Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Phân tích diễn biến tâm trạng nhân vật Liên trong truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam

Thứ ba - 28/04/2020 04:47
Dàn ý
- Hoàn cảnh sáng tác
- Giới thiệu nhân vật Liên
- Phân tích tâm trạng Liên:
+ Trước thời khắc ngày tàn: Buồn man mác, thấy gắn bó với mảnh đất này thương lũ trẻ nghèo.
—> Liên là một cô bé nhạy cảm, giàu lòng trắc ẩn.
+ Khi đêm xuống;
Nỗi buồn trước sự thắng thế của bóng tối với ánh sáng.
Niềm thương cảm khi chứng kiến kiếp người tàn.
Mong đợi chuyến tàu đi qua, vui mừng, rồi lại buồn nhưng vẫn hy vọng.
- Nghệ thuật xây dựng nhân vật:
+Tài năng miêu tả tâm lý của Thạch Lam.
- Giá trị, ý nghĩa:
Xót thương cho nỗi buồn của Liên, phát hiện vẻ đẹp trong tâm hồn Liên,
Chủ nghĩa hiện thực, chủ nghĩa nhân đạo của Thạch Lam.

BÀI LÀM
Thạch Lam đã nhập thân vào nhân vật Liên để khám phá, cảm nhận phố huyện. Liên mới tám tuổi nhưng đã sớm có những quan sát, nhạy cảm trước sự thay đổi của cuộc sống. Thạch Lam đã rất tinh tế khi miêu tả được những diễn biến tâm lý phức tạp trong Liên trong một khoảnh khắc ngắn của thời gian từ chiều tà đến đêm tối. Mọi diễn biến của cuộc sống xung quanh, từng sự thay đổi dù là nhỏ nhất của mảnh đất Liên đang sống cũng được nắm bắt qua đôi mắt và cảm nhận của Liên.

Liên là cô bé nhạy cảm, hay động lòng trắc ẩn trước những biến thiên của cuộc đời, đặc biệt Là những lay lắt, mòn mỏi của xã hội cũ. “Chiều. Chiều rồi, một buổi chiều êm ả như ru”. Truyện mở đầu bằng âm thanh của tiếng trống thu không vang xa để gội buổi chiều như báo hiệu một ngày dài đã kết thúc, chuẩn bị là đêm xuống với bao ám ảnh. Qua đôi mắt của Liên, “Chiều. Chiều rồi” như là một lời thảng thốt, bàng hoàng, như một tiếng thở dài. Không gian phố huyện được mở ra đượm một nỗi buồn hiu hắt. Khoảnh khắc cuối ngày là sự giao tranh giữa ánh sáng và bóng tối nhưng dường như “những đám mây ánh hồng như hòn than sắp tàn” là thứ ánh sáng ở cường độ thấp, chỉ lóe lên trong khoảnh khắc trước khi tắt hẳn. Dấu hiệu đầu tiên của bóng tối là “dãy tre làng trước mặt đen lại và cắt hình rõ rệt trên nền trời”. Bóng tối lây lan làm "Trong đôi mắt Liên bóng tối ngập đầy dần và cái buồn của buổi chiểu quê thấm thía vào tâm hồn ngây thơ của chị. Liên không hiểu sao nhưng thấy lòng buồn man mác trước cái giờ khắc của ngày tàn”. Buồn mà thấy “không hiểu sao” có nghĩa là cái buồn ghê gớm lắm, nó mơ hồ nhưng dường như luôn thường trực trong tâm hổn nhỏ bé ấy mỗi buổi chiều qua.

Nỗi buồn trong Liên càng thấm thía hơn khi chứng kiến khung cảnh chợ tàn cùng những kiếp người tàn trong thời khắc ngày tàn đó. Ngày phiên mà chợ xơ xác, trên mặt đất chỉ còn lại vỏ bưởi, bã mía, rác rưởi... những phế phẩm của một vùng quê nghèo. Đặc biệt là cái dáng lom khom của “những đứa trẻ con nhà nghèo đi lại lang thang trên mặt đất nhặt nhạnh những thanh nứa thanh tre hay những gì còn sót lại của mấy người bán hàng”. Nhìn những đứa trẻ bị đánh cắp tuổi thơ vì miếng cơm manh áo, “Liên thấy động lòng thương nhưng chính chị cũng không có tiền để mà cho chúng nó”. Chất thơ của truyện ngắn này được toát ra từ những rung động sâu xa trong tâm hồn Liên, sự nhạy cảm và lòng trắc ẩn hướng đến con người và cuộc sống nghèo khó trên mảnh đất quê hương.

Nỗi buồn trong Liên càng được dấy lên khi màn đêm buông xuống, cả phố huyện chìm trong bóng tối, con người cũng bước ra, sinh hoạt trong bóng tối rồi lại lầm lũi đi vào màn đêm đen đặc. Trong cảm nhận của Liên, buổi đêm với bóng tối thật ghê gớm “Tối hết cả con đường thăm thẳm ra sông, con đường qua chợ về nhà, các ngõ vào làng lại càng sẫm đen hơn nữa”. Đêm tối đối với Liên "quen lắm, chị không sợ nó nữa’’. "Không sợ nó nữa” nghĩa là đã từng sợ, nhưng giờ đã quen rồi hay Liên đã nhẫn nhục, cam chịu bởi không thể thoát được? Nhưng tâm hồn ấy vẫn khao khát ánh sáng qua việc kiếm tìm vòm trời vạn ngôi sao lấp lánh để tìm sông Ngân hà và con vịt theo sau ông thần nông, qua việc tìm kiếm những "hột sáng”, "khe ánh sáng”, “đốm sáng”, "vệt sáng” nơi phố huyện. Dường như có gì đó khao khát trong cuộc sống tưởng chừng như quá đỗi tẻ nhạt này, có gì đó đẹp đẽ trong cảnh sống tưởng như mỏi mòn cam chịu... Thạch Lam đã nhập thân vào nhân vật Liên để gọi ra những rung động tưởng như nhỏ bé khó nắm bắt. Nhân vật của Thạch Lam thường là những người cử động khẽ, đối thoại rời rạc nhưng đời sống nội tâm luôn có sự vận động, biến chuyển sâu sắc. Trong đêm tối, lần lượt những cư dân kiếm ăn hiện ra. Liền thương hết thảy những con người nơi phố huyện nhỏ bé này: thương, mẹ con chị Tí với cái chõng tre như vít cả hai mẹ con xuống, thương gia đình bác xẩm đang mòn mỏi về gần với đất, thương bác phở Siêu hàng quán chẳng ai có đủ tiền mua, thương và run sợ khi đối diện với bà cụ Thi điên... Liên không chỉ buồn cho những kiếp người mà còn buồn cho gia đình mình nữa: thầy Liên mất việc, gia đình phải bỏ Hà Nội về quê sống. Cuộc sống của Liên có thể khấm khá hơn những con người kia, nhưng không ai dám bảo đảm cho tương lai gia đình Liên không giống họ. Thạch Lam đã khéo léo gợi ra cái bi kịch nhân sinh nơi những con người nhỏ bé đó, họ sống trong một cái "ao đời bằng phẳng” khi cuộc đời cứ "cùn đi, gỉ đi, nổi váng lên”, cứ lặp lại đơn điệu tù túng hết ngày này đến ngày khác mà không có cách nào thoát ra khỏi. Trong tình cảnh đó, nhân vật của Thạch Lam chỉ còn biết sống với những hoạt động nội tâm mạnh mẽ của mình mà thôi.

Ngòi bút nhân hậu của Thạch Lam không muốn dìm mãi người đọc trong cái tăm tối, mòn mỏi, nghèo khổ mà còn tha thiết hướng con người về phía ánh sáng của sự sống để khơi lên niềm khao khát hướng tới một cuộc sống tốt đẹp hơn. Nhà văn đã phát hiện thêm nhiều cung bậc khác nhau nơi tâm hồn Liên qua việc Liên khao khát đợi chuyến tàu đêm. Liên mong ngóng con tàu từ phương xa, hồi hộp vui sướng khi con tàu đến gần và buồn bã thất vọng khi con tàu đã biến mất.

Cuộc sống càng mòn mỏi bế tắc thì hình ảnh chuyến tàu đêm càng đem lại cho con người hi vọng. Liên cùng những người dân phố huyện chờ đợi trong tâm trạng khắc khoải để sống trọn vẹn được một ngày. Liên dõi theo con tàu từ phía xa khi trông thấy “ngọn lửa xanh biếc, sát mặt đất, như ma trơi”. Rồi tiếng còi xe lửa ở đâu vang lại, trong đêm khuya kéo dài ra theo gió xa xôi. Đoàn tàu xuất hiện làm cho khung cảnh phố huyện khuấy động lên chút ít, làm không gian mới thực sự là phố huyện chứ không phải miền đời bị quên lãng. Liên thoáng trông thấy toa hạng trên sang trọng, kền và đồng lấp lánh, tiếng hành khách ồn ào khe khẽ... Đó mới là thế giới mà những con người nghèo khổ này ao ước được sống, dù là trong giây lát. Hình ảnh đoàn tàu làm nảy sinh tâm trạng đợi tàu trong chị em Liên, An và nó đã trở thành thói quen, nếu không được trông thấy chuyến tàu đêm đi qua chắc hai chị em không còn những giây phút sống trong mơ ước, khát khao nữa. Nếu những người dân nơi đây đợi chuyền tàu để bán thêm ít hàng, để được trông thấy hoạt động cuối cùng của đêm khuya thì với chị em Liên, nhìn chuyến tàu qua là một cách để nhớ về quá khứ tươi đẹp. Con tàu từ Hà Nội về, là tia hồi quang nhắc chị em Liên nhớ về một thời “lúc thầy Liên chưa mất việc... được đi chơi bờ hồ, uống những cốc nước lạnh xanh đỏ”. Sống trong hiện tại nhưng chưa bao giờ hai chị em thôi khao khát về quá khứ và dường như con tàu là động lực sống mạnh mẽ nhất cho Liên. Liên chìm trong những hồi tưởng đẹp đẽ đó cho đến khi con tàu chuyển bánh, lại lao vào màn đêm không cùng mang theo ánh mắt tiếc nuối của hai chị em. Bằng cách đó Thạch Lam như muốn chuyển đến độc giả một thông điệp đầy ý nghĩa: Muốn có cuộc sống tốt đẹp hơn chỉ khát khao trông chờ mong đợi có lẽ là chưa đủ, nhưng cuộc đời vẫn cần lắm những ước mơ, và ước mơ nuôi dưỡng tâm hồn con người ta, ước mơ là một cách để con người cố sống trong những tháng ngày khó khăn. Chuyến tàu đêm thực sự đã gọi về “một quá khứ huy hoàng. Một hiện tại mong manh. Một tương lai mù mịt" bởi sau khi chuyến tàu đêm đi qua, dư âm của nó khiến “Liên thấy mình sống giữa bao sự xa xôi”.

Miêu tả nhân vật Liên, Thạch Lam đã nhập thân vào nhân vật, sống cùng nhân vật nên hiểu rõ nỗi niềm sâu kín bên trong của Liên. Nhà văn đã bộc lộ một biệt tài xây dựng nhân vật khi tập trung thể hiện thế giới nội tâm của con người ở những cung bậc cảm xúc tinh tế nhất. Truyện không có cốt truyện cùng thủ pháp đối lập tương phản, sử dụng những đối thoại có xu hướng chuyển thành độc thoại... đã góp phần thể hiện sâu sắc thế giới nội tâm của Liên.

Bản quyền thuộc về Sách Thư Viện. Ghi nguồn sachthuvien.com khi đăng lại bài viết này.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây