tuyên ngôn độc lập đã không chỉ nêu đúng tội mà còn phân tích cả nguyên nhân, diễn biến và kết quả của tội ác.
- Với tư tưởng Việt Nam giành độc lập là chân chính, đúng đạo lí, đúng pháp luật, Tuyên ngôn độc lập đã lần lượt phân tích hành động và kết quả của cuộc đấu tranh giành độc lập. Cách trình bày của tác giả kín kẽ, thấu đáo: Căn cứ vào tình hình thực tế là triều đình nhà Nguyễn đã kí những hiệp ước bán nước ta cho Pháp, nếu ta đấu tranh với Pháp là trái luật pháp quốc tế, Bác đã khẳng định việc Việt Nam kêu gọi Pháp liên minh chống Nhật, chỉ khi Pháp bỏ chạy, tự từ bỏ quyền lợi của họ ở Đông Dương thì nhân dân Việt Nam mới đứng lên giành chính quyền. Cuộc đấu tranh vì thế là cuộc đấu tranh chân chính, đúng luật pháp, đúng tinh thần quốc tế (chống phát xít). Đồng thòi, Tuyên ngôn độc lập cũng vạch rõ tương quan đối lập giữa Việt nam và Pháp cả về hành dộng, bản chất và tư thế: trước sự kiện Nhật vào Đông Dương, Pháp bỏ chạy, đầu hàng thì Việt Nam anh dũng đấu tranh, Pháp hai lần bán Việt Nam và phản bội Việt Nam, phản bội Đồng minh thì Việt Nam đã đứng về phe Đồng minh chóng phát xít. Pháp là kẻ bại trận thì Việt Nam đã chiến thắng. Từ đó Bác đã khẳng định sự thật một cách hùng hồn mạnh mẽ: Sự hết thời của các lực lượng thực dân - phát xít - phong kiến ở Việt Nam, sự tồn tại của nền độc lập, sự ra đời của một chính thể mới. Đó là cơ sở vững chắc cho những tuyên bố về quyền chính đáng của Việt Nam. Những tuyên bố được trình bày chặt chẽ, lô gic từ những cơ sở vững chắc của cả lẽ phải và sự thật, đạo lí và pháp luật nên không thẻ chối cãi. Nó giúp Bác bảo vệ một cách trọn vẹn chân lí của thời đại và của dân tộc mình.
d. Là bản tuyên ngôn, Tuyên ngôn độc lập đã thể hiện lí lẽ bằng một giọng văn hào hùng, trang trọng và thay đổi linh hoạt để phù hợp với đối tượng, nội dung.
- Khi viết cho công luận quốc tế, lời văn trí tuệ, uyên bác: với học vấn sâu rộng, Bác dẫn cả lời Tuyên ngôn độc lập của Mĩ, “Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền” của Pháp để từ lẽ phải về nhân quyền ở 2 bản tuyên ngôn mà suy rộng ra lẽ phải về quyền dân tộc.
- Khi nói vói đồng bào ta thì lời văn lại tình cảm, chân thành, tha thiết. Trong đoạn văn tố cáo tội ác thực dân Pháp và nói lên những đau thương của nhân dân Việt Nam, Hồ Chí Minh đã xây dựng một kết cấu đặc biệt cho lời văn: mở đầu bằng chữ “chúng” với những tội ác đi kèm nặng như búa tạ trút xuống đầu “ta” gây xúc động, phẫn nộ và căm hờn. Trong phần mở đầu tuyên ngôn, lời đầu tiên Bác hướng tới đồng bào cả nước một cách thiết tha, trang trọng và thiêng liêng: “Hỡi đồng bào cả nước”.
đ. Ngôn ngữ trong Tuyên ngôn độc lập vừa chính xác, vừa gợi cảm, truyền cảm
- Là văn kiện chính trị có ý nghĩa to lớn nên mỗi chữ mỗi lời trong bản tuyên ngôn đều phải chính xác tuyệt đối. Chỉ với 9 chữ “Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đạt thoái vị” mà người viết đã khái quát được những sự kiện, những biến cố rất cơ bản của lịch sử lúc bấy giờ. Câu văn lướt nhanh trên dòng sự kiện đã diễn tả chính xác sự thất bại mau chóng, thảm hại của quân thù. Qua sự thất bại mau chóng của kẻ thù, người đọc cảm nhận được khí thế thần tốc, sức mạnh như triều dâng lũ cuốn của nhân dân ta.
- Là áng văn chính luận nên ngôn ngữ cũng giàu hình ảnh, giàu sức gợi cảm, truyền cảm: Khi tố cáo tội ác thực dân Pháp đầu hàng phát xít nhật, bán rẻ nước ta cho Nhật, tác giả không viết bằng câu văn chính luận đơn thuần mà viết bằng câu văn có hình ảnh: “Thực dân Pháp quỳ gối đầu hàng, mở cửa nước ta rước nhật”. Những từ như “quỳ gối” “rước” đã nói lên thái độ hèn nhát, tư thế thảm hại của Pháp trước Nhật...
3. Tổng kết, đánh giá
- Tuyên ngôn độc lập là một tác phẩm mang nội dung chính trị nhưng lại có giá trị văn học đặc sắc. Có thể xem đây là một tác phẩm chính luận mẫu mực của nền văn học Việt Nam. Thực ra Tuyên ngôn độc lập thành công xuất sắc không chỉ vì nó được sáng tạo bằng tài năng của một cá nhân nghệ sĩ mà còn là “kết quả của bao nhiêu hi vọng và gắng sức của hơn 20 triệu nhân dân Việt Nam”.

Bản quyền thuộc về Sách Thư Viện. Ghi nguồn sachthuvien.com khi đăng lại bài viết này.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây