Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Phân tích truyện Chí Phèo của Nam Cao.

Thứ bảy - 28/05/2022 09:02
Nói đến Nam Cao không thể không nhắc đến tác phẩm Chí Phèo. Thiên truyện ngắn Chí Phèo được viết vào năm 1941, khi ấy nhà văn mới hai mươi tư tuổi. Nhưng bằng tài năng và tấm lòng ưu ái của mình Nam Cao đã phác họa lên một bức tranh sinh động về làng quê Việt Nam vào những năm 1940-1945.
Cái làng quê vất vả, nhọc nhằn, con người bị đầy đọa bị đẩy đến tình trạng phi nhân tính do sự bóc lột, thống trị của phong kiến và đế quốc - đấy là làng Vũ Đại, ở đấy có Chí Phèo, có Thị Nở, có Bá Kiến, có Năm Thọ và Binh Chức... tất cả đang vật lộn ẩu đả nhau, tranh giành sự sống, tranh giành miếng ăn, tranh giành quyền làm người. Bức tranh ấy đã được Nam Cao thể hiện bằng ngòi bút hiện thực sắc sảo và bằng tấm lòng độ lượng bao dung. Chính vì thế, Chí Phèo đã trở thành một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của Nam Cao và của trào lưu văn học hiện thực phê phán Việt Nam.

Tác phẩm Chí Phèo của Nam Cao được viết vào thời điểm những năm 1940-1945, lúc mà xã hội Việt Nam ngột ngạt và đen tối hơn bao giờ hết. Phát xít Nhật nhảy vào Đông Dương. Nhân dân Việt Nam phải chịu cảnh một cổ hai tròng, đời sống vô cùng cực khổ, khó khăn. Người nông dân và những người lao động nghèo khác mấp mé bên bờ vực thẳm.

Hoàn cảnh ấy đã làm nảy sinh bao tấn bi kịch và những kiểu người mới lạ. Số phận đau khổ cũng như tiền đồ đen tối của chị Dậu, anh Pha đâu phải đã là “bước đường cùng”. Một bộ phận nông dân còn bị đẩy sâu hơn nữa vào cảnh nghèo vượt ra khỏi ranh giới cuối cùng để rơi vào vòng tội lỗi, thành những kẻ phẫn chí, liều lĩnh. Họ là nạn nhân nhưng rồi cũng trở thành kẻ mù quáng gây nên tội lỗi. Nam Cao không sao chụp lại hình bóng của một vài cá nhân riêng biệt. Thông qua nhân vật Chí Phèo, nhà văn muốn phản ánh một vấn đề xã hội, vấn đề có tính quy luật phổ biến của đời sống nông thôn. Miêu tả loại nhân vật này, Nam Cao muốn thật khách quan để lột tả cho hết, cho chân xác những mẫu người đang tha hóa, đang dần dà biến chất.

Chí Phèo sinh ra đã là một đứa trẻ vô thừa nhận. Một buổi sáng, một anh đi thả ống lươn bắt gặp đứa bé trần truồng và xám ngắt trong một váy đụp để bên cái lò gạch bỏ không. Anh ta đem về cho một người đàn bà góa mù. Người này lại bán hắn cho một bác phó cối không con. Mặc dù bị mua đi bán lại, nhưng ít ra tuổi thơ của Chí Phèo cũng còn được sống trong bàn tay cưu mang của những người lao động. Khi đến tuổi trưởng thành, Chí Phèo đi làm canh điền cho nhà Bá Kiến. Có thể nói khởi điểm cuộc đời Chí Phèo là một con người lương thiện. Nhưng vì sao từ một con người hiền lành, nhút nhát và có lòng tự trọng, Chí Phèo lại trở thành một kẻ đâm thuê chém mướn, “một con quỉ dữ của làng Vũ Đại”... Bằng ngòi bút sắc sảo, Nam Cao đã vạch mặt bọn cường hào chức sắc, những tên tay sai trực tiếp của thực dân phong kiến đang thi nhau bóc lột, hà hiếp những người dân nghèo. Chính bọn chúng đã xô đẩy những người nông dân vào con đường tù tội, hoặc phải bỏ làng quê đi tha phương cầu thực. Đó là tên Bá Kiến, một con mọt già đục khoét dân lành. Để làm giàu, hắn không từ bất cứ một thủ đoạn tàn ác nào đối với nông dân, từ việc cắm đất, cắm nhà, đẩy người nông dân vào vòng tù tội, đến việc xúi giục bọn lưu manh phá cửa đốt nhà. Thủ đoạn bóc lột và làm giàu của Bá Kiến hết sức gian ngoan. Hắn biết bóc lột tận xương tủy những người dân hiền lành, nhưng cũng biết mềm nắn rắn buông với những ke cò cùng liều thân. Cách thức bóc lột của hắn đã được đúc kết nâng lên thành một thứ triết lí: “Một người khôn ngoan chỉ bóp đến nửa chừng. Hãy ngấm ngầm đẩy người ta xuống sông, nhưng rồi lại dắt nó lên đe nó đền ơn. Hãy đập bàn, đập ghế đòi cho được năm đồng, nhưng được rồi thì lại vứt trả lại năm hào vì thương anh túng quá”. Bóc lột, hống hách, nham hiếm, gian ác, dâm đãng, ghen tuông, lừa lọc... là những đặc điểm nổi bật của Bá Kiến. Dưới ngòi bút của Nam Cao, hình tượng nhân vật Bá Kiến quả là một điển hình sinh động, sắc nét.

Nhà văn Nam Cao còn vạch trần sự lục đục, mâu thuẫn, tranh giành miếng ăn và địa vị của bọn cường hào, địa chủ. Bọn chúng là “một đàn cá tranh mồi gồm nhiều vây cánh - cánh Bá Kiến, cánh Đội Tảo, cánh Tư Đạm, cánh Bát Tùng” lúc nào cũng muốn cho nhau lụn bại để cưỡi lên đầu lên cổ. “Chúng xúm lại với nhau để bóc lột nông dân, nhưng vẫn ngấm ngầm chia rẽ, nhè từng chỗ sơ hở để mà trị nhau”.

Chế độ nhà tù cũng là một trong những nguyên nhân đẩy người nông dân vào tình trạng lưu manh hóa. Nếu như sự ghen tuông của Bá Kiên là sự khởi đầu thì nhà tù thực dân phong kiến là bước tiếp theo nhào nặn Chí Phèo trở thành một con người biến chất, tha hóa. Lúc bước chân vào nhà tù, Chí Phèo chỉ là anh chàng nông dân hiền lành, ngờ nghệch. Nhưng lúc ra khỏi nhà tù, hắn đã trở thành một con người khác hẳn - khác từ cái dáng vẻ bề ngoài cho đến tính cách bên trong. “Hắn về lớp này trông khác hẳn, mới đầu chẳng ai biết hắn là ai. Trông đặc như thằng Sắng cá! Cái đầu thì trọc lốc, cái răng cạo tráng hớn, cái mặt thì đen mà rất cơng cơng, hai mắt gườm gườm trông gớm chết! Hắn mặc quần nái đen với cái áo tây vàng. Cái ngực phanh đầy những nét chạm trổ rồng, phượng với một ông tướng Cầm chùy, cả hai cánh tay cũng thế! Trông gớm chết”. Sự thay đổi về ngoại hình này chỉ là bước đầu tiên để Nam Cao miêu tả sự biến đổi, tha hóa bên trong của Chí Phèo, “hắn về hôm trước, hôm sau đã thấy ngồi ở chợ uống rượu với thịt chó suốt từ trưa đến xế chiều”. Cuộc đời của Chí Phèo cứ say tràn từ cơn này sang cơn khác. Chí gây sự với cha con Bá Kiến, đội Tảo, nhưng Chí cũng dọa đốt quán bà hàng rượu và đem tai họa đến cho nhiều người dân vô tội khác. Lí giải quá trình biến chất này của Chí Phèo, nhà văn Nam Cao đã chỉ ra được nguyên nhân chính: đó là do những kẻ như Bá Kiến, và sâu xa hơn, là xã hội thực dân phong kiến gây nên.

Khi miêu tả người nông dân, có người cho rằng Nam Cao thường có cái nhìn lạnh lùng, khắc nghiệt. Nhưng thực ra không phải như vậy, Nam Cao chỉ rõ những mặt tốt đẹp thuộc về bản chất giai cấp của người nông dân ngay cả những lúc họ đang bị xô đẩy vào vòng tội lỗi. Khởi điểm của cuộc đời Chí Phèo lương thiện. Tình yêu của Thị Nở đã đánh thức dậy ở Chí Phèo tình cảm và lương tri tỉnh táo của con người để Chí Phèo lại có thể trở về với mơ ước bình thường, giản dị của người nông dân - “Hình như có một thời hắn đã ao ước có một gia đình nho nhỏ. Chồng cuốc mướn cày thuê, vợ dệt vải, chúng lại bỏ một con lợn nuôi để làm vốn liếng. Khá giả thì mua dăm sào ruộng làm”... Bưng bát cháo hành của Thị Nở trên tay, Chí Phèo rưng rưng nước mắt và muốn khóc. Trước đây, muốn có chai rượu nhúm muối hay quả chuối xanh, hắn đều phải giành giật từ tay kẻ khác. Bây giờ lại có người thương yêu cho hắn bát cháo trong lúc hắn đang đau yếu. Cầm bát cháo tình nghĩa, Chí Phèo đã nhận thức được một điều có ý nghĩa sâu xa: cái đau khổ lớn nhất của con người, đâu phải chỉ là chuyện đói cơm rách áo, mà là sự cô độc thiếu thốn tình thương. Chí Phèo thấy “nao nao buồn”. Hắn thấy mình đã già mà vẫn cô độc. “Hắn đã tới cái dốc bên kia của đời. Chí Phèo hình như đã trông thấy trước tuổi già của hắn, đói rét và ốm đau, và cô độc, cái này còn đáng sợ hơn đói rét và ốm đau”. Lần đầu tiên sau bao nhiêu năm dài điên, say, đập phá, sống trong inh trạng bản năng, Chí Phèo mới lắng nghe và cảm nhận những âm thanh cuộc sống xung quanh: tiếng người đi chợ nói chuyện, tiếng chim hót, mái chèo đuổi cá trên sông... Tất cả những âm thanh đó như gợi nhớ, thức tỉnh, kêu gọi Chí Phèo trở về với cuộc sống bình thường. Chí muốn làm người lương thiện, Chí muốn hòa nhập với mọi người xung quanh. Và Thị Nở sẽ là chiếc cầu nối đưa Chí Phèo trở về với cuộc sống đó.

Đoạn phục hiện quá khứ trên đây trong truyện ngắn đóng một vai trò rất quan trọng trong việc khắc họa tính cách Chí Phèo.

Nó giúp ta hiểu được bản chất nông dân lương thiện của Chí Phèo trước đây. Khát khao bình dị và chính đáng đó của Chí Phèo đã không thực hiện được. Tất cả những tập tục, thành kiến, luật lệ của xã hội đã tạo thành một bức hàng rào ngăn cách Chí Phèo với cuộc sống con người. Xã hội thực dân phong kiến xô đẩy Chí Phèo vào con đường tội lỗi và ngăn cản, không cho phép Chí Phèo trở về với cuộc sống lương thiện. Những ước mơ tốt đẹp của Chí Phèo chỉ hiện lên trong khoảnh khắc như chiếc cầu vồng bảy sắc thoáng hiện sau cơn mưa. Chí Phèo như một người đi lạc trong đêm tối, vừa mới tìm thấy chút ánh sáng cho cuộc đời, thì ánh sáng đó lại vụt tắt. Nhưng các tia chớp lóe đến đó, mặc dù không đủ sức soi sáng toàn bộ cuộc đời tăm tối của Chí Phèo thì ít ra cũng giúp cho Chí nhận thấy cái tình thế tuyệt vọng của mình.

Ý định trả thù vụt đến với Chí Phèo (nhưng lần đến nhà Bá Kiến của Chí Phèo lúc này, khác hẳn với lần đến gây sự với cha con nhà Bá Kiến lúc Chí Phèo mới nhà tù ra). Chí Phèo chưa có ý thức giai cấp rõ rệt, nhưng đây hoàn toàn không phải là hành động trả thù có tính chất bản nàng và mù quáng. Đau đớn đến phẫn uất khi mơ ước chính đáng bị khước từ, Chí Phèo đã truy tìm nguyên nhân. Diễn tả tâm trạng của Chí Phèo lúc uống rượu say và cầm dao ra đi, nhà văn Nam Cao đã tỏ ra tinh tế và hiểu biết sâu sắc nhân vật. Trong trạng thái chập chờn say tình. Chí Phèo chưa nhận thức được ngay kẻ thù của mình. Những người đầu tiên mà Chí Phèo nghĩ đến là bà cô Thị Nở và Thị Nở - kẻ trực tiếp gây nên sự đổ vỡ của mối tình. Nhưng trên con đường dẫn đến nhà Thị Nở, điều gì đã khiến Chí Phèo rẽ vào nhà Bá Kiến? Có người lí giải hành động này chỉ là sự quen chân của Chí Phèo. Nhưng thực ra không hẳn như vậy. Trong trạng thái chập chờn say, tỉnh, Chí Phèo đã từng bước lần ra đầu mối của vấn đề. Đối mặt với Bá Kiến, Chí Phèo dõng dạc:

- “Tao muốn làm người lương thiện”

Hai chữ “ lương thiện” thốt lên ở cửa miệng Chí Phèo với bao nỗi niềm tâm trạng, nó vừa là niềm khát khao, đòi hỏi, đồng thời cũng là tiếng kêu đầy tuyệt vọng. Không ai xóa được những vết mảnh chai trên mặt Chí Phèo, không ai chấp nhận Chí Phèo trở về với cuộc sống bình thường. Đến một người xấu xí “ma chê quỉ hờn”, bị cả dân làng xa lánh như Thị Nở mà cũng ruồng rẫy Chí Phèo, thì thử hỏi còn ai chấp nhận Chí nữa? Trong tâm trạng đau đớn, tuyệt vọng, Chí Phèo đâm chết Bá Kiến và cũng tự kết liễu cuộc đời mình. Hành động trả thù này của Chí Phèo trong lúc vừa say vừa tỉnh, ít nhiều có mang một ý nghĩa giai cấp và ý nghĩa xã hội sâu sắc. Nó là bản cáo trạng bọn địa chủ cường hào gian ác và luận tội cả chế độ xã hội tàn bạo đen tối - xã hội thực dân phong kiến.

Tác phẩm Chí Phèo của Nam Cao được dư luận đánh giá cao chính là ở giá trị hiện thực của nó. Thông qua số phận Chí Phèo, Nam Cao đã phản ánh một cách sâu sắc hiện thực xã hội Việt Nam những năm 1940-1945 và thực trạng đời sống người nông dân ở những năm đen tối, ngột ngạt nhất.

Giá trị nhân đạo trong Chí Phèo được nhà văn thể hiện với một bút pháp hết sức độc đáo, khác hẳn với những nhà văn đương thời. Đọc tác phẩm Tắt đèn của Ngô Tất Tố hay Bỉ vỏ của Nguyên Hồng, người đọc dễ dàng cảm nhận được những rung cảm, xót thương của nhà văn trước số phận của các nhân vật. Nhưng với Chí Phèo của Nam Cao thì khác hẳn. Ngòi bút của Nam Cao ở đây thật sắc sảo, lạnh lùng, đôi lúc cười cợt, thậm chí có khi phũ phàng đối với nhân vật của mình. Nhưng đây thực ra chỉ là cảm giác bên ngoài. Đọc kĩ lại tác phẩm, ngẫm nghĩ sâu hơn vào cuộc đời, số phận nhân vật của Nam Cao, chúng ta mới thấu hiểu được tấm lòng nhân đạo rất mực sâu sắc và lớn lao của nhà văn. Nội dung nhân đạo của tác phẩm Chí Phèo mang tính triết lí cao. Nó đã đặt ra được một vấn đề xã hội nóng bỏng, bức xúc: đó là tình trạng nhân tính con người đang bị chà đạp bị biến chất. Số phận đau khổ của Chí Phèo không phải là cá biệt và sự biến chất, tha hóa của Chí Phèo là do xã hội thực dân phong kiến gây nên. Với tác phẩm Chí Phèo, nhà văn Nam Cao đã thỉnh lên một tiếng chuông báo động, lưu ý mọi người về cuộc sống của một tầng lớp người cùng khổ nhất trong xã hội.

So với các nhà văn Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, bước đường đến với nghệ thuật của nhà văn Nam Cao có muộn màng hơn. Lúc Nam Cao xuất hiện với tác phẩm Chí Phèo, các nhà vàn trên đã nổi tiếng với những truyện ngắn, truyện dài viết về nông dân. Đến với một đề tài đã trở nên quen thuộc, nhưng Nam Cao không lặp lại lối mòn của những người đi trước. Nhân vật nông dân của Nam Cao vẫn có những nét độc đáo riêng. Chí Phèo vừa có những nét gần gũi với Năm Thọ, Binh Chức, những con người bị xã hội thực dân phong kiến xô đẩy vào con đường lưu manh, tội lỗi nhưng lại vừa có những cá tính riêng. Những chi tiết Chí Phèo uống rượu say rạch mặt ăn vạ, hay rưng rưng nước mắt trước bát cháo hành tình nghĩa của Thị Nở... là những chi tiết rất “đắt”, góp phần thể hiện rõ tính cách của nhân vật. Chí Phèo được cá thể hóa cao độ qua hành động (vừa dằn Thị Nở xuống vừa kêu làng ầm ĩ) hoặc tâm lí (những đoạn độc thoại nội tâm của Chí Phèo lúc Bá Kiến mời vào nhà xơi nước hoặc lúc gặp Thị Nở, được Thị Nở chăm sóc...)

Kết cấu của tác phẩm Chí Phèo, rất tự nhiên, tự nhiên không gò bó công thức. Ngay ở trang mở đầu Nam Cao đã giới thiệu ngay với người đọc một nhân vật Chí Phèo say rượu vừa đi vừa chửi. Lúc đầu chửi trời, sau chửi làng Vũ Đại và cuối cùng “chửi ngay cái đứa đẻ ra Chí Phèo”. Qua giây phút ngỡ ngàng đầu tiên, tính cách của Chí Phèo đến ngay với người đọc, thu hút sự chú ý của họ. Tiếp sau đó tác giả mới bắt đầu giới thiệu lai lịch của Chí Phèo từ lúc là đứa trẻ bị bỏ rơi ở lò gạch, lớn lên đi làm canh điền cho nhà cụ Bá, bị ghen tuông vào tù, và cuối cùng trở về làng với bộ mặt của con quỉ dữ. Lối kết cấu có tính chất đột phá này đã kết hợp được diễn biến hành động và trạng thái tâm lí, giúp nhà văn soi rọi và lí giải sâu sắc tính cách nhân vật. Hình ảnh chiếc lò gạch bỏ hoang xuất hiện ở đầu tác phẩm và thoáng hiện ra ở phần cuối đã thê hiện một sự hạn chế trong nhận thức và thế giới quan của tác giả. Nhưng nếu xét riêng về mặt nghệ thuật, thì kiểu kết cấu vòng tròn này đã giúp nhà vàn thể hiện sự quẩn quanh, bế tắc, không có lối thoát của một lớp người nông dân cùng quẩn trong xã hội.

Gấp những trang sách của tác phẩm Chí Phèo lại, người đọc dường như vẫn cảm thấy ngột ngạt và ám ảnh không nguôi với số phận của những con người cùng khổ. Cái không khí ngột ngạt đó chủ yếu là do hiện thực xã hội lúc bấy giờ, nhưng phần nào cũng bởi sự hạn chế trong nhận thức của Nam Cao. Đặt ra vấn đề nông dân và viết về họ với một tấm lòng yêu thương nhân đạo là một cố gắng đáng ghi nhận ở Nam Cao. Nhưng cũng như nhiều nhà văn hiện thực phê phán khác lúc bấy giờ, Nam Cao mới dừng lại ở đó. Ông chưa nhìn thấy hướng phát triển, đổi thay của xã hội và con đường đi lên của nhân vật. Cái nhìn Nam Cao còn bi quan, tuyệt vọng. Nhân vật của ông còn bị đặt trong một cấu trúc khép kín không sao thoát ra ngoài được. Hình ảnh chiếc lò gạch bỏ hoang xuất hiện ở đầu và cuối tác phẩm Chí Phèo như mở ra và khép lại cuộc đời của một con người bị xã hội bỏ rơi, lừa gạt và ruồng rẫy. Trong cách miêu tả ngoại hình của nhân vật, đôi khi Nam Cao quá nhấn mạnh những nét xấu xí, quái gở gây cho người đọc cảm giác ghê sợ.

Tuy nhiên, những hạn chế kể trên vẫn không làm lu mờ được những thành công của Nam Cao trong tác phẩm Chí Phèo - Cùng với Chị Dậu (của Ngô Tất Tố), Anh Pha (của Nguyễn Công Hoan), nhân vật Chí Phèo bổ sung thêm một hình ảnh về người nông dân Việt Nam trước cách mang và giúp người đọc hôm nay hiểu thêm về thân phận của những con người bị lăng nhục chà đạp trong xã hội cũ.
​​​​​

Bản quyền thuộc về Sách Thư Viện. Ghi nguồn sachthuvien.com khi đăng lại bài viết này.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây