Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Hãy chứng minh tính đúng đắn của câu tục ngữ: Thất bại là mẹ thành công.

Chủ nhật - 22/09/2019 09:23
Trong cuộc sống, chúng ta thường hay vấp ngã nhưng quan trọng hơn hết đó chính là bản thân ta có đủ dũng khí để đứng lên làm lại từ những lần thất bại đó hay không? Từ thời xa xưa ở đất Việt có biết bao là nhân tài, nhưng bản thân họ dù thông minh, tài giỏi nhưng để đạt được một thành tựu lớn, một thành công như mong muốn, họ cũng đã phải trải qua biết bao gian truân, vất vả.
Hướng dẫn
- Xác định thể loại làm bài: Văn chứng minh.
- Đối tượng cần chứng minh; Tính đúng đắn của câu tục ngữ “Thất bại là mẹ thành công”
- Chủ đề: kiên trì, vượt khó.
- Giải thích những từ ngữ, hình ảnh trọng tâm trong đề bài:
+ Thất bại là gì?
• Là không đạt được kết quả, mục đích như dự định, trái với thành công.
+ Thành công là gì?
- Nghĩa cả câu (lời khuyên): Khi ta làm một công việc gì đó, tuy thất bại nhiều lần nhưng nếu ta biết rút kinh nghiệm thì cũng sẽ thành công.
Lưu ý: Nguồn dẫn chứng đưa ra cần phải sát với nội dung đề bài, tránh xa rời, khó hiểu, và phải đi theo trình tự từ xưa đến nay. Tránh sắp xếp lộn xộn các dẫn chứng sẽ gây bất hợp lí trong việc đọc hiểu nội dung.
Dàn bài
I. Mở bài
- Dẫn dắt: Trong kho tàng ca dao, tục ngữ của ông cha ta đã đúc kết biết bao kinh nghiệm sống quý báu…
- Nêu nội dung câu tục ngữ.
- Trích dẫn câu tục ngữ.
- Chuyển ý bằng cách đặt câu hỏi để tạo sự liên kết (ra sao? như thế nào?)
II. Thân bài
- Từ ngữ liên kết: Thật vậy, Quả đúng như vậy.
- Lời dẫn.
1. Giải thích từ ngữ trọng tâm trong câu tục ngữ (Nghĩa đen => Nghĩa bóng)
+ Thất bại là gì?
- Là không đạt được kết quả, mục đích như dự định, trái với thành công.
+ Thành công là gì?
- Nghĩa cả câu (lời khuyên): Khi ta làm một công việc gì đó, tuy thất bại nhiều lần nhưng nếu ta biết rút kinh nghiệm thì cũng sẽ thành công. .
Làm việc gì mà bị thất bại coi như hỏng việc. Đó là điều đáng buồn. Nhưng với người có chí, thất bại cũng là một điều hay. Vì rằng, qua cái hỏng, người ta sẽ nghiền ngẫm tìm cho ra cái sai của mình để sửa chữa trong những việc làm sắp tới. Như vậy công việc lần sau sẽ được mĩ mãn hơn. Người xưa có câu “khốn nhất sự, tăng nhất trí” có nghĩa là gặp khốn một việc là học khôn được một điều.
2. Đưa ra các nguồn dạn chứng
a. Trong thời đại lịch sử xa xưa
- Nguyễn Hiền, đỗ Trạng Nguyên năm 12 tuổi là nhờ vào lòng quyết tâm bền chí trong việc tu học mà thành tài.
- Cao Bá Quát, từ một người viết chữ không đọc được đến cho kiên trì, rèn luyện mà chữ viết đã được cải thiện và tên tuổi Cao Bá Quát văn hay chữ đẹp nổi tiếng khắp vùng.
- Những trận đánh lớn, những cuộc khởi nghĩa của ông cha ta ngày trước nếu không có sự kiên trì, quyết tâm đánh đuổi giặc ngoại xâm thì chúng ta sẽ không có được một đất nước phồn vinh như ngày hôm nay.
b. Trong thời đại hiện nay
- Thầy Nguyễn Ngọc Ký bị liệt hai tay từ nhỏ nhưng vẫn quyết tâm, nhẫn nại luyện viết chữ bằng chân của mình và ông đã thành công, trở thành một tấm gương sáng muôn đời về ý chí, về nghị lực vượt qua nghịch cảnh.
- Giáo sư Ngô Bảo Châu với sự kiên trì nghiên cứu toán học và cuối cùng cũng đã mang vinh dự về cho nước nhà Việt Nam thân yêu cùng với giải thưởng Fiels danh giá.
- Cậu bé Nguyễn Ngọc Hiếu nhà nghèo, học giỏi.
- Adam Khoo - một triệu phú người Singapore từ một cậu bé ngang bướng, học tệ đã kiên trì phấn đấu học tốt và thành đạt cùng với quyển sách đầu tay “Tôi tài giỏi bạn cũng thế” (dịch giả: Trần Đăng Khoa, Uông Xuân Vy) cùng nhiều quyển sách nổi tiếng khác nữa.
c. Trong thơ văn
- Có công mài sắt có ngày nên kim.
- Thất bại là mẹ thành công.
- Không có việc gì khó
Chỉ sợ lòng không bền
Đào núi và lấp biển
Quyết chí ắt làm nên.
(Bác Hồ)
- Chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo.
- Kiến tha lâu cũng đầy tổ.
- Nước chảy đá mòn.
- Câu nói của Nguyễn Bá Học: “Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông”.
- Ai ơi giữ chí cho bền
Dù ai xoay hướng, đổi nền mặc ai.
- “Tôi tin rằng mọi mơ ước đều có thể đạt được bằng sự kiên nhẫn” (M.Pha-ra-đây).
III. Kết bài
- Từ ngữ liên kết: Qua những điều vừa phân tích trên cho ta thấy,
- Khẳng định lại ý nghĩa của câu tục ngữ: Trong bất cứ công việc nào, đôi khi ta gặp thất bại, từ sự thất bại ấy ta rút kinh nghiệm và kiên trì thực hiện sẽ đạt được thành công.
- Liên hệ bản thân: Luôn phấn đấu, nỗ lực, quyết tâm, kiên trì nhiều hơn trong học tập và trong cuộc sống.

Bài làm 1
Trong kho tàng ca dao, tục ngữ Việt Nam đã có biết bao câu tục ngữ hay và đẹp và cũng có biết bao là đức tính tốt vốn có của con người đã được ông cha ta truyền từ đời này sang đời khác. Trong những lời khuyên dạy bảo ấy, đức tính kiên trì, nhẫn nại luôn là một trong những đức tính tốt, quý báu. Chúng ta biết đấy, để làm nên một sự nghiệp lớn ta phải trải qua biết bao nhiêu là gian truân, vất vả và đầy cực khổ và đây cũng chính là quá trình dẫn ta đến thành công. Điều đó không khác gì nội dung câu tục ngữ “Thất bại là mẹ thành công”. Vậy chúng ta phải hiểu câu tục ngữ này một cách đúng đắn ra sao?

Thật vậy, để dạy bảo cho con cháu đời sau dễ hiểu một khái niệm trừu tượng, đơn giản mà dễ hiểu ông cha ta đã dùng những từ ngữ, đơn giản mà dễ hiểu nhưng chứa đầy ý nghĩa sâu sắc trong đó. Vậy ở đây, thất bại có nghĩa là gì? Thất bại là khi ta đã bỏ ra rất nhiều công sức để đạt đến đỉnh cao nhưng không đạt như ý muốn của mình. Còn thành công ở đây nghĩa là gì? Thành công là khi ta làm một việc gì đó mà đạt được như ý muốn. Xét về mặt nghĩa đen thì “thất bại là mẹ thành công” muốn nói rằng gặp nhiều thất bại thì ta sẽ dễ dàng thành công hơn. Ngoài ra khi xét về mặt nghĩa bóng, thì hai khái niệm thành công và thất bại còn có ý nghĩa sâu xa hơn. Thất bại còn thể hiểu là một quá trình rèn luyện, học tập, tìm tòi mệt mỏi. Còn thành công lại chính là kết quả sau quá trình học tập đầy gian lao và cực khổ đó. Vậy khi bàn về mặt nghĩa bóng thì câu tục ngữ này muốn mang đến cho chúng ta một đạo lí rằng: nếu có tính kiên trì, nhẫn nại thì một ngày nào đó chúng ta cũng sẽ thành công.

Trong cuộc sống, chúng ta thường hay vấp ngã nhưng quan trọng hơn hết đó chính là bản thân ta có đủ dũng khí để đứng lên làm lại từ những lần thất bại đó hay không? Từ thời xa xưa ở đất Việt có biết bao là nhân tài, nhưng bản thân họ dù thông minh, tài giỏi nhưng để đạt được một thành tựu lớn, một thành công như mong muốn, họ cũng đã phải trải qua biết bao gian truân, vất vả. Điển hình như ông Cao Bá Quát - người nổi tiếng về văn hay chữ tốt cũng phải trải qua nhiều ngày cực khổ, vất vả. Ông từ lúc còn trẻ, viết văn rất hay nhưng chữ viết thì quá tệ, nhưng nhờ có ý chí, quyết tâm nên ông cũng viết được chữ rất đẹp. Bên cạnh đó, ta không thể không nhắc tới Trạng nguyên Nguyễn Hiền, tuy học lỏm vào mỗi buổi chiều chăn trâu bên nhà ông phú hộ, ông đã tự học và đi thi đỗ Trạng nguyên khi mới 12 tuổi. Trong những trận đánh đuổi giặc ngoại xâm của nhân dân ta, nhờ sự kiên trì, nhẫn nại mà chúng ta đã giành được độc lập dân tộc, giải phóng nhân dân Việt Nam thoát khỏi ách áp bức của bọn thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Điều đó chứng tỏ, lòng kiên trì, nhẫn nại là một đức tính cực kì quan trọng góp phần vào sự thành công của chúng ta.

Ớ thời đại ngày nay cũng có biết bao nhiêu là tấm gương sáng về đức tính kiên trì cho chúng ta noi theo. Thầy Nguyễn Ngọc Ký cũng là một người rất đáng cho chúng ta noi gương, học tập theo. Mặc dù ông bị liệt hai tay từ bé nhưng ông không chịu thua số phận, nghịch cảnh. Hàng ngày, ông vẫn kiên trì tập viết chữ bằng đôi chân của mình, nhờ sự nỗ lực, phấn đấu lớn đó mà ông đã thành đạt, trở thành nhà giáo ưu tú mẫu mực mà bao học sinh học tập, noi gương theo. Hay tại đất nước Singapore xa xôi, Adam Khoo cũng là một tấm gương về học tập và sự nỗ lực, kiên trì. Ngày trước, ông là một đứa trẻ rất ương ngạnh, học kém nhưng bằng sự nỗ lực của bản thân, ông đã từng bước tiến tới con đường thành công không chỉ trong học tập mà còn trong cuộc sống, hiện giờ ông là một trong những triệu phú trẻ của đất nước Singapore. Các bạn thấy đấy, để làm nên một sự nghiệp lớn, để đạt thành công trong mọi việc ta phải có sự kiên trì, quyết tâm, một ý chí bền vững thì ta mới đạt được thành công. Còn nếu không có sự kiên trì, mau nhụt chí thì ta sẽ chỉ mãi là một kẻ thất bại.

Trong biển cả thơ văn, ta vẫn thường bắt gặp một số hình ảnh, câu tục ngữ, ca dao tuy ngắn gọn, đơn giản nhưng hàm chứa một ý nghĩa rất lớn như “có công mài sắt có ngày nên kim”. Câu tục ngữ này cũng mang ý nghĩa rằng nhờ có đức tính kiên trì mà mọi việc đều thành công. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng gửi gắm đến chúng ta điều này qua một bài thơ:

Không có việc gì khó
Chỉ sợ lòng không bền
Đào núi và lấp biển
Quyết chí ắt làm nên.

Ta thấy chỉ cần có ý chí cứng rắn, sự quyết tâm, tinh thần thép thì chuyện gì ta cũng có thể làm được. Những câu tục ngữ, bài thơ trên như lời động viên, thúc giục chúng ta cần phải nỗ lực hơn nữa khi ta làm bất cứ cộng việc gì.

Tuy vậy, ngày nay ta vẫn còn bắt gặp một vài người còn hay nản chí, không vững lòng trước những khó khăn, thất bại. Họ dễ bị nghiêng ngả bởi những thất bại trong công việc từ đó mà họ buông xuôi, kéo theo suốt một cuộc đời họ mãi chỉ là người thất bại. Có nhiều câu cũng khuyên tả không nên nhụt chí như: “Chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo”, hay câu nói của Nguyễn Bá Học: “Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông”, cũng có câu “Ai ơi giữ chí cho bền / Dù ai xoay hướng đổi nền mặc ai”. Câu nói của M.Pha-ra-đây cũng rất thuyết phục: “Tôi tin rằng mọi mơ ước đều có thể đạt được bằng sự kiên nhẫn”. Cho nên tôi có lời khuyên, bạn hãy cố gắng nhiều hơn dù cho khó khăn, thất bại nó như thế nào đi chăng nữa, nếu có nghị lực, kiên trì vượt qua thì bạn sẽ thành công.

Ở những dẫn chứng trên cho ta thấy quả rõ một điều rằng, đức tính kiên trì, nhẫn nại là một trong những đức tính tốt đẹp mà chúng ta cần phải có. Thế hệ trẻ chúng ta hôm nay luôn tự hứa sẽ luôn phấn đấu, nỗ lực, bền chí trong tất cả mọi việc để có thể đạt được thành công như lời dạy của ông cha ta ngày trước đã truyền đạt.

Bài làm 2
Trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam, tục ngữ, ca dao thường được ví như cuốn “bách khoa” chứa đựng trong đó là vô vàn tri thức về đời sống mà nhân dân đã đúc kết qua cả ngàn năm. Trong đó có những đức tính tốt đặc biệt như ý chí quyết tâm, kiên trì, nhẫn nại đã giúp cho nhiều người từ thất bại đã thành công rực rõ. Nhưng cũng có người vì nản lòng, ý chí kiên trì không được bền bỉ nên dù chỉ là một lần thất bại thì họ cũng không muốn tiếp tục làm nữa và họ mãi mãi là kẻ thất bại. Có một câu tục ngữ mang ý nghĩa khuyên ta phải luôn kiên trì, nhẫn nại trong mọi việc đó là câu “thất bại là mẹ thành công”. Vậy câu tục ngữ này được hiểu một cách đúng đắn ra sao?

Quả đúng như vậy, câu tục ngữ là một lời khuyên đúng đắn về lòng quyết tâm, kiên trì dành cho tất cả mọi người nhưng trước hết ta cần phải hiểu rõ nghĩa của nó. “Thất bại” là không hoàn thành tốt một dự định mà mình đã đặt ra. “Thành công” là hoàn thành tốt những việc mà mình đã dự định. Nghĩa của cả câu nêu lên một lời khuyên, nếu chúng ta thất bại nhưng có lòng kiên trì, nhẫn nại thì có ngày chúng ta sẽ thành công rực rỡ.

Trong thời đại lịch sử xa xưa, Trần Minh - một chàng trai luôn mặc khố nghèo khổ, nhưng nhờ tinh thần vượt lên chính mình, dẹp qua mọi mặc cảm, vất vả, khó khăn mà anh đã học thành tài và được mọi người quý mến. Bên cạnh đó còn có Châu Trí quét lá đa, cặm cụi mỗi ngày đốt lá lấy ánh sáng để học. Sau một thời gian khổ luyện thì cậu đã đỗ đầu kì thi Hương và khi trở về làng cậu cũng nhận được những vinh quang rực rỡ. Đặc biệt hơn, Trạng Nguyên trẻ tuổi nhất của nước ta vào thời xưa - Nguyễn Hiền, đậu Trạng Nguyên lúc 12 tuổi đã gây kinh ngạc cho bao ngươi. Tuy lúc ngày thường cậu đi chăn trâu, làm lụng vất vả nhưng cậu đã phấn đấu, vươn lên trong việc tự học bằng cách học lóm thầy đồ khi dạy cho con cái của phú ông. Vì sự cần cù, cố gắng mà cậu đã thành danh.

Trong thời đại ngày nay, chúng ta không thể không kể đến những tấm gương nghị lực vươn lên trong nghiên cứu khoa học, giúp ích cho nhân loại có thể kể đến là Lui Pa-xtơ - một nhà nghiên cứu khoa học đã cặm cụi trong phòng thí nghiệm. Nhờ vào sự kiên trì, quyết tâm theo đuổi đến cùng ông cũng đã tìm ra nguyên nhân của bệnh dại và phát minh ra vắc-xin phòng ngừa. Nhờ vào sự kiên trì đó mà giờ đây nhân loại đã thoát khỏi một căn bệnh nguy hiểm, có ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của xã hội. Ở xóm tôi có một bạn nữ học rất giỏi nhưng do chữ viết rất xấu, đọc không được nên kết quả học tập của cô đã bị kéo xuống rất nhiều: Mỗi kì thi học kì đến là một lần bạn rất buồn vì thường hay bị điểm kém do chữ đọc không được. Nhưng sau một khoảng thời gian ngắn nỗ lực, rèn luyện chữ viết lại thì giờ đây bạn đã có một kết quả rất tốt trong học tập mà bạo người đều mơ ước.

Như chúng ta thấy đó, Trần Minh khố chuối, hay ,Châu Trí quét lá đa, Lu-i Paxtơ... họ đều xứng đáng được hưởng những thành quả tuyệt vời do mình tạo ra. Tất cả là nhờ vào ý chí kiên định, bền lòng. Đâu đó trong văn thơ, ta cũng thường hay bắt gặp những câu tục ngữ, ca dao cũng đúc kết những ý nghĩa như câu tục ngữ trên, có thể kể đến là câu “Có công mài sắt có ngày nên kim”, “Kiến tha lâu cũng đầy tổ”, “Nước chảy đá mòn”... đây đều là những câu tục ngữ thể hiện sự bền bỉ, gan thép trong tinh thần để ta vươn lên và thành công trong cuộc sống.

Mặt khác, ta cũng thường bắt gặp những người mặc dù chỉ thất bại đôi ba lần nhưng họ đã nản chí và bỏ bê công việc đang làm dở dang. Những con người ấy chẳng phải đã quá buông xuôi với mọi việc, tự làm nhụt chí bản thân mình hay sao? Nếu họ cứ như thế mãi thì họ sẽ chẳng bao giờ thành công cả.

Qua những dẫn chứng trên, ta nhận thấy rằng ý chí quyết tâm, lòng gang thép, bền bỉ sẽ là hành trang giúp chúng ta thành công nếu ta có sự thất bại. Riêng bản thân tôi hiểu rằng nếu ta có thất bại, ta hãy nỗ lực, phấn đấu vươn lên thì sẽ có ngày ta thành công. Bạn có nghĩ như tôi không?

Bản quyền thuộc về Sách Thư Viện. Ghi nguồn sachthuvien.com khi đăng lại bài viết này.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây