Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Hiểu và nghĩ về tình yêu thiên nhiên, yêu đất nước của Hồ Chí Minh trong bài cảnh khuya.

Thứ ba - 17/09/2019 12:46
Tháp Mười đẹp nhất bông sen
Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ.
Bác Hồ - vị lãnh tụ của dân tộc Việt Nam, Người đã hi sinh hết mình cho dân, cho nước, Người có một trái tim nhân hậu, ấm áp, bao la và rất tinh tế. Mặc dù Người viết: “Ngâm thơ ta vốn không ham” nhưng những vần thơ Bác để lại cho đời thực sự là những vần thơ có giá trị. Cảnh khuya là một trong số những bài thơ tuyệt tác đó, thể hiện tình yêu thiên nhiên, yêu đất nước sâu sắc của Người:
Tiếng suối trong như tiếng hát xa,
Trăng lồng cổ thụ, bóng lồng hoa.
Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ,
Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà.

Bài thơ được Bác viết năm 1947 tại chiến khu Việt Bắc. Vì vậy, cảm hứng bài thơ xuất phát từ cảnh đẹp non xanh nước biếc, thanh tú nơi núi rừng chiến khu. Nhan đề Cảnh khuya giới thiệu cụ thể thời gian, đó không phải buổi sáng tinh khôi, buổi chiều ảm đạm mà là đêm khuya. Thời điểm đất trời và con người như lắng lại, yên lặng, tĩnh tâm. Bác là một chiến sĩ đồng thời cũng là một thi sĩ, trước vẻ đẹp kì diệu của thiên nhiên, trái tim Người không thể không xao xuyến. Từ tình yêu thiên nhiên tha thiết, Bác đã vẽ nên một bức tranh thiên nhiên núi rừng tuyệt mĩ. Mở đầu thi phẩm, âm thanh tiếng suối vang lên thật trong trẻo: Tiếng suối trong như tiếng hát xa.

“Tiếng suối” là âm thanh đặc trưng của núi rừng. Câu thơ ngắt nhịp 3/4 khiến âm thanh đó càng trở nên trong vắt, réo rắt. Nếu như ban ngày, tiếng suối hoà chung nhịp với muôn vàn âm thanh như tiếng chim ca líu lo, tiếng các loài vật đùa nghịch... thì ban đêm tiếng suối như được độc quyền phô diễn khúc ca của mình. Nhà thơ sử dụng nghệ thuật so sánh ẩn dụ đặc sắc khi miêu tả âm thanh “tiếng suối”: “Tiếng suối trong như tiếng hát xa”. “Tiếng hát xa” là tiếng hát trong tưởng tượng hay tiếng hát của đoàn quân thắng trận vang vọng về? Nhưng chắc hẳn đó là âm thanh cần phải có sự lắng lòng, yên tĩnh kì lạ mới có thể cảm nhận được. Xưa, Nguyễn Trãi đã viết:

Côn Sơn suối chảy rì rầm
Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai.
(Côn Sơn ca)

Ức Trai đã miêu tả tiếng suối Côn Sơn cũng trầm bổng như tiếng đàn cầm. Còn ở đây, Hồ Chí Minh tăng thêm sự gần gũi, hoà quyện giữa con người với thiên nhiên khi so sánh tiếng suối với tiếng hát. Cho dù câu thơ miêu tả âm thanh, song người đọc lại cảm nhận được bầu không khí yên tĩnh, bình lặng của cảnh. Câu thơ kết lại với từ “xa”, âm ; “a” tạo độ mở rộng khiến cho tiếng suối cứ như vang vọng mãi, ám ảnh.

Bức tranh thiên nhiên đêm khuya của núi rừng không chỉ có tiếng suối mà còn trở nên thi vị hơn, đẹp kì ảo hơn với sự xuất hiện của trăng:

Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa

“Trăng” là hình ảnh quen thuộc trong thơ Bác. Với Người, “trăng” không còn là vật thể thiên nhiên mà đã trở thành người bạn thân thiết, gần gũi:

Nhân hướng song tiền khán minh nguyệt
Nguyệt tòng song khích khán thi gia.
(Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ
Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ.)

Trong cảnh khuya ánh trăng bao trùm lên vạn vật với màu ánh bạc huyền ảo: “Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa”. Chỉ với một câu thơ, thi sĩ đã miêu tả được tầng bậc, lớp lớp cỏ cây, núi rừng Việt Bắc. Từ “lồng” được điệp lại hai lần trong một dòng thơ, đặc tả một cách tinh tế sự hoà quyện của thiên nhiên cảnh vật. Trăng, cây, cỏ hoa giờ tạo thành một khối thống nhất trong sự hài hoà. Đây thực sự là một trong số những câu thơ tuyệt tác tả trăng của núi rừng. Nếu không có sự gắn bó với thiên nhiên, lòng yêu thiên nhiên tha thiết, nhà thơ không thể viết nên những vần thơ vừa chân thực, vừa tinh tế đến vậy.

Bài thơ Cảnh khuya không đơn thuần là bài ca miêu tả vẻ đẹp thiên nhiên núi rừng, bức tranh đó trở nôn toàn mĩ hơn với sự xuất hiện của con người:

Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ
Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà.


Vẻ đẹp của cảnh một lần nữa được thi nhân khẳng định qua thủ pháp so sánh: “cảnh khuya như vẽ”. Ta bắt gặp sự đồng điệu giữa thơ Bác và ca dao:

Đường vô xứ Nghệ quanh quanh
Non xanh nước biếc như tranh họa đồ.


Cảnh non sông đất nước càng đẹp hơn trong thơ ca, trong tâm hồn những con người dạt dào tình yêu thương. Câu thơ ngắt nhịp 4/3 gợi cho người đọc nhiều suy tưởng. Phải chăng cảnh thiên nhiên đẹp quá khiến Người vấn vương, thao thức? Tuy nhiên, nếu chỉ như vậy thì Bác chỉ đơn thuần là một thi sĩ đa sầu, đa cảm. Câu thơ kết bài là lời giải thích trọn vẹn: “Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà”. Tấm lòng yêu nước, lo lắng cho dân của Người được thể hiện trực tiếp. Lối điệp vòng “chưa ngủ” như khắc sâu tâm trạng lo lắng, thao thức của Bác. Nhà thơ không sử dụng từ: “không ngủ” mà là “chưa ngủ” thể hiện sự chủ động, bản lĩnh của người chiến sĩ. Nếu ở ba câu đầu hình ảnh con người thi sĩ như chiếm lĩnh tất cả thì đến đây chất chiến sĩ được khẳng định mạnh mẽ. Có lẽ, trong cuộc đời rất ít phút giây Người dành cho riêng mình, đã bao đêm Người băn khoăn cho vận mệnh dân tộc. Ta nhớ đến thi phẩm của nhà thơ Minh Huệ, bài thơ Đêm nay Bác không ngủ, Người đã thức trắng cả đêm lo lắng cho đoàn dân công ngụ ngoài rừng, giữa trời “mưa lâm thâm”:

Lần thứ ba thức dậy
Anh hốt hoảng giật mình
Bác vẫn ngồi, đinh ninh
Chòm râu im phăng phắc..
Chú cứ việc ngủ ngon
Ngày mai âi đánh giặc
Bác thức thì mặc Bác
Bác ngủ không an lòng.

Bác thực sự là một vị cha già của dân tộc có trái tim yêu thương bao la và nhân hậu. Giữa cảnh sắc núi rừng Việt Bắc trong thời khắc đêm khuya, Người lặng lẽ, suy tư. Chất chiến sĩ, thi sĩ như hoà làm một trong một trái tim.

Cảnh khuya một bài thơ tứ tuyệt nhưng chứa đựng bao giá trị, bao tình cảm lớn lao. Qua thi phẩm, chúng ta - những thế hệ đi sau, được hiểu thêm về Bác, hiểu thêm về cảnh đẹp non sông, đất nước mình. Khi là một thi sĩ, Người là một thi sĩ tinh tế, nhạy cảm, yêu thiên nhiên tha thiết; khi là một chiến sĩ, Người lại là một chiến sĩ mang đầy tinh thần trách nhiệm, lo cho dân cho nước. Hai con người hoà quyện trong một con người, kết đọng lại ở một trái tim yêu nước dạt dào. Muôn triệu trái tim người con đất Việt luôn thành kính, biết ơn công lao to lớn của Người: Hồ Chí Minh!

Bản quyền thuộc về Sách Thư Viện. Ghi nguồn sachthuvien.com khi đăng lại bài viết này.

  Ý kiến bạn đọc

DANH MỤC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây