Trải qua những giây phút hành quân gian khổ, những người lính còn có những giờ khắc giao lưu văn nghệ với đồng bào Tây Bắc. Gọi là “doanh trại” bởi Quang Dũng nhìn theo cảm hứng lãng mạn, có lẽ hiện thực là một đêm văn nghệ giản dị mà ấm áp trên chặng hành quân dặm dài gian khổ. Không khí liên hoan tràn ngập cả âm thanh, ánh sáng, dáng điệu con người:
“Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa
Kìa em xiêm áo tự bao giờ
Khèn lên man điệu nàng e ấp
Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ.”
Đảo ngữ “bừng lên hội đuốc hoa” kết hợp với động từ “bừng” tạo ấn- tượng về một thứ ánh sáng bất ngờ, tựa như có hàng ngàn ngọn đuốc đột ngột thắp lên cháy, sáng cả núi rùng trong đêm. Đôi mắt lãng mạn, tình tứ của Quang Dũng đã ví những ngọn đuốc đó như “đuốc hoa”- ngọn đuốc cháy trong đêm tâm hồn - ngầm chỉ một sự kết duyên gặp gỡ giữa những người lính Tây Tiến trẻ trung hào hoa với nhân dân Tây Bắc. Trên cái nền ánh lửa lung linh ấy, nổi bật là dáng hình của những bóng hồng miền sơn cước: “Kìa em xiêm áo tự bao giờ/ Khèn lên man điệu nàng e ấp”. Chỉ từ “kìa” như mở ra trước mắt người đọc dáng hình uyển chuyển, dịu dàng theo điệu khèn của những thiếu nữ Tây Bắc, và cũng không giấu nổi sự ngạc nhiên, ánh nhìn tình tứ của những người lính trẻ trước vẻ đẹp xứ người. Cái dáng điệu “e ấp” được soi chiếu qua đôi mắt hào hoa của những con người lần đầu đặt chân đến Tây Bắc gợi một vẻ đẹp kín đáo, một sự phát hiện trước những nét đẹp văn hóa Tây Bắc. Thêm vào đó là những “man điệu” - những điệu múa, điệu nhạc lạ như chất xúc tác gợi cái tình tứ, say mê thưởng thức. Cái chất hào hoa, lãng mạn, đa tình này dường như là “đặc sản” của những người lính trong thời kì kháng chiến chống Pháp, khi họ đa phần là thanh niên học sinh trí thức, xếp bút nghiên cầm súng lên đường theo tiếng gọi của quê hương. Câu thơ thứ tư chủ yếu là thanh bằng, tạo cảm giác nhẹ nhàng, bay bổng trong tâm hồn của người lính: “Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ”. Âm nhạc cất lên hòa điệu với tâm hồn thơ mộng, gọi về cái mộng mơ, đưa tâm hồn phiêu du vượt qua giới hạn của không gian, của biên giới, để xây đắp hồn thơ - mơ đến Viên Chăn - mơ đến ngày chiến thắng. Hình ảnh thơ mỹ lệ nhưng không hề thoát ly cuộc sống, trái lại có tác dụng nâng đỡ tầm hồn con người, khích lệ tinh thần những người lính và mở ra khát vọng hòa bình cho đất nước.
Bốn câu thơ đầu giúp ta cảm nhận được cái tưng bừng, nhộn nhịp trong đêm liên hoan ấm tình quân dân. Bốn câu thơ sau lại tiếp tục mạch cảm xúc của toàn bài thơ, ấy là nỗi nhớ về những khoảng không gian sông nước đầy chất thơ của Tây Bắc:
“Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ
Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa”
Tây Bắc đẹp - thơ mộng - trữ tình với mênh mang sông nước, lãng đãng sương giăng, với hai bên bờ là bạt ngàn lau, và đâu đó thấp thoáng bóng người, bóng hoa. Không gian và thời gian được mở ra qua cụm từ “Chiều sương”: trong khoảnh khắc cuối ngày, khắp đất trời chìm trong màn sương bồng bềnh, lãng đãng rất đặc trưng cho núi rừng Tây Bắc. Ý niệm thời gian cũng bị xóa nhòa qua từ “ấy”, nó gợi nhiều kỉ niệm, có thể trên con đường hành quân tác giả đã khắc in vào tâm trí mình một khung cảnh vừa thực, vừa ảo và giờ đây nhớ lại, kỉ niệm mơ hồ lại có sức ám ảnh lòng người. Đi trong chiều sương, những tâm hồn trẻ trung ấy đã thấy “hồn lau nẻo bến bờ”. Đó là bạt ngàn lau xám phất phơ hai bên bờ sông hoang vắng, như lay động một nỗi niềm. Cái màu trắng tinh khiết trải dài ấy gợi lên nét đẹp nguyên sơ như chưa từng có dấu chân người. Nhớ về Tây Bắc là người ta hay nhớ về những cánh đồng lau bạt ngàn trắng như thế, cái hồn của lau kéo theo cái hồn người là như vậy!
Nhớ về Tây Bắc còn là nhớ cái “dáng người trên độc mộc”- gợi vẻ đẹp khỏe khoắn của những chàng trai, những cô gái, những người dân Tây Bắc trên con thuyền độc mộc lao trên sóng nước. Cảm hứng ngợi ca những con người ấy ta cũng gặp trong hình ảnh ông lái đò Mai Châu trong tác phẩm “Người lái đò Sông Đà” của Nguyễn Tuân. Đặc biệt là hình ảnh những bông hoa rừng “đong đưa” trôi theo dòng nước lũ. Trong cái khắc nghiệt dữ dội vẫn luôn có vẻ đẹp của sự mềm mại, mong manh. Điểm nhìn lãng mạn giúp Quang Dũng có được những phát hiện rất nên thơ như thế.
Trong đoạn thơ này, ta thấy vang lên điệp khúc của những câu hỏi tu từ: “có thấy... có nhớ…”. Đó là sự gợi thức trong tâm hồn mình, là sự nhắc nhở mỗi chàng trai ra đi từ 36 phố phường hãy nhớ về Tây Bắc, về Tây Tiến như những hồi ức hào hùng một đi không trở lại.
—> Tóm lại, tám câu thơ như 1 bức tranh thanh sơ với chỉ vài nét chấm phá tinh tế, mềm mại mà thu được cái hồn của cảnh và người Tây Bắc. Cũng qua những hình ảnh thơ đặc sắc ấy, chúng ta còn cảm nhận được vẻ đẹp của những người lính Tây Tiến - những chàng trai lãng mạn, đa tình, hào hoa.