Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Nghị luận về câu tục ngữ Có chí thì nên

Thứ năm - 18/03/2021 06:39
Kho tàng tục ngữ Việt Nam giàu có, óng ánh sắc màu trí tuệ. Nó đúc kết bao kinh nghiệm quý báu trong dân gian. Là bài học nhân sinh, cách ứng xử, nó dạy khôn, dạy khéo để làm người. Chỉ nói về lòng kiên trì, ý chí của con người mà nhân dân ta có biết bao câu tục ngữ mang tính giáo dục sâu sắc, tiêu biểu là câu “Có chí thì nên”.

Bài làm 1: Nghị luận về câu tục ngữ Có chí thì nên

Trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam ngoài các câu chuyện cổ tích, truyền thuyết đặc sắc, những câu ca dao xưa thấm đẫm tình cảm cha ông, thì tục ngữ, thành ngữ cũng là một trong những mảng phong phú và đa dạng, phản ánh tư tưởng, quan niệm, những kinh nghiệm đúc kết của người xưa truyền dạy lại cho con cháu ngàn đời. Trong đó “Có chí thì nên” là một trong những câu tục ngữ được sử dụng phổ biến, đặc biệt thường được người lớn dùng để khuyên dạy con cháu, các bạn trẻ trong quá trình trưởng thành, xây dựng sự nghiệp.

“Chí” ở đây tức là ý chí, là nghị lực của con người vượt qua mọi khó khăn trắc trở để hướng tới những lý tưởng, hoài bão, tốt đẹp, là một sức mạnh tinh thần mà mỗi con người đều cần thiết phải trang bị cho mình, thì mới có thể vững bước trên đường đời. “Nên” có nghĩa là thành công, thành đạt, hoàn thành được mục tiêu ước vọng mà bản thân con người đã đặt ra. Như vậy toàn bộ câu tục ngữ “Có chí thì nên” tức là ý muốn khuyên dạy con người về tầm quan trọng của ý chí trong việc thực hiện những ước mơ, những khát vọng, thường là việc to lớn như thế nào khó khăn đến cỡ nào, chỉ cần bản thân chúng ta có ý chí, có nghị lực, kiên cường vượt qua mọi thử thách gian lao, quyết không bỏ cuộc thì chắc chắn sẽ có được thành công, được kết quả tốt đẹp ngoài mong đợi.

Như vậy tại sao trong cuộc sống muốn thành công con người lại cần phải có một ý chí vững mạnh, lòng quyết tâm không đổi dời? Đó là bởi vì, phàm là tất cả mọi khát khao, ước vọng của con người đều cần phải cố gắng nỗ lực mới có được, sống trên đời không ai cho không ai cái gì, cũng không bao giờ có chuyện “há miệng chờ sung” dễ dàng. Chúng ta rõ ràng không thể mãi dựa dẫm vào cha mẹ, gia đình, mà buộc bản thân chúng ta phải tự tạo lập cho mình một con đường, một tương lai tốt đẹp, phải có cuộc sống độc lập và tự chủ, sống có ý nghĩa giữa trần đời. Thế nhưng việc trưởng thành và đạt đến được mục tiêu và lý tưởng là cả một quá trình dài và có nhiều chông gai thách thức, một khi ước vọng của ta càng to lớn, phi thường thì những khó khăn lại càng nhiều hơn gấp bội. Chính vì vậy nếu bản thân không có được ý chí mạnh mẽ và sự quyết tâm to lớn, chúng ta sẽ dễ dàng từ bỏ ngay khi mọi chuyện vừa mới bắt đầu, mà nếu đã từ bỏ thì làm gì có thành công nào cho chúng ta nữa. Đặc biệt trong cuộc sống chúng ta vẫn thường hay nghe câu “Thất bại là mẹ thành công”, chỉ rõ một điều rằng có những thành công được sinh ra từ rất nhiều lần thất bại liên tiếp. Mà hiển nhiên rằng thất bại là điều không ai mong muốn, nó sẽ mang đến cho con người ta những cảm xúc tiêu cực, chán nản và thất vọng, dễ khiến người ta buông xuôi nhất, Chính những lúc như thế này đây thì sức mạnh của ý chí chính là thứ kéo con người ta vực dậy sau thất bại, đôn đốc tạo động lực cho chúng ta bắt đầu lại một lần nữa, khiến chúng ta có niềm tin về những thành công đang chờ đợi phía trước. Trái lại những ai thiếu ý chí, thiếu nghị lực có lẽ ngay từ lần thất bại đầu tiên họ đã mặc định rằng bản thân mình vĩnh viễn không thể thành công được. Nhưng bản thân họ lại không hề ý thức được rằng trong cuộc sống thất bại và thành công chiếm tỉ lệ ngang nhau, trong 100 người thì chỉ có một vài người may mắn thành công ngay lần đầu mà thôi, số còn lại là dựa vào sức mạnh của ý chí, niềm tin, và nghị lực phi thường, biết vực dậy sau vấp ngã, biết tổng kết đúc rút kinh nghiệm từ những thất bại mà họ gặp phải thành một bí kíp chuẩn bị cho những thành công sau này.  Mà phàm càng là những thành công khó có được phải chịu nhiều gian lao, vất vả thì lại càng đáng quý, đáng trân trọng và bản thân chúng ta cũng có được nhiều kinh nghiệm sâu sắc, những bài học quý giá từ những gì ta đã trải qua hơn là những thứ đạt được quá dễ dàng. Để lấy ví dụ cho câu tục ngữ “Có chí thì nên” này thì có lẽ đã có quá nhiều tấm gương nổi tiếng, đơn cử như Hồ Chí Minh với hơn 30 năm trời buôn ba nơi hải ngoại, nhiều lần bị thực dân, và các thế lực thù địch bắt giam, kết án, phải chịu sống trong những hoàn cảnh ngặt nghèo gian khó “Sớm ra bờ suối, tối vào hang/Cháo bẹ rau măng đã sẵn sàng”. Thử hỏi rằng nếu không có một ý chí mạnh mẽ một nghị lực phi thường, và tấm lòng yêu nước thương dân kiên trung không dời đổi thì làm sao có được một đất nước Việt Nam tươi đẹp như ngày hôm nay. Mà như Bác nói nguyện vọng của Bác, lý tưởng của Bác là khiến cho nhân dân được ấm no, đất nước được độc lập, như vậy có thể thấy thành Hồ Chủ tịch đã tạo dựng cho cả non sông Việt Nam cũng như chính bản thân mình những thành tựu rực rỡ và vĩ đại. Tuy nhiên để có được những thành công ấy, cả Hồ Chí Minh và nhân dân Việt Nam đã phải đánh đổi bằng rất nhiều những thất bại và xương máu, cùng với việc lấy ý chí kiên cường, tinh thần lạc quan làm động lực, thúc đẩy suốt mấy chục năm trời. Một tấm gương khác có thể kể đến Cao Bá Quát người lúc còn nhỏ đi học nổi danh là viết chữ xấu như gà bới, vì quá xấu hổ ông đã nhiều đêm thức muộn để luyện chữ sao cho thật đẹp, thậm chí tự cột ngược tóc lên trần nhà, cùm chân vào bàn học để ép mình luyện chữ. Cứ như thế sau nhiều năm khổ luyện không ngừng nghỉ ông đã luyện được nét chữ “rồng bay phượng múa” tiếng thơm lan xa khắp vùng, nhiều người ngưỡng mộ đến tìm xin chữ đem về nhà treo. Ngoài ra có thể kể đến một tấm gương khác ấy là thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký, người bị liệt cả hai tay thế nhưng với lòng hiếu học, ông quyết không từ bỏ, kiên trì luyện viết bằng chân cuối cùng trở thành một nhà giáo, và người truyền động lực cho nhiều các thế hệ trẻ cho đến tận hôm nay.

Có thể thấy rằng có được thành tựu, thành công tốt đẹp trong cuộc sống chưa bao giờ là dễ dàng, mà người muốn thực hiện được lý tưởng, ước mơ buộc phải tự trang bị cho mình một ý chí kiên cường, sẵn sàng đương đầu với mọi khó khăn, không lấy thất bại hay những chông gai làm nản chí. Câu tục ngữ “Có chí thì nên” là một lời khuyên dạy rất thấm thía và sâu sắc của cha ông ta dành cho các thế hệ con cháu, mà cho đến ngày hôm nay cũng như mai sau nữa nó sẽ luôn còn nguyên những giá trị giáo dục tốt đẹp.
 

Bài 2: Nghị luận về câu tục ngữ Có chí thì nên

Cuộc sống của con người luôn chứa đựng vô vàn khó khăn, thử thách. Để đặt chân bước tới thành công, chúng ta cần rèn luyện, nỗ lực, cố gắng không ngừng nghỉ và đặc biệt là cần có sự kiên định cùng ý chí vững vàng theo đuổi mục tiêu. Bàn về vấn đề này, ông cha ta từng nói: “Có chí thì nên”. Câu tục ngữ đã khẳng định vai trò, ý nghĩa của nghị lực và sự bền bỉ đối với con người.

Để hiểu hết giá trị sâu sắc của câu tục ngữ, chúng ta cần hiểu rõ những khái niệm mà ông cha ta gửi gắm qua những từ ngữ hàm súc như “ch픓nên”. “Chí” là cách nói ngắn gọn thể hiện ý chí, tinh thần tự giác, ý thức tự nguyện và sự kiên định, quyết tâm đạt được mục đích đã đề ra. Còn “nên” là sự diễn đạt hình ảnh của sự thành công, là kết quả mà con người mong muốn đạt được. Như vậy, câu tục ngữ “Có chí thì nên” đã khẳng định vai trò sức mạnh của ý chí đối với cuộc sống của con người: khi có ý chí và sau những nỗ lực, cố gắng kiên trì, bền bỉ, con người nhất định sẽ đạt được những mục tiêu, dự định mà bản thân đã đề ra và vươn tới thành công.

Trong cuộc sống, ý chí kiên cường cùng sự quyết tâm cao độ luôn là yếu tố cần và đủ để đưa con người đặt chân đến với thành công. Bởi khi có ý thức, nghị lực và bản lĩnh vững vàng, con người sẽ có động lực và sức mạnh để vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Để đánh đổ ngoại xâm và bảo vệ đất nước, ông cha ta đã trải qua những cuộc kháng chiến trường kì, gian khổ. Trên chặng đường gian nan đó, đã in dấu biết bao sự hi sinh thấm đẫm máu, nước mắt khi phải đối diện với những cường quốc hùng mạnh về trang thiết bị vũ khí và nhân lực như đế quốc Mĩ, thực dân Pháp, phát xít Nhật,…. Nhưng rồi, với tinh thần yêu nước, tinh thần đoàn kết cùng ý chí bền bỉ, vững vàng, dân tộc ta đã đánh đuổi sạch bóng quân thù và giành được bầu trời của hòa bình và tự do.

Trong cuộc sống của hiện nay, cũng có rất nhiều tấm gương ngời sáng vẻ đẹp của sự kiên cường. Mặc dù sinh ra với hình hài không toàn vẹn, bị liệt hai tay nhưng với ý chí mãnh liệt, Nguyễn Ngọc Kí đã miệt mài kiên nhẫn tập viết bằng hai chân. Đó là một hành trình kiên trì, nhẫn nại để không đầu hàng trước số phận nghiệt ngã, và cuối cùng, anh đã thành công và trở thành một thầy giáo. Hay như những nhà khoa học đang ngày đêm nghiên cứu, kiên định với mục tiêu của mình để đem đến những sáng chế có ích cho đời sống nhân loại,… Tất cả những điều này đã khẳng định sức mạnh to lớn của ý chí và lòng quyết tâm, giống như Bác Hồ đã từng nói:

“Không có việc gì khó
Chỉ sợ lòng không bền
Đào núi và lấp biển
Quyết chí ắt làm nên”

Như vậy, sự quyết tâm, vững vàng trong ý chí sẽ giúp con người vượt qua mọi khó khăn, thử thách và đạt được rất nhiều thành quả tốt đẹp. Vậy mà, trong cuộc sống hiện nay, vẫn có những con người không kiên trì, nhẫn nại với mục tiêu đã đặt ra mà dễ dàng nhụt chí và từ bỏ lí tưởng. Chỉ cần gặp phải khó khăn, họ sẵn sàng bỏ cuộc và không bao giờ đặt chân đến được với miền đất của sự thành công. Nhận thức được vai trò quan trọng của ý chí của thành công, chúng ta cần đặt ra cho bản thân những mục tiêu, đích đến rõ ràng; đồng thời kiên định với con đường đã vạch sẵn và không đầu hàng trước khó khăn, thử thách. Để làm được điều này, con người luôn phải tự nhắc nhở bản thân đặt ra những kỉ luật riêng và thực hiện mục tiêu một cách nghiêm túc và vững vàng.

Như vậy, “Có chí thì nên” đã khái quát một bài học mang ý nghĩa giáo dục về việc con người cần kiên trì, nhẫn nại đối với những mục tiêu đã đề ra. Trong kho tàng tục ngữ Việt Nam cũng có rất nhiều câu tục ngữ thể hiện điều này như “Thất bại là mẹ thành công”, “Có công mài sắt, có ngày nên kim”,… và trở thành những lời nhắc nhở sâu sắc dành cho thế hệ trẻ về sự bền gan quyết chí.
 

Bài 3: Nghị luận về câu tục ngữ Có chí thì nên

Từ xưa đến nay, ý chí và nghị lực luôn là một phẩm chất cao quý cần có của mỗi người trong cuộc sống. Nói về ý chí nghị lực nhân dân ta có câu tục ngữ: “Có chí thì nên”. Câu tục ngữ đã đề cao ý chí, nghị lực trong cuộc sống và khuyên nhủ chúng ta sống cần phải có ý chí và nghị lực. Vậy chúng ta hãy cùng tìm hiểu về câu tục ngữ này.

Đầu tiên chúng ta cần hiểu chí ở đây nghĩa là gì? Chí chính là nghị lực, ý chí của mỗi con người, nó giúp cho con người có thể vượt qua những khó khăn thử thách để tiến tới đích, tiến tới thành công.

Từ thời xưa, ý chí nghị lực đã được tìm thấy trong mỗi người Việt. Trong bao cuộc chiến tranh chống xâm lược thực dân, tinh thần, ý chí, nghị lực của nhân dân ta được phát huy cao độ. Với những cuộc xâm lược của những đế quốc hùng mạnh như Pháp, Mĩ, chúng ta đứng trước một tình thế vô cùng nguy cấp. Song với ý chí nghị lực vượt khó nhân dân ta đã cùng đồng lòng đứng lên chống giặc ngoại xâm. Dù phải chịu rất nhiều gian khổ thậm chí là hy sinh nhưng nhân dân ta vẫn không hề lùi bước. Chúng ta đã chiến thắng và đánh đuổi được thực dân Pháp, đế quốc Mĩ ra khỏi đất nước, mang lại hoà bình cho dân tộc ta. Chiến thắng đó chính là chiến thắng của ý chí, nghị lực.

Không chỉ có vậy, ta còn thấy được ý chí nghị lực của người Việt qua bao nhiêu tấm gương sáng vẫn được lưu truyền tới ngày nay. Trong bao tấm gương đó có tấm gương của anh Nguyễn Ngọc Kí. Anh là một người bị liệt hai tay từ nhỏ, hai bàn tay của anh không thể viết được. Thấy các bạn cùng trang lứa được đi học còn anh thì ở nhà, anh rất buồn và thấy mình bất hạnh. Nhưng với ý chí nghị lực của mình, anh không cam chịu số phận, anh đã tập viết bằng chân rất khó khăn, anh viết chữ không thành chữ và rất xấu. Song anh không nản lòng, anh vẫn cố gắng, miệt mài ngồi tập viết. Sau một thời gian anh đã viết được và chữ của anh ngày càng tiến bộ hơn. Sau này người ta nói rằng chữ của anh chẳng khác gì với chữ của người viết bằng tay và thậm chí còn đẹp hơn nhiều người. Kết quả anh đã trở thành người thầy giáo giỏi. Anh Nguyễn Ngọc Kí chính là một tấm gương sáng ngàn đời cho chúng ta học tập và noi theo. Với ý chí nghị lực vươn lên trong cuộc sống, anh đã hoà nhập được với mọi người và đã trở thành một con người có ích cho cộng đồng.

Còn trong ngày nay, ý chí và nghị lực cũng rất cần thiết đối với mỗi người. Nó cũng được phát huy ở nhiều lĩnh vực của đời sống. Trong lao động sản xuất, có rất nhiều gia đình từ nghèo đói đã vươn lên làm giàu và có một cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Rồi ngay trong học tập, đã có biết bao tấm gương sáng vượt khó vươn lên học giỏi và trở thành một người tài có ích cho đất nước như chị Nguyễn Thị Thảo. Chị nhà rất nghèo nhưng không vì nghèo mà chị nản lòng, chị đã vươn lên, vượt qua hoàn cảnh bản thân và chị đã được học bổng, được đi du học ở nước ngoài. Hiện nay chị đang là một giảng viên giỏi một trường Đại học. Đó mới chỉ trong vài lĩnh vực, còn rất nhiều lĩnh vục khác trong cuộc sống mà không ít những tấm gương thể hiện nghị lực. Nhưng nói chung là tất cả những con người trong những lĩnh vực đó đều vươn lên bằng ý chí nghị lực của bản thân và có được hạnh phúc trong cuộc sống.

Tuy nhiên trong thực tế không phải ai cũng nhận thức được vai trò của ý chí nghị lực với cuộc sống của mỗi người. Có những người chỉ biết đến mình mà không nghĩ đến người khác. Đặc biệt là trong thời đại ngày nay, những thanh niên hư hỏng thường gây ra rất nhiều tệ nạn xã hội. Họ không vững vàng và họ đã sa vào những tệ nạn xã hội như ma tuý, nghiện hút, đua xe… do những người xấu rủ rê. Nếu có ý chí nghị lực vững vàng thì có lẽ họ đã tránh những tệ nạn đó.

Những cọn người có ý chí nghị lực thì họ nhận được hạnh phúc và luôn thành đạt. Còn những con người không có ý chí nghị lực thì cuộc đời họ như đã chết, chẳng còn ý nghĩa gì cả mà cuộc sống trở lên tầm thường tẻ ngắt và không có mục đích lý tưởng, ý chí vươn lên. Thậm chí họ sống chỉ là có hại cho gia đình, cho đất nước và xã hội ngày nay. Cũng bởi vậy mà mỗi chúng ta sống cần phải có ý chí nghị lực, có vậy thì cuộc sống mới trở nên có ý nghĩa, có sự cạnh tranh công bằng, đất nước ngày càng phát triển và xã hội sẽ ngày càng tốt đẹp hơn, không còn những tệ nạn xã hội.

Những người có ý chí nghị lực vươn lên trong cuộc sống họ đều xuất phát từ những hoàn cảnh bất hạnh, đáng thương hơn những người khác. Cũng xuất phát từ đó mà họ đã có ý chí vươn lên và họ thành đạt. Còn những người không có ý chí nghị lực là những người xuất phát từ sự ngu muội, không vững vàng vào lòng tin của chính mình và những người ấy lại có một kết cục bi thảm và đau thương hơn những người khác. Họ bị xã hội phê phán, lên án và chán ghét.

Từ nhận thức trên chúng ta hiểu rằng sống cần phải có ý chí nghị lực. Có như vậy thì cuộc sống mới có ý nghĩa và chúng ta sẽ trở thành những người thành đạt, là những người có ích, không hổ thẹn với bản thân với mọi người và với đất nước.

Tóm lại câu tục ngữ đã đề cao tinh thần sống có ý chí nghị lực, ý chí nghị lực cũng cần được giữ gìn và phát huy. Ta nhận định rằng câu tục ngữ trên hoàn toàn đúng.
 

Bài 4: Nghị luận về câu tục ngữ Có chí thì nên

Kho tàng tục ngữ Việt Nam giàu có, óng ánh sắc màu trí tuệ. Nó đúc kết bao kinh nghiệm quý báu trong dân gian. Là bài học nhân sinh, cách ứng xử, nó dạy khôn, dạy khéo để làm người. Chỉ nói về lòng kiên trì, ý chí của con người mà nhân dân ta có biết bao câu tục ngữ mang tính giáo dục sâu sắc, tiêu biểu là câu “Có chí thì nên”.

Vậy "chí" là gì? "Chí" là hoài bão, lí tưởng tốt đẹp, là nguồn động lực để ta thực hiện mơ ước, mục đích của bản thân, là điều cần thiết mà mỗi con người cần có. Bên cạnh đó, ý chí thường được đi đôi với sự kiên trì. Nhưng chỉ có ý chí không thôi thì không đủ, chúng ta còn phải có tri thức. Tri thức là sức mạnh. Trong thời đại phát triển mạnh mẽ của thông tin, khoa học kĩ thuật hiện nay, chúng ta còn phải biết trang bị cho mình những kiến thức đầy đủ và hợp lí. Nên là gì? Là sự thành công trong mọi việc hoặc một việc nào đó, là kết quả của ý chí, kiên trì và vốn tri thức của bản thân.

Một bài học giáo dục rất hay của người xưa, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ hiện nay. Đôi khi chính chúng ta phải nhìn nhận rằng số người thiếu sự quyết tâm, ý chí phấn đấu cầu tiến ngày càng nhiều trong xã hội. Dường như chính bản thân họ, đúng hơn là sự tự giác, tự thân vận động đã bị mất đi trong cái tiện nghi đầy đủ. Vì lẽ đó mà họ lại sống một cách an nhàn, thiếu sự nỗ lực, ý chí cầu tiên. Và sẽ tai hại hon khi chính họ chưa được rèn luyện, được dạy cách thích ứng với mọi tình huống bất ngờ xảy đến. Mặt khác còn có những người lại bi quan, không có sự kiên trì, quyết tâm, thấy việc nặng nhọc trước mắt là đùn đẩy, có suy nghĩ là sẽ không làm được, từ bỏ tất cả mọi thứ. Những con người ấy chỉ nhìn sự việc qua một khía cạnh, một khía cạnh bó hẹp trong cái khuôn khổ mà họ tự tạo ra. Một cái vỏ bọc của sự bi quan. Họ chỉ thấy cái xấu, cái bất lợi trước mắt nhưng lại quên đi lợi ích lâu dài. Bên cạnh đó lại có những người mới vừa gặp thử thách đầu tiên là lại tự bỏ cuộc. Chuyện này đã quá quen thuộc. Việc từ bỏ nhanh chóng ấy là do người đó thiếu sự tự tin, cầu tiến, sợ thất bại, họ không dám nhìn nhận sự thật dù có thể là phũ phàng. Và rằng đôi khi có nhiều người đã nỗ lực hết sức mình để vượt qua thử thách nhưng lại không đạt được kết quả mong muốn. Có lẽ vì hành trang kiến thức họ mang theo bên mình không đủ để làm việc đó. Nên đôi lúc, điều đó lại dẫn đến việc người ấy sẽ bị áp lực đè nặng, để rồi nản chí, dừng cuộc đua  nửa chừng trong khi bản thân họ chỉ mới đi một phần ba chặng đường.

Là con người, ai cũng có ý chí và sự kiên trì thực hiện nó mà ta không hề biết, có lẽ, vì những việc đó quá đỗi bình thường, xảy ra xung quanh ta mọi lúc mọi nơi đó thôi. Chẳng hạn như khi còn bé, muốn được khen hoặc được một viên kẹo, gói bánh thì ta phải cố gắng ngoan ngoãn, vâng lời, đó là ý chí, hoặc khi ta muốn biết bơi, ta phải có ý chí quyết tâm và kiên trì luyện tập thì mới thành công,... Và còn rất nhiều việc khác ta thể hiện ý chí dù ta không quan tâm là mấy. Quan trọng là cái ý chí của ta còn nhỏ, nó không đủ khả năng làm những việc to lớn. Nhưng nếu biết phát huy và nuôi dưỡng ý chí nhỏ này lớn lên thì đó là một bước đầu trong sự thành công của bạn rồi đấy!

Điều đó hoàn toàn có cơ sở. Người có ý chí, nghị lực thì lại luôn thành công. Vì đây là một đức tính không thể thiếu mà ai cũng cần phải có, khi muốn việc gì đó, ta đều phải sử dụng đến nó. Muốn thành công phái trải qua quá trình rèn luyện lâu dài. Đôi lúc sự thành công lại được rút từ những kinh nghiệm thất bại. Ý chí, nghị lực bền bi và sự kiên trì là sức mạnh quan trọng nhất giúp ta đi đến thành công. Càng gian nan, chịu đựng thử thách trong công việc thì thành công càng vinh quang, càng đáng tự hào. Văn hóa con người vẫn chỉ quảng bá và đề cao sự kiên cường. Chúng ta đều được dạy lúc nằm nôi là một khi đã quyết định hướng đi và mục tiêu thì nhất định phải vững lòng theo đuổi đến cùng. Phải theo đuổi cho đến khi thắng lợi vẻ vang hay thất bại hào hùng, nhưng chúng ta tuyệt không được dạy cách rút lui kịp thời, cách bỏ cuộc đúng lúc. Sa lầy trong cuộc chiến, bám trụ một cách bền gan chôn vùi thêm bao sinh mạng cũng mặc kệ.

Trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta, từ cuộc kháng chiến chống quân Minh của vua tôi nhà Lê đến cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mĩ của nhân dân ta trong những năm vừa qua, tất cả đều thử thách ý chí kiên trì bền gan vững chí của cả dân tộc để rồi ta lại dành được độc lập nhu mong ước đánh tan lũ bán nước, cướp nước. Trong lao động sản xuất và công cuộc xây dựng nước, chỉ với ý chí, nghị lực và đôi bàn tay mà dân ta đã xây dựng nên non sông gấm vóc để giờ đây ta có một cuộc sống hòa bình và một xã hội văn minh. Nhìn những con đê sừng sững đôi bờ sông Cầu, sông Hồng, sông Đáy, sông Thương, hay những ruộng đất màu mỡ, ta lại càng thấy khâm phục ông cha ta biết bao nhiêu... Bác Hồ, lãnh tụ vĩ đại - nhân vật tiêu biểu với nghị lực bền bỉ và sự quyết tâm đã ra đi tìm đường cứu nước, đưa nước nhà thoát khỏi cảnh đô hộ, lầm than của bọn xâm lược,...

Trong học tập, đức tính kiên trì lại càng rất cần thiết để có được thành công. Từ một em bé mẫu giáo vào lớp một, bắt đầu cầm phấn viết chữ o đầu tiên đến khi biết đọc, biết viết, biết làm toán rồi lần lượt mỗi năm một lớp, phải mất 12 năm mới hoàn thành những kiến thức phổ thông. Trong quá trình lâu dài không có lòng kiên trì luyện tập, cố gắng học hành, làm sao có ngày cầm được bằng tốt nghiệp. Người bình thường đã vậy, với những người như Nguyễn Ngọc Kí, lòng kiên trì bền bỉ lại càng cần thiết để vượt qua khó khăn. Vốn bị liệt hai tay từ nhỏ, anh đã kiên trì luyện viết bằng chân để có thể đến lớp cùng bạn bè. Đức kiên trì và ý chí vượt bao khó khăn, gian khổ đã giúp anh chiến thắng số phận. Anh đã học xong phổ thông, học xong đại học và trở thành thầy giáo, một nhà giáo ưu tú.

Chắc hẳn trong chúng ta ai cũng biết danh hài Hoài Linh đại tài. Từ nhỏ, danh hài Hoài Linh đã phải đi bán hàng rong để có thể kiếm sống qua ngày và nuôi các anh em trong gia đình. Chú bắt đầu sự nghiệp ca hát từ khi gặp một đoàn nhạc kịch trong một lần bán hàng rong. Chú đã cố gắng lấy lòng tin của mọi người trong đoàn, càng ngày càng có chỗ đứng trong xã hội, được mọi người yêu thích. Chú càng cố gắng hơn, khắc phục những lỗi nhỏ trong vai diễn của mình nên bây giờ, chú ấy đã trở thành một danh hài nổi tiếng trong nước mà ai cũng yêu mến.

Không chỉ trong nước, hãy bước xa hơn, bước ra ngoài thế giới rộng lớn này, ta sẽ thấy được còn rất nhiều con người kiên trì, quyết tâm như Bác, như thầy Ký. Ai cũng biết đó là Ê-đi-xơn, nhờ sự nỗ lực, ý chí mà ông đã sáng chế ra bóng đèn điện sau 10000 lần thất bại. Lin-coln phải rất cố gắng để trở thành tổng thống của Hoa Kì. Hê-len, nhà văn, nhà giáo dục nổi tiếng, luôn giúp đỡ những người có hoàn cảnh giống mình. Nhờ ý chí, nghị lực, bà luôn phấn đấu không ngừng dù cửa sổ tâm hồn của bà không nhìn được, dù không được ngắm nhìn vẻ đẹp muôn màu của thế giới xung quanh... Ngoài ra, còn có các danh nhân mà ai cũng biết đến như: Niu-tơn, Mari Quyri,... Từ đó, ta thấy được rằng những nhân vật, danh nhân nổi tiếng đều có ý chí quyết tâm rất cao và nghị lực bền bỉ. Họ, những con người tài năng ấy là những tấm gương sáng cho chúng ta học tập theo.

Vậy nên, ý chí, nghị lực luôn có mặt và ở xung quanh ta, nó rất cần thiết. Nếu chỉ một lần thất bại mà đã vội nản lòng, nhụt chí thì sẽ không bao giờ ta đạt được mục đích, và ta sẽ chẳng bao giờ nếm được cái mùi vị tuyệt vời của sự thành công đâu! Nếu Ê-đi-xơn nhụt chí ngay từ lần đầu chế tạo bóng đèn điện thì sẽ chẳng bao giờ ông làm ra được nó cả. Hãy nghĩ thử xem, nếu ai cũng nản lòng, thất bại như vậy thì có lẽ nhân loại sẽ không bao giờ được sống trong cái xã hội văn minh, hiện đại này với tivi, máy tính, hay các trang thiết bị thông minh,... đâu! Thế thì sao? Con người sẽ mãi mãi sống trong thời cổ đại mà thôi!

"Có chí thì nên", câu tục ngữ "như đinh đóng cột" ấy đặt chúng ta trước một phương châm, một kim chỉ nam định hướng cho cuộc đời mình. Đó là một chân lí chắc chắn. Nó khẳng định giá trị, ý nghĩ của ý chí và cả sự kiên trì sẵn bên trong. Câu nói giản dị này như một lời khuyên, lời nhắn nhủ quý báu hơn thế nữa, như một chân lí hiển nhiên của cuộc đời, khiến cho ai đó mỗi đọc lên phải tự ngẫm lại mình. Với mỗi tâm hồn thế hệ 8x, 9x thời đại mới những người đang đứng trước nhiều thử thách về năng lực trí tuệ, trước những đòi hỏi lớn về tiếp nhận tri thức mới mẻ... mà "thiếu chí""nhụt chí” thì hẳn là khó có thể đi tới đích mình cần trên con đường lập thân, lập nghiệp. Tôi nghĩ, chắc nhiều bạn học sinh còn mải chơi quên học hoặc học chưa hết sức, chắc hắn sẽ giật mình khi nghe ai nói tới câu tục ngữ: Có chí thì nên. Vậy nên, hãy tu dưỡng đức tính này ngay từ những việc nhỏ nhất đi nhé.
​​​​​

  Ý kiến bạn đọc

DANH MỤC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây