Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Giải thích câu: Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng.

Chủ nhật - 22/09/2019 09:19
Ta hãy nhìn bạn ta, một học sinh, chỗ nào cũng có mực: tay chân, quần áo, sách vở, có khi đầy cả mặt mũi nữa. Bạn học sinh đã bị vấy mực lem nhem, vì hàng ngày phải dùng đến mực. Dù khéo léo đến đâu, dù sạch sẽ thế nào cũng không tránh khỏi vết mực, chẳng nhiều thì ít.
Buổi tối, khi muốn đọc sách, ta phải đem lại bên đèn, chỗ đó có nhiều ánh sáng, dễ đọc hơn. Đèn đặt chỗ nào, ánh sáng tỏa ra chỗ đó, soi rõ mọi vật chung quanh. Trái lại, càng xa đèn bao nhiêu, càng tối bấy nhiêu. Bởi thế, ta có câu tục ngữ rất xác đáng:

Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng.

Nhưng câu tục ngữ này không phải chỉ khuyên ta đừng gần mực để bị đen tay, hay nên gần đèn để được nhiều ánh sáng. Thâm ý của cổ nhân là muốn khuyên ta rằng: gần người hay, ta cũng được hay, gần kẻ dở ta cũng hóa dở.

Thực vậy, nếu ta gần người xấu xa hiểm độc, thì rồi có ngày bản tính ta cũng thay đổi giống như kẻ kia, chẳng khác gì khi ta gần mực, dễ bị mực bôi bẩn ra người.

Trái lại, nếu ta kết bạn với người hay thì chẳng mấy lúc mà ta cũng học được nhiều những điều hay, nếu tốt, cũng như khi ta gần đèn thì được hưởng nhiều ánh sáng của đèn.

Ảnh hưởng xấu, tốt đó là vì đâu? Đó là bởi tính hay bắt chước của con người. Nhất là khi tuổi ta còn trẻ, kinh nghiệm ta còn ít, nên dễ a dua, đua đòi chúng bạn, không phân biệt được đâu là hay, đâu là dở.

Tuổi thanh thiếu niên chúng ta lại càng hay bắt chước, giàu lòng tự ái và thường ganh đua, thành thử hay đua nhau làm điều xấu. Cho nên ta cần phải thận trọng trong việc kết bạn.

Ở nhà là đứa con bất hiếu, hỗn láo với cha mẹ, anh học trò phản lại thầy, viên chức tham ô, kẻ bán nước hại dân... đều là những kẻ chẳng còn nhân phẩm, để lại tiếng xấu cho đời, vết nhơ cho gia tộc.

Trái lại, có người đem của cải làm công việc thiện, sống ngay thẳng chính trực, làm ích nước, lợi dân, hay những vị anh hùng hi sinh cho Tổ quốc những người ấy dù không còn sống nữa, xóm làng, dân tộc, cũng vẫn hết lòng nhắc nhở, chẳng cần khắc đá, ghi bia.

Chúng ta ngày nay còn nhỏ, phải tập làm những điều hay, tránh những điều dở. Hãy trọng dư luận chung quanh; đừng coi thường những lời phê bình của họ. Nếu ta giẫm trên dư luận mà làm càn, làm bậy thì ta nhắm mắt cũng không yên, đã chết rồi mà tiếng xấu của đời vẫn còn đeo đẳng mãi.
 

Bản quyền thuộc về Sách Thư Viện. Ghi nguồn sachthuvien.com khi đăng lại bài viết này.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây