Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Hãy kể một câu chuyện em đã nghe hay đã đọc nói về những người đã góp sức mình chống lại đói nghèo, lạc hậu, vì hạnh phúc của nhân dân

Thứ hai - 24/08/2020 23:49
Trong cuộc đấu tranh để sinh tồn, loài người luôn phải đối phó với những căn bệnh hiểm nghèo. Nhờ sự sáng tạo và lao động bền bỉ của nhiều thế hệ, con người đã phát minh ra nhiều loại thuốc đẩy lùi bệnh tật. Câu chuyện Lu-i Pa-xtơ và em bé kể về một tấm gương lao động quên mình, vì hạnh phúc con người của nhà khoa học vĩ đại người Pháp Lu-i Pa-xtơ.
Năm 1885, chú bé chín tuổi Giô-dép bị chó dại cắn đã hai ngày, được mẹ đưa từ vùng quê xa xôi đến thủ đô Pa-ri nhờ Lu-i Pa-xtơ cứu chữa. Giô-dép bị mười bốn vết cắn ở tay, vì em đã lấy tay che mặt khi con chó xông vào. Mạng sống của em chỉ tính từng ngày. Em sẽ chết như những người bị chó dại cắn như xưa nay.

Nhìn vẻ đau đớn của em bé và đôi mắt đỏ hoe rưng rưng muốn khóc của người mẹ, lòng Pa-xtơ se lại. Ông đau lòng nghĩ đến một ngày kia em bé đáng thương này sẽ lên cơn điên dại, lịm dần vì tê liệt, hoặc nghẹt thở vì một cơn giật dữ dội, rồi chết.

Đêm đã khuya, Pa-xtơ vẫn ngồi trước bàn làm việc, nét mặt đầy ưu tư : “Có thể làm gì cho em bé ?”. Vắc-xin chữa bệnh dại ông chế ra đã thí nghiệm có kết quả trên loài vật, nhưng chưa lần nào được thí nghiệm trên cơ thể con người. Ông muốn chữa cho em bé khỏi nhưng không dám lấy em làm vật thí nghiệm. Nhỡ có tai biến thì sao ? Nhưng không còn cách nào cứu em bé. Bệnh dại đang đe dọa tính mạng em.

Ngày hôm sau, trao đổi ý kiến cùng với các cộng sự, Pa-xtơ đã đi đến quyết định : phải tiêm vắc-xin mới có hy vọng cứu em bé. Ngay chiều ấy, một vài giọt vắc-xin chống dại đã được tiêm vào dưới da bụng Giô-dép.

Những ngày sau, Pa-xtơ tiếp tục cho tiêm thêm vắc-xin có độc tính tăng dần. Chín ngày trôi qua với Pa-xtơ dài dằng dặc như chín tháng. Nhưng phát tiêm thứ mười là quyết định với độc tính rất cao có thể làm cho em bé lên cơn dại sau bảy ngày ủ bệnh. Có bắt buộc phải tiêm phát này không ? Pa-xtơ day dứt suốt đêm ròng với câu hỏi đó, tóc ông bạc thêm. Gần sáng, ông quyết định phải tiêm phát thứ mười để kiểm tra khả năng miễn dịch của cơ thể em bé sau chín ngày tiêm phòng, đồng thời tạo cho em sự miễn dịch chắc chắn.

Thêm bảy ngày chờ đợi dài đằng đẳng, từng phút lo sợ cơn dại bất thần xảy ra. Nhiều đêm, Pa-xtơ không sao chợp mắt được. Nhiều đêm, mặc dù chân trái bị tê liệt, ông vẫn một mình chống gậy đến thăm em bé.

Qua ngày thứ bảy, em bé vẫn khỏe mạnh, bình yên. Đêm thứ tám, Pa-xtơ đã ngủ một giấc ngon lành.

Sau thành công vang dội ấy, người ta đã liên tiếp chuyển đến phòng thí nghiệm của Pa-xtơ những người bị chó dại cắn để ông cứu chữa. Phòng thí nghiệm của ông trở thành Viện Pa-xtơ, viện chống dại đầu tiên trên thế giới.

Bản quyền thuộc về Sách Thư Viện. Ghi nguồn sachthuvien.com khi đăng lại bài viết này.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây