Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Phân tích bài thơ: Đây mùa thu tới của Xuân Diệu

Thứ bảy - 19/05/2018 11:16
Xứ Bắc có mùa thu đẹp. Vào thu, trời cao trong xanh. Thời tiết khô ráo nhưng sông hồ vừa qua mùa mưa đầy nước như những tấm gương của mùa thu. Trời mát với gió heo may. Trái chín, những chuối trứng cuốc, những cam, những hồng hoà sắc với má ửng hồ của thiếu nữ như hương mùa thu. Vẻ đẹp của mùa thu xứ Bắc đã đi vào văn chương cổ điển:
Long lanh đáy nước in trời
Thành xây khói biếc, non phơi bóng vàng”
(Nguyễn Du)
 
Nguyễn Khuyến đã viết một chùm ba bài thơ mùa thu, “Thu vịnh”, “Thu điếu”, “Thu ẩm”, cũng là ba kiệt tác của ông. Xuân Diệu khi sáng tác thơ về mùa thu hoàn toàn biết rằng trước mình là “núi Thái Sơn”, nhưng nhà thơ tự tin vào tâm hồn lãng mạn có thể thổi một luồng gió mới vào thi đề mùa thu.
 
Các nhà lí luận vàn học thường nói nhà văn hiện thực miêu tả cuộc sống như nó vốn có, còn các nhà văn lãng mạn miêu tả cuộc sống như họ muốn. Cứ đọc hai câu mở đầu trong bài “Đây mùa thu tới” cũng thấy được quan điểm mĩ học của thi sĩ lãng mạn Xuân Diệu:
 
“Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang
Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng”
 
Xuân Diệu không chọn trúc như Nguyễn Khuyến (Cần trúc lơ phơ gió hắt hiu), không chọn cúc như Nguyễn Du (Sen tàn cúc lại nở hoa) mà chọn liễu để nói về mùa thu. Liễu mềm, mềm nhất trong các loại cây, là loại cây của tình cảm chứ không phải là loại cây của chí khí (trúc), của cốt cách (cúc). Thân liễu, lá liễu đã mềm còn nhiễm cả nỗi buồn của thi nhân. Rặng liễu mềm oặt lại được khoác thêm vẻ buồn “đìu hiu”. Hình họa buồn, âm nhạc buồn. Ba thanh bằng với ba dấu huyền (buồn - ngàn - hàng) như một bè trầm trong khúc nhạc buồn. Ai chết mà liễu buồn “đứng chịu tang”? Mùa thu chết? Có thể Xuân Diệu dã chịu ảnh hưởng của Apolinaire với bài thơ “Mùa thu chết”. Mùa thu trong âm nhạc thời đó cũng dìu hiu lắm (Lá vàng từng chiếc rơi từng chiếc). Chỉ có rặng liễu xanh ngắt “đìu hiu đứng chịu tang”.
 
“Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng”
 
Lá liễu từng sợi dài rủ xuống được Xuân Diệu nhân hóa như tóc của thiếu nữ “tóc buồn buông xuống”. Những vần lưng (buông xuống, ngàn hàng) càng tăng cường nhạc điệu du dương của câu thơ. Hai câu thơ nhạc hay mà hình cũng đẹp, đẹp như hội họa hiện đại, nước mắt không vẽ thành giọt mà thành sợi. Đó là những sợi nước mắt xanh của Xuân Diệu, còn đây là những sợi nước mắt trắng của Bích Khê, thi sĩ lãng mạn lừng danh cùng thời với Xuân Diệu:
 
“Lệ tích lại sắp tuôn hàng đũa ngọc”
 
Đằng sau hình tượng của thiện nhiên đó là một ý tưởng xã hội. Cây liễu mềm yếu kia còn biết “đứng chịu tang” cho những chiếc lá vàng ra đi, cho sự mất mát của mùa thu, mà lẽ nào thế hệ thanh niên “xanh ngắt” như Xuân Diệu lại không biết “đứng chịu tang” cho sự mất mát lớn lao, cho thân phận nô lệ?
 
Xuân Diệu tinh lắm. Vừa mới chớm thu là thiên nhiên đổi sắc, con người cũng đổi sắc, nhất là tuổi trẻ và đặc biệt là thiếu nữ. Thiên nhiên và con người hòa sắc trong một động từ “dệt” lạ lùng, “dệt lá vàng”. Những chiếc lá vàng rơi thành từng sợi vàng. Không gian mùa thu bỗng sáng lên rực rỡ, huyền ảo. Đó cũng chính là những biểu hiện của lòng yêu đời, yêu sự sống của thi sĩ Xuân Diệu trong nỗi buồn trước mùa thu.
 
Sự xung đột của màu sắc khi mùa thu đến cũng được Xuân Diệu thể hiện rất mới mẻ:
 
“Hơn một loài hoa đã rụng cành
Trong vườn sắc đó rủa màu xanh
Những luồng run rẩy rung rinh lá
Đôi nhánh khô gầy xương mỏng manh”
 
Khi “Thơ thơ” in lần đầu, Xuân Diệu viết “Trong vườn sắc đỏ rủa màu xanh” như câu thơ hiện hành, nhưng thiên hạ chê là Tây quá! Xuân Diệu còn trẻ, hoang mang đã sửa lại “Trong vườn sắc đỏ rũa màu xanh”, bớt Tây nhưng lại tối nghĩa. Khi đã nổi tiếng rồi, đầy đủ bản lĩnh rồi, Xuân Diệu sửa lại:
 
“Trong vườn sắc đỏ rủa màu xanh”
 
Những chiếc lá thu vàng úa, sậm đỏ “rủa” những chiếc lá xanh! Nghe được ngôn ngữ của màu sắc, nghe được tiếng nói ích kỷ của lá vàng thì phải là cái lỗ tai của bậc văn hào. Xuân Diệu cũng rất sành âm nhạc. Câu thơ của Xuân Diệu có hiệu quả của từng âm, bốn âm “r” trong câu thơ “Những luồng run rẩy rung rinh lá” không chỉ là cái lạnh bên ngoài mà còn là cái lạnh trong xương tủy của thi nhân trước gió thu.
 
Bức tranh mùa thu của Xuân Diệu đã có liễu buồn, đã có hoa tàn, đã có “trăng tự ngẩn ngơ”, đã có “non xa”, “đò vắng”... đã đủ “đìu hiu”, nhưng với Xuân Diệu, thiếu nét bút cuối cùng này thì bất thành bức tranh mùa thu, đó là thiếu nữ:
 
“Mây vẫn từng không, chim bay đi
Khí trời u uất hận chia li
Ít nhiều thiếu nữ buồn không nói
Tựa cửa nhìn xa, nghĩ ngợi gì.”
 
Hình ảnh thiếu nữ hiện ra làm tươi tắn, ấm áp cả bức tranh mùa thu, nó cân bằng lại ngoại cảnh, với “rặng liễu đìu hiu”, với hoa rụng, với “rét mướt luồn trong gió”, với “khí trời u uất hận chia li”.
 
Bài thơ “Đây mùa thu tới” là bài thơ hay của Xuân Diệu. Xúc cảm dào dạt được biểu hiện bằng hội họa và âm nhạc. Bức tranh mùa thu đẹp mà buồn của Xuân Diệu vẽ bằng nét bút hiện đại. Mỗi sắc màu, mỗi đường nét đều thấm đẫm nỗi niềm cô đơn của thi nhân trước mùa thu. Và hôm nay, mỗi lần thu đến, những tâm hồn trẻ Việt Nam lại nhớ đến Xuân Diệu, nhớ đến hình tượng thơ bất tử của Xuân Diệu:
 
“Rặng liễu dìu hiu đứng chịu tang
Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng”

Bản quyền thuộc về Sách Thư Viện. Ghi nguồn sachthuvien.com khi đăng lại bài viết này.

  Ý kiến bạn đọc

DANH MỤC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây