Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Nhân dân ta thường khuyên nhau: Nhiễu điều phủ lấy giá gương, Người trong một nước phải thương nhau cùng

Chủ nhật - 22/09/2019 09:18
Lời khuyên trên có ý nghĩa gì? Từ đó, em hãy nêu lên cảm nghĩ của mình.

Là người Việt Nam, mấy ai không tự hào mình là con Rồng cháu Tiên, là con cháu của cha ông vốn cùng sinh ra từ một bọc trăm trứng của mẹ Âu Cơ. Dù ở đâu, dù sinh ra trong hoàn cảnh nào, người Việt Nam vẫn tự hào là “con một cha, nhà một nóc”. Vì vậy, đã là con một nhà, người trong một nước phải thương yêu, đùm bọc lẫn nhau. Truyền thống cao cả và tốt đẹp ấy được biểu hiện trọng câu ca dao:

Nhiễu điều phủ lấy giá gương,
Người trong một nước phải thương nhau cùng.
Người xưa đã biết cách phô diễn tình cảm một cách tài tình. Nhiễu điều là một thứ lụa đẹp óng ánh sắc đỏ. Giá gương là một chiếc giá, thường được làm bằng gỗ quý, cũng có thể la chiếc giá được chạm khắc cầu kì, công phu. Giá gương chỉ đẹp, chỉ bền, chỉ trang trọng khi được phủ lên tấm lụa điều. Mượn cách phô diễn ấy, người xưa muốn diễn tả một tình cảm đẹp đẽ, cao cả, đó là tấm lòng sẵn sàng che chở, đùm bọc nhau, thương yêu nhau của người dân trong cùng một nước. Lời khuyên đó hoàn toàn đúng đắn, có tình có lí mà đằm thắm và sâu sắc.

Một cây sao có thể thành rừng, sao có thể chống đỡ được mưa giông bão tố. Nhiều cây “chụm lại” sẽ là một rừng cây bão gió chẳng thể chuyển lay, chẳng thể đánh gục. Người dân sống trong một làng, một huyện, một tỉnh và trong cả nước đều là người cùng một cộng đồng, đều có quan hệ khăn khít về vật chất, về tình cảm. Mỗi người dân trong cộng đồng phải thường xuyên đùm bọc lẫn nhau, giúp đỡ nhau trong cuộc sống hằng ngày, nhất là khi khó khăn, hoạn nạn. Có đoàn kết, thương yêu nhau mới có thể gắn bó nhau để tạo nên một sức mạnh, mới thống nhất được ý chí và hành động để làm được những việc to lớn. Một giọt nước sao có thể tạo thành biển khơi. “Một ngôi sao chẳng sáng đêm. Một thân lúa chín chẳng nên mùa vàng. Một người đâu phải nhân gian”. Vì thế, tinh thần đoàn kết, thương yêu, đùm bọc nhau là cần thiết, là cơ sở của lòng yêu nước thương nòi, là truyền thống tốt đẹp từ bao đời nay của dân tộc ta.

“Người trong một nước phải thương nhau cùng”. Tình thương yêu ấy phải trở thành điều tâm niệm của mọi người, phải được thể hiện bằng hành động cụ thể, phải được thực hiện trong bất cứ hoàn cảnh nào. Khi một địa phương gặp thiên tai, địch họa, mỗi người địa phương mình gặp hoạn nạn, bởi “thương người như thể thương thân”, bởi bầu bí “tuy rằng khác giống như chung một giàn”, đó là đạo lí từ ngàn xưa, nhân dân ta đã từng khuyên bảo nhau như thế. Cần phải góp người, sức của giúp đỡ các địa phương gặp khó khăn. Dân ca Thái có một bài ca mộc mạc mà rất hay, rất thắm đượm nghĩa tình:

Đầu mường ta là cuối mường bạn,
Thuyền bè dứt trôi xuôi, người dưới buộc lại,
Voi ngựa sổng chạy ngược, người trên buộc lại
Lợn chó ăn chung, gạ vịt ăn cùng.

Trong những năm gần đây, tình cảm thương yêu, đùm bọc, lẫn nhau được thể hiện rất rõ ở các địa phương trong cả nước. Khi Sơn La, Lai Châu bị bão lụt, nhân dân cả nước đã tích cực hỗ trợ đồng bào các dân tộc ở hai tỉnh nhanh chóng ổn định đời sống. Khi đồng bằng sông Cửu Long bị lụt lớn, cả nước lại chi viện đắc lực cho các tỉnh vùng lúa phục hồi nhanh hậu quả của thiên tai. Nhân dân ta dành dụm từng cân lúa, tấm áo, ngày lương, viên thuốc, quyển sách... để nhân dân các vùng bị lũ lụt vượt qua hiểm nghèo, mau chóng đưa các hoạt động trở lại bình thường. Ở đâu trong nước ta cũng có những hoạt động nhân đạo, giúp đỡ những người bị bất hạnh, tật nguyền, nghèo khó với tinh thần “chị ngã em nâng”, “lá lành đùm lá rách”. Tinh thần đoàn kết, thương yêu nhau là cơ sở của lòng yêu nước, yêu con người, giúp chúng ta có trách nhiệm đầy đủ trước vận mệnh của đất nước.

Ngược lại, thái độ lạnh nhạt, thờ ơ, bàng quan đối với những biến cố xảy ra ở các địa phương khác là biểu hiện của sự chia rẽ, không đoàn kết. Đó cũng chính là biểu hiện của tính cá nhân ích kỉ chỉ lo cho bản thân mình, là biểu hiện của tư tưởng cục bộ, bản vị hẹp hòi. Những ai có biểu hiện như thế, suy cho cùng, tình đồng bào, lòng nhân ái và lòng yêu nước của họ chỉ là những lời nói suông mà thôi.

Dân tộc ta là một dân tộc vốn giàu lòng nhân ái. Tình thương yêu, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau đã trở thành nếp nghĩ, lẽ sống của con người và được thực hành từ hàng ngàn năm nay. Truyền thống đẹp đẽ và cao cả đó luôn được giữ vững và phát huy suốt chiều dài của lịch sử dân tộc, được biểu hiện rõ trong khó khăn, hoạn nạn. Ngày nay, truyền thống thương yêu, đùm bọc nhau cũng vẫn được phát huy mạnh mẽ ở mỗi người dân, mỗi đoàn thể, mỗi địa phương trong cả nước ta. Tuy nhiên, vấn đề đoàn kết yêu thương nhau không thể chỉ là một chiều, không phải là bao che, dung túng cho những biểu hiện tiêu cực, mà phải cần đấu tranh xây dựng. Đó cũng là cách hiểu, là sự vận dụng đúng đắn và sáng tạo phương châm xử thế tốt đẹp từ ngàn đời nay của cha ông ta như ý nghĩa của câu ca dao đã nêu, như nội dung giàu chất nhân ái mà câu ca dao tỏa sáng từ muôn đời nay.

Bản quyền thuộc về Sách Thư Viện. Ghi nguồn sachthuvien.com khi đăng lại bài viết này.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây