Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Bằng những dẫn chứng trong văn học và trong thực tế đời sống hãy chứng minh rằng “Bác Hồ là người sống vô cùng giản dị, thanh bạch”.

Thứ năm - 07/01/2016 10:36
Bác Hồ vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc Việt Nam, không ai lại không yêu mến, quý trọng Người. Dân tộc Việt Nam và nhân dân thế giới ngưỡng mộ và ngợi ca Bác. Thế nhưng bất ngờ thay trong đời sống hàng ngày Bác lại là người vô cùng giản dị và thanh bạch. Sự giản dị và thanh bạch của Bác từ cuộc đời đã đi vào trong thơ ca.
Trước khi đi vào chứng minh ta phải cần tìm hiểu thế nào là giản dị và thế nào là thanh bạch. Giản dị nghĩa là đơn giản một cách tự nhiên trong phong cách sống, cách ứng xử cũng như trang phục trong đời sống thường ngày. Còn thanh bạch là sự trong sạch, giữ lối sống, phẩm chất của mình không để cho sự giàu sang cám dỗ trong bất cứ hoàn cảnh nào.
 
Trước hết chúng ta nói về giản dị. Sự giản dị của Bác được thể hiện nhiều mặt trong đời sống, từ lối sống đến cách làm việc và cả trong lời nói hàng ngày.
 
Lẽ thường các nguyên thủ quốc gia bao giờ cũng ở trong những dinh thự sang trọng, đẹp đẽ còn Bác Hồ của chúng ta chỉ ở trong ngôi nhà sàn đơn sơ, phòng ngủ của Bác chỉ độ mười mét vuông, một chiếc giường nhỏ và chiếc chiếu cói quá ư đơn giản. Trong Trường ca “Theo chân Bác” nhà thơ Tố Hữu đã viết:
 
“Nhà gác dơn sơ một góc vườn
Gỗ thường mộc mạc chẳng mùi sơn
Giường mây chiếu cói đơn chăn gối
Tủ nhỏ, vừa treo mấy áo sờn.”
 
Bữa cơm của Bác cũng chỉ vài ba món đơn giản. Bác rất thích ăn rau muống luộc với cà muối, món bình dân của người xứ Nghệ. Thức ăn còn thừa Bác dọn lại để cẩn thận sạch sẽ. Cách sống như vậy chứng tỏ Bác rất quý trọng công sức lao động và luôn cần kiệm trong đời sống.
 
Trong tác phong sinh hoạt hàng ngày, trong làm việc và cách cư xử quan hệ với mọi người sự giản dị của Bác lại biểu hiện một cách khác. Đi kháng chiến Bác chống gậy trúc leo núi, vắt khăn lên vai lội suối ăn ngô nướng cùng với đồng bào chiến sĩ. Vào thời kì miền Bắc xây dựng cuộc sống mới, Bác ra đồng cầm gàu tát nước với bà con nông dân. Chiến tranh bùng nổ, Bác đội mũ sắt ra thăm trận địa pháo, xuống bếp thăm anh nuôi. Bác quan tâm đến các thương binh, gởi thư động viên thăm hỏi và kêu gọi cả toàn xã hội cùng quan tâm động viên giúp đỡ. Bác quan tâm đến tất cả mọi người một cách ân cần, chu đáo từ các anh em phục vụ đến kiều bào ở nước ngoài lúc nào Bác cũng chân tình, cởi mở, hoà đồng. Có câu chuyện kể lại rằng có một lần đến Pháp, đại biểu kiều bào đến thăm Bác khách đông, phòng khách không đủ ghế ngồi, Bác đã ngồi xuống sàn nhà mời mọi người ngồi thế nói chuyện một cách thân mật. Đó là hình ảnh của vị cha già dân tộc ân cần thân mật hỏi thăm đàn con bao năm lưu lạc ở quê người. Qua cách sông, cách cư xử của Bác thể hiện đời sống tâm hồn của một con người có tư tưởng lớn lao, vĩ đại.
 
Sự giản dị của Bác còn được thể hiện ở trong lời nói, bài viết hàng ngày. Lời nói của Bác rất rõ ràng không cầu kì hoa mĩ mà rất ấm áp chân tình. Ngày 2/9/1945, giữa không khí thiêng liêng trang trọng trước hàng vạn đồng bào quốc dân, Bác đọc Tuyên ngôn Độc lập - đang đọc giữa chừng Bác dừng lại nhìn về phía mọi người và hỏi: Đồng bào nghe tôi nói rõ không, cả hàng vạn người cùng cất lên tiếng đáp “có... có... có”. Cậu hỏi của Bác đã xoá đi ranh giới ngăn cách giữa một vị chính khách và quần chúng nhân dân kéo tất cả mọi người về sự gần gũi, gắn bó. Những bài viết của Bác thường rất ngắn gọn, trong sáng, dễ hiểu, tuỳ đối tượng tiếp nhận mà Bác có cách viết riêng phù hợp. Ví dụ như, để kêu gọi nông dân đoàn kết Bác lấy hình ảnh hòn đá:
 
Hòn đá to, hòn đá nặng
Chỉ một người nhấc không đặng
Hòn đá nặng, hòn đá bền
Chỉ một người nhấc không lèn
Phải đồng sức phải đồng lòng
Việc gì khó củng thành công.
 
Sự giản dị đó đã làm cho mọi người tiếp thu được chân lí một cách dễ dàng, dễ nhớ, dễ thực hiện.
 
Bác Hồ không chỉ giản dị mà còn rất thanh bạch, sự thanh bạch của Bác được thế hiện trong cách sống của Bác. Bác là một vị lãnh tụ đứng đầu quốc gia nhưng Bác chối từ tất cả vinh hoa phú quý, không ở dinh thự mà ở nhà sàn, không đóng những bộ com lê đắt tiền mà chỉ những bộ đồ ka ki đơn giản, đôi dép cao su bình dị. Suốt đời Bác vì dân, vì nước không tư lợi một tí gì cho bản thân. Chiếc giường của Bác chỉ chiếc chiếu cói như muôn triệu người Việt Nam khác không hề có trướng gấm màn nhung sang trọng.
 
Nhà thơ Tô" Hữu đã thay mặt dân tộc ngợi ca Bác:
 
Bác để tình thương cho chúng con
Một đời thanh bạch, chẳng vàng son
Mong manh áo vải hồn muôn trượng
Hơn tượng đồng phơi những lối mòn.
(Bác ơi - Tố Hữu)
 
Ngay cả khi từ giã cuộc đời, “ra đi gặp các cụ Các Mác, cụ Lê nin” Bác vẫn thể hiện sự thanh bạch cao quý của mình. Tháng 9/1969, Bộ Chính trị thật đau lòng nhưng vẫn phải đưa vấn đề hậu sự để hỏi xin ý kiến của Bác. Ý muốn của Bộ Chính trị là Bác mất thi hài phải được đặt một nơi long trọng an toàn. Bác không đồng ý mà bảo thiêu xác lấy tro vừa giữ được vệ sinh vừa đỡ tốn kém. Nhưng sau đó ý kiến tập thể giữ lại thi hài của Bác để ngày thống nhất đồng bào miền Nam ra thăm còn được thấy Bác. Đó là nguyện vọng của nhân dân cả nước, là lợi của nhân dân, Bác đành im lặng chấp nhận.
 
Lối sống giản dị, thanh bạch của Bác càng thể hiện tâm hồn cao cả của Bác, sự trong sạch suốt đời vì dân vì nước của Bác và chính vì vậy Bác luôn ở trong trái tim của mỗi chúng ta. Là con cháu của Bác, em thấy mình phải noi gương Bác cố gắng giản dị trong cách sống, cách sinh hoạt, không chạy theo lối sống đua đòi, phải luôn gần gũi, hoà đồng với mọi người và bạn bè.

Bác ơi tim Bác mênh mông thế
Ôm cả non sông mọi kiếp người.
(Bác ơi — Tố Hữu)

  Ý kiến bạn đọc

DANH MỤC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây