- Tác phẩm Người lái đò trên sông Đà nằm trong tập tuỳ bút Sông Đà (1960) là kết quả của những chuyến đi đến Tây Bắc trong thời kỳ chống Pháp và đặc biệt là vào năm 1958. Đây là tác phẩm tiêu biểu cho những đặc điểm của thể tuỳ bút và thể hiện rõ những đặc sắc trong phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân sau cách mạng.
2. Phân tích tác phẩm
a. Người lái đò trên sông Đà là tác phẩm tiêu biểu cho những đặc điểm của thể tuỳ bút và những nét riêng của tuỳ bút Nguyễn Tuân.
a.1. Khái niệm: tuỳ bút là một thể văn hiện đại nằm trong loại kí văn học, dùng để ghi lại những điều mắt thấy tai nghe đồng thời lại có thể bộc lộ những cảm xúc, suy nghĩ chủ quan của cá nhân người viết. Như vậy, thế tuỳ bút vừa mang tính chính xác của văn khoa học vừa mang tính trữ tình của văn nghệ thuật. Trong thể tuỳ bút, cái tôi của người nghệ sĩ có quyền thể hiện một cách độc đáo.
a.2. Phân tích
- Tính chính xác, khách quan của văn khoa học: Nguyễn Tuân tuy đã huy động những kiến thức cụ thể và công phu khảo cứu về địa lí, lịch sử, văn hoá để miêu tả con sông Đà. Sông Đà chảy theo hướng khác hẳn những con sông khác “Đà giang độc bắc lưu”, chảy qua một vùng đất có địa hình núi non hiểm trở nên có nhiều thác ghềnh (73 con thác dọc sông Đà). Những đoạn ghềnh thác đặc biệt được miêu tả rất cụ thể (ghềnh Hát Loóng). Nhà văn cũng đưa ra những thông tin thú vị về chiều dài sông (từ biên giới Việt - Trung đến ngã ba Trung Hà dài 500 cây số, tính toàn phần thì chiêu dài sông là 883.000 thước mét), sắc nước mỗi mùa (mùa xuân dòng xanh ngọc bích, mùa thu nước sông lừ lừ chín đỏ, sông Đà không xanh màu xanh canh hến như sông Gâm, sông Lô, cũng chưa bao giờ có màu đen như một cái tên tây láo lếu), về những tên sông (Bả Biên Giang, Li Tiên), về những thời kì lịch sử (chúa đất ngăn sông chia bến, Tây đóng đồn bốt ven sông, thời kỳ độc lập tự do con sông được thuần hoá phục vụ cho công cuộc xây dựng xã hội mới), thậm chí cả hình ảnh con sông trong thơ văn (thơ Nguyễn Quang Bích, thơ Tản Đà).
- Tính hư cấu, trữ tình của văn nghệ thuật: Con sông Đà của thiên nhiên Tây Bắc đi vào trong văn Nguyễn Tuân được nhân hoá trở thành một con người có lai lịch, có tính cách và tâm hồn vô cùng phong phú: khi hiền hoà, khi dữ dội, khi mênh mang êm đềm, lúc lại bản gắt thác lũ. Ngay cả những thông tin số liệu tưởng rất khô khan dưới ngòi bút Nguyễn Tuân cũng cựa quậy sống động (500 cây số lượn rồng rắn, màu nước lừ lừ chín đỏ như da mặt một người bầm đi vì rượu bữa...). Chuyến đ thực tế khảo sát sông Đà trở thành câu chuyện về một chuyến du lịch đầy thú vị mà khách du lịch luôn được thay thực đơn cho cảm giác của mình. Tính chất truyện trong tuỳ bút nghệ thuật bộc lộ khá rõ qua những hư cấu nghệ thuật, qua những liên tưởng phóng túng, táo bạo, sáng tạo ra những tình huống độc đáo để thể hiện trọn vẹn nét độc đáo trong tính cách, phẩm chất của hình tượng nhân vật. Ngoài 2 hình tượng sông Đà và người lái đò, bài tuỳ bút còn có một nhân vật đặc biệt: đó chính là “tôi” - cái tôi của Nguyễn Tuân - không chỉ đầy hiểu biết mà còn rất giàu cảm xúc: khi thì “sợ hãi” mà hình dung ra một cảnh người phóng viên táo bạo xuống đáy cái bút nước sông Đà mà quay phim, khi thì nao nao xúc động khi thấy sông Đà như một cố nhân trong phút giây gặp mặt, khi bâng khuâng, man mác hoà vào không khí êm đềm thơ mộng của sông Đà... Dưới sự dẫn dắt, giới thiệu của cái tôi ham hiểu biết, rất có duyên kể chuyện và vô cùng tinh tế, nhạy cảm trong nắm bắt vẻ đẹp độc đáo của thiên nhiên và con người, người đọc tuỳ bút Người lái đò trên sông Đà dễ có cảm giác đang được đắm mình trong một thế giới nghệ thuật kỳ diệu và huyền nhiệm đến mức, dẫu có được đi thuyền trên con sông Đà của thiên nhiên Tây Bắc cũng không dễ gì có được những cảm xúc, cảm giác chân thật đến thế.
b. Tuỳ bút Người lái đò trên sông Đà khi trở thành một tác phẩm đặc sắc, tiêu biểu cho thể tuỳ bút thì đồng thời nó cũng tiêu biểu, điển hình cho những nét độc đáo trong phong cách Nguyễn Tuân:
b.1. Định nghĩa: Phong cách nghệ thuật là sự kết hợp rất thống nhất, rất hài hoà nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật, làm nên diện mạo riêng của nhà văn, vừa độc đáo lại vừa có tính thẩm mĩ. Những đặc điểm riêng này vừa phải được lặp đi lặp lại nhiều lần trong toàn bộ sự nghiệp - lặp lại ở cái phần bản chất, cốt lõi bên trong song vẫn cần có sự vận động, phát triển để hoàn thiện trong những biểu hiện cụ thể, phong phú ở từng tác phẩm.
b.2. Phân tích
Người lái đò sông Đà mang rất rõ dấu ấn của “chủ nghĩa xê dịch” từng là một mảng đề tài quan trọng trong sáng tác của Nguyễn Tuân trước cách mạng. Tuy nhiên với nhân sinh quan của một nhà văn cách mạng, Nguyễn Tuân đã đến với Sông Đà không chỉ để “thay thực đơn cho cảm giác” mà còn đến bằng một tình yêu tha thiết với núi sông cây cỏ trên đất nước mình. Đúng là ở tuỳ bút này, Nguyễn Tuân phát hiện và tái hiện được những vẻ đẹp phi thường, những cảm xúc mãnh liệt - vốn là những điều dễ khơi gợi, thu hút và kích thích cảm hứng sáng tạo của ông (con sông Đà hung bạo đang lồng lộn trong trận thuỷ chiến, người lái đò trí dũng tài hoa trên sóng thác Đà giang). Song người đọc còn thấy được ở những trang văn này một tình yêu vừa sôi nổi, vừa đằm thắm của nhà văn với đất nước quê hương: từng đặc điểm của con sông - dù hùng vĩ, hiểm trở hay thơ mộng hiền hoà, từng đặc điểm của cuộc sống, con người - dù phi thường hay bình dị đều để thương để nhớ trong Nguyễn Tuân. Nhà văn không chỉ hào hứng khi ngợi ca những vẻ đẹp phi thường của sông và người, ngay cả những nét bình đạm đơn sơ nhất như việc nướng ống cơm lam, đốt lửa trong hang đá hay treo một cái bu gà phía mũi thuyền đều được nhà văn trân trọng ghi nhận. Xê dịch là để tìm kiếm, song sự tìm kiếm của Nguyễn Tuân không chỉ là để tự thoả mãn cái tôi ích kỉ cá nhân mà là để làm giàu cho cuộc sống chung của dân tộc.
- Là một người nghệ sĩ suốt đời săn tìm cái đẹp, Nguyễn Tuân luôn nhìn sự vật ở phương diện thẩm mĩ, nhìn con người ở phương diện anh hùng, nghệ sĩ. Con sông Đà dưới ngòi bút Nguyễn Tuân hiện lên như một kiệt tác của tạo hoá toàn năng: Nó hùng vĩ đến mức trở thành hung bạo, độc dữ (mục đích, hành động, cách thức). Nó thơ mộng đến độ trở thành mơ mộng, hiền hoà và đầy lãng mạn (rực rỡ, tươi thắm với cỏ hoa đôi bờ, mênh mang êm đềm như bờ tiền sử, như nỗi niềm cổ tích tuổi xưa, tĩnh lặng đến mức chỉ tiếng cá quẫy cũng giật mình, thậm chí chính con sông cũng có cái nhạy cảm của hồn người để lắng nghe và xúc động). Còn người lái đò trong sự tìm kiếm và phát hiện của Nguyễn Tuân đã không chỉ là một người anh hùng vượt thác qua ghềnh mà còn là một người nghệ sĩ trong nghệ thuật chèo lái con thuyền vượt sóng thác Đà giang, trong tình yêu và sự gắn bó với thiên nhiên Tây Bắc. Đặc biệt, nếu trước cách mạng, Nguyễn Tuân mới chỉ chu ý tìm kiếm cái đẹp trong quá khứ, cái đẹp của một lớp người được coi là thanh cao trong xã hội thì ở bài tuỳ bút này, Nguyễn Tuân còn thấy được cả cái đẹp của con sông Đà trong tương lai, thấy vẻ đẹp ở con người lao động, ở những công việc lao động bình thường.
- Phong cách khảo cứu của Nguyễn Tuân cũng bộc lộ rõ trong việc vận dụng những kiến thức uyên bác về rất nhiều ngành khoa học và nghệ thuật để đặc tả con sông và công việc của người lái dò: lịch sử, địa lí, văn hoá, võ thuật, điện ảnh, binh pháp, thể thao.
- Ngôn ngữ Nguyễn Tuân trong tuỳ bút cũng rất độc đáo và giàu tính thẩm mĩ: nhà văn đã thể hiện một vốn từ giàu có, giàu chất thơ, giàu giá trị thẩm mĩ và tạo hình (“lặng tờ”: sự im lặng tuyệt đối, sự tịch mịch hoang vu như ở thời tiền sử của cảnh sông Đà; “nắng giòn tan”: vừa tả được vẻ rực rỡ, trong trẻo và tươi tắn của nắng, vừa gợi được niềm vui sướng nhẹ nhõm của con người khi đã ở quá lâu trong rừng núi, ở quá lâu trong cảnh âm u, tối tăm, lạnh lẽo nay mới được nhìn thấy ánh nắng hắt lên từ mặt gương của nước sông Đà). Nguyễn Tuân cũng sáng tạo ra nhiều từ mới làm giàu thêm cho tiếng mẹ đẻ (“đòi nợ xuýt”: đòi người không mắc nợ mình một cách vô lí; “đánh khuýp quật vu hồi”: đi vòng ra sau đó đánh quật trở lại; “tiếng còi sương”: tiếng còi vang lên trong tâm tưởng, tiếng còi của suy tư mơ ước, tiếng còi của một tương lai tươi sáng trên miền Tây Bắc). Câu văn của Nguyễn Tuân uyển chuyển, mềm mại, biết co duỗi như có khớp xương: khi dồn dập từng nhịp ngắn “nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió”, khi lại trải ra mênh mang vói những thanh bằng nhịp nhàng, với vần điệu, ngắt nhịp rất hài hoà “thuyền tôi trôi trên sông Đà”, “con sông Đà tuôn dài...”. Nhà văn đặc biệt huy động sức mạnh của các biện pháp tu từ quen thuộc như so sánh, nhân hoá. Con sông vô tri vô giác của thiên nhiên tự nhiên đã trở thành một sinh thể sống động, thậm chí nhìn những hòn đá trên sông, ông cũng tưởng tượng ra thành diện mạo, tâm địa của con người. Cách so sánh của Nguyễn Tuân rất độc đáo: người ta thường lấy cái trừu tượng để so vói cái cụ thể nhưng Nguyễn Tuân đã làm ngược lại khi so sánh cái cụ thể của bờ sông với cái trừu tượng của một bờ tiền sử, của một nỗi niềm cổ tích tuổi xưa. Ngoài ra, kiểu so sánh liên tiếp theo lối móc xích rất mới mẻ cũng làm tăng thêm khả năng biểu đạt của câu văn Nguyễn Tuân “Còn xa lắm mới đến cái thác dưới... da cháy bùng bùng”.
3. Kết luận
- Tuỳ bút Người lái đò trên sông Đà là sự sáng tạo độc đáo của Nguyễn Tuân về vẻ đẹp của thiên nhiên Tây Bắc vừa hùng vĩ uy nghiêm vừa tuyệt vời thơ mộng. Nhưng quan trọng hơn, Nguyễn Tuân đã phát hiện và ngợi ca “chất vàng mười” của tâm hồn con người Tây Bắc. Đó chính là vẻ đẹp phi thường của những con người bình thường đang âm thầm chinh phục thiên nhiên, góp phần xây dựng cuộc sống mới.
- Nội dung ấy đã được Nguyễn Tuân chuyển tải một cách tài tình và thú vị trong một bài tuỳ bút mang những nét rất riêng của phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân. Nó vừa cho thấy sở trường của Nguyễn Tuân trong một thể văn lại vừa cho thấy sự chuyển biến tích cực của phong cách Nguyễn Tuân thời kì sau cách mạng. Có thể nói, với tuỳ bút Người lái đò trên sông Đà nói riêng, tập tuỳ bút Sông Đà nói chung, Nguyễn Tuân đã có một đóng góp quan trọng cho nền văn học nước nhà.