Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Hãy chứng minh rằng bảo vệ rừng là bảo vệ cuộc sống của chúng ta.

Thứ năm - 07/01/2016 10:32
“Rừng đang kêu cứu”! “Hãy bảo vệ lá phổi xanh của con người”!... Hàng trăm tít báo! Hàng ngàn lời kêu gọi! Đó là tất cả những gì mà chúng ta đang đối diện khi môi trường tuyệt vọng kêu cứu. Xã hội phát triển, nhịp sống công nghiệp hiện đại đưa con người tiến cao hơn trong mọi lĩnh vực. Nhưng song song với nó là sự ô nhiễm nghiêm trọng môi trường sống. Hậu quả tất yếu của “thế kỷ công nghiệp” là hàng ngàn hécta rừng đã và đang bị huỷ diệt, tầng ôzôn ngày một lâm nguy. Tại sao con người vẫn nhẫn tâm huỷ hoại rừng? Tại sao quá ít người nhận thức được sự quan trọng của lá phổi xanh, sự nghiêm trọng tàn khốc nếu vẫn tiếp tục tàn phá rừng?
Có thể khẳng định chắc chắn rằng: Không có rừng, không có cây xanh đồng nghĩa với sự huỷ diệt của con người và tất cả sinh vật trên thế giới.
 
Vì sao ư? Có lẽ ai cũng sẽ trả lời được câu hỏi này. Vì đơn giản, ai cũng sẽ biết: Cây xanh hấp thụ CO2 và thải khí O2 ra môi trường, cung cấp dưỡng khí cho con người và toàn thể sinh giới.
 
Quá trình quang hợp của cây xanh giúp điều hoà cân bằng khí quyển: Giải phóng O2 là dưỡng khí cho sinh giới và hấp thụ, cố định lượng CO2 góp phần ngăn chặn hiệu ứng nhà kính. Chỉ với cây xanh mà con người được lợi cả đôi bề: Có dưỡng khí để thở và chống lại hậu quả của việc thủng tầng ôzôn. Theo số liệu của V.V. Pôlevoi (1989) thì “mỗi năm cây xanh thải vào khí quyển lượng ôxi từ 70 - 120 tỉ tấn”. Và lượng dưỡng khí ấy được dùng cung cấp cho tất cả các cơ thể dị dưỡng hiếu khí như người, động vật... Rừng - quần thể của cây xanh - có vai trò đặc biệt trong việc duy trì nồng độ cao của ôxi trong khí quyển. Các nhà khoa học đã tính ra rằng l ha rừng vào mùa xuân và mùa hè trong thời gian một giờ thải vào khí quyển một lượng ôxi đủ cho 200 người hô hấp. Bên cạnh đó, sự quang hợp giải phóng 02 còn góp phần rất quan trọng trong sự hình thành tầng ôzôn được ra bởi sự quang phân li phân tử O2 dưới tác động của bức xạ mặt trời. Tầng ôzôn giúp chúng ta tránh khỏi sự huỷ hoại của tia tử ngoại... “Lí lẽ đơn giản ấy thiết nghĩ ai trong chúng ta cũng đều được học qua từ những ngày còn là học sinh Tiểu học. Ấy vậy mà có nhiều người vẫn cố quên hay cố tình quên, để tự động viên hành vi sai trái của mình là “Ôi chao! Rừng thì bạt ngàn, chặt phá vài hécta thì có là bao...” Điều đó thật không thế chấp nhận. Công nghiệp phát triển đã dẫn đến biết bao là sự ra đi vĩnh viễn của hàng ngàn cánh rừng. Đã vậy, khói thải từ các nhà máy và bụi bẩn từ cuộc sống hiện đại lại góp phần không nhỏ trong việc... phá huỷ tầng ôzôn. Vừa bị giảm đi đáng kể lượng dưỡng khí vì rừng bị tàn phá, con người vừa phải đối diện với hậu quả khôn lường của việc tầng ôzôn ngày một lâm nguy. Liệu sẽ ra sao nếu một ngày rừng không còn? Thật chẳng dám tưởng tượng đến cái cảnh đó. Không còn O2 cho chúng ta hô hấp, tầng ôzôn bị tàn phá hoàn toàn, tia tử ngoại chiếu thẳng xuống trái đất... Khi ấy, liệu cuộc sông sẽ còn?
 
Nên nhớ, địa cầu được gọi là “hành tinh xanh” bởi tất cả các hành tinh thuộc Thái Dương hệ đều không có được màu xanh của rừng, của biển, của sự sống, của niềm tin... như Trái đất. Chính vì thế, phải giữ vững màu xanh hạnh phúc của rừng, của cây xanh, của niềm tự hào vì có được một người bạn trung thành tiếp dưỡng cuộc sống cho chúng ta.
 
Nói đến hành tinh xanh, lại có thêm một lí do để chúng ta phải bảo vệ rừng. Phải giữ gìn nguồn tài nguyên vô giá ấy. Rừng không chỉ là môi trường cho cây xanh quang hợp mà còn là thiên đường nơi cõi thế cho những người yêu thiên nhiên. Ngày xưa, chính Nguyễn Trãi đã chấp nhận đánh đổi quyền thế, bỗng lộc để trở về ở ẩn Côn Sơn, để được cảm nhận phong vị trong lành của rừng xanh.
 
“Côn Sơn suôi chảy rì rầm,
Ta nghe như tiếng đàn cầm bèn tai.
Côn Sơn có đá rêu phơi,
Ta ngồi trên đá như ngồi chiếu êm.
Trong ghềnh thông mọc như nêm,
Tim nơi bóng mát ta lên ta nằm...”
 
Ưng dung, thanh thản và tự tại biết bao nơi núi đồi hoang dã mà cũng đầy thú vị ấy. Từng câu thơ mở ra trước mắt ta khung cảnh hữu tình hùng vĩ. Chợt nghe lòng bao cảm xúc thăng hoa, tự trong ta khẽ khàng tri ân thiên nhiên núi rừng. Cám ơn Người vì đã cho đời những Côn Sơn, những rừng xanh... Cảnh đẹp này liệu có bất kì máy móc công nghệ nào tự tạo ra được chăng?
 
Rời Côn Sơn, và rời thế kỉ XVI của Nguyễn Trãi, lúc thiên nhiên vẫn còn chưa “vướng đục bụi... công nghiệp”, ta đến Việt Bắc những năm đầu thế kỷ XX. Chao ôi, làm sao Tố Hữu lại may mắn chứng kiến bức tứ tình lộng lẫy đến thế của núi rừng:
 
“Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng
Ngày xuân mơ nở trắng rừng
Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang
Ve kêu rừng phách đổ vàng
Nhớ cô em gái hái măng một mình
Rừng thu trăng rọi hoà bình
Nhớ ai tiếng hát ân tình thuỷ chung...”
 
Sao mà ta ghen tị với Tố Hữu đến thế! Bốn bức tranh như được vẽ từ chốn bồng lai chứ chẳng phải cảnh đẹp của hạ giới. Ấy vậy mà đó là thật đấy, và nhờ nhà thơ đã chứng kiến bốn mùa xoay chuyển ở Việt Bắc với tất cả rung động nhỏ nhặt nhất của thiên nhiên. Và cũng tài tình biết bao khi chỉ vỏn vẹn một câu lục bát mà cái hồn, cái thần sắc của cảnh đẹp từng mùa cứ thế đi vào thơ, lung linh, dịu dàng... Đọc những dòng thơ mà tự thấy lòng đang sống trong cảnh, đang thưởng ngoạn núi rừng với tất cả niềm say mê. Sao mà kì vĩ thế chốn rừng sâu? Sao mà tươi mát lạ thường cái màu xanh của chồi non lộc biếc.
 
Giờ đây chắc khó tìm lại cái “tiếng đàn cầm” trong lành ở Côn Sơn hay màu trắng tinh khiết của rừng mơ Việt Bắc. Ta về ta nhớ những hoa cùng người. Có thề tình dân Việt Bắc vẫn nồng ấm thuỷ chung nhưng hoa rừng Việt Bắc chẳng biết đã lưu lạc phương nào. Đau xót biết bao nhiêu!
 
Ấy vậy mà còn có những kẻ nhẫn tâm chặt cây làm nhà, đốt rừng làm nương. Chẳng lẽ tâm hồn họ không cảm thấy chua xót khi nhìn chính lá phổi xanh của mình quặn đau? Chẳng lẽ trước màu xanh bạt ngàn ấm áp của rừng, họ không thấy lòng se lại những cảm xúc ngổn ngang? Đó là một hành động không thể chấp nhận được dù với bất cứ lí do nào. Cần có những biện pháp mạnh để ngăn chặn việc huỷ hoại môi trường sống, huỷ hoại cả tương lai của con người. Bởi rừng không chỉ là lá phổi, là nguồn dưỡng khí giúp ta tồn tại, là nơi bảo vệ ta khỏi hiểm hoạ hiệu ứng nhà kính... mà hơn hết rừng còn là người bạn trung thành nhất của ta. Nói cách khác, rừng nuôi dưỡng ta cả thể xác lẫn tâm hồn. Nhất là khi cuộc sống cứ ngày càng vội vã, hãy một lần đến hoà mình vào thảm thực vật của rừng xanh. Chính nơi ấy sẽ cho ta cảm giác yên bình, thanh thản và nhận thức sâu sắc rằng cần lắm phải bảo vệ rừng, bảo vệ lá phổi xanh.
 
Thật đáng sợ nếu một ngày “hành tinh xanh” của chúng ta không còn màu xanh của lá cây, rừng già. Chính vì thế, chúng ta hãy bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn sống của con người. Hãy giữ mãi sắc xanh hi vọng của “Hành tinh xanh”, giữ cho   "lá phổi” của Mẹ Thiên nhiên luôn trong lành...

Quách Lê An Khang – Học sinh giỏi Văn toàn quốc

  Ý kiến bạn đọc

DANH MỤC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây