Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Anh (chị) hãy phân tích những đặc sắc nghệ thuật của ngòi bút Kim Lân trong truyện ngắn Vợ nhặt

Chủ nhật - 05/01/2020 08:28
Hướng dẫn làm bài:
1. Giới thiệu
- Kim Lân tuy viết không nhiều song được đánh giá là một trong những cây bút truyện ngắn xuất sắc của nền văn xuôi hiện đại. Mảng đề tài sở trường của ông là con người và cuộc sống ở làng quê Việt Nam, tuy nghèo song thuần hậu và ấm áp nghĩa tình.
- Truyện ngắn Vợ nhặt (rút từ tập Con chó xấu xí - 1962) khai thác một đề tài đã gây nhiều cảm xúc và suy nghĩ cho giới văn nghệ sĩ: đó là cuộc sống của người lao động trong thảm hoạ đói khát năm 1945. Bên cạnh những khám phá riêng, mới mẻ và sâu sắc về con người và cuộc sống năm đói, truyện ngắn còn thành công ở nghệ thuật viết truyện giản dị mà tài tình của ngòi bút Kim Lân.
2. Phân tích
a. Chủ đề của truyện ngắn: Khai thác đề tài về cuộc sống đói khổ cơ cực của người lao động nghèo Việt Nam năm đói 1945. Song truyện ngắn Vợ nhặt không ham đi vào phơi bày cái phần thảm hại của cuộc sống mà thiên về khẳng định những điều tốt đẹp trong bản chất tâm hồn người quê Việt Nam: giàu tình yêu thương, không bao giờ hết hi vọng, tin tưởng vào cuộc sống dù hoàn cảnh đen tối nhất. Chính Kim Lân đã tâm sự rằng cái đói vừa đau đớn, vừa đắng cay song đồng thời nó cũng làm loé lên những tia sáng của đạo đức, danh dự. Truyện ngắn Vợ nhặt đã khai thác khía cạnh sau để làm bật một phát hiện của Kim Lân: “Trong cái đói, trong sự khốn cùng, người dân quê Việt Nam vẫn cố gắng vươn lên khỏi cái chết, cái thảm đạm để mà vui, để mà hi vọng”.
b. Để thể hiện chủ đề này, Kim Lân trước hết đã lựa chọn và xây dựng một tình huống vô cùng độc đáo: tình huống nhặt vợ, câu truyện nhặt vợ của Tràng vừa éo le, vừa lạ lùng lại vừa thiêng liêng cảm động - nó éo le trong cảnh ngộ, lạ lùng trong nhu cầu ứng xử của con người và thiêng liêng cảm động trong giá trị tinh thần mà nó đem lại cho mỗi người trong cuộc cũng như ngoài cuộc. Câu chuyện diễn ra nhanh chóng và bất ngò, lúc đầu chỉ như một chuyện tầm phơ tầm phào song thực chất lại là tất yếu. Các tình tiết xuất hiện tự nhiên, đơn giản song cũng được sắp xếp và liên kết rất chặt chẽ để làm nổi rõ chủ đề tác phẩm.
c. Trong quá trình triển khai tình huống, Kim Lân rất chú ý làm nổi rõ tâm lí nhân vật. Nhà văn đã thể hiện một nghệ thuật miêu tả tâm lí rất đặc sắc.
- Kết hợp miêu tả trực tiếp tâm lí nhân vật với việc gián tiếp thể hiện nó qua miêu tả những hành động, cử chỉ, lời nói, nét mặt. Đặc biệt, nhà văn chú ý làm bật nội tâm nhân vật qua cách nhập giọng kể vào với giọng nói bèn trong của nhân vật để bộc lộ một cách tự nhiên và xúc động những trạng thái cảm xúc và những lớp ý nghĩ đan xen, chồng chéo lên nhau.
- Kim Lân không dừng lại ở một nét tâm lí đơn giản mà dựng lại dược cả một quá trình tâm lí khá phức tạp và đầy những vận động đổi thay vừa bất ngờ, vừa tất yếu: ở anh Tràng là từ những lo lắng về sự khó khăn trong việc kiếm sống để đảm bảo sự sinh tồn đến sự vui mừng phấn chấn, vừa xúc động mạnh mẽ, vừa ngạc nhiên ngỡ ngàng, vừa có chút tự hào đắc ý và cuối cùng là những ý nghĩ nghiêm túc đứng đắn về tình yêu gia đình và trách nhiệm với vợ con. Ở bà cụ Tứ là từ những ngạc nhiên ngỡ ngàng, buồn tủi lo âu đến niềm vui, sự tin tưởng và hi vọng. Điều quan trọng là nhà văn đã lí giải một cách thuyết phục những biến đổi tâm lí ấy bằng việc mô tả hoàn cảnh và khắc hoạ tính cách, bản chất của nhân vật như một cơ sở, một tác nhân quan trọng và tích cực.
- Trước sau Kim Lân vẫn thống nhất khẳng định những phẩm chất quý giá của tâm hồn con người nên những chi tiết có khả năng biểu lộ hoặc làm bộc lộ tính người, tình người được nhà văn chú ý lựa chọn và đặc tả. Hành động mua 2 hào dầu và khoe với vợ của anh Tràng, cách đón nhận con dâu của bà cụ Tứ, hình ảnh bữa ăn ngày đói với những món ăn tồi tàn và thái độ, không khí vui vẻ đầm ấm... Nhờ thế, các nhân vật hiện lên rất sinh động: anh Tràng, bà cụ Tứ... tiêu biểu cho những người lao động cơ cực nghèo khổ song vẫn giữ được nguyên vẹn tấm lòng trong sáng, nhân hậu.
d. Lời văn, giọng văn: Lời văn mộc mạc, giản dị, gần với khẩu ngữ nhưng có sự chắt lọc kì lưỡng do đó có sức gợi lớn. Những từ ngữ có tính đặc tả như dáng đi “ngật ngưỡng” đường “khẳng khiu”, những ý nghĩ “nhấp nhỉnh”, vẻ mặt “phớn phở”, dãy phố “úp xúp”, dáng di “dật dờ”, đứng “tây ngây”, đi “lọng khọng” tạo nên một phong vị và sức lôi cuốn riêng. Giọng văn kể chuyện khá uyển chuyển, linh hoạt và có chừng mực. Tác giả rất chủ động trong việc diều khiển ngòi bút: có hài hước hóm hỉnh song không thành cười cợt bông phèng, có thương cảm xót xa song không bị lên gân, có ngậm ngùi buồn bã song không thành bi quan chán nản. Nhờ thế, truyện giàu chất hiện thực, thậm chí săn đuổi đến phần bỏng rát nhất của hiện thực mà vẫn bàng bạc, thấm thía và đằm sâu chất trữ tình.
3. Kết luận
- Được viết lại từ một cuốn tiểu thuyết Xóm ngụ cư, truyện ngắn Vợ nhặt là kết quả sự nghiền ngẫm sâu sắc cả về nội dung và nghệ thuật, nó kết tinh tấm lòng và tài năng của nhà văn Kim Lân. Lối viết cẩn trọng, tỉ mỉ, tinh tế và đầy sáng tạo đã khiến cho một đề tài không có gì mới mẻ vẫn toả sáng những ý vị thật riêng, thật sâu sắc.
- Truyện ngắn Vợ nhặt đã tập hợp được những yếu tố nghệ thuật quan trọng của thể loại này: lựa chọn tình huống, xây dựng nhân vật, giọng văn trần thuật, kể, tả sinh động, phong phú. Đó là lí do Vợ nhặt được đánh giá rất cao và góp phần tạo nên vị trí xứng đáng của tác giả trong nền văn học dân tộc.

Bản quyền thuộc về Sách Thư Viện. Ghi nguồn sachthuvien.com khi đăng lại bài viết này.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây