Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Phân tích hình tượng cây xà nu trong truyện ngắn Rừng xà nu

Thứ năm - 23/05/2024 09:02
Trải qua hơn 120 năm kháng chiến hào hùng và gian khổ, những trang sử vẻ vang của dân tộc ta đã ghi lại biết bao chiến công lẫy lừng làm rạng danh Tổ quốc.

Phân tích hình tượng cây xà nu trong truyện Rừng xà nu - Bài làm 1

Trải qua hơn 120 năm kháng chiến hào hùng và gian khổ, những trang sử vẻ vang của dân tộc ta đã ghi lại biết bao chiến công lẫy lừng làm rạng danh Tổ quốc, khiến quân thù phải khiếp sợ, khiến cả thế giới phải khâm phục một dân tộc máu đỏ da vàng tuy nhỏ bé nhưng có tầm vóc to lớn. Nhưng để có những chiến công oanh liệt, để đất nước được độc lập, để nhân dân ta được sống trong cảnh hòa bình ấm no, cha anh ta đã phải đánh đổi bằng rất nhiều xương máu, mồ hôi và nước mắt. Trong những năm tháng đế quốc mỹ nhắm đại bác vào vùng núi rừng Tây Nguyên hiền hòa, đã có một dân tộc anh hùng đứng lên ưỡn ngực, vươn mình chống lại quân thù. Tác phẩm Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành khắc họa sâu sắc hình ảnh những người con kiêu hùng trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc, mà trong đó nổi lên với hình ảnh cây xà nu đẹp đẽ có ý nghĩa biểu tượng to lớn, là đại diện cho từng người dân làng Xô Man chống giặc, là biểu tượng cho sức sống mãnh liệt và nhiều phẩm chất cao đẹp của người dân Tây Nguyên.

Nguyễn Trung Thành tên thật là Nguyễn Văn Báu, còn có bút danh khác là Nguyên Ngọc, ông sinh năm 1932, quê ở huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Ông gia nhập quân đội vào năm 1950, lúc đang còn là học sinh trung học, có mặt tại chiến trường Tây Nguyên trong cả hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Nguyễn Trung Thành sáng tác nhiều thể loại từ truyện ký, tiểu thuyết, đến truyện ngắn, tùy bút,…Các sáng tác của ông mang đậm khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn, nội dung chủ đề tập trung viết về 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, về những vấn đề mang tính trọng đại lịch sử của dân tộc, đặc biệt ông viết rất nhiều về vùng đất Tây Nguyên đầy nắng và gió. Rừng xà nu nằm trong tập truyện ký Trên quê hương những anh hùng Điện ngọc, viết vào năm 1965, khi quân Mỹ Diệm tràn vào miền Nam càn quét bắn phá ác liệt.

Hình tượng rừng cây xà nu xuất hiện nổi bật và xuyên suốt chiều dài tác phẩm, mở ra là rừng xà nu bạt ngàn và kết thúc tác phẩm cũng là hình ảnh rừng xà nu chạy dài đến tận chân trời. Không những thế, hình ảnh cây xà nu còn trải kín cả tác phẩm, có đến hơn 20 lần trong toàn tác phẩm, điều ấy đã tái hiện lại những vẻ đẹp kỳ thú đặc trưng của mảnh đất Tây Nguyên, đồng thời mang ý nghĩa biểu tượng về sức sống và vẻ đẹp của những con người Tây Nguyên.

Bằng bút pháp tả thực, Nguyễn Trung Thành đã cho thấy hình ảnh cây xà nu trở đi trở lại và gắn bó mật thiết với cuộc sống của con người Tây Nguyên, có mặt trong đời sống hằng ngày của người dân nơi đây, ngọn lửa xà nu “dần dật cháy” trong bếp của mỗi ngôi nhà, khói xà nu làm bảng học cho Tnú và Mai. Hình ảnh cả cánh rừng xà nu ưỡn tấm ngực lớn ra để che chở cho làng Xô Man bởi “Làng nằm trong tầm đại bác của giặc”, giống như người cha che chở cho đứa con nhỏ của mình, như nhà thơ Tố Hữu đã viết trong bài thơ Việt Bắc rằng: “Rừng che bộ đội rừng vây quân thù”, gắn bó, ân tình.

Không chỉ có mặt trong cuộc sống hằng ngày mà cây xà nu còn tham dự vào trong những sự kiện trọng đại của dân làng Xô Man. Trong đêm mà vợ con Tnú bị giặc bắt giữ, đống lửa xà nu đã để Tnú nhìn rõ ràng cảnh kẻ thù hành hạ vợ con, rồi thì chính nhựa xà nu lại thiêu đốt 10 ngón tay của Tnú như mười ngọn đuốc, điều ấy đã trở thành giọt nước tràn ly, cổ vũ dân làng Xô Man đứng lên đấu tranh giết mười tên giặc ác ôn để giải cứu Tnú và lập lên chiến công đầu tiên trong cuộc chiến chống lại kẻ thù của dân làng. Từ đây người làng Xô Man đã mạnh mẽ đứng lên, không còn do dự chần chừ, bởi chỉ có đấu tranh chỉ có cách dùng vũ lực thì mới có thể có một cuộc sống tốt hơn, mới có thể bảo vệ được dân làng và đất nước. Hình ảnh của cây xà nu cũng trở lại trong đêm Tnú về thăm làng, đuốc xà nu lại dẫn đường cho người dân khắp làng Xô Man cùng tụ tập về nghe cụ Mết kể về cuộc đời của Tnú, câu chuyện một đời người kể trong một đêm, ánh lửa xà nu càng trở nên thiêng liêng và đậm tính sử thi. Thêm vào đó hình ảnh xà nu còn thấm vào nếp cảm, nếp nghĩ thấm vào cả lối tư duy và cách nói của người dân Tây Nguyên, những tính chất vẻ đẹp của cây đã trở thành thước đo để khắc họa lần lượt hình ảnh của cụ Mết, của Tnú, Mai, và nhiều người dân làng Xô Man khác.

Với bút pháp tượng trưng, hình ảnh cây xà nu lại là biểu tượng cho số phận và phẩm chất của người dân Tây Nguyên. Nói về số phận của người dân làng Xô Man, mở đầu tác phẩm Nguyễn Trung Thành viết “Cả rừng xà nu hàng vạn cây không có cây nào không bị thương” ấy là một cảnh tượng ám ảnh về một rừng cây tan hoang bởi đại bác của quân thù, trầy trợt đầy những thương tích. Đến gần hơn, hình ảnh tang thương của cây xà nu càng thêm rõ ràng, “Có những cây bị chặt đứt ngang nửa thân mình, đổ ào ào như một trận bão”, từ miệng vết thương ấy ứa ra thứ nhựa “tràn trề, thơm ngào ngạt, long lanh”, “bầm lại quyện đen thành những cục máu lớn”, như vậy đối với tác giả xà nu cũng giống như một con người cũng có máu thịt, cây cũng bị thương, nhựa cây chảy ra được ví là máu huyết của sinh thể, những hòn máu đọng đem lại cho người đọc những ấn tượng sâu sắc về loài cây anh hùng, bất khuất. Nhưng đấy là những cây may mắn, kiên cường còn có thể lành miệng và tiếp tục sinh dưỡng, xấu số hơn có những cây con mới đến ngang tầm ngực người, đã bị đại bác nã phải gãy làm đôi “nhựa còn trong, chất dầu còn loãng, vết thương không lành được cứ loét mãi ra, năm mười hôm thì cây chết”. Cách miêu tả chân thực sống động đến từng chi tiết đã tái hiện thật tang thương cảnh cây xà nu ngã xuống vì bom đạn. Suy rộng ra, cũng giống như cả cánh rừng mang đầy thương tích và mất mát ấy, người dân làng Xô Man cũng phải chịu biết bao hy sinh, bao nỗi đau thương cùng cực, bao người dân đã ngã xuống: Anh Xút, bà Nhan, Mai và con của cô với Tnú, tất cả đều hi sinh một cách đầy thương tâm dưới bàn tay độc ác của kẻ thù. Những người còn sống cũng lại mang đầy thương tích trên thể xác và cả tâm hồn, tấm lưng của Tnú với chằng chịt vết dao chém, mười ngón tay bị giặc đốt đều cụt một đốt, đau đớn hơn anh còn phải gánh chịu nỗi đau tận mắt nhìn vợ con bị giặc đánh chết mà không thể làm gì được.

Không chỉ là biểu tượng cho số phận của con người Tây Nguyên, cây xà nu còn là biểu tượng cho những phẩm chất tốt đẹp của người dân nơi đây. Xà nu là một loài cây khao khát ánh sáng đến lạ kỳ “nó phóng lên rất nhanh để tiếp lấy ánh sáng”, đó cũng chính là biểu tượng cho tình yêu tự do, sức sống tiềm tàng mãnh liệt của con người Tây Nguyên. Thêm nữa, xà nu còn có khả năng sinh sôi mãnh liệt “cạnh một cây mới ngã gục đã có bốn năm cây con mọc lên , ngọn xanh rờn, hình nhọn mũi tên lao thẳng lên trời”. Đó là biểu tượng cho sự tiếp nối liên tục và mạnh mẽ của người dân làng Xô Man, anh Quyết hy sinh đã có Tnú về thay thế, anh Xút bị giết đã có bà Nhan thay công việc nuôi bộ đội, bà Nhan chết thì đã có lớp trẻ con thay thế, Mai chết thì đã có em gái của Mai tiếp bước chị, và còn cả chú bé Heng. Thế hệ trước luôn có sự chuẩn bị là bước đệm cho thế hệ sau được vươn lên mạnh mẽ và tiến xa hơn trong con đường cách mạng.

Cây xà nu còn mang trong mình một sức sống bất diệt, mạnh mẽ vô cùng “có những cây vượt lên được cao hơn đầu người, cành lá xum xuê như những con chim đã đủ lông mao, lông vũ. Đạn đại bác không giết nổi chúng, những vết thương của chúng chóng lành như trên một thân thể cường tráng”. Hình ảnh bất diệt của cây xà nu khiến ta lập tức nghĩa đến Tnú tiêu biểu cho lớp anh hùng của làng Xô Man, anh chịu biết bao đau đớn thương tật nhưng anh vẫn sống vẫn hoạt động cách mạng một cách sôi nổi, giặc không bắt được anh, không giết được anh, người anh hùng của vùng đất Tây nguyên. Trong sự khốc liệt, tàn bạo của chiến tranh thì sự sống vẫn vươn lên và chiến thắng cái chết, sức sống mãnh liệt, bất tử của rừng xà nu đã đại diện cho tinh thần bất khuất, kiên cường của người dân Tây Nguyên trong những năm tháng chiến tranh ác liệt.

Nguyễn Trung Thành với nghệ thuật xây dựng hình tượng xuất sắc, điểm nhìn đậm chất điện ảnh khiến cho hình tượng cây xà nu hiện lên một cách thật chân thực và sắc nét. Đôi lúc tác giả đã không kìm được mà bộc lộ những cảm xúc cá nhân thật mạnh mẽ, niềm bất ngờ, tự hào về loài cây đặc sắc. Bằng bút pháp hiện thực và bút pháp lãng mạn nhà văn đã gây dựng thật xuất sắc vẻ đẹp của cây rừng xà nu biểu tượng cho vẻ đẹp của con người Tây Nguyên, mở một cánh cửa dẫn người đọc vào thế giới của con người nơi đây, tiêu biểu là nhân vật Tnú.
 

Phân tích hình tượng cây xà nu trong truyện Rừng xà nu - Bài làm 2

Nguyễn Trung Thành là bút danh của nhà văn Nguyên Ngọc trong kháng chiến chống Mĩ, cứu nước. Truyện "Rừng xà nu" của ông viết vào năm 1965, là một truyện ngắn xuất sắc. Truyện kể về cuộc "đồng khởi" của dân làng Xô Man ở Tây Nguyên. Cụ Mết, một già làng, một thủ lĩnh quân sự đã lãnh đạo dân làng Xô Man mài giáo, mác, dụ, rựa... quật khởi đứng lên đánh lũ ác ôn, tay sai của đế quốc Mĩ để giải phóng buôn làng và núi rừng thiêng liêng. Họ đã chiến đấu vì sự sống còn, vì chân lí cách mạng ngời chói: "Chúng nó đã cầm súng, mình phải cầm giáo!".

Ngoài những nhân vật cho ta nhiều ấn tượng như cụ Mết, Tnú, Mai, Dít, bé Heng, anh Quyết,... thì hình tượng cây xà nu trong truyện ngắn được tác giả khắc hoạ và ngợi ca như một dũng sĩ oai hùng.

Ngày ấy..., cách mạng miền Nam đang trải qua những năm dài đen tối, đầy thử thách khó khăn. Lũ giặc kéo tới, lùng sục, phục kích, không đêm nào chó và súng của chúng không sủa vang cả rừng. Buôn làng bị bao vây, dân làng bị kìm kẹp và khủng bố dã man. Đầu rơi máu chảy, tang tóc và đau thương: giặc treo cổ anh Xút lên cây vả đầu làng; chúng giết bà Nhan, chặt đầu cột tóc treo đầu súng! Cùng chung số phận, chung chịu đau thương với dân làng Xô Man là rừng xà nu nằm trong tầm đại bác của giặc. Chúng bắn ngày, bắn đêm, bắn vào lúc sáng sớm và xế chiều, hoặc lúc đứng bóng và sẩm tối, hoặc lúc nửa đêm và trở gà gáy. Tang tóc bao trùm rừng xà nu. Hàng vạn cây "không cây nào không bị thương". Đạn giặc chặt đứt ngang thân mình, "cây xà nu đổ ào ào như một trận bão"; nhựa cây đọng lại, tụ lại "bầm lại đen và đặc quyện lại thành từng cục máu lớn". Rừng xà nu chịu bao tổn thất nặng nề như con người. Biết bao cây non trúng đạn giặc, vết thương "cứ loét mãi ra" sau năm, mười hôm thì cây chết!

Gần 20 lần, nhà văn nói đến rừng xà nu, đồi xà nu, cây xà nu, cành xà nu, ngọn và lá xà nu, nhựa xà nu, khói và lửa đuốc xà nu,... Mỗi lần xuất hiện, cây xà nu mang một dáng vẻ kì lạ, tất cả đều mang ý nghĩa tượng cho phách mãnh Hệt của dân làng Xô Man, của núi rừng Tây Nguyên cường bất khuất!

Người Strá đã hiên ngang trong lửa đạn, người trưóc ngã, người sau tiến lên. Rừng xà nu cung vậy, cạnh một cây bị bắn ngã gục đã có bốn, năm cây mọc lên, sinh sôi nảy nở "ngọn xanh rờn, hình nhọn mũi tên lao thẳng lên bầu trời". Nếu như cây kơ-nia có bóng cây tỏa rợp nương rẫy và lòng người biểu trưng cho sự thủy chung tình nghĩa, thì cây xà nu là một loại cây "ham ánh sáng mặt ", hương cây nhựa cây "bay ra thơm mỡ màng". Ba lần Nguyễn Trung Thành tạo nên những hình ảnh so sánh độc đáo, kì vĩ ca ngợi tầm vóc cây xà nu: lúc thì ngọn cây như một mũi tên lao thẳng lên bầu trời, lúc thì những cây con xà nu mới nhú khỏi mặt đất "nhọn hoắt như những mũi lê", lúc thì rừng xà nu "ưỡn tấm ngực lớn của mình ra che chở cho làng". Rõ ràng hình tượng cây xà nu mang tầm vóc và khí phách của một dũng sĩ đích thực trong máu lửa.

Có lúc rừng xà nu được miêu tả dưới cặp mắt của Tnú trong hai thời điểm chiều và sáng, lúc anh về thăm làng và lúc anh lại ra đi. Sau ba năm trời anh đi "lực lượng", đi tìm những thằng Dục ác ôn để trả thù, anh vể thăm quê, thăm lũ làng, gặp lại rừng xà nu như gặp lại người bạn chiến đấu, anh bồi hồi tự hào và say mê ngắm nhìn: "Đứng trên đồi xà nu ấy trông ra xa, đến hết tầm mắt cũng không thấy gì khác ngoài những đồi xà nu nối tiếp tới chân trời". Và buổi sáng anh lên đường, cùng cụ Mết và Dít còn có rừng xà nu trùng điệp tiễn anh với bao trìu mến và lưu luyến. Anh đã mang theo hình bóng quê hương để ra đi với một sức mạnh mới: "Ba người đứng ở đấy nhìn ra xa. Đến hút tầm mắt cũng không thấy gì khác ngoài những rừng xà nu nối tiếp chạy đến chân trời".

Hình tượng rừng xà nu đem đến cho ta nhiều liên tưởng sâu sắc về thế trận chiến tranh nhân dân, về người người lớp lớp, về biểu tượng rừng một về sự hi sinh và đóng góp xương máu của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên trong kháng chiến. Chính vì thế mà trong lúc gặp lại Tnú, cụ Mết đã hào hùng khẳng định với tất cả niềm kiêu hãnh và thách thức: "Mày có đi qua chỗ rừng xà nu gần con nước lớn không? Nó vẫn sống đấy, không có cây gì mạnh bằng cây xà nu đất ta. Cây mẹ ngã, cây con mọc lên. Đố nó giết hết rừng xà nu này!".

Nét đặc sắc của truyện ngắn "Rừng xà nu" là nghệ thuật tả cảnh, tả người rất độc đáo. Rừng xà nu không chỉ là cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, không chỉ là cảnh tượng chiến trường bi tráng, mà còn là biểu tượng cho chí khí anh hùng của đồng bào Tây Nguyên, của nhân dân miền Nam anh hùng. Cụ Mết chẳng khác nào dùng sĩ trong sử thi "Bài ca chàng Đam Săn"! Là một già làng 60 tuổi, quắc thước, râu dài tới ngực, mắt sáng vết sẹo của chiến tích sáng bóng, cụ Mết ở trần "ngực căng như một cây xa nu lớn".

Nói đến hình tượng cây xà nu không thể không nói tới ngọn lửa xà nu. Tác giả đã tạo nên ba nét vẽ về ngọn lửa xà nu, gợi ra một không khí huyền thoại thiêng liêng. Dưới ngọn lửa xà nu, Tnú đã đọc thư "tuyệt mệnh" của anh Quyết gửi dân làng Xô Man trước lúc anh hi sinh. Lần thứ hai, hình ảnh ngọn lửa xà nu rực cháy trên mười ngón tay Tnú, đó là ngọn lửa uất hận, căm thù "máu kêu trả máu, đầu van trả đầu" (Tố Hữu). Lần thứ ba, ánh lửa đuốc xà nu bừng sáng đỏ rực, lấp loáng ánh giáo mác, với tiếng hô: "Chém! Chém hết!" của cụ Mết, đã soi tỏ xác mười tên giặc, trong đó có thằng Dục ác ôn, nằm sóng soài giữa vũng máu trên nhà ưng. Cây xà nu đã chia ngọt sẻ bùi với đồng bào Xô Man trong những năm dài đánh Mĩ và lũ tay sai bán nước!

Nếu như nhà thơ Thu Bồn lấy cánh chim chơ-rao, một nhà thơ khuyết danh đã lấy cây kơ-nia làm biểu tượng cho lòng dân và sức mạnh quật khởi của núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ thì nhà văn Nguyễn Trung Thành đã thành công khắc hoạ vẻ đẹp tráng lệ của rừng xà nu để nóỉ lên khí phách anh hùng của dân làng Xô Man, của chủ nghía anh hùng Việt Nam. Hơi hướng Tây Nguyên, màu sắc thẩn kì, không khí thiêng liêng, phong vị những sinh hoạt truyền thống của núi rừng và con người Tây Nguyên được thể hiện một cách hào hùng qua hình tượng rừng xà nu vậy.

Truyện "Rừng xà nu" là một thành công lớn tiêu biểu cho khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn của văn học Việt Nam viết về đề tài chiến tranh. Cảnh vật và con người được chiếu sáng dưới ngọn lửa thiêng liêng thần kì. Nó đã giúp người đọc sống lại một thời kì lịch sử vô cùng đau thương và oanh liệt của dân tộc.
 

Phân tích hình tượng cây xà nu trong truyện Rừng xà nu - Bài làm 3

“Rừng xà nu” là một truyện ngắn xuất sắc của Nguyễn Trung Thành và của văn học thời chống Mĩ. Trong tác phẩm, với hình tượng cây xà nu, Nguyễn Trung Thành đã làm nổi rõ khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn, một đặc điểm cơ bản của văn học Việt Nam giai đoạn 1945-1975. Khuynh hướng này đã chi phối sự sáng tạo nghệ thuật của các nhà văn trong giai đoạn văn học này. Đọc “Rừng xà nu” những nhân vật như cụ Mết, Tnú, Dít, Mai… tạo nên ấn tượng sâu sắc nơi độc giả. Nổi bật hình ảnh cây xà nu được lặp đi lặp lại gần hai mươi lần một hình tượng đặc sắc bao trùm toàn bộ thiên truyện ngắn này. Hình tượng ấy đã tạo nên vẻ đẹp hùng tráng, chất sử thi và lãng mạn cho câu chuyện về làng Xô-man bất khuất, kiên cường. Qua tác phẩm, cây xà nu, rừng xà nu đã được Nguyễn Trung Thành miêu tả thật cụ thể, thật chi tiết với ngôn ngữ giàu chất thơ, bằng những “lời văn có cánh” trong một cảm xúc thật say mê và mãnh liệt. Cây xà nu trong truyện xuất hiện rất nhiều lần và dường như rất quen thuộc với con người nơi núi rừng Tây Nguyên, nó tham dự vào tất cả những sinh hoạt, những tâm tình, những buồn vui của người dân nơi đây trong cuộc chiến đấu chống Mĩ thật anh dũng của họ.

Tác phẩm “Rừng xà nu” là một bản anh hùng ca về cuộc đời anh dũng, đau thương, bất khuất của Tnú cũng như của tất cả dân làng Xô-man. Câu chuyện ấy được kể trên nền tảng chính của hình tượng cây xà nu – một hình tượng hàm chứa rất nhiều ý nghĩa tượng trưng và khái quát. Những cây xà nu, rừng xà nu như những con người, những tâm hồn sống, vừa là nhân chứng, vừa tham gia bản anh hùng ca, cũng vừa chịu đựng mọi vất vả, đau thương dưới tầm đạn kẻ thù. Nhưng bất chấp tất cả, rừng xà nu vẫn tràn đầy sức sống, vẫn vươn mình lên cường tráng vượt lên mọi thương đau. Cây xà nu là một hình ảnh mang tính chất tượng trưng cho khát vọng tự do, khát vọng giải phóng, cho phẩm chất anh hùng và sức sống tiềm tàng mãnh liệt của dân làng Xô-man.

Mở đầu câu chuyện là hình ảnh “cả rừng xà nu hàng vạn cây” và kết thúc vẫn là “những rừng xà nu nối tiếp chạy đến chân trời”. Hình ảnh ấy như một nét nhạc trầm hùng, một bản đàn dạo, là cái “phông” cho cả một câu chuyện khiến thiên truyện càng mang đậm tính sử thi và lãng mạn hơn. Rừng cây xà nu được xem như là biểu tượng cho con người Xô-man. Với hình ảnh nhân hóa, Nguyễn Trung Thành đã miêu tả cây xà nu như những con người, chúng cũng có “vết thương”, biết “ham ánh sáng” và “ưỡn tấm ngực lớn ra che chở cho làng”. Cây xà nu còn là một hình ảnh so sánh với con người “ngực căng bằng cây xà nu”. Rừng xà nu năm tháng đứng dưới tầm đại bác kẻ thù chịu đựng biết bao tàn phá, cũng như những đau thương mà dân làng phải gánh chịu trước ách kìm kẹp của giặc. “Cả rừng xà nu hàng vạn cây không có cây nào không bị thương”. “Cây bị chặt đứt ngang nửa thân mình nhựa ứa ra, tràn trề”… rồi dần dần bầm lại, đen và đặc quện thành từng cục máu lớn”. Hình ảnh đó gợi lên lòng căm thù và kết tụ một ý chí phản kháng.

Nhưng hơn hết vẫn là sức sống mãnh liệt đầy sức trẻ của rừng xà nu bạt ngàn. “Cạnh một cây xà nu mới ngã gục đã có bốn năm cây con mọc lên, ngọn xanh rờn, hình nhọn mũi tên lao thẳng lên bầu trời”, “có những cây mới nhú khỏi mặt đất, nhọn hoắc như những mũi lê” “nó phóng lên rất nhanh để tiếp lấy ánh sáng”. Thế mới biết sức trẻ của cây xà nu mãnh liệt đến dường nào! Sức trẻ ấy còn mang tính tượng trưng cho thế hệ trẻ của làng Xô-man. Đó là những Mai, Dít, Tnú, Heng, những con người luôn gắn bó với cách mạng, bất khuất từ tuổi thơ, lớn lên trong lửa đạn, trưởng thành trong đau thương và sẵn sàng chiến đấu hi sinh vì tự do của dân tộc.

Bên cạnh đó, sức sống bất khuất kiên cường của cây xà nu còn được tạo bởi hàng vạn cây ở những đồi xà nu nối tiếp nhau tới chân trời ở tấm ngực lớn của rừng ưỡn ra che chở cho làng. Đó là những cây xà nu thật vững chắc, xanh tốt đã vượt lên được cao hơn đầu người, cành lá sum suê như những con chim đã đủ lông mao, lông vũ. Đạn đại bác không giết nổi chúng, những vết thương của chúng chóng lành như trên một thân thể cường tráng chúng vượt lên rất nhanh thay thế những cây đã ngã”, một cây ngã xuống tức thì bốn năm cây con lại mọc lên cứ thế trở thành cả một rừng cây xà nu nối tiếp đến chân trời. Những cây xà nu, rừng xà nu ấy là hình ảnh của dân làng Xô-man kiên cường chống giặc, bất chấp mọi hi sinh, một lòng đi theo Đảng, đi theo kháng chiến hết thế hệ này đến thế hệ khác. Đó là những cụ Mết, anh Xút, Tnú, Mai, Dít, anh Brơi… mà tiêu biểu là hình ảnh cụ Mết. Nhà văn đã ví cụ “như một cây xà nu lớn”. Hơn ai hết, cụ là người hiểu rất rõ sự gắn bó của cây xà nu và mảnh đất đang sống, hiểu được sức mạnh tiềm tàng bất khuất của rừng xà nu cũng như của dân làng Xô-man. Chính cụ Mết đã nói với Tnú “không có cây gì mạnh bằng cây xà nu đất ta”, “cây mẹ chết cây con lại mọc lên”.

Cây xà nu còn là người chứng kiến sự giác ngộ, sự hi sinh thầm lặng, lòng dũng cảm và ý chí quật khởi của dân làng Xô-man. “Đứng trên đồi cây xà nu gần con nước lớn, cả vùng Xô-man ào ào rung động. Và lửa cháy khắp rừng”. Ánh lửa xà nu soi sáng lời căn dặn của anh Quyết: “Người còn sống phải chuẩn bị dao, mác, vụ, rựa, tên, ná… Sẽ có ngày dùng tới”. Lửa xà nu thử thách ý chí cũng như lòng can đảm của Tnú: “Không có gì đượm bằng nhựa cây xà nu… Mười ngón tay đã thành mười ngọn đuốc… máu anh mặn chát ở đầu lưỡi…”

Giọng điệu sử thi của “Rừng xà nu” bắt đầu từ câu chuyện kể của cụ Mết dưới ánh lửa xà nu, một câu chuyện phảng phất phong vị anh hùng ca. Và cây xà nu không chỉ gắn với quá khứ, hiện tại anh hùng mà còn gắn bó với mọi sinh hoạt, phong tục và đời sống văn hóa của người Xô-man, của các dân tộc Tây Nguyên.

Hình tượng cây xà nu thật sự là một sáng tạo nghệ thuật đáng kể của Nguyễn Trung Thành. Nhà văn đã lựa chọn hình ảnh cây xà nu và đem lại cho nó những ý nghĩa mới những lớp ý nghĩa rất khác nhau qua cách viết vừa gợi vừa tả của tác giả. Qua hình tượng này người đọc không chỉ thấy rõ sức sống kiên cường, mãnh liệt của dân làng Xô-man, của con người Tây Nguyên nói riêng mà còn là của dân tộc Việt Nam nói chung trong những tháng năm chống Mĩ.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây