I. Dàn ý
1. Mở bài
- Tắt đèn là một tác phẩm xuất sắc của nhà văn Ngô Tất Tố về tình hình xã hội Việt Nam, về nông thôn Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám.
- Nêu luận điểm: “Nét nổi bật ở chị Dậu là tấm lòng yêu chồng thương con tha thiết, là tính vị tha và đức hi sinh”.
2. Thân bài
* Dù trong mọi hoàn cảnh, chị Dậu vẫn luôn dành trọn tình cảm đối với chồng, con mà không hề nghĩ đến bản thân mình, đến những khó khăn vất vả mà mình chịu đựng:
- Sau khi nấu được nồi cháo, chưa nghĩ đến con cái, chị múc ngay cháo ra một bát lớn, quạt cho chóng nguội rồi ân cần mời chồng ăn: “Chị đón lấy cái Tỉu và ngồi xuống đó như có ý chờ xem chồng chị ăn có ngon miệng hay không”.
- Tình thương chồng của chị còn được biểu hiện qua việc chị bảo vệ chồng khỏi đòn roi của bọn cai lệ.
- Đỉnh cao của tình cảm yêu thương của chị đôi với chồng chị là việc chị đánh thắng tên cai lệ và người nhà lí trưởng.
- Chính việc thương chồng, lo chồng bị đánh đã biến thành sức mạnh để chị chiến thắng tên cai lệ và người nhà lí trưởng, bảo vệ chồng mình.
* Chị Dậu còn là hình ảnh một người mẹ rất mực yêu thương con:
- Phải bán cái Tí, chị như đứt từng khúc ruột.
- Thái độ van xin của chị đôi với cái Tí thể hiện việc chị cảm thấy mình có lỗi với con.
3. Kết bài
Qua đoạn trích Tức nước vỡ bờ, ta thấy nổi bật lên hình ảnh người phụ nữ nông dân Việt Nam trước Cách mạng với tình yêu chồng, thương con tha thiết, giàu lòng vị tha, đức hi sinh.
II. Bài làm
Tiểu thuyết Tắt đèn là tác phẩm xuất sắc nhất của nhà văn Ngô Tất Tố và của nền văn học hiện thực phê phán. Trông đó, nhân vật chị Dậu là hình ảnh tiêu biểu của đòi sống người nông dân cùng khổ trong xã hội thực dân phong kiến trước cách mạng. Nét nổi bật ở chị Dậu là tấm lòng yêu chồng thương con tha thiết, là tính vị tha và đức hi sinh cao cả.
Ngô Tất Tố đã rất chú trọng khi xây dựng nhân vật chị Dậu, một người phụ nữ nông dân có nhiều phẩm chất cao đẹp. Những phẩm chất có ở chị Dậu cũng là những phẩm chất vốn có của con người Việt nam ta lúc nào cũng biết tôn trọng, giữ gìn và trau dồi phẩm chất của mình, dù là trong hoàn cảnh cơ cực, khốn khổ nhất. Trước hết, ở chị Dậu ta thấy, chị là một người phụ nữ nông dân hiền lành, đôn hậu, thực thà, chất phác. Trong làng, chị Dậu chưa từng xích mích với ai. Chị chỉ biết làm việc kiếm tiền nuôi con. Tuy khổ nhưng chẳng bao giờ lừa dối. Việc nhà, việc đồng chị đều giỏi giang. Một tay chị quán xuyến, vun vén cho cuộc sống của mấy người trong nhà. Chị Dậu còn là người yêu chồng, thương con tha thiết. Dù trong mọi hoàn cảnh, chị Dậu vẫn luôn dành trọn tình cảm đối với chồng, con mà không hề nghĩ đến bản thân mình, đến những khó khăn vất vả mà mình chịu đựng. Đói chị chịu đói, rách chị chịu rách, cái gì chị cũng dành cho chồng, cho con. Nhìn những đứa nhỏ đói rét mà chị như cắt cứa ở trong lòng.
Đối với chồng, nghèo khổ có nhau, bảo bồng, đùm bọc, chẳng vì giàu sang phú quý mà phụ tình, bạc nghĩa. Tình yêu chồng của chị Dậu thể hiện rõ nhất ở lần anh Dậu bị bọn sai nha đánh cho thừa chết thiếu sống chỉ vì anh chị không có tiền nộp cho xuất sưu của người em đã chết từ năm ngoái. Mỗi lằn roi trên người anh Dậu cũng là mỗi vết thương trong lòng chị. Nhìn anh Dậu nằm thoi thóp, rũ rượi trong cái đói cơn đau mà chị không cầm được nước mắt. Nhờ bà hàng xóm cho bát gạo, chị vội vàng đem đi nấu cháo cho chồng ăn đỡ đói. Sau khi nấu được nồi cháo, chưa nghĩ đến con cái, chị múc ngay cháo ra một bát lớn, quạt cho chóng nguội rồi ân cần mời chồng ăn. Anh Dậu vì đau quá không muốn ăn, chị tìm lời động viên trìu mến. Xong, chị đón lấy cái Tĩu và ngồi xuống đó như có ý chờ xem chồng chị ăn có ngon miệng hay không.
Tình thương chồng của chị còn được biểu hiện qua việc chị bất chấp hiểm nguy quyết bảo vệ chồng khỏi đòn roi của bọn cai lệ. Bọn chúng xong đến nhà khi anh Dậu chưa kịp ăm miếng cháo. Bọn chúng, những kẻ vô lương, không màng đến sức khỏe, sinh mệnh của kẻ cùng đinh, quyết bắt anh Dậu ra đình đánh tiếp cho đến khi anh nộp sưu. Những kẻ không có tính người, bị lún chìm trong ma lực của đồng tiền dơ bẩn, không cần sự sống của anh mà cần có tiền để làm xong nhiệm vụ với bọn quan trên. Rõ ràng, chúng biết anh Dậu làm gì có tiền để nộp sưu ngay hôm nay. Lần này chúng đến (và sẽ còn nhiều lần nữa) là để gay áp lực để anh Dậu (và những người còn thiếu sưu khác nữa) thấy được sức mạnh của cường quyền, của pháp chế. Chúng đến để hăm dọa và hành hạ con người. Bởi thế, chúng hùng hổ đời bắt trói anh Dậu.
Chao ôi, anh Dậu đã bị đánh thế kia, bị đói thế kia, bị sợ đến xanh tím mặt mày chắc sẽ chết nếu bị đánh tiếp. Chắc chắn là anh sẽ không chịu nổi đòn roi chồng chất đòn roi như thế. Hiểu được tình cảnh ấy, chị Dậu đã đứng lên. Chị đứng lên có sự tính toán kĩ lưỡng. Ban đầu, chị dùng lời nài nỉ, van lơn. Không được, chị lại hết lời cầu khẩn mong chúng rũ lòng thương hại mà tha cho kẻ khó lần này. Chúng vẫn không chịu buông tha, chị nghiêm giọng nhắc nhở, cảnh báo. Thế nhưng, sự cảnh báo của chị cùng hành động đỡ lấy tay roi của cai lệ chẳng khác nào như đổ dầu vào lửa làm bùng len sự dữ tợn của con thú ấy. Tên cai lệ sấn tới chỗ anh Dậu, gặp ngăn cản, hắn bịch luôn vào ngực chị Dậu mấy cái đau điếng. Quá tức giận và căm phẫn, chị đã phản kháng lại, ra mặt thách thức. Không để chúng kịp trở tay, chị đã quật cho chúng một trận nhớ đời. Chính việc thương chồng, lo chồng bị đánh đã biến thành sức mạnh để chị chiến thắng tên cai lệ và người nhà lí trưởng, bảo vệ chồng mình. Chị Dậu còn là hình ảnh một người mẹ rất mực yêu thương con. Với chị, không có gì quý hơn con cái. Có cái gì ăn, chị cũng dành cho con hết. Còn mình chỉ ăn vài miếng cho đỡ đói. Chị thấy hạnh phúc khi nhìn các con ăn. Chúng ăn vội vã vì đói quá. Đêm đêm, ôm chúng vào lòng, nghĩ đến cái tương lai mờ mịt đáng sợ, chị khóc một mình. Phải bán cái Tí để có tiền nộp sưu, vượt thoát khỏi kiếp nạn, chị như dứt từng khúc ruột. Nhìn cái Tí đau buồn mà chị như muốn chết đi. Biết là mình sai nhưng bán nó đi có thể nó được sống, gia đình sẽ được sống. Còn không bán đi, cả nhà có thể sẽ chết vì bị áp bức, hành hạ, vì đói khát. Nỗi khổ tâm ấy, chị không thể nào thấu rõ cùng con được.
Tình cảm yêu chồng thương con của nhân vật chị Dậu cũng là phẩm chất cao đẹp của người phụ nữ Việt Nam một lòng lo lắng, hi sinh cho hạnh phúc gia đình. Bao nhiêu thời đại thay đổi, bao nhiêu kiếp người đi qua, phẩm chất ấy vẫn còn nguyên vẹn, chẳng phai mờ.
Qua đoạn trích Tức nước vỡ bờ, ta thấy nổi bật lên hình ảnh người phụ nữ nông dân Việt Nam trước Cách mạng với tình yêu chồng, thương con tha thiết, giàu lòng vị tha, đức hi sinh. Chị Dậu chiếm được cảm tình của đông đảo người đọc từ trước đến nay.