Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Phân tích bài thơ: Mới ra. tù, tập leo núi

Thứ hai - 28/05/2018 10:46
Trong tập “Nhật kí trong tù” của Hồ Chí Minh có hai bài thơ đánh dấu ba chặng đường hơn một năm trong tù của Bác ở Quảng Tây (Trung Quốc), Bài thứ nhất tạm gọi là bài thơ “đề từ” ghi ở ngoài bìa tập thơ. Có thể coi là bản tuyên ngôn của Bác khi bước chân vào tù. Bài thứ hai là bài “Bốn tháng rồi”, là bản sơ kết một chặng đường lao tù đầy khổ ải và sự thắng lợi của ý chí. Còn bài thơ “Tân xuất ngục học đăng sơn” (Mới ra tù tập leo núi) không nằm trong “Nhật kí trong tù” nhưng có vai trò là bài thơ kiểm điểm lại những ngày trong tù và sửa soạn cho một chặng đường cách mạng mới. Qua đó cũng thể hiện những tình cảm sâu sắc, cảm động của Bác đối với quê hương xứ sở, với bạn bè:
“Núi ấp ôm mây, mây ấp núi
Lòng sông gương sáng, bụi không mờ;
Bồi hồi dạo bước Tây Phong lĩnh,
Trông lại trời Nam, nhớ bạn xưa.”
 
Bác Hồ ra khỏi nhà tù Quảng Tây trong một hoàn cảnh hết sức cô đơn. Một mình lưu lạc trên đất khách quê người, lại già yếu bệnh tật, kết quả của sự đày ải mười bốn tháng trời. Chỉ có ngọn lửa của niềm tin và nghị lực không bao giờ tắt trong lòng. T.Lan, tác giả “Vừa đi đường vừa kể chuyện” nói: khi được thả ra Bác nhìn kém, Bác quyết tâm tập đi mỗi ngày mười bước. Dù đau mà phải bò phải lết cũng phải mười bước mới thôi. Cuối cùng Bác chẳng những đứng vững mà còn trèo được núi. Lần đầu tiên lên đến đỉnh núi, Bác cao hứng làm một bài thơ chữ Hán”.
 
Bài thơ “Mới ra tù tập leo núi” đã ra đời trong hoàn cảnh như thế. Ngọn lửa của tâm hồn nhà cách mạng đã sưởi ấm và chiêu sáng cả cảnh vật:
 
“Núi ấp ôm mây, mây ấp núi,
Lòng sông gương sáng, bụi không mờ”
 
Con người thì cô độc mà cảnh vật lại hiện ra thành đôi lứa quấn quýt, nồng nàn. Cảnh như một bức họa. Núi là một mảng đậm. Mây ôm trên đỉnh núi là một nét mỏng, nhẹ. Dưới chân núi là một nét mềm, sáng. Lòng sông trong như gương. Bức tranh sơn thủy ấm áp, nồng nàn, thanh cao. Đọc thoáng qua ta thấy cảnh đẹp, nhưng đó là cảnh hay là tình? Làm sao phân biệt được là bên ngoài hay bên trong? Tác giả đã mượn hình ảnh bên ngoài là núi, sông nước để diễn tả tâm tư rất tế nhị:
 
“Lòng sông gương sáng, bụi không mờ”
(Giang tăm như kính tịnh vô trần)
 
Dòng sông buổi sáng trong trèo thanh sạch quá. Như mặt gương trong, tuyệt nhiên không có một chút bụi mờ. Có lẽ đó cũng chính là tâm hồn cúa nhà thơ sáng trong thanh sạch, không chút bụi mờ sau mười bốn tháng trong nhà tù bẩn thỉu hắc ám. Cách thể hiện của Bác tinh tế đến nỗi nếu đọc qua ta tưởng chỉ là bức tranh sơn thủy hữu tình. Nhưng hạt nhân của tứ thơ này chính là tinh thần kiểm điểm một cách nghiêm khắc sau một đoạn đường tù ngục để sửa soạn cho một chặng đường cách mạng mới. Ông Đặng Thai Mai có nhận xét: “Đằng sau bức tranh phong cảnh này, đằng sau những tầng lớp mây trập trùng, đằng sau dòng nước sông trong dưới chân Tây Phong Lĩnh, ấn tượng không bao giờ phai nhạt trong tâm hồn độc giả chính là tâm trạng vừa trong trắng sâu sắc, và cao cả của con người”.
 
Hai câu thơ tiếp theo là một nét tự họa của nhà thơ trong bức tranh sơn thủy hữu tình đó:
 
“Bồi hồi dạo bước Tây Phong lĩnh
Trông lại trời Nam, nhớ bạn xưa.”
 
Đọc “Nhật kí trong tù”, ta có thể biết tường tận những nỗi gian khổ của Bác trong nhà tù nhưng làm sao có thể tưởng tượng nỗi gian truân khổ ải của Bác sau khi ra tù? Vậy mà bao nhiêu tâm trạng phức tạp khi mới ra tù, Người chỉ dùng một chữ “bồi hồi” nhẹ tênh. Phong thái của Người vẫn ung dung, thanh thản. Người “học đăng sơn” (tập leo núi) để sửa soạn cho một chặng đường cách mạng mới. “Có ai ngờ giữa cảnh thiên nhiên hùng vĩ và trong trẻo ấy, con người đương một mình dạo bước trên đỉnh núi kia với cái phong thái rất tiên phong đạo cốt lại là một chiến sĩ cộng sản của thời đại chúng ta đang chuẩn bị để bước vào một cuộc chiến đấu sống chết với kẻ thù” (Hoài Thanh).
 
Tứ thơ phát triển một cách bất ngờ, từ chuyện tập leo núi, Người lại chuyển sang diễn tả tình cảm sâu sắc, lớn lao của mình:
 
“Trông lại trời Nam, nhớ bạn xưa”
(Dao vọng Nam thiên ức cố nhân)
 
Cảm động biết bao, tấm thân yếu của Người leo lên đỉnh Tây Phong và tâm hồn Người lại hướng về Tổ quốc. Lòng yêu nước, thương dân, tình bạn bè đồng chí của Người được thể hiện một cách chân thành cảm động. Lúc chia tay với bè bạn, đồng chí lên đường sang Trung Quốc, Bác hứa hẹn đến mùa gặt sẽ về:
 
“Ngày đi, bạn tiễn đến bên sông
Hẹn bạn về khi lúa đỏ đồng.
Nay gặt đã xong, cày đã khắp
Quê người tôi vẫn chốn lao lung.”
(Nhớ bạn)
 
Nhưng rồi đằng đẵng mười bốn tháng trời, hôm nay mới thoát ngục, lòng Bác làm sao lại không hướng về Tổ quốc, quê hương, về những người bạn cũ đang chờ Người trước một chặng đường cách mạng mới?
 
Bài thơ “Mới ra tù tập leo núi” tập trung được nhiều nét cốt cách vĩ đại và tài hoa của Bác. Tình yêu thiên nhiên hài hòa với tình yêu Tổ quốc. Khí phách cứng cỏi, gang thép trong phong thái ung dung, thanh thản. Bút pháp cũng phong phú. Có sự hài hòa tuyệt vời giữa cảnh và tình, giữa hiện thực và tâm trạng, giữa họa và nhạc. Tất cả nghệ thuật độc đáo của Người chứa đựng một bài học thấm thía là dù trong hoàn cảnh nào cũng phải giữ cho tâm hồn được trong sáng như dòng sông kia:
 
“Giang tâm như kính tịnh vô trần”
(Lòng sông gương sáng, bụi không mờ)
 
“Sau khi ra tù, lòng Người vẫn trong suốt như lòng sông không bụi” (Trường Chinh).

Bản quyền thuộc về Sách Thư Viện. Ghi nguồn sachthuvien.com khi đăng lại bài viết này.

  Ý kiến bạn đọc

DANH MỤC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây