Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Phân tích bài thơ: Các vị La Hán chùa Tây Phương

Thứ sáu - 18/05/2018 00:17
Sau mấy chuyến viếng thăm chùa Tây Phương (một ngôi chùa kiến trúc độc đáo trên núi Câu Lâu, huyện Thạch Thất, tỉnh Hà Tây), nhà thơ Huy Cận đã sáng tác bài thơ “Các vị La Hán chùa Tây Phương”. Viết về chùa, về tượng Phật, nhưng bài thơ không triết luận về phật giáo mà như nhà thơ Huy Cận nói: “Nhà nghệ sĩ xưa đã vô tình hay hữu ý mượn đề tài chuyện Phật mà miêu tả xã hội đương thời, một xã hội quằn quại đau khổ trong nhiều biến động và bế tắc không tìm được lối ra”.
Huy Cận tả lại hình hài của các vị La Hán bằng những nét bút tài hoa. Nhà thơ như thấy sự vận động bên trong tâm hồn của các vị La Hán:
 
“Đây vị xương trần chân với tay
Có chi thiêu đốt tấm thân gây
Trầm ngâm đau khổ sâu vòm mắt
Tự bấy ngồi y cho đến nay”.
 
Huy Cận tả thực kết hợp với suy tưởng, mà suy tưởng mới là nét sâu sắc của thơ Huy Cận, còn tả thì các nghệ nhân tạc tượng cũng đã quá giỏi rồi. Bằng những từ ngữ sắc bén, gân guốc, bám sát đặc trưng của tượng, tác giả vừa tả vừa suy tưởng:
 
“Có vị mắt giương, mày nhíu xệch
Trán như nổi sóng biển luân hồi
Môi cong chua chát, tâm hồn héo
Gân vặn bàn tay mạch máu sôi”.
 
Qua nét bút tài hoa của Huy Cận, ta thấy các vị La Hán vật vã, “trầm ngâm đau khổ” và bi kịch thay nỗi đau khổ bất biến “Tự bấy ngồi y cho đến nay”. Và nỗi khổ đau của các vị La Hán trào dâng lên như sóng biển – “biển luân hồi”:
 
“Trán như nổi sóng biển luân hồi”
 
Mỗi vị một dáng vẻ, một tư thế, một nét mặt tạo thành một quần thể tượng tiêu biểu cho những số phận từ “vực thẳm đời nhân loại”.
 
Đến đây tác giả dùng bút pháp khái quát kết hợp với suy tưởng:
 
“Mỗi người một vẻ, mặt con người
Cuồn cuộn đau thương cháy dưới trời
Cuộc họp lạ lùng trăm vật vã
Tượng không khóc cũng đổ mồ hôi”.
 
Phải nói là Huy Cận đồng cảm với các nghệ nhân điêu khắc thiên tài thế kỉ XVIII hơn là đồng cảm với triết lí Phật giáo. Dưới bàn tay của các nghệ nhân thiên tài, những thớ gỗ không còn là vật vô tri vô giác mà là “mặt con người”. Quần tượng này là “cuộc họp lạ lùng trăm vật vã”, cuộc họp của những con người trong cái bể trầm luân này:
 
“Cuồn cuộn đau thương cháy dưới trời”
 
Quan sát các pho tượng La Hán, nhà thơ có cảm tưởng đây là một cuộc đời, là bể khổ của chúng sinh. Những từ cụ thể như “cuồn cuộn”, “cháy” diễn tả ý tưởng trừu tượng đau thương rất hay. Bi phẫn! Chỉ là tượng gỗ mà giông mà bão mà sóng gió hãi hùng:
 
“Mặt cúi, mặt nghiêng, mặt ngoảnh sau
Quay theo tám hướng hỏi trời sâu
Một câu hỏi lớn. Không lời đáp
Cho đến bây giờ mặt vẫn chau”
 
Bút pháp miêu tả của tác giả vẫn không rời những nét nghệ thuật điêu luyện của tượng để suy tưởng về thế giới tinh thần của quý vị. Mỗi một từ “mặt” lại gắn với một động tác “cúi”, “nghiêng”, “ngoảnh sau” cho ta hình dung các pho tượng sống động vô cùng. Mặt khác cũng cho ta thấy được tư tưởng của người xưa, đau khổ, bế tắc cố quay theo tám hướng để “thiên vấn”:
 
“Một câu hỏi lớn. Không lời đáp
Cho đến bây giờ mặt vẫn chau”
 
Câu thơ cắt làm đôi. Dấu chấm của sự bế tắc. Một câu hỏi lớn rồi im bặt, kêu không thấu trời. Câu hỏi vọng vào không gian thăm thẳm, “Không lời đáp”. Nỗi đau khổ kéo dài cho đến hôm nay:
 
“Cho đến bây giờ mặt vẫn chau”
 
Từ “chau” rất đời, rất con người. Các vị La Hán còn quằn quại với nỗi đau đời, chưa giải thoát được. Chứng tỏ nghệ thuật tạc tượng các vị La Hán thật là kiệt xuất mà sự đồng cảm của nhà thơ cũng sâu sắc.
 
Không có ngôi chùa nào trên đất nước ta có nhiều pho tượng Phật qúy giá như thế. Chùa Tây Phương như là một bảo tàng những kiệt tác điêu khắc mà cũng là bảo tàng nỗi đau khổ của chúng sinh, của “cha ông thời xưa cũ”. Bắt gặp các pho tượng Phật La Hán chùa Tây Phương, Huy Cận vừa kinh ngạc trước những công trình nghệ thuật tuyệt mĩ của dân tộc vừa như bắt gặp chính nhưng suy tư, trăn trở của nhà thơ trong quá trình quá khứ. Dưới ánh sáng của tâm hồn đã đổi mới, nhà thơ thông cảm với tấn bi kịch tinh thần của người xưa và tự hào với cuộc sống mới hôm nay:
 
“Cha ông yêu mến thời xưa cũ
Trần trụi đau thương bỗng hóa gần!
Những bước mất đi trong thớ gỗ
Về đây, tươi vạn dặm đường xuân”.

  Ý kiến bạn đọc

DANH MỤC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây