2. Phân tích
2.1. Cảm hứng lãng mạn
a. Khái niệm và cơ sở hình thành cảm hứng lãng mạn trong bài thơ Tây Tiến
- Cảm hứng lãng mạn là sự lôi cuốn mãnh liệt của những cảm xúc, tình cảm và mơ ước trong tâm hồn nghệ sĩ tạo cho nghệ sĩ một cái nhìn đầy màu sắc lí tưởng trước hiện thực và kích thích trong anh ta tưởng tượng dồi dào mạnh mẽ. Các phương diện thường thấy của cảm hứng lãng mạn là cảm xúc mãnh liệt, trí tưởng tượng mạnh mẽ và xu hướng lí tưởng hoá hiện thực.
- Quang Dũng xuất thân là một thanh niên trí thức Hà thành với tư chất hào hoa, lịch lãm và đầy lãng mạn. Ở Quang Dũng, thực tế chiến trường đã quyện với vốn kiến thức sách vở mà trong đó đầy ắp những hình ảnh trượng phu hiệp sĩ của văn chương quá khứ. Điều đó chi phối cách nhà thơ cảm nhận và tái hiện cuộc sống vào tác phẩm.
b. Biểu hiện của cảm hứng lãng mạn trong bài thơ Tây Tiến
- Cảm xúc mãnh liệt xuyên suốt bài thơ là nỗi nhớ. Quang Dũng từng là người lính trong binh đoàn Tây Tiến. Vì thế, Tây Tiến là máu thịt, là tâm hồn Quang Dũng cất thành thơ. Viết Tây Tiến khi đã rời binh đoàn, tại Phù Lưu Chanh, khoảng cách không gian - thòi gian là cơ sở tạo niềm xúc động nhớ thương về một thời đã qua đầy kỉ niệm của chính mình và đồng đội. Bài thơ lúc đầu có tên là “Nhớ Tây Tiến”. Điệp từ “nhớ” trở đi trở lại trong bài thơ nhấn mạnh cảm xúc chủ đạo ấy (phân tích các từ “nhớ về”, “nhớ chơi vơi”, “nhớ ôi”). Đối tượng của nỗi nhớ là bức tranh Tây Bắc vừa hùng vĩ, hiểm trở, vừa lãng mạn nên thơ, vừa bình dị và ấm áp hơi thở của cuộc sống con người. Trên nền thiên nhiên Tây Bắc ấy là bức chân dung người lính vừa in đậm dấu vết của những gian lao vừa toả ra vẻ đẹp kiêu hùng lẫm liệt.
- Để thể hiện một cách sinh động và hài hoà hình ảnh thiên nhiên Tây Bắc và hình ảnh người chiến sĩ Tây Tiến, nhà thơ đã huy động một trí tưởng tượng mạnh mẽ và phong phú: quy tụ trong bài thơ là cả một thế giới hình ảnh vừa bao quát trên diện rộng vừa cụ thể đến từng chi tiết, sắc điệu: bao quát cả một không gian rừng núi với dốc cao vực thẳm, núi hiểm rừng sâu, thiên nhiên hoang sơ, kì bí và linh thiêng đến gai lạnh; cụ thể đến từng cảm giác “heo hút”, “khúc khuỷu”, “thăm thẳm”, từng cảm xúc ngỡ ngàng “kìa em”, “xao xuyến”, “xây hồn thơ”. Nhà thơ đã kết hợp và dung hoà được những thái cực tưởng như đối lập trong bức tranh thơ: căng thẳng, dữ dội, hiểm nguy của đèo dốc “ngàn thước lên cao ngàn thước xuống” với vẻ êm dịu, hài hoà, mênh mang “nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”, giữa đời thường nghiệt “đoàn quân mỏi”, “dãi dầu”, “gục” với vẻ ngang tàng, lẫm liệt, kiêu hùng “không bước nữa”, “bỏ quên đời”, “dữ oai hùm” ...
- Có được sự kết hợp ấy bởi Quang Dũng đã không nhìn hiện thực một cách trần trụi bằng cái nhìn khách quan lạnh lùng. Tâm hồn lãng mạn cùng với tình yêu, niềm say mê cuộc sống và lí tưởng của người lính một thời oanh liệt khiến ngòi bút Quang Dũng có xu hướng lí tưởng hoá hiện thực. Bút pháp lí tưởng hoá đẩy mọi sắc thái cảnh vật đến giới hạn phi thường, kì lạ: vẻ hiểm trở heo hút đến kì lạ, nét hoang sơ bí ẩn và quyến rũ kì lạ... cảnh như được phủ lên một màn sương huyền thoại giống như một bức cổ hoa. Trên nền cảnh ấy, người lính hiện lên tuy không xa lạ với đời thường song rõ ràng đã được nâng lên một tầm vóc mới: tầm vóc bi tráng khác thường.
2.2. Tinh thần bi tráng
a. Khái niệm và cơ sở tạo thành tinh thần bi tráng trong bài thơ Tây Tiến.
- Tinh thần bi tráng là thái độ buồn thương, đau xót trước những mất mát hi sinh song vẫn mạnh mẽ, hào hùng trong ý thức khẳng định bản lĩnh, nghị lực, ý thức vượt lên, chinh phục và chiến thắng.
- Cơ sở tạo thành tinh thần bi tráng: Quang Dũng đã sống những tháng ngày gian khổ và anh hùng cùng với những người lính của binh đoàn Tây Tiến. Mặt khác, lí tưởng xả thân vì tổ quốc là xu thế chung của cả một thời đại.
b. Biểu hiện của tinh thần bi tráng trong bài thơ Tây Tiến
- Trên nền thiên nhiên hùng vĩ, diễm lệ, người lính xuất hiện với một vẻ oai dữ khác thường “không mọc tóc”, “xanh màu lá dữ oai hùm”, “mắt trừng gửi mộng qua biên giới”...
- Khắc họa sinh động cuộc sống với đầy những mất mát hi sinh (“Rải rác biên cương... về đất”). Nhà thơ vừa gợi ra được cái tột cùng cơ cực, vừa khắc hoạ vẻ lẫm liệt kiêu hùng. Đặc biệt là cái chốt của người lính được bao bọc trong một không khí mang đậm màu sắc của “thời chinh phu, hiệp sĩ” (lưu ý tác dụng của từ Hán Việt). Câu thơ “Sông Mã gầm lên khúc độc hành” tạo âm hưởng bi tráng cho đoạn thơ đầy âm vang này: tiếng gầm của dòng sông Mã vừa là sự thể hiện nỗi đau vô cùng, vừa là sự thể hiện sức mạnh vô biên. Khi người lính hoá thân vào sông núi, “về đất” thì tiếng gầm của dòng sông là kết tinh, hội tụ sức mạnh tinh thần và ý chí của những con người “một đi không trở lại”. Miêu tả âm thanh tiếng gầm ấy là khắc họa sự bất tử của người lính trong những hi sinh.
2.3. Đánh giá
Chính cảm hứng lãng mạn đã khiến Quang Dũng có cái nhìn mang tính anh hùng cổ điển trước cái chết của người lính. Tác giả đã nhìn thẳng vào sự thật về những cơ cực, thậm chí cả cái chết song chính cảm hứng lãng mạn đã xoá đi nét tiều tuỵ, lam lũ, bi thảm làm cho người lính trở nên oai hùng, sang trọng, hào hoa. Vì thế mà người lính ở đây nổi bật lên như những chinh phu tráng sĩ đời xưa “nhất khí bất phục phản” - một quan niệm về người anh hùng có màu sắc lãng mạn của văn học quá khứ.
3. Kết luận
Cảm hứng lãng mạn và sắc thái bi tráng tạo nên chất anh hùng ca đặc biệt của bài thơ. Bức chân dung người lính hào hoa dũng cảm được tác giả hướng hồn thơ ngưỡng vọng vào cả một thế hệ anh hùng - những người lính “quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”.