Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Phân tích khổ 1 bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng

Thứ bảy - 25/04/2020 09:10
Quang Dũng là một hồn thơ hào hoa, lãng mạn. Chất lãng mạn đa tình của người nghệ sĩ đã bắt gặp và song hành với chất anh hùng của người chiến sĩ tại núi rừng Tây Bắc hiểm trở, để rồi cho ra đời thi phẩm “Tây Tiến” với âm hưởng bi tráng, hào hùng. Điều này được thể hiện rõ qua khổ một của bài thơ.
Qua những vần thơ vừa hào hùng, bi tráng, vừa lãng mạn, giàu chất nhạc, chất họa, bài thơ đã diễn tả hết sức chân thực về hiện thực cuộc kháng chiến chống pháp và vẻ đẹp của anh bộ đội cụ Hồ.

Mở đầu là hai câu thơ thể hiện nỗi nhớ da diết của tác giả:

“Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!
Nhớ về rùng núi nhớ chơi vơi”

Câu thơ mở đầu bằng hình ảnh dòng sông Mã - biểu tượng của thiên nhiên rừng núi Tây Bắc và cũng chính là địa bàn hoạt động của đoàn quân Tây Tiến. Không phải ngẫu nhiên mà sông Mã được nhắc tới hai lần ở khổ đầu và khổ thơ thứ ba, bởi nó gắn bó với người lính Tây Tiến trên mỗi bước đường hành quân và là chứng nhân cho bao kỉ niệm một thời gian khó. Địa danh sông Mã được nhắc đến bên cạnh binh đoàn Tây Tiến như một lời nhắc nhớ về bao kỉ niệm, bao cảm xúc buồn vui. Giữa hai danh từ ấy dường như có chút xót xa, nuối tiếc qua từ “xa rồi”. Thiên nhiên Tây Bắc đã thực sự lùi xa trong quá khứ cũng như đoàn quân Tây Tiến chỉ còn là kỉ niệm. Câu thơ mở đầu dù không trực tiếp xuất hiện từ “nhớ” mà nỗi nhớ cứ tự nó trào dâng, hóa ra đó là nỗi nhớ thường trực khôn nguôi và được biểu lộ qua giọng thơ đầy nhạc tính. Ở câu thơ thứ hai, tâm trạng của tác giả trực tiếp xuất hiện qua điệp từ “nhớ” được lặp lại hai lần có tác dụng nhấn mạnh, khắc sâu nỗi nhớ. Vần “ơi” được điệp ba lần đã tạo tính nhạc cho lời thơ, diễn tả nỗi nhớ trong lòng người đang trải dài, vang xa. “Nhớ chơi vơi” là nỗi nhớ lửng lơ, vô hình nhưng lúc nào cũng đau đáu, da diết. Quang Dũng luôn gửi hồn mình về miền Tây Bắc để thương, để nhớ và để sống cùng những năm tháng hào hùng mà lãng mạn đó.

Nỗi “nhớ chơi vơi” đã mở ra những kỉ niệm về chặng đường hành quân qua núi rừng Tây Bắc hùng vĩ, hiểm trở và thơ mộng với những địa danh: Sài Khao, Mường Lát, Mường Hịch, Mai Châu. Đó là nỗi nhớ trải dài theo không gian:

“Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
Mường Lát hoa về trong đêm hơi.”

Cái huyền ảo; thơ mộng của thiên nhiên Tây Bắc được vẽ ra qua màn sương mù dày đặc che lấp, bồng bềnh như sương như khói, mơ hồ, huyền ảo... 12/14 từ là thanh bằng gợi cảm giác nhẹ nhàng, ngân nga. Tây Bắc với những đỉnh núi mù sương, với những thung lũng sương che sớm chiều thực sự làm rung động chất thơ trong tâm hồn Quang Dũng cũng như chất họa trong con người đa tài ấy. Thiên nhiên từ chỗ chìm lấp đã dần dần lùi ra sau, trở thành phông nền thơ mộng cho người lính Tây Tiến xuất hiện. Họ đi trong sương, lẫn vào màn sương và ẩn hiện cái dáng mỏi mệt trên con đường hành quân dặm dài. Theo bước chân của những người lính Tây Tiến, thiên nhiên Tây Bắc hiện ra với những hiểm trở và heo hút:

“Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cổn mây súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi.”
  
Nếu những câu thơ trên, Quang Dũng chủ yếu sử dụng thanh bằng tạo cảm giác mềm mại thì đến bốn câu thơ sau, những thanh trắc gồ ghề được đặt ở đâu, giữa và cuối câu tạo nên ấn tượng không dứt về những con dốc đèo Tây Bắc. Điệp từ “dốc” được lặp lại hai lần trong một câu thơ kết hợp với từ láy “khúc khuỷu”, “thăm thẳm” có tác dụng gợi cái hiểm trở, dữ dội của những dốc những đèo, những khúc cua tay áo và sự gập ghềnh của con đường hành quân. Có những khi họ phải hành quân qua những dốc cao dựng đứng hay những con đường sâu hun hút, điệp ngữ “ngàn thước” cùng cách ngắt nhịp 4/3 có tác dụng tạo hình rất lớn trong việc biểu đạt cái cao và độ sâu không cùng của núi đèo. Là một nhà thơ hào hoa lãng mạn, Quang Dũng không chỉ gợi cái hùng vĩ hiểm trở mà còn miêu tả một không gian trữ tình: “Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”. Câu thơ gồm toàn những thanh bằng và hầu hết là thanh không có tác dụng gợi cảm giác nhẹ nhàng, lâng lâng của người lính khi sau một chặng hành quân, qua bao núi rừng hiểm trở và heo hút bỗng nhìn thấy xa xa những ngôi nhà thấp thoáng trong màn mưa.

Ngay trong bức tranh thiên nhiên Tây Bắc, chúng ta đã thấy thấp thoáng ẩn hiện hình ảnh ngươi chiến sĩ Tây Tiến. Trên cái nền của thiên nhiên hùng vĩ, dữ dội, hình ảnh người lính Tây Tiến hiện lên với sự hào hùng, bi tráng: “Heo hút cồn mây súng ngửi trời”. Từ láy “heo hút” được đảo lên đặt ở đâu những câu thơ gợi tả độ cao cũng như sự hẻo lánh của những dốc đèo Tây Bắc khiến ta có cảm nhận họ là những con người đầu tiên đặt chân được đến đây vậy. Họ đi giữa những dốc cao, cồn mây, mũi súng nhấp nhô theo nhịp bước quân hành tạo nên hình ảnh rất tinh nghịch, rất lính “súng ngửi trời”. Họ - những chàng trai Hà Nội vừa trẻ trung hào hoa thanh lịch, vừa phong trần, sương gió. Người chiến sĩ Tây Tiến như tạc trong không gian mây trời Tây Bắc sự lồng lộng và kiêu hùng của tuổi trẻ. Có thể nói không một khó khăn gian khổ nào, một độ cao nào có thể cản được bước chân của những anh hùng vệ quốc. Phải vượt qua những chặng đường gian nan hiểm trở, phải đối mặt với những thử thách khốc liệt nên ngay trên đường hành quân đã có những người lính phải nằm lại nơi núi rùng: “Anh bạn dãi dầu không bước nữa/ Gục trên súng mũ bỏ quên đời”. Cách diễn tả cái chết rất độc đáo “không bước nữa”“bỏ quên đời” tạo cho ta ấn tượng về con người kiêu hãnh, ngang tàng ngay cả khi chết đi, khiến cho cái chết không trở nên bi lụy mà thanh thản, nhẹ nhàng. Đó là tư thế hi sinh rất lính, ngay cả khi nhắm mắt xuôi tay vẫn không rời súng mũ. Có thể nói nhiều chiến sĩ Tây Tiến đã chiến thắng ngay cả trong phút giây ngã xuống. Miêu tả cái chết nhưng ngòi bút của Quang Dũng vẫn không gợi nên cái yếu mềm, bi lụy, dù đó là cái chết của những người đồng đội của mình. Cảm hứng lãng mạn đã đem lại cho hình ảnh người lính sự cứng cỏi, ngang tàng, khí phách ngay cả khí đã về với đất.

Sau khi vượt qua bao rừng sâu, núi cao heo hút, đoàn quân Tây Tiến đã dừng chân ở một bản làng có vườn, có những làn khói bếp nồng ấm tình quân dân. Những kỉ niệm ấy in đậm trong tâm trí nhà thơ khiến Quang Dũng không thể kìm nén nổi, một lần nữa đã bật lên tiếng gọi: “Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói/ Mai Châu mùa em thơm nếp xôi”. Cách nói “cơm lên khói”“thơm nếp xôi” khiến cho những hình ảnh bình dị thường ngày bỗng mang một vẻ đẹp cuốn hút. Trong những bữa ăn “cơm lên khói” “thơm nếp xôi” ấy ta thấy nồng ấm hương vị quê hương đất nước và nồng ấm tình yêu thương của những cô gái bản dành cho những người lính Tây Tiến, và nó thực sự là kỉ niệm đẹp mà Quang Dũng không thể quên. Tất cả, tất cả kỉ niệm về một vùng đất ùa về khiến nhà thơ phải thốt lên: “Nhớ ôi Tây Tiến”. Phải đến tận dòng thơ cuối của khổ một, Quang Dũng mới nhận ra ngay cả Tây Tiến cũng xa rồi chứ không riêng gì sông Mã. Câu thơ cuối trở thành tiền đề dể sang khổ thơ tiếp theo, đoàn quân Tây Tiến hiện lên rõ nét, chân thực hơn.

Với một ngòi bút tài hoa, giàu chất lãng mạn, giàu chất nhạc, chất họa, với những từ ngữ chọn lọc, tinh tế, Quang Dũng đã vẽ lên một bức tranh thiên nhiên hoành tráng, dữ dội và rất nên thơ của núi rừng Tây Bắc. Trên cái nền bức tranh ấy nỗi bật hình ảnh của những người lính Tây Tiến, những con người can trường, dũng cảm nhưng cũng rất hào hoa lãng mạn.

Bản quyền thuộc về Sách Thư Viện. Ghi nguồn sachthuvien.com khi đăng lại bài viết này.

  Ý kiến bạn đọc

DANH MỤC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây