Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Bức tranh phố huyện qua cảm nhận tâm hồn của hai đứa trẻ

Thứ ba - 28/04/2020 04:28
Truyện ngắn của Thạch Lam thường như những bài thơ trữ tình đượm buồn, cái buồn tỏa ra từ bức tranh thiên nhiên và những rung động tinh vi trong tâm hồn con người. Trong truyện ngắn "Hai đứa trẻ", bức tranh thiên nhiên và cuộc sống con người được miêu tả theo sự dịch chuyển thời gian từ chiều tà đến đêm tối, tất cả đều mang đến cho con người nỗi buồn man mác.
Khung cảnh thiên nhiên lúc chiều tà được cảm nhận ở hai chiều thời gian và không gian. Thời khắc cuối ngày thường làm con người ta buồn, thi nhân xưa thường dấy lên nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương như một cảm thức sẵn có. Trong truyện, Thạch Lam chọn thời điểm chiều tàn hiện ra qua những âm thanh buồn tẻ của tiếng trống thu không trên chiếc chòi canh, tiếng ếch nhái râm ran, tiếng muỗi vo ve và "ánh sáng đỏ rực như hòn than sắp tàn" của khung trời phía tây cùng dáng hình đen kịt của rặn tre làng in hình trên bầu trời. Trong sự giao tranh giữa sáng và tối ấy, ánh sáng dường như đang dồn những sinh lực cuối cùng để bùng cháy lên một màu rực rỡ trước khi thu hẹp dần và tắt lịm. Âm thanh quen thuộc của làng quê Việt Nam xưa nhưng nó cũng chỉ gợi cho người đọc ấn tượng về sự ngưng đọng, rời rạc. Bức tranh chiều tà có cả ánh sáng, âm thanh, màu sắc nhưng tất cả thống nhất trong sự tĩnh lặng, buồn tẻ. Câu văn đầu tiên mở ra như một tiếng thảng thốt: "chiều, chiều rồi, một buổi chiều êm ả như ru…" càng khiến thời khắc ngày tàn, đêm tối mở ra như một ám ảnh với tất cả người dân nơi đây.

Trên cái phông nền bức tranh thiên nhiên ấy, những người dân kiếm ăn ban ngày lần lượt xuất hiện trong bối cảnh là một phiên chợ nghèo: những người bán hàng về muộn, mấy đứa trẻ nhặt rác trên bãi chợ, và hai chị em Liên. Chợ phiên thường họp một, hai ngày trong tháng nên thường sẽ rất nhộn nhịp, đông đúc. Vậy sao ngày chợ phiên trong truyện lại buồn và xác xơ đến vậy! Một góc chợ đầy rác rưởi toàn những lá mía, vỏ nhãn, vỏ bưởi, vỏ thị…Là những đồ phế thải thảm hại của một vùng quê nghèo. Chợ đã vãn từ lâu chỉ còn vài người đi chợ đang xỏ gánh nói nốt với nhau những câu cuối cùng rồi đi dần vào những ngõ quê đang ngập đầy bóng tối. Họ đi khỏi lũ trẻ sống quanh chợ vội ùa ra để đào bới, bòn mót tất cả những gì mà những người bán hàng để lại. Những đứa trẻ ấy tìm kiếm sự sống từ những đồ phế thải của người nghèo, người này trông vào người kia để kiếm miếng ăn nhưng tất cả đều vô vọng. Ngày phiên mà chợ em Liên cũng chỉ bán được ít ỏi gồm bao diêm và những bánh xà phòng.

Về đêm, cả phố huyện cô đặc bởi bóng tối, bóng tối len lỏi vào "con đường thăm thẳm ra sông, con đường qua chợ về nhà, các ngõ vào làng lại càng sẫm đen hơn nữa". Bóng tối cũng ngập đầy dần hơn trong đôi mắt của Liên. Bóng tối với Liên không còn đáng sợ nữa, không đáng sợ tức là Liên từng sợ nó, nhưng bây giờ quen lắm rồi. Liên chắc từng bị ám ảnh về nó trong những tháng ngày gia đình chuyển về quê sống.

Trong không gian đặc quánh bóng tối đó, lần lượt xuất hiện những con người kiếm sống ban đêm quanh góc chợ và sân ga xép: mẹ con chị Tí, bà cụ Thi, gia đình bác Sẩm, bác phở Siêu… Họ lầm lũi đi ra từ trong đêm tối, sinh hoạt trong đêm tối dưới những ngọn đèn dầu tù mù và cuối cùng lại chìm khuất vào màn đêm thăm thẳm khi những hoạt động cuối cùng kết thúc.

Chị Tí ban ngày mò cua bắt ốc, tối đến dọn hàng nước chè tươi, thắp một ngọn đèn dầu leo lét. Tuy chiều nào chị cũng dọn hàng từ chập tối đến đêm nhưng “chả kiếm được bao nhiêu”. Cuộc đời của chị cũng giống như ngọn đèn dầu nhỏ bé, yếu ớt, mong manh. Hình ảnh ấy là biểu tượng cho những kiếp người nghèo khổ, lam lũ, sống leo lét trong màn đêm của xã hội cũ.

Gia đình nhà bác Xẩm “góp chuyện bằng mấy tiếng đàn bầu bật trong yên lặng. Thằng con bò ra đất, ngoài manh chiếu, nghịch nhặt những rác bẩn vùi trong cát bên đường". Thêm một âm thanh lạc lõng rơi ra rồi chìm vào bóng tối, thêm một mảnh đời hiện ra mà vô vọng, cầm chừng tựa như đã rất gần với đất. Sự xuất hiện của gia đình bác xẩm thực sự đã in hằn cái ám ảnh về đói nghèo vào tâm trí người đọc.

Bà cụ Thi hơi điên điên lại nghiện rượu, có tiếng cười khanh khách luôn làm chị em Liên lo sợ. Cụ xuất hiện từ trong đêm tối, nốc một hơi cạn cốc rượu rồi lại đi "lần vào trong bóng tối". Bác phở Siêu với món quà xa xỉ, nhiều tiền, hai chị em chưa bao giờ mua được chính là cái phông làm nổi cận cảnh đói nghèo, như ánh sáng làm nổi bóng tối.

Chị em Liên phải thức để trông cửa hàng tạp hóa nhỏ xíu, hàng "bán chẳng ăn thua gì", Liên thương mấy đứa trẻ nghèo nhưng chính chị cũng "không có tiền để cho chúng nó".

Tóm lại: cuộc đời của những con người của nơi phố huyện đó là cuộc đời đầy bóng tối, họ như những vụn đời bé nhỏ, âm thầm ở một vùng đất đang bị chìm vào quên lãng.

Phố huyện khi chuyến tàu đêm đi qua: chuyến tàu với âm thanh, ánh sáng, cuộc sống (khác hẳn cuộc sống thường ngày) – đem đến cho phố huyện hoạt động cuối cùng của đêm.

Tất cả đều mong đợi con tàu: chị em Liên, bác Siêu, chị Tí. Không phải ngẫu nhiên mà con tàu được Thạch Lam tập trung miêu tả một cách tỉ mỉ, kĩ lưỡng theo trình tự thời gian, qua tâm trạng chờ đợi của hai chị em Liên đến thế. Con tàu trở thành sứ giả của một thế giới khác và Hà Nội là hiện thân cụ thể của thế giới ấy. Hình ảnh con tàu cũng gắn liền với nỗi buồn vỡ mộng, nỗi buồn dấy lên từ ước mơ chưa thành sự thật. Bằng cách đó, Thạch Lam như muốn chuyển đến độc giả một thông điệp đầy ý nghĩa: muốn có cuộc sống tốt đẹp hơn chỉ khát khao trông chờ mong đợi có lẽ là chưa đủ. Sau khi con tàu đi, phố huyện lại chìm sâu vào bóng tối yên tĩnh.

Bản quyền thuộc về Sách Thư Viện. Ghi nguồn sachthuvien.com khi đăng lại bài viết này.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây