Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Chứng minh rằng nhân dân Việt Nam ta từ xưa đến nay luôn sống theo đạo lí: Lá lành đùm lá rách.

Chủ nhật - 22/09/2019 09:25
Nước Việt Nam ta từ xưa đến nay luôn tuân thủ và sống theo đạo lí yêu thương, đùm bọc lẫn nhau. Đó là một phẩm chất đạo đức tốt đẹp mà nhân dân ta đã truyền tụng từ đời này sang đời khác. Đạo đức tốt đẹp ấy như một vết hằn in sâu trong tim của mỗi con người Việt Nam. Thuở nhỏ, chúng ta đã được thầy cô, cha mẹ, anh chị,… dạy cho chúng ta những điều hay lẽ phải ấy và câu tục ngữ tiêu biểu cho chủ đề yêu thương, đùm bọc là câu “Lá lành đùm lá rách”. Vậy chúng ta phải hiểu câu tục ngữ này ra sao?
Hướng dẫn
- Xác định thể loại làm bài: Văn chứng minh.
- Đối tượng cần chứng minh: Câu tục ngữ “Lá lành đùm lá rách”.
- Chủ đề: tình yêu thương, đùm bọc.
- Giải thích những từ ngữ, hình ảnh trọng tâm trong đề bài:
+ Lá lành là gì?
- Chiếc lá còn nguyên vẹn, không bị hư hỏng hoặc bị tác động.
+ Lá rách là gì?
- Chiếc lá đã bị phai mòn, rách nát, không còn nguyên vẹn.
- Nghĩa của cả câu (lời khuyên, nhắc nhở): ám chỉ đến sự thương yêu, đùm bọc, tương trợ lẫn nhau giữa người giàu và người nghèo, giữa kẻ may mắn và kẻ gặp bất hạnh để thắm đượm nghĩa đồng bào, tình huyết thống với nhau.
Dàn bài
I. Mở bài
- Dẫn dắt: “Trong vô vàn những đức tính tốt đẹp và quý báu của con người Việt Nam thì tình yêu thương là một trong những tình cảm tuyệt vời và hết sức quan trọng đối với con người”.
- Nêu nội dung tục ngữ.
- Trích dẫn câu tục ngữ.
- Chuyển ý bằng cách đặt câu hỏi để tạo sự liên kết (ra sao? Như thế nào?)
II. Thân bài
- Từ ngữ liên kết: Thật vậy, Quả đúng như vậy.
- Lời dẫn.
1. Giải thích từ ngữ trọng tâm trong câu tục ngữ (Nghĩa đen => Nghĩa bóng).
+ Lá lành là gì?
- Chiếc lá còn nguyên vẹn, không bị hư hỏng hoặc bị tác động.
+ Lá rách là gì?
- Chiếc lá đã bị phai mòn, rách nát, không còn nguyên vẹn.
- Nghĩa của cả câu (lời khuyên, nhắc nhở): ám chỉ đến sự thương yêu, đùm bọc, tương trợ lẫn nhau giữa người giàu và người nghèo, giữa kẻ may mắn và kẻ gặp bất hạnh để thắm đượm nghĩa đồng bào, tình huyết thống với nhau.
2. Đưa ra các nguồn dẫn chứng
a. Trong thời đại lịch sử xa xưa
Trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mĩ xâm lược, nhân dân ta đã nhờ vào tinh thần đoàn kết và yêu thương, giúp đỡ cho nhau từng hạt gạo, miếng xôi để vượt qua cơn khốn khó.
b. Trong thời đại hiện nay
Nhiều chương trình truyền hình giúp đỡ người nghèo ngày càng nhiều như: “Tiếp sức đến trường”, “Ngôi nhà mơ ước”, “Vượt lên chính mình”, “Lục lạc vàng”... Đó chính là những chương trình rất có ý nghĩa nhằm giúp cho những người còn nghèo khó trong hoàn cảnh biết vươn lên trong cuộc sống.
c. Trong thơ văn
- Thương người như thể thương thân.
- Nhiễu điều phủ lấy giá gượng
Người trong một nước phải thương nhau cùng.
3. Mở rộng
Trong cuộc sống hiện tại vẫn cồn. nhiều kẻ thờ ơ, ghẻ lạnh với những người xung quanh mình. Đó là những con người cần phải phê phán, rất đáng chê trách.
III. Kết bài
- Từ ngữ liên kết: Qua những điều vừa phân tích ở trên.
- Khẳng định lại ý nghĩa của ý kiến: Nhấn mạnh tình yêu thương, đùm bọc, che chở lẫn nhau là một truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam, chúng ta cần phải biết trân trọng và giữ gìn.
- Ứng dụng học tập cho bản thân: Luôn mở rộng tấm lòng để có thể yêu thương người khác, giúp đỡ mọi người xung quanh nhiều hơn nữa.

Bài làm 1
Người Việt Nam ta có thể tự hào về kho tàng văn học lâu đời đồ sộ, mang những giá trị lớn lao trong cuộc sống. Trong kho tàng ấy, có khi là những trang thơ văn hào hùng mang ý chí giành độc lập, lúc lại là những câu chuyện xúc động mang tính nhân văn sâu sắc, thiết tha... Đặc biệt hơn, trong kho tàng thơ văn còn có những câu tục ngữ hay, tuy ngắn gọn, ổn định nhưng bên trong chứa đựng biết bao là bài học bổ ích, những kinh nghiệm sống quý báu. Chúng ta có thể nhắc đến câu tục ngữ: “Lá lành đùm lá rách”. Đó cũng là một đạo lí tốt đẹp mà ông cha ta muốn gửi gắm đến thế hệ con cháu về sau nhằm khuyên nhủ con người trong cuộc sống phải biết yêu thương, đùm bọc lẫn nhau. Vậy, chúng ta phải hiểu câu tục ngữ trên một cách đúng đắn ra sao?

Quả đúng như vậy, để có thể dễ dàng truyền đạt một cách dễ hiểu cho con cháu những phẩm chất đạo đức, ông cha ta thường hay sử dụng những từ ngữ giản dị nhưng giàu ý nghĩa. “Lá lành” là chiếc lá còn nguyên vẹn, không bị hư hỏng hoặc bị tác động. “Lá rách” là hình ảnh chiếc lá đã bị phai mòn, rách nát, không còn nguyên vẹn. “Đùm” là từ chỉ sự che chở, bảo bọc cho nhau. Xét về mặt nghĩa đen: lá lành phải biết che chở, đùm bọc cho chiếc lá không nguyên vẹn. Còn khi xét về mặt nghĩa bóng thì nghĩa của câu là chúng ta phải biết yêu thương lẫn nhau, che chở, giúp đỡ cho nhau nhiều hơn. Đặc biệt là những người kém may mắn hơn chúng ta.

Có thể nói, sự yêu thương, đùm bọc, che chở lẫn nhau là một đạo lí tốt đẹp của dân tộc ta khuyên nhủ chúng ta phải biết san sẻ cho nhau những điều tốt lành để những người còn khó khăn có thêm niềm tin yêu vào cuộc sống. Trong thời đại lịch sử xa xưa, nhân dân ta đã bị thực dân Pháp áp bức, bóc lột, chịu sự hành hạ về thể xác của bọn chúng. Nhưng không vì thế mà chúng ta chịu khuất phục. Nhân dân ta nhiều lần khởi nghĩa giành lại lãnh thổ của tổ tiên. Nhờ sự đoàn kết, chung lòng cứu nước, cuối cùng dân tộc ta cũng đã đánh đuổi được bọn giặc ngoại xâm. Tóm lại, nhờ có tinh thần đoàn kết của nhân dân mà bọn giặc dữ phải khuất phục dân tộc ta.

Trong xã hội ngày nay, nhà nước và xã hội có thực hiện nhiều chương trình từ thiện, mang tính cộng đồng như Ngôi nhà mơ ước, Vượt lên chính mình, Lục lạc vàng,... Đó là những chương trình được thực hiện nhằm giúp đỡ cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn biết vươn lên trong cuộc sống. Các chương trình đó đã thể hiện được sự quan tâm của cộng đồng đến những mảnh đời bất hạnh, đồng thời thể hiện sự đoàn kết, tương trợ của dân tộc Việt Nam ta. Và nhờ có Các chương trình như vậy mà nhiều gia đình đã dần thoát khỏi cảnh nghèo, cải thiện được cuộc sống của mình. Tóm lại nhờ có những tấm lòng hảo tâm như vậy mà họ đã có được cuộc sống ấm no hơn trước.

Trong văn học cũng tồn tại một vài câu tục ngữ, ca dao thể hiện tinh thần tương thân tương ái lẫn nhau giữa người với người như câu “Thương người như thể thương thân”, “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước phải thương nhau cùng”... Những câu tục ngữ, ca dao trên đã thể hiện rất rõ tình yêu thương, sự quan tâm, chăm sóc lẫn nhau giữa con người và con người, thấm nhuần tư tưởng nhân văn.

Trong cuộc sông đầy bon chen như bây giờ, chúng ta không hiếm gặp những con người “lòng lang dạ thú” đối xử tàn ác với đồng loại của mình mà bỏ quên sự yêu thương giúp đỡ, che chở lẫn nhau. Những kẻ này rất đáng bị phê phán và trừng trị.

Qua các dẫn chứng trên cho ta thấy, sự yêu thương và đoàn kết là vô cùng quan trọng. Nhờ có sự yêu thương và đoàn kết giữa con người với nhau mà chúng ta có thể vượt qua mọi khó khăn trước mắt. Từ câu tục ngữ trên, tôi rút ra được một bài học cho bản thân là luôn yêu thương mọi người xung quanh mình. Và tôi hứa sẽ giúp đỡ những bạn kém may mắn hơn mình để bạn ấy có thể vươn lên trong cuộc sống.

Bài làm 2
Nước Việt Nam ta từ xưa đến nay luôn tuân thủ và sống theo đạo lí yêu thương, đùm bọc lẫn nhau. Đó là một phẩm chất đạo đức tốt đẹp mà nhân dân ta đã truyền tụng từ đời này sang đời khác. Đạo đức tốt đẹp ấy như một vết hằn in sâu trong tim của mỗi con người Việt Nam. Thuở nhỏ, chúng ta đã được thầy cô, cha mẹ, anh chị,… dạy cho chúng ta những điều hay lẽ phải ấy và câu tục ngữ tiêu biểu cho chủ đề yêu thương, đùm bọc là câu “Lá lành đùm lá rách”. Vậy chúng ta phải hiểu câu tục ngữ này ra sao?

Quả đúng như vậy, câu tục ngữ trên đã thể hiện được một phẩm chất tốt đẹp của dân tộc ta đó là sự yêu thương, che chở cho nhau, đặc biệt là những người gặp khó khăn, hoạn nạn. Đề truyền đạt cho thế hệ sau này những ý nghĩa, khái niệm trừu tượng, ông cha ta đã sử dụng những từ ngữ giàu ý nghĩa để chúng ta dễ hiểu hơn. “Lá lành” là chiếc lá còn nguyên vẹn, không bị hư hỏng hoặc bị tác động. “Lá rách” là hình ảnh chiếc lá đã bị phai mòn, rách nát, không còn nguyên vẹn. “Đùm” là từ chỉ sự che chở, bảo bọc cho nhau. Xét về mặt nghĩa đen: lá lành phải biết che chở, đùm bọc cho chiếc lá không nguyên vẹn. Còn khi xét về mặt nghĩa bóng thì nghĩa của câu là chúng ta phải biết yêu thương lẫn nhau, che chở, giúp đỡ cho nhau nhiều hơn. Đặc biệt là những người kém may mắn hơn chúng ta.

Câu tục ngữ này đã thể hiện được phẩm chất đạo đức tốt đẹp của ông cha ta được truyền tụng từ ngàn xưa đến tận bây giờ. Nhờ đó mà tổ quốc chúng ta có thêm những con người nhân ái, quan tâm, biết giúp đỡ và yêu thương người khác.

Trong thời đại lịch sử xa xưa cũng đã tồn tại tấm lòng bảo vệ, che chở cho người khác, cụ thể là khi chiến tranh xảy ra, đối mặt với quân giặc ngoại xâm hung hăng, độc ác như thực dân Pháp và đế quốc Mĩ, nhưng chúng vẫn phải chịu khuất phục chúng ta đó là vì dân tộc ta luôn biết yêu thương, che chở và đoàn kết với nhau đã tạo nên một sức mạnh tinh thần dân tộc cực kì to lớn. Như chúng ta đã thấy, dù cho ở bất kì thời điểm nào, thế hệ nào dân tộc ta vẫn luôn một lòng hướng về sự đoàn kết, yêu thương lẫn nhau.

Trong thời đại ngày nay, đa số chúng ta đều biết quan tâm, bảo vệ lẫn nhau trong đời sống, biết bảo vệ lẫn nhau trước quân gian ác, hiểm độc, ... và bênh vực người khác khi họ bị đổ oan, lên tiếng bảo vệ quyền lợi chung của mọi người nhưng bên cạnh đó cũng có những người chỉ biết ích kỉ vì quyền lợi cá nhân của mình, thấy cái oan sai mà bỏ qua không một chút quan tâm, lo lắng và thông cảm.

Trong thơ văn vẫn còn tồn tại đâu đó những trang văn có  từ lâu đời của dân tộc ta thể hiện được tình yêu thương, tinh thần tương thân tương tương ái như:

- Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước phai thương nhau cùng
- Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn.

Hay câu tục ngữ “Thương người như thế thương thân” cũng đã phần nào thể hiện được truyền thống đạo lí tốt đẹp ấy.

Qua các dẫn chứng trên, tôi đã biết được các phẩm chất tốt đẹp của cha ông ta. Tôi đã rút ra được một bài học đó phải biết yêu thương những người xung quanh mình bằng tất cả tấm lòng.

Bản quyền thuộc về Sách Thư Viện. Ghi nguồn sachthuvien.com khi đăng lại bài viết này.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây