Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Phân tích truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam (Bài mới nhất)

Thứ sáu - 13/05/2022 05:46
Thạch Lam (1910-1942) là em ruột của hai nhà văn Nhất Linh và Hoàng Đạo; là một trong những cây bút chủ yếu của Tự lực văn đoàn. Ông có nhiều đóng góp đặc sắc cho quá trình hiện đại hóa văn xuôi Việt Nam, đặc biệt ở giai đoạn 1930-1945.
Thạch Lam là một cây bút truyện ngắn tài hoa. Các truyện ngắn của ông đều toát lên tư tưởng nhân ái đáng quý. Lời văn của ông giản dị, trong sáng, gợi cảm; nhân vật ông tạo nên hầu hết được diễn tả khá tinh tế về mặt tâm lí.

Có khá nhiều truyện mà người đời sau cho là “chuyện tâm tình”, “truyện không có chuyện nhưng có sức gợi thật sâu xa”, hay “truyện như một bài thơ bằng văn xuôi”...

Truyện “Hai đứa trẻ” là một trong những kiệt tác chứa đựng nhiều đặc điểm phổ quát nhất của phong cách Thạch Lam. Ở đấy, thông qua việc miêu tả cuộc sống tù đọng, mòm mỏi, tẻ nhạt của những con người bé nhỏ, nhẫn nhục trong một phố huyện nghèo từ lúc chiều xuống cho tới đêm khuya, Thạch Lam - bằng lối kể chuyện trầm tĩnh và có vẻ mơ mộng... đã thể hiện thật tài tình nỗi xót thương của mình trước những số phận nghèo khổ đang tàn lụi dần.

“Hai đứa trẻ” là truyện ngắn, cốt truyện đơn giản. Các tình tiết lớn của truyện có thể tóm tắt trong ba khoảng thời gian: buổi hoàng hôn, ban đêm và đêm khuya. Cảnh bao trùm lên toàn bộ các sự vật, sự việc, con người là bóng tối. Tuy vậy, vẫn lấp ló đủ mọi thứ ánh sáng. Trên cái nền sáng tối đó, tất cả như nhòe đi, lúc rõ, lúc khuất. Cũng bởi vậy, câu chuyện kể, tuy chỉ nói đến những sự việc bình thường, những con người bé nhỏ... nhưng lại có sức gợi rất lớn. Nhà văn muốn nói tiếng nói về cuộc sống, cảm nhập và suy ngẫm về nó, trước hết đều bắt đầu từ những gì thân thuộc và gần gũi, sâu lắng nhất. Ta có thể lí giải điều này bằng thuở thơ ấu của Thạch Lam trôi qua ở phố huyện Cẩm Giàng êm đềm. Có lẽ, lúc viết “Hai đứa trẻ”, những kỉ niệm thân quen đã thành máu thịt hằn trong kí ức bừng thức dậy, xôn xao... trước một cảnh đời tương tự mà ông được chứng kiến. Vì vậy, truyện vừa thực, vừa lộ bày, vừa trữ tình, sâu lắng vọng ra từ kí ức và tâm khảm của văn nhân. Không nắm bắt được điều này, người ta để hiểu và đánh giá tác phẩm lệch lạc hoặc phiến diện.

Truyện mở đầu bằng một cảnh thực xốn xang tâm trạng: cảnh chiều buông. Âm thanh “tiếng trống thu không”... vang ra để gọi buổi chiều. Màu đỏ của mặt trời là màu của “hòn than sắp tàn” hắt vào đám mây. Và dãy tre làng đã” “đen lại và cắt hình rõ rệt trên nền trời” Tả cảnh chăng? Đúng thế! Song nếu để ý một chút, ta có thể thấy cảnh vật ở đây không vô hồn và nhà văn không vô tình tả như thế. Thực ra thì chiều gọi tiếng trống, mặt trời lặn, và đêm bắt đầu buông. Nhà văn cố tình diễn tả cảnh vật theo ý muốn chủ quan, theo sở thích dùng lối tả gián tiếp sự vật của mình. Cảnh chiều quen thuộc muôn đời ai cũng biết, nhìn đều biết ... giờ đây như đọng lại, hắt lên trên giấy, pha lẫn những thoáng nhìn, thoáng cảm của Thạch Lam.

Bước đi chậm rãi của thời gian cũng thoảng một nỗi buồn man mác. Buồn trong câu “Chiều, chiều rồi “vừa như một nhận xét vừa như một tiếng thở dài nhẹ. Chiều như cảm thấy được (êm như ru) Chiều tĩnh lặng qua chi tiết “văng vẳng tiếng ếch nhái kêu ran ngoài đồng ruộng theo gió nhẹ đưa vào”. Tín hiệu quê được báo hiệu bằng những âm thanh vọng lên từ nơi tù đọng “muỗi đã bắt đầu vo ve”... Cái buồn thấm vào lòng khiến người ta “buồn man mác”... mà “không hiểu sao”.

Trong bóng chiều ngày một sẫm lại, có nhửng công việc khép lại, có những công việc lại bắt đầu. Khép lại phiên “chợ họp giữa phố vãn từ lâu”, khép lại trong việc chị em Liên “đếm lại những phong thuốc lào, xếp vào hòm những bánh xà phòng... lẩm nhẩm tính tiền...” hay trong bóng bà lão điên “lẫn vào bóng tối, tiếng cười khanh khách nhỏ dần về phía làng...” Trước đó, sự mở ra bắt đầu bằng câu chuyện không ăn nhập của hai chị em Liên; rồi bao nhiêu là đèn thắp lên; mấy đứa trẻ “cúi lom khom trên mặt đất tìm tòi” để “nhặt nhạnh thanh nứa thanh tre hay bất cứ cái gì có thể dùng được của các người bán hàng để lại”, mẹ con chị Tí bắt đầu dọn cửa hàng nước không biết “để bán cho ai”...

Cái mở ra và cái khép lại xen cài vào nhau như tạo ra một cuộc sống mà ta cảm nhận được là luẩn quẩn, tù đọng và ngột ngạt. Chúng là đời thường, lặp đi lặp lại đến chán ngắt. Chúng là điều có thể đem ra đế mà giải thích cho nỗi buồn “không hiểu sao” của Liên.

Cảnh đêm có không khí khá giống cảnh chiều ở chỗ “êm như nhung” (ở trên là “êm như ru”), “đầy bóng tối” (ở trên là “bóng tối ngập đầy dần”). Khác chăng là các loại ánh sáng chỉ còn lọt qua khe cửa, lũ trẻ “tụ tập ở thềm hè, tiếng cười nói vui vẻ” vang trong đêm tĩnh. Hai đứa trẻ vẫn lặng lẽ hết nhìn trời sao rồi lại nhìn xuống mặt đất xung quanh... Những sinh hoạt trong phố huyện thu vào hoạt động của gánh phở bác Siêu “một thứ quà xa xỉ... hai chị em không bao giờ mua được”', thu vào câu chuyện chán nản do ế ẩm của hàng nước chị Tí; thu vào tiếng bật trong im lặng của tiếng đàn bầu bác Xẩm... Cái nghèo lộ khá rõ trong đêm vắng. Chị em Liên mơ về “những cốc nước lạnh xanh đỏ” xa xưa, thằng con bác xẩm “bò ra đất ngoài manh chiếu, nghịch nhặt những rác bẩn vùi trong cát bên đường...”. Cái tù đọng và nghèo nàn hiện rõ đến mức Thạch Lam đang kể chuyện phải kêu lên một câu tưởng như không thể có ở một người viết truyện già dặn như ông vì ý đồ chủ quan quá rõ “Chừng ấy người trong bóng tối mong đợi một cái gì tươi sáng cho sự sống nghèo khổ hàng ngày của họ”!

Cảnh đêm khuya trở nên tĩnh lặng hơn, bỗng xôn xao, náo động bởi chuyến tàu. Liên thức chủ yếu cũng chỉ vì chuyến tàu ấy. Chuyến tàu được báo hiệu bằng “ngọn lửa xanh biếc, sát mặt đất như ma trơi” - đèn ghi. Ánh đèn khiến Liên phải thầm kêu lên “Đèn ghi đã ra kia rồi”. Rồi tiếng còi, tiếng xe “rít mạnh vào ghi” trong tiếng reo của Liên, trong cái “dụi mắt cho tỉnh hẳn” của An. Chuyến tàu đến “như đã đem một thế giới khác đi qua”. Nó như một dấu hiệu của sự thay đổi trong ngày, thay đổi không khí tẻ ngắt đã ngự trị ở đây suốt từ lúc bắt đầu câu chuyện. Rồi chuyến tàu qua. Bác Siêu đã vào làng; chị Tí dọn đồ; vợ chồng bác Xẩm đã ngủ gục... “Liên ngập vào giấc ngủ yên tĩnh”. Bóng tối lại phủ đầy... Lần này, cũng giống như hai lần trước, bóng tối phủ lên vạn vật. Có điều khác là ở những lần trước, dù bị bóng tối bao phủ, con người vẫn còn có thể cưỡng lại bằng các hoạt động, còn bây giờ, bóng tối đã chiến thắng, vùi bao số phận nghèo hèn trong nó, nuốt chửng đi.

Có khá nhiều ý kiến bàn về hình ảnh bóng tối lặp đi lặp lại trong tác phẩm “Hai đứa trẻ”. Có thể hiểu hình ảnh bóng tối là cảnh thật, lúc câu chuyện được kể lại. Cũng có thể hiểu, từ cái thật, bóng tối - vốn là cái có thật ấy - đã trở thành một hình ảnh mang ý nghĩa là một biểu tượng. Theo sự cố ý nhấn mạnh của Thạch Lam, hình ảnh biểu tượng này có ý nghĩa gợi lên là sự tăm tối, sự tù đọng, luẩn quẩn mà những con người nghèo khó khó có thể vượt qua nổi... Nếu hiểu như vậy thì hình ảnh ánh sáng - bao nhiêu là loại ánh sáng trong truyện - chính là niềm hi vọng khó có thể dập tắt ở những con người nói trên. Hi vọng vào đâu, hi vọng vào cái gì và vào ai, “Liên không hiểu” và cả tác giả cũng không hiểu. Bởi thế, dù truyện được nhiều người coi là Thạch Lam đã chơi ánh sáng trong những trang viết của mình; song đã là trò chơi, thì dù có muốn, những trang viết của ông vẫn tràn đầy bóng tối... Ngoài đời chưa có ánh sáng nên nỗi ước mong ánh sáng càng thiết tha thì khi nó bị bóng tối lấn lướt, khiến ta càng não lòng hơn. Truyện buồn là do nguyên nhân sâu xa này. Dĩ nhiên ta có thể coi đó là một nỗi buồn đẹp, nỗi buồn bắt nguồn từ lòng nhân ái của nhà văn tràn ra, thấm vào lòng người đọc.

Truyện “Hai đứa trẻ” có rất ít nhân vật. Họ đều nghèo, ít nói nàng và hành động rất lặng lẽ. Đó là mẹ con chị Tí bán nước, bác phở Siêu, bà cụ Thi, vợ chồng bác xẩm và những đứa trẻ - trạc tuổi Liên và An và bé Hơn (con bác xẩm).

Hai nhân vật xuất hiện từ đầu cho đến cuối truyện là hai đứa trẻ: Liên và An.

Ở đầu và cuối truyện, Thạch Lam gọi nhân vật Liên là “chị”. Trong khoảng giữa nhà văn chỉ gọi là Liên. Từ “chị” biểu lộ một sắc thái tình cảm thương mến, một đánh giá: cô bé đã lớn - lớn trước tuổi. Liên mang dáng dấp muôn thuở của người phụ nữ Việt Nam suốt một đời tần tảo, chịu thương, chịu khó, lo toan gánh vác việc nhà cho dù đôi vai còn gầy yếu. Mẹ tin giao cho chìa khóa tráp tiền đeo vào dây xà ích ở thắt lưng, đếm tiền, kiểm hàng trong gian tạp hóa nhỏ... Cô như già dặn hơn khi biết cảm thương cho kiếp người, những đứa trẻ lang thang... nhưng đủ kinh nghiệm để “không có tiền để mà cho”... Cô đủ biết món quà xa xỉ của bác Siêu “hai chị em không bao giờ mua được”.

Tuy nhiên, trong suốt truyện, dù có những nét lớn trước tuổi bởi cuộc sống (Liên), Liên và An vẫn là hai đứa trẻ thơ. Chất trẻ thơ ở hai sinh linh bé nhỏ này được nhà văn thể hiện qua hàng loạt cái nhìn, cái cảm non tơ, bỡ ngỡ, mới mẻ của họ đối với cuộc sống xung quanh.

Tưởng như đã quá quen thuộc cảnh phố huyện chiều, đêm, khuya. Tưởng như tất cả cứ lặp đi lặp lại, tù đọng, nhức buốt lặng thầm trong cảnh vật... Song, với Liên và An, hình như họ vẫn cố tìm ở đó, tìm ở cái đời thường cái mới, cái lạ. Họ cố tìm cái gì đó ở một chiều quê buồn, “ngồi yên nhìn ra phố” dõi theo các loại đèn ở các nhà đang bừng sáng, phát hiện ra được vẻ đẹp của “cát lấp lánh”, “đường mấp mô” vì “một bên sáng một bên tối”.

Họ cố xúc cảm trước “mùi âm ẩm bốc lên”, “mùi cát bụi quen thuộc” và phát hiện ra rằng vẫn có những cái lạ. Cái lạ đó là “mùi riêng của đất”, mùi vị “của quê hương”.

Có gì đó xa xăm trong “vũ trụ thăm thẳm”, “đầy bí mật và xa lạ”. Hai đứa trẻ không hiểu và “cúi nhìn về mặt đất”, ở đó họ thấy những đứa trẻ lượm rác, thấy bà cụ Thi, vợ chồng bác xẩm và đứa con nheo nhóc của họ... Họ thấy và “động lòng thương”. Họ đã tìm dược bí mật, không phải ở những ngôi sao xa kia, mà ở chính trong lòng mình: tình thương đồng loại. Bài học của những đứa trẻ nghèo tự rút lấy từ cuộc sống, từ chính mình.

Có một chuyến tàu đêm mà bao nhiêu háo hức đợi chờ. Đợi chờ nó đến và đi. Như một niềm mơ về “một thế giới khác hẳn”, thế giới của quá khứ xa lắc hay thế giới của tương lai mờ ảo trong ánh sáng con tàu gợi lên... Có lẽ Liên và An đều lờ mờ nhóm lên một hi vọng. Dĩ nhiên, hi vọng và thao thức rồi cũng tắt ngấm và kéo họ trở về thực tại (Liên ngập vào giấc ngủ)... Những chi tiết cuối cùng này chứng tỏ họ đã “lớn”, sau một ngày tàn, rồi tiếp những ngày tàn...

Hòa trộn hai nét tính cách “già”, “trẻ” hay “lớn”, “bé”, Thạch Lam cũng dùng như thủ pháp hòa trộn hiện thực và mơ mộng, sáng và tối... Nhân vật của ông không rõ nét về hình dáng nhưng thật sâu ớ tám 'hỗn.

“Hai đứa trẻ” là một thiên truyện giàu tính nghệ thuật, câu văn của Thạch Lam thường mềm mại, uyển chuyến, giàu hình ảnh và nhạc điệu, gọn gàng, ít khi thừa câu chữ và rất sát sự thật, sự việc. Ta hãy lấy tiểu đoạn ở đầu truyện làm ví dụ: “Tiếng trống thu không trên cái chòi của huyện nhỏ; từng tiếng vang ra để gọi buổi chiều. Phương Tây đỏ rực như lửa cháy và những dám mây ánh hồng như hòn than sắp tàn. Dãy tre làng trước mặt đen sạm lại và cắt, hình rõ rệt trên nền trời”. Đúng là “một chiều êm như ru”. Tiểu đoạn có ba câu thì tất cả ba câu đều có tiếng cuối cùng là những vần bằng, thuộc loại thanh thấp: chiều, tàn, trời. Lối viết này khiến ngữ điệu câu văn khi đọc lên nghe như chùng xuống, lắng xa, êm ả. Đó là nhịp điệu trong thơ, nhiều nhất ở thơ trữ tình, kiểu:
Anh đi anh nhớ quê nhà
Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương
(Ca dao)

hay:
Mình về mình có nhớ ta
Ta về ta nhớ những hoa cùng người...
(Tố Hữu)

Cả ba câu thơ đều gợi “chiều”. Chiều lan tỏa khắp nơi: trên chòi huyện nhỏ, trên trời, dưới lũy tre làng. Chiều gợi lên từ âm thanh (tiếng trống), từ “màu đỏ”, “hồng” của trời và mây, từ màu “đen lại” của lũy tre in trên nền trời đỏ... Chiều lãng đãng thấm vào vạn vật. Và không thể bỏ qua điều này: chiều thấm và lòng người. Thành thử, cách nghe, cách nhìn có vẻ như chủ quan. Chữ “thu không” trong “tiếng trống thu không” Thạch Lam chuyển nghĩa thật tài tình, vốn được hiểu như một danh từ chỉ một loại âm thanh báo hiệu thời khắc, chữ “thu không” ở đây biến theo nghĩa động từ, chỉ sự uể oải, buông lơi, lãng đãng và lan tỏa của tiếng trống khi chiều buông... Nếu tách từng câu riêng rẽ, ta thấy Thạch Lam tả rất sát sự thực các chi tiết của bức tranh chiều. Song chỉ cần gộp lại, người ta không những chỉ thấy bức tranh ấy mà còn cảm được dư vị của chất thơ mặn mà trong đó...

Các loại câu mang mục đích phát ngôn được Thạch Lam phân bổ thật khéo léo. Các câu kể đều thiên về miêu tả, ít câu thuật. Bởi vậy, truyện vừa thật, vừa gợi. Gợi sự ngây thơ non trẻ của nhân vật, tác giả hay đùng những từ “tưởng là...”, “không hiểu”, “không biết”... khiến cho câu mông lung không rõ là phủ định hay khẳng định... Các câu đối thoại (phần nhiều là câu hỏi, câu cảm và một số câu cầu khiến) được nhà văn đặt “lầm” chức năng một cách cố ý. Sự cố ý ấy nhằm gợi sự rời rạc của những thông tin vốn ai cũng đã biết, giờ nhắc lên chỉ làm cho sự vật, sự việc thêm buồn mà thôi.

Dưới dòng chảy của những câu văn như thế, ngầm chứa một kết cấu luẩn quẩn, xen cài, xuôi ngược, lẫn lộn nhưng lại hết sức mạch lạc. Mạch lạc theo dòng thời gian. Nhưng không khí và tâm trạng của cảnh và người thì luẩn quẩn, bóng tối và ánh sáng cài lẫn vào nhau tạo nên một vùng quê với những con người vừa thực, vừa mờ ảo; vừa tướng như nắm bắt được, vừa thấy đã đọc mãi rồi mà vẫn như chưa hiểu hết...

Người kể chuyện hầu như đứng ngoài câu chuyện để tả, để kể một cách khá “khách quan”. Duy có một lần ông lấp ló vào câu chuyện với nhận xét chủ quan “chừng ấy người trong bóng tối mong đợi một cái gì tươi sáng cho sự sống nghèo khổ hàng ngày của họ”. Đó là đốm sạn bé nhỏ duy nhất mà ta có thể tìm thấy ở viên ngọc “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam.​​​​​

  Ý kiến bạn đọc

DANH MỤC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây