Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Phân tích quá trình tha hóa, lưu manh hóa của Chí Phèo - Nam Cao

Thứ ba - 28/04/2020 09:44
DÀN Ý
- Xuất xứ, hoàn cảnh sáng tác
- Phân tích quá trình tha hóa, lưu manh hóa của Chí:
+ Chí là một anh canh điển hiền lành lương thiện, có lòng tự trọng. Từ cơn ghen vô cớ của Bá Kiến mà bị đẩy vào tù, trở nên bị tha hóa, lưu manh hóa. Ra tù, làng Vũ Đại hoàn thiện nốt công đoạn biến Chí thành con quỷ dữ.
+ Sự tha hóa về nhân hình, nhân tính.
+ Ý nghĩa tiếng chửi.
- Nghệ thuật xây dựng nhân vật
- Giá trị, ý nghĩa:
+ Chủ nghĩa hiện thực, chủ nghĩa nhân đạo (như phần I.)
BÀI LÀM
Chẳng phải ngẫu nhiên, “Chí Phèo” lại là tác phẩm lớn nhất trước Cách mạng của Nam Cao, đồng thời đưa ông lên hàng tác gia. Rõ ràng, bi kịch số phận của con quỷ làng Vũ Đại phải bi, phải xót hơn những tấm bi kịch vốn đã được Nam Cao khắc họa tàn nhẫn mà đau đớn.

Không phải những “Tư cách mõ”, những “Lão Hạc”, những “Sống mòn”,... không phản ánh, không lột tả được cái sự bần cùng đến lê lết của một bộ phận tầng lớp nông dân và trí thức tiểu tư sản Việt Nam trước Cách mạng. Tất nhiên, các tác phẩm của Nam Cao và những cây bút đương thời sống đáng được trân trọng và ngưỡng mộ, chỉ là, về một phần nào đó, chúng chưa diễn tả hết được những kiếp người của xã hội cũ. Nếu như Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan,... chỉ làm độc giả "đói” cái đói của nhân vật, cảm thông và cảm mến cái nhân tính và cốt cách con người sót lại của người nồng dần trong bước đường cùng, thì “Chí Phèo” lại là một tác phẩm hoàn toàn khác: loại bỏ hết nhân tính, gạt phăng một số phận ra khỏi cộng đồng người. Đó là cách Nam Cao “bức tử” nhân vật của mình.

Hãy xem, ngay từ đẩu, tác phẩm đã mang đến cho người ta sự khó chịu của tiếng chửi. Chí Phèo chửi. Nhưng hắn không chửi nhăng chửi cuội, tiếng chửi này có một sự logic. Ban đầu hắn chửi trời, chửi đời rồi chửi ngay tất cả làng Vũ Đại... nhưng “trời có là của riêng ai?”, “đời là tất cả nhưng cũng chẳng là gì?”, người nông dân Việt Nam vốn hay nói “không thèm chấp”, thằng điên ấy hắn chửi thì cứ chửi, ai mắc hơi thừa việc mà đi chửi nhau với hắn. Thế là tiếng chửi của Chí Phèo đi từ chỗ mơ hồ vô định trở thành có chủ thể: Mẹ cha đứa nào đẻ ra thằng Chí Phèo, để bấy giờ hắn khổ. Chí Phèo chửi để nhận thức nguyên nhân dẫn đến bi kịch của bản thân. Phải cái, ngay lập tức, hắn hiểu ra mồm hắn chửi rồi tai liền nghe, hắn bắt đầu thấy thấm một nỗi khốn khổ. Chí Phèo đã phải cất tiếng chửi để thèm, mong có ai đó chửi lại hắn, để hắn có thể được giao tiếp với đời, với người. “Giá hắn biết hát thì có phải mọi người đỡ khổ không?”. Đằng này Chí chỉ biết có chửi. Cái nỗ lực tuyệt vọng để hòa nhập vào xã hội người cũng bị ngó lơ. Không người nào chịu chửi lại hắn, có nghĩa là tất cả mọi người đã dứt khoát không coi hắn là người. Chí Phèo nhận lại một sự cô đơn đáng sợ. Như thể cả cái làng này vừa bỏ hắn lại trong sa mạc của sự cô đơn lẻ loi: "Chỉ có ba con chó dữ với một thằng say rượu!”        ...

Bằng một cách mở đầu vô cùng đặc sắc, Nam Cao đã hé mở một phần cho người đọc số phận của nhân vật - số phận của những con số không: không cha không mẹ, không nghề nghiệp, không tấc đất cắm dùi,... mà trong đó, mỗi con số không đại diện cho một tấm bi kịch của cuộc đời hắn.

Nếu lật lại trang đời của gã cô hồn Chí Phèo, liệu bạn có cầm nước mắt được không? Cái số bị ruồng rẫy ngay cả khi vừa sinh ra, cũng chẳng ai biết được cha mẹ Chí là ai. Sinh linh nhỏ bé nằm trần truồng trong cái lò gạch cũ. Dân làng nhặt hắn về. Nuôi nấng. Tuổi thơ con nhà nông trước Cách mạng vốn chẳng sung sướng gì, thì hẳn quãng đời trai trẻ của Chí còn khổ gấp bội. Nhưng đây có lẽ là giai đoạn mà Chí cảm thấy sung sướng nhất. Trong cuộc đời của một gã đôi mươi lương thiện và có nhiều mộng đẹp. Chí giàu lòng tự trọng, biết ghét những gì mà người ta cho là đáng khinh. Bằng chứng là khi bà ba - vợ ba của Bá Kiến - bắt làm những điều không chính đáng, phần “người” trong Chí Phèo vừa làm mà tay vừa run, thấy “nhục hơn là thích”. Như vậy, thì Chí lúc đó cũng như bao con người khác, chỉ mong: “Có một gia đình nho nhỏ. Chồng cuốc muốn cày thuê, vợ dệt vải. Chúng lại bỏ một con lợn nuôi để làm vốn liếng. Khá giả thì mua dăm ba sào ruộng làm”. Ồ. Đẹp quá, cuộc sống thanh tịnh dù trong khó khăn như vậy, ai mà chả ước mơ. Nhưng cuộc đời này, nhất là cuộc đời cám cảnh ở làng Vũ Đại không thích những thứ sạch sẽ trong trắng, bất lương thay, đây là xã hội bóp chết những thứ trong trắng. Một cơn ghen vu vơ của Bá Kiến, ghen vì sự chung tình của một con trẻ, đẩy Chí vào con đường tù tội. Nơi mà nhà tù thực dân vắt ra khỏi con người ta những giọt lương tri cuối cùng, vằm nát cả thân thể và tâm khảm, nơi nặn ra một thằng Chí hoàn toàn khác: Chí Phèo.

Bảy tám năm sau, Chí Phèo về làng. Người làng không còn ai nhận ra hắn nữa. Cũng phải thôi, hắn đâu còn là anh canh điền hiền lành như đất của nhà Bá Kiến nữa. Giờ hắn mang thân hình của một con quỷ và trái tim của một con chó hoang: “cái đầu thì trọc lóc, cái mặt thì đen mà lại rất cơng cơng, hai mắt gườm gườm trông gớm chết... cái ngực phanh, đẩy những nét chạm trổ rồng phượng với một ông tướng cầm chuỳ, cả hai cánh tay cũng thế”. Tuy hắn lúc này vẫn còn nhận thức, hắn tìm đến nhà Bá Kiến, để ăn vạ, để trả thù, nhưng, có vẻ sự hung hãn của Chí Phèo quá nhỏ bé so với sự khôn ngoan của “cụ Bá”. Chí Phèo bị cụ Bá “dỗ”, cho tiền, mà từ đó thành tay sai cho hắn. Đáng buồn thay ngày Chí còn bé, chính dân làng Vũ Đại nuôi Chí lớn lên trong vòng tay yêu thương. Vậy mà nay, gã Chí Phèo đã quay lưng lại, chĩa mũi dùi vào chính cái nơi mà hắn được yêu thương và chở che. Từ đây Chí sống bằng rượu, bằng máu và nước mắt của biết bao nhiêu người dân lương thiện như hắn ngày xưa: “Hắn đã đập nát biết bao nhiêu cảnh yên vui, làm chảy máu và nước mắt của biết bao nhiêu người dân lương thiện”. Hắn làm những việc ấy trong lúc say “ăn trong lúc say, ngủ trong lúc say, thức dậy vẫn còn say... đập đầu, rạch mặt, giết người trong lúc say để rồi say nữa say vô tận”. Chưa bao giờ hắn tỉnh để thấy mình tồn tại trên đời bởi vì “những cơn say của hắn tràn từ cơn này sang cơn khác thành những cơn dài mênh mang”.

Cuộc đời không ánh sáng của Chí Phèo đến đây, đã đại diện cho một phần không nhỏ những người nông dân - những người thuộc đáy xã hội cũ. Đó chính là cuộc sống bị bóp nghẹt ước mơ và khát vọng, người nông dân bần cùng hóa dẫn đến lưu manh hóa. Chỉ có Nam Cao, người luôn nhìn cuộc sống qua con mắt nhân đạo mới nhận ra được điều ấy. Cũng giống như trong tác phẩm “Nước mắt”, Nam Cao đã mượn lời của nhà văn Pháp Francois Coppée làm lời đề từ: “Người ta chỉ xấu xa hư hỏng trước đôi mắt ráo hoảnh của phường ích kỉ. Nước mắt là miếng kính biến hình vũ trụ.” Nam Cao là một nhà văn luôn nhìn đời bằng nước mắt, tình thương. Ông từng tuyên ngôn: “sống đã rồi hãy viết” bởi một nhà văn muốn viết nhân đạo trước hết phải sống cho nhân đạo đã. Với cái nhìn đời đầy nước mắt ấy, ngay cả khi miêu tả lại cuộc đời của một con quỷ, tác phẩm của Nam Cao cũng chứa chan tình nhân đạo nhân văn.
 

Bản quyền thuộc về Sách Thư Viện. Ghi nguồn sachthuvien.com khi đăng lại bài viết này.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây