Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Phân tích đoạn trích Hạnh phúc một tang gia trong số đỏ của Vũ Trọng Phụng.

Thứ hai - 23/05/2022 08:52
Vũ Trọng Phụng (1912-1939) quê ở làng Hào, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên (nay là Hải Hưng), nhưng sinh ra và sống suốt đời ở Hà Nội.
Chỉ học hết tiểu học rồi phải làm đủ nghề kiếm sống: thư kí bán hàng, lánh máy chữ nhà in, sửa morát... Bị sa thải, ông xoay sang viết báo, viết văn kiếm sống. Do làm việc quá sức, ông mắc bệnh lao phổi và mất khi mới 27 tuổi.

Có điều thú vị: Vũ Trọng Phụng nổi tiếng như một tài năng văn chương lớn từ chính cái nghề kiếm cơm bạc bẽo đó. Ông viết nhiều thể loại, nhưng thành công đặc biệt ở phóng sự và tiểu thuyết. Niềm căm uất không nguôi cái xã hội thực dân phong kiến “chó đểu” bất công thối nát đương thời cùng nghệ thuật trào phúng bậc thầy là tất cả tài năng sắc sảo, độc đáo của Vũ Trọng Phụng. Tác phẩm chính:
• Phóng sự: Cạm bẫy người (1933), Kĩ nghệ lấy Tây (1934). Cơm thầy cơm cô (1936), Lục xì (1937), Một huyện ăn Tết (1933)...
• Tiểu thuyết: Dứt tình (1934), Giông tố (1936), số đỏ (1936), Vỡ đê 1936), Làm đĩ (1936), Lấy nhau vì tình (1937), Trúng số độc đắc (1938).
• Kịch: Không một tiếng vang (1931)
• Truyện ngắn: Tập hợp trong Cái ghen đàn ông (1938).
• Ngoài ra còn nhiều bài phê bình văn học, bình luận thời sự, bút chiến...

Tiểu thuyết trào phúng Số đỏ được đánh giá như một đỉnh cao trong sáng tác của Vũ Trọng Phụng. Nhân vật trung tâm là Xuân, tóc cháy đỏ do những ngày dãi nắng làm đủ nghề mạt hạng nên còn gọi là Xuân Tóc Đỏ. Xuất thân từ tầng lớp hạ lưu vỉa hè, do một lần nhìn trộm cô đầm thay quần áo. Xuân bị cảnh sát bắt, được bà Phó Đoan dâm đãng cứu ra, giới thiệu vào hiệu may Âu hóa của vợ chồng Văn Minh. Từ câu chuyện như ngẫu nhiên đó, Xuân vô tình lạc vào thế giới thượng lưu, rồi bao nhiêu chuyện ngược đời kế tiếp nhau như cơn gió mạnh thổi cánh diều số phận Xuân lên tít tận mây xanh, đạt đủ mọi danh hiệu cao quý: giáo sư quần vợt, đốc tờ, nhà cải cách xã hội, thậm chí thành “vị anh hùng cứu quốc”, được Phủ Toàn quyền ân thưởng Bắc Đẩu bội tinh... Trong cái nhìn đả kích cay độc của Vũ Trọng Phụng, thằng Xuân Tóc Đỏ đã dốc ngược cả cái xã hội tư bản thành thị lên, để vạch ra bao cái thối tha trong cuộc chạy đua “Âu hóa” lố lẳng đồi bại Vũ Trọng Phụng cũng đã “đóng đinh” lên dư luận những điển hình trào phúng độc đáo cho muôn đời nguyền rủa như Xuân Tóc Đỏ, cụ cố Hồng, mụ Phó Đoan... Thiên truyện có sức tố cáo và tính chiến đấu mãnh liệt, với một tài nàng trào phúng hiếm có, xứng đáng là kiệt tác trong văn học hiện thực phê phán Việt Nam nói riêng, trong văn chương hiện đại nước nhà nói chung. Thậm chí, nhà văn Nguyễn Khải còn coi Số đỏ là “Cuốn sách ghê gớm có thể làm vinh dự cho mọi nền văn học”. (Trích tham luận của Nguyễn Khải tại Đại hội lần thứ ba Hội Nhà văn Việt Nam, tháng 9-1983).

Hạnh phúc của một tang gia nằm toàn bộ trong chương XV của tiểu thuyết Số đỏ, rất tiêu biểu cho văn tài họ Vũ.

Nếu coi Số đỏ là một vở đại hài kịch nhằm phủ nhận triệt để cái xã hội thượng lưu giả dối, lố lăng trước Cách mạng tháng Tám, thì mỗi chương trong tác phẩm như một màn hài kịch sắc sảo. Trong chương XV này, tài năng của Vũ Trọng Phụng thể hiện ở cách xây dựng mâu thuẫn trào phúng và những tính cách trào phúng mang ý nghĩa xã hội, nhân sinh sâu sắc. Tiếng cười Vũ Trọng Phụng là tiếng cười ra nước mắt, sau chuỗi cười hả hê sảng khoái, người đọc lắng vào một nỗi xót xa trước tình trạng phi nhân tính đang hủy hoại cuộc sống.

Màn kịch Hạnh phúc của một tang gia được xây dựng chắc chắn từ một mâu thuẫn trào phúng sắc sảo. Mâu thuẫn của văn chương trào phúng là một kiểu tình huống tạo cười thông qua sự phóng đại những cái ngược đời, trái lẽ tự nhiên, phạm chuẩn mực đời sống. Mâu thuẫn trào phúng thích khía vào những hoàn cảnh trớ trêu, nực cười để lật ngửa ra cái hài hước của tính cách trào phúng.

Vậy mâu thuẫn trào phúng trong chương XV là gì? Đó là tính ngày hội, tính đám rước vui vẻ của... một đám ma (!). Ngay cái nhan đề của chương truyện đã đầy mỉa mai. Hạnh phúc vốn là khái niệm của niềm vui sướng, sự mãn nguyện của con người vì được đáp ứng một nhu cầu, ước muốn nào đó. Tang gia nghĩa là gia đình có tang, gợi không khí buồn đau ảm đạm trước cái chết của người thân yêu, ruột thịt. Điều bất ngờ là tác giả đặt hạnh phúc cạnh tang gia, biến chuyện buồn đau thành niềm vui, tạo ra một mệnh đề trái ngược, làm đảo lộn cả luân thường đạo lí trong cái gia đình tư sản giàu có và đại bất hiếu này.

Cái nhan đề độc đáo đến kì quặc ấy mở ra tình huống ngày hội, tình huống đám rước của một đám ma - đây cũng là tình huống trào phúng, mâu thuẫn trào phúng xuyên suốt chương truyện. Người chết vốn là cụ cố Tổ có một gia tài kếch xù. Nhưng ông già quái ác này lại ghi trong di chúc: chỉ chia gia tài cho con cháu khi cụ đã qua đời. Thật là sốt ruột, vì viết xong di chúc mà cụ không chịu chết ngay. Thế là cả nhà đều mong ngóng chờ đợi cái chết của cụ như chờ đợi... hạnh phúc (!). Và hạnh phúc đã đến. Cái chết không gây nỗi buồn đau thường thấy mà ngược lại “đã làm cho nhiều người sung sướng lắm”. Người ta “tưng bừng vui vẻ” đi đưa giấy cáo phó, gọi phường kèn, thuê xe đám ma...

Biến nỗi buồn thương thành niềm vui hạnh phúc của một gia đình có tang, Vũ Trọng Phụng đã lột ra động lực bên trong của sự kiện đám ma - đám rước lạ đời này: con người quay cuồng bởi dục vọng, bởi mối lợi. Mối lợi đè chết tình nghĩa, đồng tiền khuynh đảo cả đạo lí ở đời. Đây là tình huống trào phúng sắc sảo, góp phần bộc lộ sâu sắc những tính cách trào phúng.

Xây dựng được một tình huống trào phúng chắc chắn như trên, Vũ Trọng Phụng vững vàng triển khai thể truyện, dựng lên hình ảnh đám ma và những tính cách trào phúng bằng thủ pháp của điện ảnh: vừa quay toàn cảnh, vừa quay cận cảnh hình ảnh của một tang gia, tạo những bức tranh biếm họa hết sức đặc sắc.

Trước hết là hình ảnh toàn cảnh đám ma. Vũ Trọng Phụng rất khéo léo dùng kĩ thuật “đánh lừa không triệt để” (vừa đánh lừa, vừa cố để người đọc biết) làm lộ ra mâu thuẫn giữa cái vỏ bên ngoài trang trọng và thực chất bát nháo bên trong của đám ma. Đám ma khoác một cái vỏ ngoài thật “trang trọng”, “to tát”: Có đủ mọi điều kiện vật chất tối ưu, đúng phong tục (có kiệu, lọng, kèn, thanh la, quần áo tang, chụp ảnh, có vài ba trăm câu đối, vòng hoa và vài trăm người đi đưa...). Có một điệp khúc tấu lên từ cảnh đưa đám ấy: “Đám cứ đi”, nghe trang nghiêm, “tận trung tận hiếu’' như đoàn người đang chuyển động để đưa người đã khuất đến tận huyệt. Nhưng cái vỏ ngoài trang trọng bỗng thành mỉa mai, hài hước khi tác giả cố để lộ ra cái thực chất bát nháo bên trong. Té ra đây đâu còn là đám ma, mà là một đám rước, đám hội hổ lốn. Cái chi tiết lợn quay... đi lọng mới đầy thâm ý làm sao. Lọng là dụng cụ che, giống như ô, dù xưng cỡ lớn và sang trọng hơn nhiều, chỉ để che thân cho các đấng bậc quyền quý hoặc đón rước thánh thần. Ở đây, cái thiêng liêng được đánh tráo bằng... lợn quay. Thật thú vị! Hệ thống bát âm của đám mà còn “phong phú”, “độc đáo” hơn cả về số lượng lẫn loại hình: có kèn ta pha rin với kèn Tây, kèn Tàu, và mùi vị hổ lốn càng đậm đặc với “lốc bốc xoảng và bú dích” . Ngoài ra, vợ chồng Vân Minh lăng xê các loại quần tang như đặc sản của đám ma, cậu tú Tân biến việc chụp ảnh thành trò chơi ngày hội... Thật là một đám ma đầy cảm hứng, khiến hàng phố “nhốn nháo cả lên khen đám ma to”, cụ Phán bà ngây ngất hãnh diện vì có được một đám ma “danh giá nhất tất cả”. Đặc biệt độc đáo là chi tiết người chết cảm động đến mức “nằm trong quan tài cũng phải mỉm cười sung sướng, nếu không gật gù cái đầu”. Chao ôi là cái “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” ở cả trong nhà ngoài phố, ở cả cõi dương đến cõi âm. Thật mỉa mai, đau xót!

Dưới ngòi bút văn tài Vũ Trọng Phụng, đám ma thành đám rước lòe lẹt, hợm hĩnh, om sòm đến nhếch nhác, vô văn hóa. Thực chất, đây là sự phô trương giả dối, lộ liễu đến nhố nhăng, chà đạp lên cả đạo lí của gia đình đại bất hiếu này.

Ống kính họ Vũ quay từ toàn cảnh đến cận cảnh, từ hạnh phúc chung của cả tang gia đến niềm vui riêng len lỏi vào tận từng người hay từng nhóm người rất sinh động. Đó là cụ cố Hồng háo danh đến quái gở, chỉ mong cha chết để được “mặc áo xô gai, chống gậy lụ khụ vừa ho khạc vừa khóc mếu” để thiên hạ khen “úi kìa, con giai nhớn mà đã già đến thế kia ư?” Đó là cô Tuyết lấy đám tang làm cơ hội khoe bộ y phục hở hang cùng bộ mặt buồn “lãng mạn rất đúng mốt”. Vợ chồng Văn Minh xăng xái, hăm hở mở một cuộc “trình diễn thời trang” biến nỗi đau thương thành dịp may quảng cáo cho tiệm may Âu hóa. Những người ngoài gia đình cụ cố Hồng cũng sung sướng làm sao: cảnh sát Min Đơ, Min Toa bỗng có việc làm, các quan khách sang trọng có dịp phô các loại huân chương và râu ria đủ kiểu, đặc biệt sự “cảm động” của các vị không phải vì niềm xót đau người chết mà vì “trông thấy làn da trắng thập thò trong làn áo voan trên cánh tay và ngực Tuyết”. Còn đám giai thanh gái lịch Hà thành thì mãi trình diễn phong cách “Âu hóa” trong đám tang bằng cách đú đởn chim nhau, cười tình với nhau, bình phẩm nhau, chê bai nhau, hẹn hò nhau... Rồi những tiếng thì thầm của đám người đưa ma, chỉ hau háu xỉa vào những chuyện đại loại như con bé áy kháu thế, con bé kia đẹp hơn, thằng ấy bạc tình bỏ mẹ, mỏ vàng hay mỏ chì, gớm cái ngực đầm quá di mất, vợ béo thế chồng gầy thế thì mọc sừng mất... tóm lại là toàn những chuyện nhảm nhí, đồi bại hàng ngày, những kẻ đi đưa ma hoàn toàn dửng dưng với người chết. Cái đám ma gương mẫu ấy đúng là có đủ mọi thứ mà vẫn thiếu một thứ: lòng xót thương người nằm xuống. Thiếu lòng thương là thiếu tất cả. Sự băng giá của lòng người khiến mọi thứ còn lại hoá ra vờ vĩnh, giả dối một cách tàn nhẫn, độc ác. Cái điệp khúc “đám đi” hóa ra đầy mỉa mai. Đám ma hóa trò hề không hơn không kém.

Mà nào đã hết. Cảnh hạ huyệt mới càng trơ trẽn làm sao. Thằng cháu quý tử Tú Tân, lúc hạ huyệt, bắt bẻ từng người chống gậy, gục đầu thế nọ, cong lưng hoặc lau nước mắt thế kia... để cậu chụp ảnh, còn lũ bạn thì “rầm rộ nhảy lên những ngôi mả khác mà chụp để cho ảnh khỏi giống nhau”. Rõ là kịch, đại hài kịch, mỗi con người mải mê với kĩ thuật diễn xuất, do nhà đạo diễn Tú Tân chỉ huy. Ngòi bút Vũ Trọng Phụng đã tạo nên từ đống người bất hiếu ấy một diễn viên kì tài của màn kịch tại gia: đó là ông Phán mọc sừng. Kể ra ông ta rất giỏi diễn một vẻ ngoài quá ư bi thảm: lả oặt đi, khóc rống lên: “Hứt! ... Hứt!... Hứt!”, khiến “ai cũng để ý đến ông cháu rể quý hóa ấy”. Cái âm thanh “hứt hứt” mà tác giả chọn đặt vào miệng ông Phán mới kì quái làm sao. Nhất là khi nó được lặp lại, nhai lại, nghe cứ rống lên một âm điệu đầy giả tạo đến trơ trẽn. Để rồi đột ngột, tác giả lật ngửa bản chất nhân vật ra bằng chi tiết “độc”: ông Phán dúi vội vào tay thằng Xuân “một cái giấy bạc năm đồng gấp tư” để trả công cho Xuân Tóc Đỏ đã... làm cụ cố Tổ chết (!). Chi tiết này đã đẩy tấn đại hài kịch đến điểm đỉnh, đẩy sự giả dối bịp bợ đến trình độ vô liêm sỉ một cách quá ghê tởm.

Nói cho đúng, cái chương XV vô song của Vũ Trọng Phụng là mở màn kịch bi - hài sống động. Mỗi nhân vật hiện ra trong vai hề để ra cái lố lăng tàn nhẫn của mình.

Cái âm hưởng bi - hài ấy khiến trào phúng của họ Vũ là một thứ tiếng cười ra nước mắt. Bao đau xót, căm uất của Vũ Trọng Phụng dồn nén trong đó: cả cuộc đời phi nhân quay cuồng bởi dục vọng ích kỉ, dục vọng là cây gậy chỉ huy lũ rối - bọn người hợm hĩnh háo danh háo lợi, bóp chết những tình cảm ruột thịt thiêng liêng nhất của con người. Đúng là một xã hội “chó đểu” trong cái nhìn họ Vũ. Chương XV này như một giọng cười trong chuỗi cười dài Số đỏ. Kiệt tác của Vũ Trọng Phụng xứng đáng là trái bom lớn nổ tung giữa lòng xã hội thượng lưu thối nát đương thời.​​​

Bản quyền thuộc về Sách Thư Viện. Ghi nguồn sachthuvien.com khi đăng lại bài viết này.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây