-> Thông qua những liên tưởng, so sánh bất ngờ cùng cách tiếp cận từ nhiều ngành khoa học, sông Đà ở thượng nguồn hiện lên như một loài thủy quái khổng lồ sẵn sàng đe dọa tính mạng con người nào đi qua đó. Nhưng nó cũng thôi thúc sự khám phá, chế ngự của con người.
+ Sông Đà rất mực trữ tình:
* Từ trên cao nhìn xuống: Sông Đà như một sợi dây thừng ngoằn ngoèo, như áng trữ tình đầy thướt tha, mềm mại.
* Sắc nước của sông Đà: thay đổi theo mùa: mùa xuân màu xanh ngọc bích, mùa thu lừ lừ chín đỏ như mang nặng phù sa.
* Bờ bãi sông Đà: không gian lặng tờ, chuồn chuồn bươm bướm, cỏ gianh búp nõn…
* Con sông của thơ ca: một màu nắng tháng ba Đường thi.
* Tâm trạng của tác giả: chìm đắm trong khung cảnh thơ mộng mà thèm được nghe một tiếng nói con người.
-> Ngòi bút của Nguyễn Tuân rất mực tài hoa khi sử đụng những từ ngữ gợi cảm, tinh tế, những biện pháp so sánh, ẩn dụ chuyển đổi cảm giác, nhân hóa... để tái hiện trên trang giấy một con sông phía hạ lưu với khung cảnh giàu chất thơ.
- Nghệ thuật miêu tả sông Đà:
+ Bút pháp lãng mạn với thủ pháp tương phản, hệ thống hình ảnh được tạo ra từ những liên tưởng kỳ thú, sự am hiểu nhiều ngành nghệ thuật (địa lý, lịch sử, quân sự, điện ảnh, thơ ca...), cùng nghệ thuật so sánh đặc sắc đã giúp Nguyễn Tuân miêu tả vẻ đẹp kỳ thú đặc biệt độc đáo của sông Đà.
- Giá trị, ý nghĩa:
+ Ca ngợi vẻ đẹp của thiên nhiên Tây Bắc, tình yêu quệ hương đất nước của Nguyễn Tuân.
BÀI LÀM:
Dòng sông Đà hiện lên trong trang tuỳ bút như một sinh thể độc đáo vừa có hình hài vừa có cá tính, phong cách có cả số phận. Ngòi bút của Nguyễn Tuân đi sâu miêu tả hai nét tính cách trái ngược của dòng sông Đà: hung bạo và trữ tình.
Ngay từ lời đề Nguyễn Tuân đã phát hiện ra cái độc đáo của sông Đà thông qua lời thơ của Nguyễn Quang Bích: “Chúng thuỷ giai đông tẩu, Đà giang độc bắc lưu” (Mọi con sông đều đổ về đông, duy chỉ có sông Đà là chảy theo hướng bắc). Bằng việc đối sánh hướng chảy dòng sông Đà với mọi dòng sông khác, Nguyễn Tuân đã cho thấy đây là một dòng sông có bản lĩnh, có cá tính. Và dường như nhà văn đã miêu tả sông Đà với những gì nguyên sơ nhất khi con sông chưa có bóng dáng cuộc sống con người.
Cái độc đáo của sông Đà trước hết bộc lộ ở tính cách hung bạo. Cái hung bạo của con sông Đà hiện lên ở vách đá dựng đứng hai bên bờ sông: "đá bờ sông dựng vách thành”, “Vách đá chẹn ngang lòng sông như một cái yết hầu”. Nguyễn Tuân mang đến cho người đọc cảm nhận đầu tiên: sự vững chãi, uy nghiêm, đầy bí ẩn của sông Đà. Bằng biện pháp so sánh kết hợp với liên tưởng, tưởng tượng, nhà văn vẽ ra hình ảnh sông Đà ở thượng nguồn là nơi có độ cao hút của vách đá và độ hẹp của dòng sông khiến cho “mặt sông phải chính ngọ mới có mặt trời”.
Đến mặt ghềnh Hát Loóng: Nguyễn Tuân đã miêu tả cái hung hãn, cuồng nộ của sông Đà qua điệp cấu trúc câu, phép nhân hóa, các câu ngắn với nhịp gấp gáp như gối lên nhau tầng tầng lớp lớp: “hàng cây số nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió, cuồn cuộn luồng gió gùn ghè suốt năm như lúc nào cũng đòi nợ như cửa cống cái bị sặc”, “những cái giếng sâu nước ặc ặc như vừa rót dầu sôi vào”. Nhà văn sử dụng biện pháp so sánh kết hợp với những từ láy để miêu tả sự kinh hoàng của những cái hút xoáy đó. Nguyễn Tuân còn hình dung ra cảnh: một anh bạn quay phim táo tợn ngồi vào chiếc thuyền để hút nước sông Đà hút xuống dưới tận đáy sông để rồi từ đó lia ngược máy quay phim lên. Nước sông Đà như một khối bê tông thuỷ tinh đúc dày. Khối bê tông này có thể đổ ập xuống cả người, cả máy quay phim. Dòng sông lúc nào cũng ở trong cơn cuồng nộ muốn hút vào lòng nó tất cả những gì trên bề mặt sông Đà.
Sông Đà hung bạo, dữ dội nhất là ở cảnh thác đá trên sông. Nhà văn cảm nhận con thác ấy qua cái nhìn của người đi thuyền trên sông, đang ngồi một mình tiến dần đến thác. Cảnh thác đá vì vậy được miêu tả từ xa đến gần. Khi ở xa là ấn tượng về âm thanh, càng đến gần lại là ấn tượng về hình ảnh.
“Còn xa lắm mới đến cái thác dưới. Nhưng đã nghe thấy tiếng nước réo gần mãi lại réo to mãi lên. Tiếng nước thác nghe như là oán trách gì, rồi lại như là van xin, rồi lại như là khiêu khích, giọng gằn mà chế nhạo”. Nguyễn Tuân miêu tả thác đá bằng những từ chỉ cảm xúc, thái độ, tình cảm của con người; Sông Đà hiện lên không phải là con sông hung bạo vô tri giác mà là một con sông có sắc thái cảm xúc rõ nét và ngòi bút Nguyễn Tuân như đã đi đến cùng trong việc miêu tả cơn cuồng nộ của sóng nước Đà giang. Đặc sắc nhất là Nguyễn Tuân đã lẩy lửa để tả nước làm cảnh sắc sông Đà dữ dội, hoành tráng: “Thế rồi nó rống lên như tiếng của một ngàn con trâu mộng đang lồng lộn giữa rừng vầu tre nứa nổ lửa, đang phá tuông rừng lửa, rừng lửa cùng gầm thét với đàn trâu da cháy bùng bùng”. Đó là âm thanh rung chuyển núi rừng của sự sống đang trong cơn cuồng loạn vì cùng đường tuyệt lộ.
Càng đến gần, thác đá hiện lên qua hình ảnh: “sóng bọt đã trắng xóa cả một chân trời đá” “đá ở đây từ ngàn năm vẫn mai phục hết trong lòng sông”. Nhà văn đã dùng cái nhìn quân sự để miêu tả sự nham hiểm của con sông với những “đá tướng” “đá quân” đông đảo, hiếu chiến mà diện mạo hòn nào cũng ngỗ ngược, nhăn nhúm, méo mó, hất hàm xấc xược, tiu ngỉu, xanh lè... Chúng lại có tâm địa xảo quyệt khi tổ chức thành trận địa chặt chẽ với ba vòng vây trùng điệp bao gồm đá tướng, đá quân, hàng tiền vệ, hậu vệ, cửa tử, cửa sinh, boong ke chìm, pháo đài nổi... Tất cả đã làm hiện lên một phần khủng khiếp nhất của sông Đà. Đá sông Đà không im lìm và bất động mà cuồn cuộn, cuồng bạo và gào thét đúng như kẻ thù số một của loài người. Nguyễn Tuân miêu tả cái hùng vĩ của Sông Đà dưới một góc độ tự nhiên hoang sơ, Đà giang thực sự khơi gợi được cái đam mê, chinh phục của con người trong công việc trị thủy.
Không chỉ là người say mê những phong cảnh tuyệt mỹ, dữ dội, phi thường, Nguyễn Tuân còn là nhà văn của cái Đẹp. Dưới ngòi bút tài hoa của Nguyễn Tuân, sông Đà không chỉ hung bạo mà nó còn rất trữ tình. Từ điểm nhìn trên cao, Nguyễn Tuân nhận ra hình dáng con sông trong dáng hình mềm mại uốn lượn tự nhiên. Nguyễn Tuân đã so sánh dòng sông Đà với sợi dây thừng ngoằn ngoèo. Sự so sánh giản đơn nhưng chính xác độc đáo nên tạo được sự bất ngờ thú vị. Sông Đà đẹp thơ mộng trước hết ở vẻ đẹp tự nhiên ấy.
Dòng nước sông Đà cũng mang vẻ đẹp duyên dáng, thi vị: “con sông Đà tuôn dài, tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hỏa ban hoa gạo tháng 2 và cuồn cuộn mù khói núi mèo đốt nương xuân”. Dòng sông như áng tóc của người con gái yêu kiều, một mỹ nhân duyên dáng, đài các và đầy thơ mộng. Câu văn rất dài chỉ với duy nhất một dấu ngắt đã giúp người đọc liên tưởng về sự “tuôn dài” tưởng như bất tận của con sông. Dòng sông phía hạ nguồn trôi đi và nhận vào lòng nó cái vẻ huyền ảo của mây trời, sự rực rỡ của hoa ban hoa gạo và đặc biệt là sự gần gũi ấm áp khi trôi chảy giữa làn khói núi người Mèo đốt nương. Nguyễn Tuân đã miêu tả cái đẹp đẽ của sông Đà trong sự gắn bó với cuộc sống con người, cái Đẹp của nhà văn sau cách mạng không còn là cái Đẹp “Vang bóng một thời” mà ấm áp, bình dị trong cuộc sổng hàng ngày.
Màu sắc: Nhà văn đã khéo léo so sánh màu nước của con sông Đà với những con sông khác: “mùa xuân dòng xanh ngọc bích, chứ nước sông Đà không xanh màu xanh canh hến của sông Gâm, sông Lô”. Xanh ngọc bích là mẫu xanh vừa có ánh, vừa có sắc, lại gợi lên một sự quý giá. Nó không phải cái màu nhàn nhạt như màu xanh canh hến của sông Gâm, sông Lô. Nếu màu nước con sông Hương thay đổi theo ngày “sáng xanh, trưa vàng, chiều tím” thì sông Đà lại thay đổi theo mùa. Sự thay đổi đó làm dòng sông giống hệt một thiếu nữ thất thường. Mùa thu nước sông Đà lừ lừ chín đỏ như mang nặng phù sa với cái dáng vẻ nặng nề, chậm rãi được Nguyễn Tuân miêu tả như giận dữ, bực mình, khó chịu. Nghệ thuật so sánh bất ngờ táo bạo rất Nguyễn Tuân đã làm nên một sông Đà thơ mộng, trữ tình, đa tình, đa cảm.
Sông Đà gợi cảm không chỉ như một mỹ nhân mà còn là cố nhân: “Đã có lần tôi nhìn sông Đà như một cố nhân”. Sông Đà gợi niềm vui của con người với cảnh cũ, tình xưa khi nhà văn mở ra một tình huống con người đang ở trong rừng, xa sông lâu ngày gặp lại. Đến với sông Đà, Nguyễn Tuân còn thấy lòng mình như trẻ lại, thấy loang loáng như trẻ con nghịch chiếu gương vào mắt rồi bỏ chạy. Nhà văn đưa tiếp một câu văn đặc biệt “Bờ Sông Đà, bãi sông Đà, chuồn chuồn bươm bướm trên sông Đà” mở rạ một khoảng không gian bao la rợn ngợp và dồn dập những cảnh sắc, những sự vật vui tươi trong trẻo như sẵn sàng lôi cuốn bất cứ tâm hồn nào đặt chân đến bờ bãi ven sông. Chúng còn gợi lên trong Nguyễn Tuân niềm vui, niềm hứng khởi rất thi sĩ: “Chao ôi, trông con sông vui như thấy nắng giòn tan sau kỳ mưa dầm”. Nghệ thuật ẩn dụ chuyển đổi cảm giác đã tạo nên một cái nắng rất nhẹ, rất trong, rất mỏng, rất sáng, và biện pháp so sánh “vui như nối lại chiêm bao đứt quãng” là cái niềm vui hy hữu được gặp lại trong đời mình một giấc mơ đang kiếm tìm.
Vẻ đẹp trữ tình của sông Đà còn toát lên từ không gian tĩnh lặng. Phải chăng đây là đoạn sông Đà ở hạ nguồn dòng sông hiền lành yên ả: "Cảnh ven sông ở đây lặng tờ. Hình như từ đời Lý, đời Trần, đời Lê, quãng sông này cũng lặng tờ đến thế mà thôi”. Điệp từ “lặng tờ” mở ra cái trầm tích của dòng sông trong lịch sử và có lẽ cái tĩnh lặng ở sông Đà cũng là sự bất biến ngàn đòi nay khi chưa có dấu chân con người khai phá. Cũng bằng so sánh liên tưởng, Nguyễn Tuân đã nhận ra vẻ đẹp mộng mơ, huyền ảo, hồn nhiên hoang dã của Sông Đà: “Bờ sông hoang dại như một bờ tiền sử. Bờ sông hồn nhiên như một nỗi niềm cổ tích tuổi xưa”. Cảnh sắc ven sông Đà đẹp như trong huyền thoại cổ tích khi mà cây lá đều tươi mới non tơ với những lá ngô non đầu mùa, những búp nõn cỏ gianh đẫm sương đêm, với tiếng đàn cá dầm xanh quẫy nước, con hươu thơ ngộ ngẩng đầu nhung khỏi áng cỏ sương... Tất cả mở ra một thế giới của huyền thoại, trong trẻo, tinh khôi rực rỡ sắc màu đến mức nhà văn “thèm được giật mình vì một tiếng còi xúp lê của một chuyến xe lửa”, để nhận ra mình đang ở hiện tại chứ không trôi về một miền cổ tích nào đó bởi sự cây lá vạn vật quá đỗi êm đềm huyền ảo. Dấu ấn của cái “tôi” nhà văn trong đoạn tùy bút này hiện lên đầy hào hứng qua điệp khúc “Tôi đã... tôi đã...”, với những cung bậc cảm xúc ào ạt tuôn trào khi đam mê sôi nổi khi bồng bột, sắc sảo... để lại trên trang giấy một cõi mơ gợi dấu chân con người khai phá.
Tóm lại, hung bạo và trữ tình là hai nét tính cách đối lập nhau tạo nên vẻ đẹp đầy lôi cuốn của sông Đà. Bút pháp lãng mạn với thủ pháp tương phản, hệ thống hình ảnh được tạo ra từ những liên tưởng kỳ thú, sự am hiểu nhiều ngành nghệ thuật (địa lý, lịch sử, quân sự, điện ảnh, thơ ca...), cùng nghệ thuật so sánh đặc sắc đã giúp Nguyễn Tuân miêu tả vẻ đẹp kỳ thú đặc biệt độc đáo của sông Đà. Qua đó, Nguyễn Tuân muốn ca ngợi vẻ đẹp của thiên nhiên Tây Bắc, con người Tây Bắc trong cảm quan cái Đẹp của mình. Tình yêu thiên nhiên, đất nước, con người và lý tưởng thẩm mỹ của Nguyễn Tuân đã được thể hiện sâu sắc.