Xuân Diệu, Huy Cận, Hàn Mặc Tử là ba khuôn mặt lớn của dòng thơ lãng mạn thời kì này. Những giá trị tư tưởng và nghệ thuật của ba tác giả cũng tiêu biểu cho những cống hiến của dòng văn học lãng mạn trong nền văn học hiện đại.
Thơ Xuân Diệu, Huy Cận, Hàn Mặc Tử trước hết thể hiện tình yêu thiên nhiên say đắm, nồng nàn. Bằng cảm hứng lãng mạn, các nhà thơ đó đã họa lên trong thơ mình những bức tranh thiên nhiên đầy màu sắc và đường nét độc đáo. Quê hương Việt Nam hiện lên trong thơ họ thật là mĩ lệ. Đây là vẻ đẹp của xứ Huế trong thơ Hàn Mặc Tử với vườn tược xanh tươi mơn mởn, với hình bóng cô gái Huế e ấp phía sau khóm trúc:
“Sao anh không về chơi thôn Vĩ?
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền”
(Đây thôn Vĩ Dạ)
Xuân Diệu từ Bình Định ra Hà Nội mê say với mùa thu xứ Bắc. Hình ảnh thiên nhiên mùa thu đã diễn tả trong thơ Xuân Diệu nhuốm màu sắc tình cảm lãng mạn của thi nhân. Thiên nhiên trong thơ Xuân Diệu đẹp một cách tráng lệ nhưng buồn:
“Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang
Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng
Đây mùa thu tới – mùa thu tới
Với áo mơ phai dệt lá vàng”
“Tràng giang” của Huy Cận lại bắt nguồn từ cảm xúc trước cảnh sông nước Hồng Hà mênh mông. Thời sinh viên, chiều chiều Huy Cận thường tha thẩn trên bờ đê sông Hồng ngoạn cảnh, suy tư. Hình ảnh của thiên nhiên được ghi lại trong hồn thơ Huy Cận thật là đẹp, thật là xao động:
“Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp
Con thuyền xuôi mái nước song song”
Thiên nhiên trong “Tràng giang” còn chứa chất tâm sự của thi nhân. Huy Cận nói: “Tình yêu quê hương trong bài “Tràng giang” gợi lên và mở ra một tình yêu lớn lao hơn mỗi miền quê, mỗi cảnh vật. Tình yêu đó mang nỗi buồn sông núi, nỗi buồn về đất nước”. Tâm sự của thi nhân đọng lại ở mấy câu kết:
“Lớp lớp mây cao đùn núi bạc
Chim nghiêng cánh nhỏ bóng chiều sa
Lòng quê dợn dợn vời con nước
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà.”
Câu thơ kết đã cách tân từ một câu thơ của Thôi Hiệu đời Đường “Yên ba giang thượng sử nhân sầu” (Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai). Huy Cận có tâm sự là ông không chỉ nhớ nhà mà là ông cảm thấy cô đơn, đứng trên quê hương của mình mà nhớ quê hương mình, lạc loài ngay trên quê hương của mình. Rõ ràng là dưới những lớp sóng, lớp mây kia đã ấp ủ một tâm sự yêu nước thầm kín của thi nhân.
Riêng thơ lãng mạn của Xuân Diệu có một niềm say mê ngoại giới, khác giới, một niềm khát khao giao cảm với đời, một lòng ham sống mãnh liệt:
“Ta ôm bó cánh tay ta làm rắn
Làm dây đa quấn quýt cả mình xuân
Không muốn đi mãi mãi ở vườn trần
Chân hóa rễ để hút mùa dưới đất”
Hay là:
“Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi
Của ong bướm này đây tuần tháng mật
Này đây hoa của đồng nội xanh rì
Này đây lá của cành tơ phơ phất
Của yến anh này đây khúc tình si.”
Thiên nhiên trong thơ Xuân Diệu đầy thanh sắc được cảm nhận từ nhiều góc độ, bằng giác quan tinh tế:
“Ta muốn ôm
Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn
Ta muốn riết mây đưa và gió lượn
Ta muốn say cánh bướm với tình yêu
Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều
Và non nước và cây và cỏ rạng
Cho chuếnh choáng mùi thơm cho đã đầy ánh sáng
Cho no nê thanh sắc của thời tươi
Hỡi xuân hồng ta muốn cắn vào ngươi”
Thơ Xuân Diệu còn là một nguồn sống dào dạt chưa từng thấy ở chốn nước non lặng lẽ này.
Một giá trị tư tưởng đáng kể nữa là dòng văn học lãng mạn nói chung và của Xuân Diệu, Huy Cận, Hàn Mặc Tử nói riêng là đã đóng góp cho nền văn học mới một cái tôi cá thể hóa. Chính vì vậy mà Tố Hữu có nhận xét là phong trào thơ mới đã nói lên được một nhu cầu mới về tự do và về phát huy bản ngã. Hoài Thanh cũng đánh giá cao cái Tôi của các nhà thơ lãng mạn: Xã hội Việt Nam từ xưa không có cá nhân chỉ có đoàn thể: lớn thì quốc gia, nhỏ thì gia đình. Còn cá nhân, cái bản sắc của cá nhân chìm đắm trong gia đình, trong quốc gia như giọt nước trong biển cả. Xuân Diệu, Huy Cận, Hàn Mặc Tử khẳng định cái Tôi như một bản lĩnh tích cực trong cuộc sống, như một chủ thể sáng tạo độc đáo trong nghệ thuật. Ta hãy nghe Hoài Thanh bình về một cánh cò trong thơ Xuân Diệu:
“Mây biếc về đâu bay gấp gấp
Con cò trên ruộng cánh phân vân.”
“Từ con cò của Vương Bột lặng lẽ bay với ráng chiều đến con cò của Xuân Diệu không bay mà cánh phân vân có sự cách biệt hơn 1000 năm và của hai thế giới”.
Thơ mới không chấp nhận lối cảm thụ chung chung tan biến vào cái ước lệ vĩnh hằng. Xuân Diệu, Huy Cận, Hàn Mặc Tử đều thể hiện cái Tôi cá thể hóa khiến cho ngoại giới nhiễm linh hồn của thi nhân. “Đời chúng ta đã nằm trong vòng chữ Tôi. Mất bề rộng ta đi tìm bề sâu. Nhưng càng di sâu càng lạnh. Ta thoát lên tiên cùng Thế Lữ, ta phiêu lưu trong trường tình cùng Lưu Trọng Lư, ta điên cuồng với Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, ta đắm say cùng Xuân Diệu, nhưng động tiên đã khép, tình yêu không bến, điên cuồng rồi tỉnh. Say đắm vẫn bơ vơ. Ta ngơ ngẩn buồn trở về hồn ta cùng Huy Cận”. (Hoài Thanh).
Nghệ thuật thơ Xuân Diệu, Huy Cận, Hàn Mặc Tử là một sự tổng hợp của thơ ca truyền thống, giữa ảnh hưởng của thơ Đường và thơ phương Tây. Đặc biệt là thơ lãng mạn Pháp, thơ tượng trưng thế kỉ XIX. Huy Cận cách tân thơ trên tinh thần dân tộc và cổ điển. Thơ Huy Cận vừa thấm cái vị ngọt của ca dao dân ca, vang vọng âm điệu của càu thơ Kiều, lại vừa có cái tráng lệ của thơ Đường. Bài thơ “Tràng giang” là tiêu biểu cho tinh thần cách tân của Huy Cận. Đọc những bài thơ khác của Huy Cận, chúng ta cũng cảm nhận được tinh thần cách tân đó:
“Đêm mưa nằm nhớ không gian
Lòng run thêm lạnh nồi hàn bao la.”
Hay là:
“Vi vu gió vút nẻo vàng
Một trời thu rộng mấy hàng mây nao.”
Xuân Diệu và Hàn Mặc Tử về tinh thần thì khác nhau xa lắm: một thi nhân thì hướng về trần thế, một thi nhân thì hướng về Thượng Đế (tất nhiên Thượng Đế của nhà thơ cũng khác xa với Thượng Đế của người đời), nhưng cùng chịu ảnh hưởng của phương Tây. Vì dòng thơ lãng mạn ra đời sau 100 năm thơ ca lãng mạn phương Tây nên các thi nhân lãng mạn Việt Nam chịu ảnh hưởng của nhiều trường phái khác sau lãng mạn, như thơ tượng trưng, thơ ấn tượng, thi sơn (parnasse). Nghệ thuật tượng trưng giúp cho các nhà thơ cảm thụ thế giới một cách tinh tế hơn, thật là lối diễn tả bằng cảm giác như Xuân Diệu:
“Đàn ghê như nước, lạnh, trời ơi!”
hoặc xáo trộn các cảm giác đế thấy trong âm thanh có hương thơm, có màu sắc:
“Này lắng nghe em khúc nhạc thơm
Say người như rượu tối tân hôn
Như hương thấm tận qua xương tủy
Âm điệu thần tiên thấm tận hồn.”
(Huyền diệu)
Xuân Diệu còn mạnh dạn mang vào thơ Việt Nam những cách nói “rất Tây”, ban đầu nhiều người hơi khó chịu, nhưng quen rồi cũng thấy hay:
“Hơn một loài hoa đã rụng cành
Trong vườn sắc đỏ rủa màu xanh
Những luồng run rẩy, rung rinh lá”
“Hôm nay tôi đã chết trong người
Xưa hẹn nghìn năm yêu mến tôi.”
Hàn Mặc Tử chịu ảnh hưởng của thơ tượng trưng nhiều hơn là ảnh hưởng thơ lãng mạn Pháp. Cùng nói về trăng, nhưng thơ Hàn Mạc Tử rất lạ:
“Trăng nằm sóng soãi trên cành liễu
Đợi gió đông về để lả lơi.”
Diễn tả một hình ảnh trừu tượng mà gợi được xúc cảm, nhục cảm thì đấy là bút pháp của “phù thủy”, Nhưng ấn tượng trong thơ Hàn Mặc Tử bao giờ cũng mang đến cho người đọc những khoái cảm, mĩ cảm:
“Dọc bờ sông trắng nắng chang chang.”
(Mùa xuân chín)
“Áo em trắng quá nhìn không ra.'’
(Đây thôn Vĩ Dạ)
Xuân Diệu, Huy Cận, Hàn Mặc Tử còn có đóng góp lớn cho sự giàu đẹp của tiếng Việt. Họ yêu vô cùng thứ tiếng trong mấy mươi thế kỉ đã chia sẻ vui buồn với cha ông. Họ dồn tình yêu quê hương trong tình yêu tiếng Việt. Tiếng Việt như tấm lụa bạch đã hứng vong hồn những thế hệ đã qua. Đến lượt họ, họ cũng muốn mượn tâm hồn bạch chung để gởi nỗi băn khoăn riêng. Và tiếng Việt chứa dựng những tâm hồn lãng mạn là một thứ tiếng Việt mềm mại, uyển chuyển, tinh tế, có khả năng diễn đạt được vẻ đẹp bên ngoài và những rung động trong tâm hồn thăm thẳm của thi nhân.
Diễn tả thân phận lạc loài ngay chính trên quê hương yêu dấu và khổ đau của mình, Huy Cận viết:
“Củi một cành khô lạc mấy dòng.”
Diễn tả tinh thần mộng mơ, huyền hồ của thi nhân, Hàn Mặc Tử viết:
“Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay.”
Diễn tả vẻ đẹp của mùa xuân, nỗi khao khát tình yêu của tuổi trẻ. Xuân Diệu viết:
“Tháng giêng ngon như một cập môi gần.”
Những câu thơ đã làm giàu đẹp thêm cho tiếng Việt.
Xuân Diệu, Huy Cận, Hàn Mặc Tử là ba nhà thơ lớn của dòng thơ lãng mạn 1930 - 1945. Trong đó Xuân Diệu là nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới. Bằng tiếng mẹ đẻ ngọt ngào, trau chuốt, tinh tế, ba nhà thơ đã thể hiện được tình yêu thiên nhiên, yêu non sông đất nước và ấp ủ một tình yêu nước thầm kín. Với cái tôi cá thể hóa, các nhà thơ đã diễn tả được nhu cầu lớn về tự do, về phát huy bản ngã. Ba nhà thơ lớn đã tiếp thu được tinh hoa của văn học dân tộc và tinh hoa của văn học thế giới, đã góp phần đáng kể vào việc xây dựng một nền thơ ca hiện đại.