Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Phân tích hai bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng và Bên kia sông Đuống của Hoàng Cầm để làm rõ tình cảm yêu nước và cảm hứng lãng mạn của thơ Việt Nam những năm kháng chiến chống Pháp

Chủ nhật - 05/01/2020 08:15
Hướng dẫn làm bài
1. Giới thiệu
Tình cảm yêu nước và cảm hứng lãng mạn là những nội dung cơ bản của văn học Việt Nam những năm đầu kháng chiến chống Pháp. Điều đó có thể thấy trong 2 bài thơ được coi là xuất sắc của thơ ca thời kỳ này: Tây Tiến của Quang Dũng và Bên kia sông Đuống của Hoàng Cầm.
2. Phân tích
a. Tình cảm yêu nước
a.1. Cả hai bài thơ đều dựng lại, tái hiện lại những vẻ đẹp phong phú của đất nước quê hương
- Ở Bên kia sông Đuống Hoàng cầm đã xây dựng hình ảnh của một thế giới Kinh Bắc vừa tươi tắn, tràn đầy sức sống mà cũng thơ mộng êm đềm như trong giấc mộng, một Kinh Bắc trù phú giàu có trong những giá trị văn hoá vật chất cũng như tinh thần, cũng là một Kinh Bắc vừa cổ kính đằm sâu vừa nồng nàn quyến rũ.
- Ở Tây Tiến, Quang Dũng đã tái hiện lại vẻ đẹp của một vùng đất phía Tây của Tổ quốc Việt Nam: miền Tây Bắc xa xôi hiện lên trong thi phẩm vừa hùng vĩ hiểm trở, vừa lãng mạn nên thơ lại vừa gần gũi vì ấm áp hơi thở của cuộc sống con người.
a.2. Là thơ viết trong chiến tranh, khi cuộc sống con người phải trải qua nhiều đau thương mất mát, cả 2 bài thơ đều không né tránh những nỗi đau chiến tranh:
- Ở Bên kia sông Đuống, nỗi đau thể hiện qua giọng thơ nghẹn ngào nức nở, qua những câu thơ tái hiện lại cảnh quê hương Kinh Bắc tan hoang xơ xác tiêu điều dưới gót giày xâm lược. Trong khung cảnh chiến tranh, mọi cái đẹp trở thành cái mất, những gì từng là niềm tự hào lại gợi nỗi nuối tiếc xót xa. Cũng trong nỗi đau, nhà thơ đã hình dung kẻ thù như một bầy quỷ ác điên cuồng khát máu lùng sục khắp ngỏ thẳm bờ hoang để huỷ diệt mọi mầm sống của con người và quê hương bằng ngọn lửa hung tàn.
- Ở Tây Tiên nỗi đau dồn nén, ẩn chứa trong những câu thơ nói về sự khốc liệt của chiến tranh, về những sự hy sinh gian khổ của người lính.
- Điều quan trọng là, các nhà thơ trong khi thể hiện nỗi đau chiến tranh đã không quên khơi dậy lòng căm thù và sức mạnh tranh đấu, nói về nỗi đau như một động lực để thôi thúc sức mạnh chiến đấu và tinh thần vùng lên quật khởi (Bên kia sông Đuống). Chính tình yêu nước đã khiến con người – đặc biệt là những người lính trẻ sẵn sàng chấp nhận hi sinh đời xanh của riêng mình, sẵn sàng xả thân để bảo vệ đất nước xanh tươi mãi mãi (Tây Tiến). Những câu thơ viết về nỗi đau trong chiến tranh, vì thế, không hề gây bi lụy, làm nhụt nhuệ khí chiến đấu như đánh giá của một số người. Trái lại, nó vẫn đáng trân trọng như một biểu hiện của tình yêu Tổ quốc.
a. 3. Ca ngợi bước chân người anh hùng vệ quốc và thể hiện niềm vui được trở về giải phóng quê hương:
- Ở Bên kia sông Đuống, cái tôi trữ tình của nhà thơ đã hoà mình trong đoàn quân trở về giải phóng quê hương. Khi bộ đội trở về, kẻ thù run sợ hoảng loạn, con sông Đuống quê hương cuộn trào muôn lớp sóng cuốn phăng đồn thù, cuồn phăng đau thương để băng tới một chân trời hạnh phúc, ở đó, Kinh Bắc lại hồi sinh trong những ngày hội mùa xuân đẹp rực rỡ như trong huyền thoại.
- Ở Tây Tiến, Quang Dũng đã ngợi ca vẻ đẹp của người lính trẻ: họ không chỉ có sức mạnh phi thường, có tâm hồn lãng mạn tràn đầy tình yêu và khát vọng mà còn có lý tưởng và ý thức xả thân vì Tổ quốc, vì quê hương “Mắt trừng gửi mộng qua biên giới/Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”, “Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”. Khi người lính chấp nhận hy sinh, sẵn sàng hy sinh cho đời xanh của Tổ quốc, họ sẽ trở thành bất tử ngay cả khi đã ngã xuống.
b. Cảm hứng lãng mạn đã chắp cánh cho thơ ca, tạo nên vẻ đẹp bay bổng cho hình tượng nghệ thuật
b.1. Khái niệm và cơ sở hình thành cảm hứng lãng mạn
- Cảm hứng lãng mạn là sự lôi cuốn mãnh liệt của những cảm xúc, tình cảm và mơ ước trong tâm hồn nghệ sĩ tạo cho nghệ sĩ một cái nhìn đầy màu sắc lý tưởng trước hiện thực và kích thích trí tưởng tượng dồi dào mạnh mẽ. Các phương diện thường thấy của cảm hứng lãng mạn là cảm xúc mãnh liệt, trí tưởng tượng mạnh mẽ và xu hướng lý tưởng hoá hiện thực.
- Cơ sở hình thành cảm hứng lãng mạn:
+ Khách quan: Đời sống cách mạng, đời sống kháng chiến tự bản thân nó bộc lộ khá nhiều vẻ đẹp, gợi niềm vui, niềm tin tưởng và mơ ước
+ Chủ quan: Quang Dũng xuất thân là một thanh niên trí thức Hà thành với tư chất hào hoa lịch lãm và đầy lãng mạn. Ở Quang Dũng, thực tế chiến trường đã hoà quyện với vốn kiến thức sách vở mà trong đó đầy ắp những hình ảnh trượng phu hiệp sĩ của văn chương quá khứ. Điều đó chi phối cách nhà thơ cảm nhận và tái hiện cuộc sống vào tác phẩm. Hoàng Cầm là con đẻ của vùng Kinh Bắc, được nuôi dưỡng bằng nền văn hoá Kinh Bắc, đặc biệt là dòng dân ca quan họ vốn đắm đuối nồng nàn cảm xúc, lại trưởng thành từ một vùng đất quê có cảnh quan thơ mộng đặc sắc. Nét đẹp riêng của quê hương hoà quyện với chất tài hoa, lãng mạn, đa tình trong tâm hồn đã tạo cảm hứng lãng mạn cho thơ Hoàng cầm.
b.2. Biểu hiện của cảm hứng lãng mạn
- Ở Tây Tiến, cả bài thơ dào dạt một nỗi nhớ miền Tây Bắc - một vùng đất khắc nghiệt song cũng tuyệt đẹp trong những vẻ đẹp đầy ấn tượng. Chất lãng mạn thể hiện ở cách xử lý của Quang Dũng với nhiều vẻ đẹp rất khác của miền đất này: Bút pháp lý tưởng hoá đẩy mọi sắc thái cảnh vật đến giới hạn phi thường kỳ lạ (vẻ huyền ảo lung linh kỳ lạ, nét hoang sơ, bí ẩn và quyến rũ kỳ lạ..,). Đặc biệt tất cả những sắc thái rất khác của cảnh sắc miền Tây Bắc có thể cùng tồn tại trong một bức tranh thơ. Trong ký ức và niềm xúc động của nhà thơ, cảnh như được phủ lên một màn sương huyền thoại, đẹp như một bức cổ họa. Trên nền cảnh ấy là hình tượng người lính Tây Tiến oai dữ, kiêu dũng, hào hoa mà cũng rất anh hùng: oai dữ ở dáng vẻ “dữ oai hùm”, diện mạo “không mọc tóc”; kiêu dũng ở tư thế “không bước nữa”, “bỏ quên đời”, ở tâm thế “chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”; hào hoa trong những cảm xúc đầy mộng mơ về dáng đẹp thiếu nữ Hà thành, trong cảm xúc mê đắm trước vẻ đẹp lung linh huyền ảo của đêm hội, của hoa cảnh và hoa người; anh hùng trong quyết tâm chiến dấu, trong ý thức xả thân, trong cái chết làm rực sáng lên một tinh thần bất tử “áo bào thay chiếu anh về đất/ Sông Mã gầm lên khúc độc hành”. Cảm hứng lãng mạn một lần nửa giúp Quang Dũng thống nhất được các mặt hầu như đối lập giữa dữ dội và hào hoa, mơ mộng và anh hùng để nêu bật vẻ đẹp của một hào khí đầy lãng mạn ở một thế hệ thanh niên Việt Nam trong thời kỳ lịch sử đặc biệt.
- Ở Bên kia sông Đuống, cảm hứng lãng mạn gắn với niềm tin chiến thắng và giấc mơ về một ngày hội non sông. Ngay trong thời khắc tột cùng đau thương khi nghe tin quê hương bị giặc càn, Hoàng cầm đã viết lên những câu thơ về sự hồi sinh, về sự sống bất diệt của quê hương
“Sông Đuống trôi đi... trường kỳ” “Mà cánh đồng ta... nắng đẹp mùa xuân” “Em mặc yếm thắm... xuân xanh”
3. Tống kết - đánh giá
- Tình yêu quê hương đất nước và cảm hứng lãng mạn là nét nổi bật của thơ ca chống Pháp. Chính nó là yếu tố cơ bản để thơ ca chống Pháp có sức sống bền lâu.
- Thể hiện một cách sâu sác tình yêu quê hương đất nước và cảm hứng lãng mạn nhưng Bên kia sông Đuống và Tây Tiên vẫn có vẻ đẹp riêng . Chính những vẻ đẹp riêng ấy góp phần tạo nên tính đa dạng của nền thơ ca cách mạng.

Bản quyền thuộc về Sách Thư Viện. Ghi nguồn sachthuvien.com khi đăng lại bài viết này.

  Ý kiến bạn đọc

DANH MỤC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây